Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

3257 - 'Vụ án Xét lại chống Đảng' lên báo Việt Nam



Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất đảng Lao Động ở Bắc Việt giai đoạn vụ án xảy ra
Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất đảng Lao Động ở Bắc Việt giai đoạn vụ án xảy ra-Getty Images
Chuyện về một nhân vật liên quan "Vụ án Xét lại chống Đảng" được đăng trên hai báo ở Việt Nam, gợi nên câu hỏi liệu sự kiện này có tiếp tục được "giải mã" trên kênh chính thống. Cuộc trấn áp ở Hà Nội cuối năm 1967 buộc tội nhiều nhân vật cao cấp âm mưu lật đổ cho đến nay vẫn được một số thân nhân kêu gọi Đảng Cộng sản công khai nhìn nhận lại.
Trong diễn biến hiếm có, báo Thanh Niên các ngày 26 và 27/2, và hiện tại báo mạng Một Thế Giới đang đăng các bài, của nhà báo Quốc Phong (và Huy Anh trong bản trên Thanh Niên) viết về Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh.
Các bài báo này giới thiệu ông Vịnh là nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là một trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài trên báo Thanh Niên gọi ông là người có "nỗi oan gần 3 ngàn ngày".
Theo mô tả của bài, tai họa đến với ông vào năm 1968. Sau hơn 4 năm bị tạm đình chỉ công tác, điều tra, năm 1972, ông bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
Đến năm 1977, ở tuổi 59, ông được Bộ Chính trị đã kết luận "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và được phục hồi chức vụ - tuy nhiên cấp bậc không còn là trung tướng mà xuống thiếu tướng.
Năm 2007, Chủ tịch nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất.
Trong khi đó, loạt bài còn đang tiếp tục đăng trên Một Thế Giới, cũng của nhà báo Quốc Phong, phỏng vấn thêm ông Bùi Huy Hùng, được cho là người thân trong gia đình tướng Vịnh.
Ông Hùng mô tả tình hình Liên Xô và Trung Quốc khi đó: "Một ông thì bị xem là xét lại, hòa hoãn với phương Tây, với đường lối chung sống hòa bình, thi đua phát triển."
"Ông kia thì được xem là giáo điều, quyết chống Mỹ triệt để, tuyên bố sẵn sàng chiến tranh tổng lực, khích lệ Việt Nam chống Mỹ (sau này mới té ra là ông ta "muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"!!!)."
"Tôi nghĩ rằng, trong tình hình phức tạp như vậy việc trong giới lãnh đạo cao cấp ở nước ta có sự khác nhau về nhận định tình hình quốc tế, phương pháp tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước là điều dễ hiểu."
Trong bài, ông Hùng xác nhận tướng Vịnh bị kỷ luật "rất nặng" do cáo buộc "có quan hệ và câu kết" với Thiếu tướng Đặng Kim Giang, người bị cho là "đứng đầu nhóm".

Người thân các nạn nhân

Vào tháng 7/2017 trên mạng internet xuất hiện lá thư được cho là của nhiều người thân các nạn nhân của "Vụ án xét lại chống Đảng".
Trong thư, có đọan: "Theo ông Nguyễn Trung Thành (vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm."
"Trong cuộc trấn áp được mở rộng, bất kỳ người nào có quan điểm ít nhiều khác với đường lối của đảng, đều bị quy kết là "xét lại" và bị trừng phạt với những mức độ khác nhau."
"Sự trừng phạt nặng nề còn tiếp diễn vào cuối thập niên 90 đối với ông Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ lý vụ này khi ông cùng ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân."



Ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) từng viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.Bản quyền hình ảnhOTHER
Image captionÔng Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) từng viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.

Bài trên Một Thế Giới hôm 11/3 dẫn lời ông Bùi Huy Hùng kể một chi tiết về ông Lê Đức Thọ: "Điều đáng lưu ý là người phụ trách việc này của Trung ương Đảng khi đó là ông Lê Đức Thọ, và cũng chính ông Thọ đã đưa tận tay cái quyết định có ý nghĩa "giải oan" cho tướng Vịnh tại khu B bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, nơi ông đang điều trị."
"Thế rồi sau khi ông Thọ vào thăm, ông đã có ý kiến thế nào đó nên tướng Vịnh được chuyển sang khu vực điều trị dành cho cấp bộ trưởng. Tuy nhiên, ông Vịnh nói khéo rằng mình sắp xuất viện, không chịu sang khi bệnh viện đến thông báo."
Trong sách Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức năm 2012 có cho biết thêm chi tiết về Tướng Vịnh.
Theo đó, ngày 13/10/1977, quyết định số 255 do ông Lê Đức Thọ ký, viết: "Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biết Đặng Kim Giang là phần tử xấu có quan điểm chống lại Nghị quyết 9 của Đảng vẫn quan hệ trao đổi một số quan điểm sai trái về đường lối chống Mỹ, tiết lộ những tin tức cơ mật về quân sự, chính trị với Giang. Giang đã sử dụng những tin ấy để hoạt động chống Đảng và cung cấp cho người nước ngoài."
"Nhưng tác hại không lớn. Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang và không biết Giang hoạt động chống Đảng có tổ chức như sai lầm của 3 ủy viên Trung ương: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng."
Còn lá thư tháng 7/2017 được cho là của người thân các nạn nhân nói: "Chúng tôi cũng gửi bản lên tiếng này tới các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để nói rằng những thế hệ nối tiếp của các nạn nhân trong "vụ Xét lại chống Đảng" sẽ còn tiếp tục lên tiếng cho tới khi vụ này được công khai trước toàn dân, cho tới khi lẽ công bằng được lập lại cho những nạn nhân còn sống và đã khuất."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét