Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

17723 - Ngày mà “Bác Tập” bị Hồng Kông làm mất mặt





Dân Hồng Kông nô nức đi bầu và sẽ giáng cho Bắc Kinh một đòn đau. Ảnh chụp ngày 24/11/2019 REUTERS/Athit Perawongmetha


Trên tuần báo Le Point số ghi ngày 28/11/2019, nhà bình luậnLuc de Barochez đã phân tích tác động của tình hình Hồng Kông trên Trung Quốc trong một bài phân tích dài mang tựa đề “Ngày mà “Bác Tập” bị mất mặt” và ghi nhận rằng uy quyền của nhân vật số 1 Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị thách thức nghiêm trọng sau gần sáu tháng biểu tình ở Hồng Kông, và nhất là sau chiến thắng áp đảo của phe dân chủ trong cuộc bầu cử cấp huyện ngày 24/11.

Theo Le Point, sự bất lực của ông Tập Cận Bình trong việc áp đặt quyền khống chế của Bắc Kinh trên vùng lãnh thổ bán tự trị này khiến ông có nguy cơ không hoàn thành được những mục tiêu đề ra.
Hồng Kông là thất bại đầu tiên của ông Tập từ khi lên nắm quyền năm 2012. Giấc mơ của ông về sự “hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Hoa” đã bị lu mờ, thậm chí bất thành. Đối với nhà bình luận của Le Point, “Bác Tâp”, như ông thích người ta gọi ông, đã bị rơi xuống khỏi tượng đài của mình.
Bầu cử cấp huyện tại Hồng Kông: Cái tát chưa từng thấy
Tác giả bài viết nhắc lại khá gay gắt: Vào đầu năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc được hoan nghênh ở Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, được chào đón như một cột trụ của trật tự quốc tế, có năng lực giúp giảm nhẹ cú sốc sau cơn “địa chấn” phát sinh từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với thắng lợi của ông Trump.
Thế nhưng không đầy 3 năm sau thì người dân Hồng Kông đã giáng cho ông một cái tát tai chưa từng thấy khi ồ ạt bỏ phiếu cho phe đối lập hôm 24/11. Hệ quả chính trị của sự kiên này chỉ giới hạn thôi vì đó chỉ là một cuộc bầu cử địa phương, ở một vùng lãnh thổ đã trở về dưới trướng Trung Quốc từ 22 năm nay. Nhưng giá trị biểu tượng của sự kiện thì rất to lớn.
Chuyên gia Pháp Philippe le Corre mà bài viết trích dẫn, đã nhận định như sau: “Khi người ta cho dân chúng quyền được phát biểu, thì họ bỏ phiếu chống chính quyền trung ương. Đa số ứng cử viên của Bắc Kinh đều bị mất ghế và gần 3 triệu người Hồng Kông đi bỏ phiếu: Quả là điều chưa từng thấy. Kết quả này cho thấy thế mong manh của guồng máy Tập Cận Bình tại các vùng phiên trấn của Trung Quốc”.
Các cuộc biểu tình liên tục tại Hồng Kông đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, không kém gì chính sách bành trướng mọi mặt của Tập Cận Bình, cũng như việc kiểm soát dân chúng và chính sách đồng hóa “không thương tiếc” nhắm vào thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương.
Bài viết nhắc rằng đề án lớn của Tập Cận Bình là hoàn toàn hòa nhập Hồng Kông và Macao, mở màn cho việc kéo Đài Loan về dưới trướng Trung Quốc chậm lắm là nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tức vào năm 2049.
Tại Đại Hội Đảng vào tháng 10/2017, chủ tịch Trung Quốc đã khoe rằng: Từ khi Hồng Kông và Macao trở về với Tổ Quốc, việc áp dụng nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” ở hai vùng lãnh thổ này là một thành công vang dội.”
Le Point nhận thấy là thực tế đã phủ nhận những lời này. Người dân Hông Kông, trên đường phố và bằng lá phiếu, đã cho thấy là sự tự do chính trị của họ quý báu hơn là việc sát nhập với Hoa Lục. Và nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc không nắm được Hồng Kông thì làm sao có thể một ngày nào đó thôn tính được Đài Loan và số 24 triệu dân tại đó, trừ phi là dùng đến vũ lực ?
Hồng Kông củng cố quan điểm của Đài Loan
Khủng hoảng ở Hồng Kông càng làm cho người Đài Loan cảm nhận rằng họ có bản sắc riêng biệt, đồng thời thêm củi thêm lửa cho những người muốn độc lập như tổng thống Thái Anh Văn đang ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai. Theo chuyên gia Philippe Le Corre, những gì đang xẩy ra rất thuận lợi cho bà Thái Anh Văn.
Bắc Kinh thì ngược lại đang ở trong một tình thế rất tế nhị. Bài học có thể rút ra được từ các diễn biến ở Hồng Kông, là nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình không còn làm ai mơ tưởng nữa, kể cả những người dân của Trung Quốc.
Trước tình hình này chọn lựa của Bắc Kinh khá giới hạn. Chính quyền trung ương không muốn rơi vào vết xe đổ của vụ thảm sát Thiên An Môn, cách đây 30 năm, đã làm cả thế giới phẫn nộ. Hậu thuẫn của Quốc Hội Mỹ dành cho sinh viên Hồng Kông có trọng lượng trên bàn cân cho dù ông Trump có tính khí khó lường và Châu Âu thì im hơi lặng tiếng.
Ngoài ra, sự phồn thịnh của kinh tế Trung Quốc cũng dựa vào sức khỏe của Hồng Kông, nơi tiếp xúc giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Gần một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm 2018, là qua ngã Hồng Kông. Cho nên Bắc Kinh phải thận trọng. Thế nhưng, mặt khác, chính quyền trung ương không thể cho virus dân chủ lan qua Hoa Lục.
Bài báo cho là Tập Cận Bình nên đọc lại Tôn Tử, thế kỷ III trước công nguyên, thời Chiến Quốc, vốn đã viết rằng: “Vua là thuyền, dân là nước. Nước nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền”.
Và nhà bình luận của Le Point kết luận: Kể từ giờ, chính quyền Trung Quốc đang đi vào vùng sóng to gió lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét