Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

17463 - Tại sao cộng sản sợ dân giàu?

Trung Nguyễn


TT Nguyễn Xuân Phúc: Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Ảnh: Minh Đạt/ VNN

Sáng ngày 11/11/2019, tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội cộng sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã buột miệng nói một câu khiến người nào nghe được cũng chưng hửng: “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!“ Như thế, rõ ràng là có rất nhiều đảng viên cộng sản sợ dân giàu nên ông Phúc mới phải khuyên các đảng viên cộng sản kiêm đại biểu quốc hội như vậy.
Vấn đề đặt ra là tại sao những người cộng sản, những người “đại diện” cho dân được cơ cấu, quy hoạch lại không muốn dân giàu? Cần trả lời thấu đáo câu hỏi này để người dân thấy được bản chất thực sự của chế độ cộng sản.
Dân giàu thì dân sẽ mạnh hơn đảng Cộng sản

Cần khẳng định rằng, bằng việc tự cho mình quyền cai trị quốc gia mà không cần thông qua dân bầu, giới cai trị cộng sản chính là “giai cấp thống trị” ở Việt Nam, còn “giai cấp bị trị” chính là tuyệt đại đa số người dân và các đảng viên cộng sản cấp thấp.
Theo chủ nghĩa Mác Lênin, động lực phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay chính là việc “giai cấp bị trị” vùng lên lật đổ “giai cấp thống trị”.
Như thế, người dân và các đảng viên cộng sản cấp thấp chính là sự đe dọa đối với sự tồn vong của chế độ độc đảng toàn trị. Do đó, giai cấp thống trị chắc chắn sẽ phải tìm cách kìm hãm sự lớn mạnh của giai cấp bị trị.
Lênin đã dạy người cộng sản rằng: “Kinh tế quyết định chính trị”. Do đó để khống chế giai cấp bị trị, giai cấp thống trị sẽ phải tìm mọi cách để khiến giai cấp bị trị luôn nghèo và yếu hơn giai cấp thống trị. Đó là lý do tại sao luật pháp do giới cai trị cộng sản đặt ra không hề bảo đảm quyền tư hữu về tài sản, trong đó quan trọng nhất là quyền tư hữu đất đai.
Suy cho cùng, đâu có thứ gì của dân có giá trị hơn đất đai. Cán bộ cộng sản chỉ chăm chăm cướp đất của dân để làm giàu cho bản thân và dòng họ, mặc dân oan bị cướp đất đi kêu oan ròng rã hàng chục năm trời như ở Thủ Thiêm. Cán bộ cộng sản đâu thèm cướp ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh của dân bao giờ.
Với việc dân có quyền kinh doanh làm giàu nhưng có thể bị tước đoạt tài sản quan trọng nhất là đất đai bất cứ lúc nào, giới cai trị cộng sản có thể yên tâm là bất kì ai giàu lên mà không thuần phục họ thì đều có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào, bằng luật [rừng].
Tại sao cộng sản ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài?
Như chính ông Phúc nhận định, các nhà đầu tư lo sợ đầu tư vào Việt Nam vì tài sản của họ không được bảo đảm. Với việc tuyên bố theo chủ nghĩa cộng sản, thực hiện “kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội”, đảng Cộng sản Việt Nam có thể xóa bỏ sở hữu tư nhân bất kì lúc nào để quốc hữu hóa tài sản của dân.
Không doanh nhân nào có thể yên tâm làm ăn dưới một chế độ luôn lăm le “quốc hữu hóa” tài sản của họ, một mĩ từ che đậy cho việc ăn cướp tài sản dân, của đảng viên cộng sản.
Với việc có đông đảo người dân giàu lên, tạo thành tầng lớp trung lưu, thì đó chính là bệ đỡ cho nền dân chủ. Khi người dân đã đủ ăn, đủ mặc, thì họ sẽ hướng tới những nhu cầu cao hơn, đó là nhu cầu tự do, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu có tiếng nói trong các vấn đề chính trị…
Tiếng nói của những người dân đủ ăn, đủ mặc đó, sẽ có sức nặng vì giai cấp thống trị cộng sản sẽ không thể khống chế và buộc họ im lặng được nữa. Chế độ cộng sản chắc chắn sẽ lung lay.
Đó cũng là lý do tại sao đảng Cộng sản rất ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đơn giản vì các công ty nước ngoài chỉ cần kiếm tiền tại Việt Nam chứ không cần phải nắm quyền lực chính trị và cũng không thể nắm quyền lực chính trị. Còn các công ty trong nước càng ngày càng teo tóp vì không có bất kì ưu đãi gì từ phía đảng Cộng sản, như chính chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Tôi có một người bạn là doanh nhân giỏi trong ngành logistic. Bạn cho biết là bạn không dám mở rộng công ty của bạn có hơn 200 nhân viên vì sợ rằng sẽ bị giai cấp thống trị cộng sản “làm thịt”. Từ đó có thể suy ra, đa số những công ty lớn, công ty siêu lớn ở Việt Nam đều phải là công ty sân sau của quan chức thì mới có thể sống được.
Thử tưởng tượng một doanh nhân làm giàu chân chính, có hàng chục ngàn nhân viên dưới quyền, thì đó là một lãnh đạo dân chủ tiềm năng, có thể trở thành đối thủ chính trị với các lãnh đạo cộng sản. Chắc chắn dân sẽ tin vào khả năng quản trị quốc gia của doanh nhân đó, hơn là các lãnh đạo cộng sản chỉ biết tụng niệm Mác Lê.
Chính vì giai cấp thống trị cộng sản sợ dân giàu nên họ mới dứt khoát ghi một điều phi logic trong điều 51 Hiến pháp 2013, là “các thành phần kinh tế bình đẳng” “theo pháp luật” nhưng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tại sao đã là “bình đẳng” mà lại có một thứ là “chủ đạo”? Tức là đảng Cộng sản ngoài miệng thì nói bình đẳng nhưng thật ra chỉ muốn đảng Cộng sản và nhà nước giàu thôi, chứ người dân không được phép giàu hơn đảng Cộng sản. Nếu người dân giàu hơn đảng Cộng sản thì đảng Cộng sản sẽ bị dân lật đổ thôi.
Tước đoạt quyền chính trị của dân để dân yếu
Cũng tương tự như vậy trong chính trị, điều 16 Hiến pháp khẳng định, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật nhưng điều 4 Hiến pháp lại cho các công dân là đảng viên cộng sản có quyền cai trị các công dân khác.
Rất dễ thấy, các công dân theo chủ nghĩa cộng sản có quyền lập đảng Cộng sản, sinh hoạt đảng phái, nhưng các công dân khác lập đảng, như đảng Dân Chủ, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Vì Dân… thì đều bị đàn áp, bắt bớ.
Các công dân trong đảng Cộng sản có quyền lập hội và tham gia đủ thứ hội như Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Cựu chiến binh,… nhưng nếu công dân lập hội thì sẽ bị dán cái nhãn là “phản động” như Diễn đàn Xã hội dân sự, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Mạng Lưới Bloggers VN, Vì Một Hà Nội Xanh,…
Giai cấp thống trị cộng sản ngăn ngừa mọi hình thức người dân có thể tập hợp với nhau để tạo sức mạnh. Ngay cả những việc như người dân kiện tập thể Formosa, hoặc công ty nước sông Đà cũng không được phép mà phải kiện riêng lẻ từng người.
Người cộng sản hiểu rất rõ sức mạnh của dân, khi dân giàu lên hoặc khi dân biết đứng lại với nhau để tạo sức mạnh, đòi quyền lợi, nên họ đã dập tắt việc dân giàu và dân sử dụng các quyền công dân, quyền chính trị của mình ngay từ trong trứng nước.
Sợ cả dân được khai trí
Người cộng sản cũng sợ dân được “khai dân trí” như chủ trương của cụ Phan Châu Trinh. Tại phiên tòa xét xử luật sư Trần Vũ Hải tội “trốn thuế” vừa qua, các luật sư nổi tiếng như Trần Đình TriểnĐặng Đình MạnhNgô Anh Tuấn… đều có những bài viết hoặc phỏng vấn, bênh vực luật sư Trần Vũ Hải. Bên viện kiểm sát và tòa án đều né tránh trả lời các câu hỏi của các luật sư, vì họ biết họ mới là những người đang vi phạm pháp luật.
Cũng vì sợ dân hiểu biết nên giai cấp thống trị cộng sản tìm mọi cách ngu dân, như ngăn cấm báo chí tư nhân, kiểm duyệt chặt chẽ các tư tưởng đề cao tự do, dân chủ, trong xuất bản sách báo, trong đó nghiêm trọng nhất là đề ra một nền giáo dục nhồi sọ để người dân mất khả năng phản biện hay tư duy độc lập, mà nhất nhất đều phải tuân theo chỉ thị của đảng Cộng sản.
Từ đó để thấy rằng, việc giới cai trị cộng sản tuyên bố trong nghị quyết Đại hội XII là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2030”, chỉ là thêm một lời nói mị dân nữa vì không thể nào có một quốc gia công nghiệp hóa mà dân ngu.
Căn bản thì một quốc gia công nghiệp hóa, dân chủ, công bằng, văn mình và một chế độ chính trị độc đảng, độc tài, độc … ác là mâu thuẫn nhau.
Kết luận
Người dân Việt Nam cũng đã nhận thức rõ bản chất của chế độ cộng sản toàn trị như vậy nên đã và đang tìm đủ mọi cách để được sinh sống tại các quốc gia thật sự “dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ những người dân thấp cổ bé họng như 39 người chết trong xe container ở nước Anh, đến những người có quyền và có tiền như 9 người “đi nhờ” chuyên cơ của bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Còn chúng ta, những người dân chấp nhận sống chết trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này nghĩ gì? Chắc chắn việc duy trì chế độ cộng sản toàn trị sẽ chỉ đưa đất nước và nhân dân đến thảm họa, còn tất nhiên giai cấp thống trị cộng sản vẫn sẽ giàu to. Người dân Hồng Kông biết điều đó, người dân Đài Loan biết điều đó, dân Tây Tạng, Tân Cương biết điều đó.
Như chính bài phát biểu của ông Phúc trong đó ông nhắc đi nhắc lại “một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế”. Người dân Việt Nam chúng ta cần chủ động đứng lại với nhau để tạo sức mạnh nhằm buộc giai cấp thống trị cộng sản phải chấp nhận cải cách thế chế chính trị: Chấm dứt chế độ độc đảng toàn trị để chuyển hẳn sang chế độ dân chủ, pháp quyền, bảo đảm các quyền tư hữu và quyền tự do của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét