Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

17652 - Việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nẵng: Phản bác hay thận trọng?



Tên đường Alexandre de Rhodes ở Tp. Hồ Chí Minh
Tên đường Alexandre de Rhodes ở Tp. Hồ Chí Minh 


Những ý kiến trái chiều
Ngày 7 tháng 10 năm 2019, Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng công bố lấy ý kiến dự thảo Đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2019. Hai giáo sĩ phương Tây liên quan đến quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam - Alexandre de Rhodes (1593 - 1660, người Pháp) và Francisco de Pina (1585 - 1625, người Bồ Đào Nha) - cũng có tên trong đề án và được đề nghị đặt tên cho hai tuyến đường ở khu đông nam đài tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.
Hơn hai tuần sau đó, một bản kiến nghị của 12 trí thức được gửi đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng không lấy tên hai giáo sĩ này để đặt cho đường phố, trường học ở Đà Nẵng. Nếu đặt rồi thì thay bằng tên của những người Thiên Chúa giáo (Công giáo) yêu nước như linh mục Nguyễn Bá Kính (thời chống Pháp), Hồ Huệ Bá (thời chống Mỹ).
PGS.TS Lê Cung, người đứng đầu đồng đơn kiến nghị khẳng định Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ Quốc ngữ mà trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội nên không thể vinh danh, đặt tên đường được.
Kèm theo Thư kiến nghị là nội dung phỏng vấn của nhóm sinh viên với Nhà nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, trong đó ông Xuân nhấn mạnh, Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina rất có công với Vatican, với đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam thì họ có quyền vinh danh những người đã có công với họ, còn việc xác định đặt tên đường là vinh danh những người có công với đất nước, với dân tộc.
PGS.TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhận định:
“Trong cái gọi là kiến nghị của một số các nhà giáo gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng về việc không đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina thì họ chỉ nói về Rhodes nhưng kết luận thì lại gạt luôn cả ông cả Pina ra khỏi danh sách tên đường ở Đà Nẵng. Những lập luận về Rhodes thì tôi cho là hoàn toàn không thuyết phục.
Riêng cuốn tự điển của De Rhodes thì nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận là có công lao rồi. Ghi nhận một người có công lao trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ thì tại sao không?
Nếu mà bác bỏ như thế thì tôi nghĩ những người viết kiến nghị đó nên viết bằng chữ Nôm chứ đừng viết bằng chữ Quốc ngữ!”
PGS Hoàng Dũng không đồng ý với lập luận rằng, chữ Quốc ngữ là công cụ của thực dân Pháp chứ không phải để giúp dân Việt Nam. Theo ông thì ai cũng biết mục đích đầu tiên của những người truyền giáo là truyền giáo, nhưng lợi ích của chữ Quốc ngữ là hiển nhiên.
Trong thư kiến nghị có nêu chi tiết: “Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.”
Trong thư kiến nghị có nêu chi tiết: “Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.”
Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu nhận định với RFA rằng vấn đề này không phải là mới. Theo ông, đánh giá về Alexandre de Rhodes và gần đây có Francisco de Pina liên quan tới chữ Quốc ngữ được đặt ra trên diễn đàn của giới sử học rất lâu rồi, mà đây không chỉ mang tính sử học, còn mang cả tính chính trị và những đánh giá về đạo Thiên Chúa, liên quan đến chủ nghĩa thực dân. Rất nhiều vấn đề khác và trở nên ngày càng phức tạp. Ông nói thêm:
“Vấn đề tôn vinh ông Alexandre de Rhodes thì có nhiều cái phức tạp xen lẫn, cả vấn đề chính trị là ông này đó đóng góp vào quá trình thực dân hóa ở Việt Nam hay không. Có người hiểu đây là người lính tiên phong của việc truyền giáo, có người hiểu đây là người lính của thực dân.
Tôi thấy việc phản bác không nặng nề như xưa nhưng sự thận trọng thì người ta vẫn muốn đặt ra. Có lẽ đấy là một thực trạng đang diễn ra ở một địa phương có rất nhiều gắn bó với sự hình thành chữ Quốc ngữ muốn đặt tên hai nhà truyền giáo sớm nhất, có đóng góp cơ bản nhất cho chữ Quốc ngữ Việt Nam, Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes.”
Vai trò chữ quốc ngữ
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes Photo: Conggiao.info

Theo sách sử ghi lại thì Giáo sĩ Alexandre de Rhodes được cử đến Đàng Trong vào năm 1624. Năm 1651, trên cơ sở thành tựu của Gaspar de Amaral, Cristophoro Borri, Antonio Barbosa... cùng sự giúp đỡ có hiệu quả của các thầy giảng người Việt, Alexandre de Rhodes đã hoàn thành cuốn Từ điển Annam - Bồ - Latinh, đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh.
Giáo sĩ Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617. Ông đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch, và dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ. Pina đã biên soạn tài liệu về phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; đồng thời lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha, chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo.
Trước khi có chữ Quốc ngữ, người Việt đã có chữ Khoa đẩu, chữ Hán và chữ Nôm.
PGS.TS Hoàng Dũng đánh giá vai trò chữ Quốc ngữ với người dân Việt Nam:
“Về giá trị thực tế của chữ Quốc ngữ thì tôi thấy không cần phải nói gì thêm. Người chống lại chữ Quốc ngữ đầu tiên là các ông nhà Nho yêu nước nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì chính những nhà Nho đó thấy rằng chữ Quốc ngữ là một công cụ rất quan trọng để nâng cao dân trí.”
Ông Hoàng Dũng phân tích thêm rằng chính ông Hồ Chí Minh coi chữ Quốc ngữ là quan trọng và nói rằng phải diệt giặc dốt và dạy chữ Quốc ngữ cho người dân. Ngoài ra, những nhà hoạt động cộng sản đầu tiên cũng thấy rõ công cụ quan trọng, cái lợi ích của chữ Quốc ngữ, cho nên họ tác động và ủng hộ phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ.
Sử gia Dương Trung Quốc nhận xét:
“Vấn đề là ngày càng thấy vai trò chữ Quốc ngữ quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt hiện đại. Việc tăng cường hơn nữa vị thế của chữ Quốc ngữ là điều được khẳng định, nhưng mà nhìn vào nguồn gốc của nó thì có nhiều cách đặt vấn đề khác nhau.”
Ông Dương Trung Quốc nêu lên một điều mà ông cho là chưa nhiều người nhắc đến, đó là những năm 40 của thế kỷ trước, khi Nhật nhảy vào Đông Dương có thể lấn át người Pháp trên mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự, xã hội…thì người Pháp ở vị thế phải tăng cường hơn nữa vai trò, dấu ấn văn hóa của mình. Vì thế Alexandre de Rhodes được coi như đại diện văn minh của Pháp đóng góp vào cho văn hóa Việt Nam.
Trong khi Đà Nẵng còn đang tranh cãi về việc đặt tên đường như vậy thì tại TP.Hồ Chí Minh, ngay tại quận 1 đã có con đường mang tên Alexandre de Rhodes từ năm 1955. Đến năm 1985 đường này bị đổi thành đường Thái Văn Lung, nhưng khoảng 10 năm sau đó lại được phục hồi tên Alexandre de Rhodes đến ngày nay. Đường Alexandre de Rhodes đối diện với đường Hàn Thuyên và điểm lý thú là Alexandre de Rhodes được xem là ông tổ chữ quốc ngữ còn Hàn Thuyên được xem là ông tổ chữ Nôm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét