Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

296 - Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm, nhìn từ Singapore


Vũ Minh Khương

Dân Đồng Tâm
Người dân Đồng Tâm sau một cuộc họp thường kỳ năm ngoái FB Cong Le

Dù đã ở trước thềm của năm mới Canh Tý, có lẽ mỗi chúng ta đều vẫn trăn trở với cảm xúc u uất khi nghĩ đến vụ việc Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/2020. Sẽ là đường đột nếu vội phán định ai đúng, ai sai trong khi rất thiếu thông tin và sự minh bạch về một vấn đề phức tạp, đã kéo dài nhiều năm. Hơn thế nữa, việc dùng một tiêu chí nhị phân về đúng-sai không còn phù hợp trong bối cảnh vấn đề quyết định bởi nhiều thành tố mà mỗi bên có thể đúng ở thành tố này nhưng sai ở thành tố khác.

Với một ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bài viết ngắn này đề nghị dùng một bộ tiêu chí đơn giản nhưng khách quan và hàm súc để đánh giá về một quyết sách hệ trọng có tác động tiềm tàng đến công cuộc phát triển của một quốc gia.
Thật may mắn, bộ tiêu chí này có thể gói gọn một cách dễ nhớ trong bảy từ tiếng Anh bắt đầu với V, I, E, T, N, A, M. Để ngắn gọn ta có thể gọi bộ tiêu chí này là bộ tiêu chí VIETNAM hay phẩm cách Việt Nam.
Chữ V chỉ Vision - Tầm nhìn. Tầm nhìn này không chỉ là mục tiêu Việt Nam muốn vươn tới mà cả động lực nền tảng để Việt Nam đi lên, đó là là lòng dân. Với Việt Nam, một dân tộc đã chịu muôn vàn đau thương trong suốt chiều dài lịch sử của mình, lòng tin không chỉ là tài sản vô giá mà còn là bảo bối thiêng liêng dân tộc này phải giữ lấy bằng mọi giá vì sự tồn vong của giống nòi.
Chữ I chỉ Integrity - Sự Chính trực. Một quyết sách chỉ có sự chính trực cao khi nó cao quí về mục đích và quang minh chính đại trong cân nhắc phương cách hành động. Sự chính trực không để cho người dân, dù là họ sai, bị tước đoạt những quyền cơ bản được bảo vệ chính kiến của mình.
Chữ E chỉ Enlightenment - Sự khai sáng. Sự khai sáng đòi hỏi người ra quyết sách không chỉ căng mắt tìm kiếm, học hỏi tri thức nhân loại và chuẩn mực quốc tế mà cả lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân. Không cầm được nước mắt trước nỗi đau của dân, trăn trở đêm ngày với với ước vọng của dân, một lòng một dạ vì tương lai của dân là những phẩm chất căn bản về tầm khai sáng của một người cán bộ.
Chữ T chỉ Trustworthiness - Sự đáng tin cậy. Đây là tiêu chuẩn có tính sống còn. Nếu quyết sách bị nghi ngờ là vụ lợi hoặc không công bằng, nó sẽ tự mất đi toàn bộ hiệu lực của nó.
Chữ N chỉ Nation-first, nghĩa là đất nước trên hết. Lịch sử dân tộc cho thấy, một quyết sách nếu thực sự thiêng liêng vì nước, chắc chắn người dân, dù là ai, cũng sẵn sàng sẻ cửa sẻ nhà để đóng góp.
Chữ A chỉ Aspiration - Khát vọng. Người Việt Nam có khát vọng rất lớn cho tương lai đất nước. Nó là nguồn năng lượng vô song không chỉ giúp đất nước vững vàng trước hiểm họa mà còn là động lực tiềm tàng đưa đất nước đi lên. Quyết sách tốt là quyết sách dấy lên được khát vọng về tương lai đất nước của người dân.
Cuối cùng, chữ M chỉ Motherland - Đất Mẹ/Tổ Quốc. Tình đồng bào là kết tinh của phẩm chất này. Quyết sách tốt không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của người dân. Một khi đã sai thì tìm cách làm giảm đi nỗi đau tê tái này.
Đối chứng với bộ tiêu chí VIETNAM trình bày ở trên, với sự thành tâm tự đáy lòng của một trí thức bình thường, tôi thấy quyết sách về vụ việc Đồng Tâm của chính quyền đạt chuẩn rất thấp. Vì mỗi quyết sách quan trọng đều có tác động đến công cuộc phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đối chiếu với bộ phẩm cách Việt Nam này, mỗi người có thể tự đánh giá xem môt quyết sách quan trọng đưa đất nước đi lên hay đi xuống; đi lên bao xa và đi xuống đến mức nào.
Để đất nước vươn tới tầm nhìn khát vọng mà ngàn đời hằng mong đợi, đất nước cần hơn bao giờ hết những quyết sách có phẩm cách Việt Nam rất cao và không chấp nhận sự lặp lại của những quyết sách tầm thấp như Đồng Tâm.

295 - ‘Tiền hậu bất nhất’ trong lý do đưa quân đến Đồng Tâm của Bộ Công an




Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020.


Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khi phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14/1/2020, cho biết, cảnh sát cơ động vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để ‘kịp thời bảo vệ người dân’ trước lời đe dọa của nhóm chống đối. Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sở dĩ rạng sáng Công an Hà Nội đưa quân vào lập các chốt an ninh trong xã, vì theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm. Tường rào này bắt đầu xây từ khu vực giáp ba xã của huyện Chương Mỹ, kéo dài tới xã Đồng Tâm.

294 - Vụ Đồng Tâm: Tôi không tin lập luận của công an

Nguyễn Tiến Trung
Tôi rất khen ngợi nghiệp vụ báo chí của báo VietnamNet. Ban biên tập VietnamNet đã để chữ “mưu đồ” trong ngoặc kép nhằm cảnh báo người dân phải “nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng”, không được nghe lời tướng công an nói mà phải dùng lý trí để suy xét xem những gì họ nói ra có đúng không.

293 - Bắc Kinh tuyên truyền thất bại tại Đài Loan



Người ủng hộ bà Thái Anh Văn vui mừng trước chiến thắng trong bầu cử hôm 11 tháng Giêng, 2020.


Cuộc bầu cử tại Đài Loan kỳ này, theo Wu Jieh-min, nhà xã hội học tại Academia Sinica ở Đài Bắc, thì nó là cuộc bầu cử chủ yếu về Trung Quốc. Viết trên The New York Times ngày 10 tháng 1, trước ngày bầu cử, những phân tích của ông Wu dựa trên các khảo cứu khá xác thực. Cùng với nhà kinh tế học Liao Mei, ông Wu phân tích các dữ kiện thu thập từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2019. Theo dữ kiện có được, 73 phần trăm người tham gia cuộc khảo cứu cho rằng họ không muốn Đài Loan “thống nhất với Trung Quốc đại lục ngay cả khi nước này đạt cùng trình độ phát triển kinh tế và chính trị như Đài Loan”.

292 - 04/11/1979: Sinh viên Iran tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ



04


Vào ngày này năm 1979, hàng trăm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hơn 60 con tin người Mỹ. Nhóm sinh viên này ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ Ayatollah Khomeini. Họ đòi trục xuất nhà lãnh đạo bị lật đổ của Iran, Shah Mohammed Reza Pahlevi, người đã trốn sang Ai Cập hồi tháng 1/1979, và tới tháng 11 thì được điều trị ung thư tại Mỹ. Sau cuộc tấn công của sinh viên, Tổng thống Jimmy Carter đã ra lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Iran.

291 - Đồng Tâm: Đừng để oan oan tương báo!

Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm. Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. 
Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Mới thấy mạng người trong bi kịch Đồng Tâm không được quý trọng. Quyền được sống trong câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ – “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” – sau 74 năm vẫn còn là điều không đạt được với nhiều người.
Viết đến đây, nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 9/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết. Và càng không phải chết thảm thương như vậy.
Nhiều người đợi chờ sự lý giải phải trái đúng sai ở Đồng Tâm vào lúc này. Phải trái đúng sai là để mà giải quyết tranh chấp. Nhưng tranh chấp đã được giải quyết bằng súng đạn, thì ý nghĩa phải trái đúng sai lúc này tuy quan trọng, vẫn không quan trọng bằng giải quyết hậu quả. Bài viết này không bàn về đúng sai của 59 héc ta đất Đồng Sênh giữa hai bên tranh chấp. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Về Đồng Tâm dù có nhiều bài viết nữa cũng không bao quát hết sự việc. Bài viết hôm nay chỉ nói về một phần hậu quả của bi kịch đêm 09/01/2020 ở thôn Hoành.
I. NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
1. CHIA RẼ SỰ ĐOÀN KẾT LÀM GIẢM SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC
Việc đưa cả ngàn cảnh sát cơ động đến thôn Hoành đêm 09/01/2020 dẫn đến 4 người bị thiệt mạng, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền. Hãy lướt qua mạng xã hội để thấy sự chia sẽ này rộng lớn đến mức độ nào.
Trong lúc Trung Quốc đang mang tàu đến uy hiếp ở vùng biển Việt Nam thì nội bộ Việt Nam bị chia rẽ. Sức mạnh của Việt Nam bị giảm sút. Tinh lực và đồng lòng của Việt Nam bị phân tán. Tác hại của việc tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh thật nguy hiểm.
Phải nhìn nhận cho sáng, rằng sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng – chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.
2. VẾT THƯƠNG LƯƠNG TÂM
Hãy nhìn vào biểu hiện của cộng đồng mạng để đánh giá cho đúng tình hình. Bi kịch Đồng Tâm là vết thương lòng của nhiều người. Đã có nhiều người khóc khi biết những mất mát ở thôn Hoành đêm 09/01/2020. Họ không trúng đạn mà cũng như bị trúng đạn.
Họ khóc vì thương xót. Họ khóc vì day dứt. Ở bình diện nào đó, trong cái chết của đồng bào ở thôn Hoành đêm 09/01/2020 có lỗi của họ. Những người đã khóc đều cố gắng tìm hiểu lỗi của mình ở đâu.
Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm không thể xóa bỏ bằng tuyên truyền. Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm phải chữa trị bằng cách khác.
3. MẤT NIỀM TIN VÀ SỢ BẠO LỰC
Thanh tra không phải là tòa án. Thanh tra là của chính quyền. Khi chính quyền tranh chấp với chính quyền thì có thể dùng thanh tra. Nhưng khi chính quyền tranh chấp với người dân thì phải dùng tòa án. Trong vụ Đồng Tâm không có tòa án. Trong vụ Đồng Tâm, thanh tra của chính quyền giải quyết tranh chấp của chính quyền với người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin vào chính quyền vì sự không công bằng.
Rồi chính quyền dựa vào thanh tra của chính quyền để sử dụng vũ lực. Sau bi kịch Đồng Tâm đêm 09/01/2020, một nỗi sợ hãi nguy cơ bạo lực đang lảng vảng. Khi người dân mất niềm tin vào chính quyền, sợ bạo lực từ chính quyền, thì đó phải là nỗi lo của chính quyền.
4. HỆ LỤY QUỐC TẾ
Việt Nam đang hòa nhập cùng quốc tế. Trên con đường hòa nhập, Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… trong các hiệp ước song phương và đa phương – đều yêu cầu tuân thủ theo những chuẩn mực mà họ đã đeo đuổi. Khi tham gia một trò chơi, phải tuân thủ theo luật của trò chơi đó.
Nhóm người khởi xướng “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 đã không tiên lượng các hệ lụy quốc tế.
Bắt đầu từ tranh chấp 59 héc ta đất đồng Sênh có phải là đất quốc phòng hay không, cho đến việc chính quyền tuyên bố người dân Đồng Tâm “chống đối người thi hành công vụ” đã là một khoảng cách. Nhưng cho đến “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 thì đó là một trời một vực những bức thành ngăn cách về pháp lý.
“Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 không phải là một cuộc cưỡng chế, cũng không phải bảo vệ xây tường rào ở cánh Đồng sênh.
Tập trung cả ngàn CSCĐ với súng đạn đến thôn Hoành vào ban đêm, đưa đến kết quả là Cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình bị triệt hạ bằng nhiều phát đạn. Với thước đo của EU, sự vụ Đồng Tâm đêm 09/01/2020 sẽ lọt vào phạm trù khác.
Một điểm khác nữa ở bi kịch Đồng Tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực lên vai trò quốc tế của Việt Nam – chính là sự hạn chế thông tin.
Việc không cho phép truyền thông đến Đồng Tâm đưa tin trực tiếp – không biện minh được cho sự minh bạch thông tin. Trong khi livestream là công nghệ truyền hình trực tiếp đơn giản mà ai cũng có thể phát được cho cộng đồng theo dõi, thì đã không được phép bất cứ dưới hình thức nào ở Đồng Tâm. Không cho bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, ngoại trừ thông tin của chính quyền, đã dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội về đánh giá vụ việc Đồng Tâm. Chính quyền hành xử đúng luật pháp thì càng phải để tự do thông tin cho toàn dân được rõ. Lúc đó không ai có thể lợi dụng để xuyên tạc.
Có thể giải quyết vụ tranh chấp Đồng Sênh bằng cách khác, không để xảy ra án mạng, không để xảy ra ảnh hưởng uy tín của Việt Nam. Nhưng tiếc thay, thực tế đã xảy ra theo chiều hướng bất lợi.
Đồng Tâm là trường hợp ‘kẻ mạnh làm điều họ có thể làm, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng’. Ở Đồng Tâm không có chiến công. Ở Đồng Tâm chỉ có thất bại. Không có gì có thể biện minh cho sự mất mát con người ở Đồng Tâm.
Nếu muốn bắt những người có tội thì không khó. Càng không phải huy động đến cả ngàn cảnh sát. Chỉ “bảo vệ xây tường rào từ xa” mà làm mất đi 4 mạng sống! Trong khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ đánh chiếm nơi cứ trú được trang bị vũ khí bảo vệ nhiều lớp của Bin Laden, Abu Al-Baghdad mà không ai phải hy sinh. Chứng cứ nói lên rất nhiều.
Bị kịch Đồng Tâm sẽ còn được nhắc đến nhiều nữa. Bi kịch Đồng Tâm là một cột mốc đen. Không ai che dấu mãi mãi được sự thật. Sự thật Thủ Thiêm phải đến 20 năm mới tìm ra một phần. Sự thật Đồng Tâm chỉ có thể bạch hóa toàn diện sau vài chục năm nữa. Lịch sử sẽ có đánh giá công bằng về bi kịch Đồng Tâm.
ĐỀ XUẤT
Đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng để đối phó với giặc ngoại xâm đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Bởi thế những vụ như Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Đồng Tâm – không thể tái diễn. Muốn vậy chính quyền phải có những thay đổi căn bản trong chính sách đất đai, là một trong những nguồn cơn của các xung đột vừa nêu.
1. Mọi sự việc khiếu kiện về đất đai cần được giải quyết qua con đường tòa án. Vai trò của tòa án phải được đặt đúng vị trí.
2. Mọi sự cưỡng chế đất đai phải thông qua quyết định và phương tiện của tòa án. Lực lượng công an vũ trang, quân đội – không tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào các tranh chấp dân sự, kinh tế.
3. Nhất thiết phải sửa đổi luật đất đai, trong đó khẳng định quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
4. Đối với vụ Đồng Tâm hiện nay, phải thực thi tư tưởng KHÔNG TRẢ THÙ. Tư tưởng này được Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thực hiện xuyên suốt trong các vụ tranh chấp đất đai mà ông được phân công phụ trách. Tiếc thay cho đồng bào Đồng Tâm đã không được gặp một người như Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.
‘Oan oan tương báo’ thì đến bao giờ mới có thể đoàn kết được dân tộc! Các bị cáo phải có luật sư bào chữa theo đúng quy định pháp luật. Những lời khai của các bị cáo phải được lấy trong chứng kiến của các luật sư và trong điều kiện bình thường. Thực tế đã chứng minh hàng ngàn phản cung do bị ép cung.
Đất nước đã đổ máu trong nhiều thập niên chiến tranh. Trong thời bình đất nước không thể đổ máu vì xung đột kinh tế nội bộ. Không ai dám chống chính quyền cả, ngoại trừ bị dồn vào tình thế bắt buộc. Còn lật đổ chính quyền – thì như ông Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nói hôm 25/12/2019: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.
Lời thẳng khó nghe. Làm cho kẻ yêu quyền lực bực tức. Chỉ những bậc minh trị mới chịu nghe lời chỉ trích.

290 - Iran : Bắn lầm máy bay, Solemani…khi ‘người tính không bằng trời tính’




Ngược với lệ thường, người biểu tình ở Teheran tránh dẫm lên những lá cờ Mỹ và Israel sơn trên đường, mà sự phẫn nộ tập trung vào chính quyền Iran. Ảnh từ mạng xã hội ngày 12/01/2020. Reuters
Sau thời kỳ đoàn kết ngắn ngủi trước việc Mỹ trừ khử tướng Ghassem Soleimani đêm 2 rạng 3 tháng Giêng, sự dối trá của chính quyền về vụ bắn rơi chiếc máy bay Boeing của Ukraina một lần nữa đã đẩy người dân Iran xuống đường.