Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

17682 - Đại biểu đại diện cho Việt kiều trong Quốc hội: nên hay không nên?



Trên trang blog cá nhân của anh Dương Ngọc Thái, kỹ sư bảo mật của Google hiện đang ở bang California, Hoa Kỳ vào ngày 25/11 có bài viết đưa ra đề xuất ‘Cần có đại biểu trong Quốc hội cho Việt Kiều’. Bài viết của kỹ sư Dương Ngọc Thái dẫn số liệu từ Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 có thể đạt 16,7 tỉ USD, đứng trong Top 10 thế giới, chiếm khoảng 6,4% GDP cả nước.
Vì thế, anh Dương Ngọc Thái cho rằng vai trò của người Việt hải ngoại rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng đất nước, nhưng những quyền lợi của Việt kiều thì lại bị ngó lơ.
Điển hình như vụ việc gần đây nhất là 39 người Việt Nam chết trên đường di cư đến Anh, họ chết khi đang là người Việt Nam ở nước ngoài. Anh Thái đưa ra giả thuyết nếu sống sót, số tiền mà 39 người vừa nêu làm ra cũng đóng góp vào dòng kiều hối mà một chuyên gia kinh tế đã gọi là “viện trợ không hoàn lại vô điều kiện”. Vậy thì “ai trong Quốc hội đại diện cho những công dân Việt Nam này? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ và những người vẫn đang và sẽ đi tiếp con đường mà họ đã đi?”
Do đó, anh Dương Ngọc Thái đã đưa ra một kiến nghị rằng cần có một đại biểu đại diện cho người Việt hải ngoại trong Quốc hội để nắm rõ các vấn đề người Việt ở nước ngoài đang gặp phải để từ đó cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của họ.
Giải thích rõ hơn về vai trò của một đại biểu, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam nhận định:
“Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân cả nước. Tôi thấy rằng Quốc hội nhiệm kỳ sắp đến nên có đại biểu là người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì mới thể hiện ý chí và nguyện vọng người dân. Tại vì đại biểu là người liên hệ chặt chẽ với cử tri và chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc cử tri cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thu thập phản ánh của cử tri ở ngoài nước với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hoặc hữu quan.”
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết thêm về một trong những tiêu chí làm Đại biểu Quốc hội của Việt Nam hiện hành:
“Thời gian làm luật của Quốc hội rất dài. Thứ nhất họ phải có điều kiện và thời gian để tham gia và được cơ quan làm việc cho phép nếu họ hoạt động trong đại biểu dân cử đó, tức cơ quan quan, tổ chức họ đang làm việc phải đồng ý cho họ tham gia những cuộc họp dài như vậy. Thứ hai là họ phải có những điều kiện nhất định như phải mang quốc tịch nước Việt Nam hoặc vẫn còn quốc tịch nước Việt Nam.”

Ý kiến người dân

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua Facebook Messenger, một bạn trẻ hiện đang sinh sống tại Melbourne, Úc cho hay bạn đồng ý với việc có người đại diện cho quyền lợi người Việt hải ngoại. Theo bạn, do không có người lên tiếng nên Đại sứ quán Việt Nam ở Úc thường hay có tình trạng tham nhũng nhưng người dân lại không biết khiếu nại với ai.
Chính anh Dương Ngọc Thái vào ngày 12/11 vừa qua cũng đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu để than phiền về tình trạng nhũng nhiễu người việt ở nước ngoài tại các đại sứ quán. Trong đó, anh Thái có dẫn Báo cáo Minh bạch Sứ Quán Việt Nam 2019 của diễn đàn dân lập Tôi và Sứ quán. Theo đó, từ 1/1/2019 đến 1/11/2019 diễn đàn này ghi nhận có hơn 170 lượt nạn nhân với tổng số tiền lạm thu hơn 10.000 USD, trung bình mỗi người bị lạm thu 60 USD.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng lại có góc nhìn khác, anh cho rằng việc chọn ra đại biểu Quốc hội cho người Việt hải ngoại hoàn toàn không có tác dụng gì:
“Tôi nghĩ rằng nếu ở một chính quyền tự do dân chủ thì đấy là điều hợp lý và có ích, nhưng với chính quyền hiện tại thì đây mang tính hình thức nhiều hơn là thực tế. Bởi vì bản thân các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện tại dù là người trong nước đã không có tự do bầu cử mà thường là những người được chọn lựa kỹ càng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Đảng đã chọn như vậy thì dù họ có muốn nói thế nào chăng nữa thì họ vẫn không thoát ra được những cái trái ngược với Đảng. Tiếng nói của họ nếu góp ý cũng rất nhẹ nhàng chứ gần như không có ý kiến gì mang tính cách mạng được.”
Theo số liệu của Quốc hội, tính đến ngày 19/9/2019, chỉ còn 483 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, trong đó có 19 người ngoài đảng và 464 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tức đảng viên chiếm đa số ghế đại biểu.
Trong cuộc trao đổi trước đây với RFA, Giáo sư Nguyễn Đình Cống có nhấn mạnh rằng Quốc hội hiện nay “là cơ quan bù nhìn của Đảng chứ đâu phải của dân” và giải thích:
“Một mặt là ngay cả bà Ngân là chủ tịch Quốc hội cũng nói rằng Quốc hội chỉ để thảo luận, thông qua những điều mà Bộ Chính trị đã quyết định rồi. Và trong Quốc hội có đến 95% là đảng viên thì còn gì nữa. Rồi thì Quốc hội thành lập một cái đảng đoàn Quốc hội, nếu như có chuyện gì thì đảng đoàn Quốc hội họp quyết định rồi, và nói với các đảng viên cứ thế thi hành, không được nói ngược lại. Thế thì toàn dân người ta thấy Quốc hội bù nhìn thôi, có gì đâu, chỉ là cơ quan thảo luận cho nó vui, hình thức chứ có cái gì”.
Theo kỹ sư Dương Ngọc Thái, thiếu đại diện của người Việt Nam ở nước ngoài là một lỗ hổng trong thể chế mà Quốc hội cần phải sớm khắc phục. Cách thức tiến hành ra sao đương nhiên là điều cần phải bàn kỹ lưỡng. Tuy nhiên, anh Dương Ngọc Thái đưa ra một giải pháp đơn giản trước mắt là người đứng đầu hoặc một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sẽ là đại biểu của Việt Kiều.
Đông y sĩ Nhất Nguyên hiện đang ở Houston, Texas, Hoa Kỳ lại cho rằng nếu chính phủ Hà Nội có thông qua việc cho người đại diện Việt Kiều trong Quốc hội thì tất cả những hình thức đó chỉ là mị dân:
“Tất cả những người đại biểu Quốc hội Việt kiều trong nước hay đại biểu Quốc hội thì tất cả tiếng nói của họ lừa dối người dân thôi chứ hoàn toàn không có giá trị. Thực chất đối với cộng sản họ làm tất cả những gì dựa theo tình hình người dân và tình hình chính trị xã hội từng thời rồi đưa ra những đề xuất để có lợi cho chính quyền và bảo vệ chế độ của họ thôi.”
Theo anh Lã Việt Dũng, đề xuất của anh Dương Ngọc Thái là không cần thiết bởi vì nếu chính phủ Hà Nội thật sự quan tâm thì có thể có các tổ tư vấn hoặc những thành viên tư vấn các vấn đề về người Việt hải ngoại.
Chính phủ Hà Nội vào ngày 23/11/1959 đã thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trực thuộc Bộ Ngoại giao, với nhiệm vụ được đề ra là để tổng hợp, đánh giá tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam; vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước; tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét