Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

17635 - Đồng bằng Cửu Long sụt lún do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát




Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011 REUTERS/Duc Vinh



Canh tác nông ngư nghiệp thiếu bền vững, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, mặn xâm thực ngày càng sâu vào nội đồng vào mùa khô, và tác động giữ lại phù sa của các đập thủy điện thượng nguồn Mekong là những tác nhân làm suy giảm đáng kể tiềm năng sản xuất của châu thổ ĐBSCL.
Ngoài ra ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng sụt lún trầm trọng do nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến ĐBSCL chìm dần. Đó là đề tài của bài phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời RFI từ Sydney ngày 10/10/2019.
Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra với tầm mức ra sao và nó đã làm sụt lún vùng này như thế nào?
TS Huỳnh Long Vân: Nước ngầm đã được người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, từ lâu sử dụng trong sinh hoạt, nhưng ở mức độ vừa phải, nên mực nước ngầm không bị hạ thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam theo đuổi kinh tế thị trường, gia tăng sản xuất và nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì nước ngầm được khai thác ráo riết, tăng tốc từ 1995 đến nay, để phục vụ sản xuất thâm canh trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng  thủy sản nước ngọt ở những vùng ven biển.
Vào tháng 5/2012, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) với Bộ Ngoại giao Na Uy, Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy tiến hành dự án nghiên cứu tình trạng sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau.
Qua nghiên cứu khảo sát thực địa kết hợp với những dữ liệu của Bộ NN&PTNT và những hình ảnh vệ tinh thu thập từ  nhiều thập niên trước đây, tháng 6/2013 Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy kết luận nền đất của khu vực miền Nam bị sụt lún nghiêm trọng do bơm rút nước ngầm liên tục: trong vòng 20 năm, kể từ 1995, nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún từ 30 đến 70cm, dẫn đến việc bờ biển bị xói mòn và chìm dần, thụt vào từ 100m đến 1.4km, làm cho châu thổ mất đi khoảng 5000ha đất.
Nếu khai thác nước ngầm không được hạn chế hoặc ngưng hẳn, thì với tốc độ sụt lún 3cm mỗi năm, Cà Mau sẽ biến mất trên bản đồ của Việt Nam trong vòng vài thập niên sắp tới.
Trong khi đó, Viện Khoa học Điạ chất và Khoáng sản thuộc  Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Viện Điạ Kỹ thuật Na Uy lắp đặt thiết bị quan trắc đo đạt sụt lún ở 339 địa điểm khác nhau ở Thành Phố  Hồ Chí Minh (TP HCM) và ĐBSCL. Kết quả cho thấy TP HCM và 6 tỉnh thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sụt lún trầm trọng nhất, trên 10cm tính từ 2014 đến 2017 và có nơi lún hơn 6cm mỗi năm.
Tiếp đến là những kết quả nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, bang California, Hoa Kỳ, cùng công trình nghiên cứu của nhà địa chất P. Minderhoud trong dự án “Rise and Fall” của Đại học Utrecht, Hà Lan, cũng cho thấy khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến nền đất của ĐBSCL bị sụt lún 1,6cm mỗi năm, làm cho các vùng đất ven biển, ven sông bị ngập nước, làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng nước biển dâng cao (2- 3mm mỗi năm).
Nếu tốc độ khai thác nước ngầm vẫn không thay đổi, thì đến năm 2050, toàn thể ĐBSCL sẽ sụt lún khoảng 88cm và vào thời điểm này mực nước biền dâng cao thêm 10cm, thì một số nơi ở ĐBSCL sẽ chìm sâu 1m.
Thêm vào đó là những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của P. Minderhoud cho thấy độ cao trung bình của ĐBSCL là 82cm so với mặt biển, thấp hơn nhiều so với  công bố trước đây là 2,60m. Trừ An Giang, Đồng Tháp và Long An lần lượt có độ cao 1,42m, 1,41m và 1,07m so với mặt biển, các tỉnh thành còn lại của ĐBSCL đều có độ cao dưới 1m.
Như thế, sụt lún kết hợp với mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH sẽ khiến cho ĐBSCL có cao độ trên dưới 1 m chìm nhanh hơn so với những công bố trước đây : khi mực nước biển dâng cao 1m, thì 75% diện tích ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước so với 14% công bố trước đây và 70% dân cư vùng châu thổ  ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, thay vì chỉ có 29% theo dự đoán trước đây.
Cần Thơ sụt lún, đường phố nội ô ngập nước và giải pháp ứng phó
RFI: Như vậy thì tình trạng sụt lún này đang gây ra những hậu quả gì ở những thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn như ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong vùng?
TS Huỳnh Long Vân: Nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Tokyo về hậu quả của khai thác nước ngầm ở TP Cần Thơ, đối với cá nhân tôi, một người được sinh ra và trưởng thành ở thủ phủ của ĐBSCL, cũng là điều đáng quan tâm. Kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2016 cho thấy tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng  trầm trọng hơn và đường phố ở Cần Thơ sẽ bị ngập sâu đến 70cm vào năm 2050, nếu nước ngầm được tiếp tục khai thác với tốc độ không thay đổi.
Năm 2017, vào mùa nước nổi kết hợp với triều cường, chỉ có một khoảng đường vài trăm thước ven sông ở quận Bình Thủy bị ngập dưới 10cm. Cùng kỳ năm 2018, các đường phố chính ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn bị ngập sâu khoảng 20cm. Năm nay, 2019, mặc dù mực nước ở trạm quan trắc Châu Đốc thấp hơn so với cùng kỳ 2018, nhưng nước sông Hậu ở Cần Thơ dâng đến mức kỷ lục 2,25m, tức 20cm cao hơn năm 2018 và đường phố Cần Thơ bị ngập ở mức sâu lịch sử gần 50cm.
Cần Thơ bị ngập nặng đó là do nước sông tràn bờ dưới tác động cộng hưởng của nền đất bị sụt lún 1,80cm mỗi năm, bởi khai thác nước ngầm, mức nước biển dâng cao 2-3mm mỗi năm, kết hợp với khối  nước lũ đầu nguồn theo sông Hậu đổ về Cần Thơ cùng lúc với triều cường dâng cao.
RFI : Thành phố Cần Thơ đang có những dự án nào để chống tình trạng ngập nước?
TS Huỳnh Long Vân:  Ứng  phó với tình trạng ngập nước ở đường phố nội ô, TP Cần Thơ đang triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nói rằng, hiện nay thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập và gần như “bó tay” trước các đợt triều cường và  đang kỳ vọng vào dự án 3  tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.
Dự án sẽ tập trung chống ngập khu đô thị lõi của TP Cần Thơ thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ rộng 2.675ha, bằng các giải pháp công trình như làm kè, cống, đập, âu thuyền ngăn triều cường từ sông Cần Thơ vào khu đô thị lõi; kế đến là cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp với đầu tư hệ thống trữ và điều nước kinh rạch.
Không thiếu những chỉ trích dự án này: bảo vệ được 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy, nhưng sẽ chuyển tải khối nước gây ngập trước hết đến các quận huyện khác của TP Cần Thơ và tiếp theo là  đến các vùng không có đê bao của các tỉnh nằm dọc theo hai bờ sông Hậu.
Các giải pháp ứng phó sụt lún ở ĐBSCL
RFI: Như vậy để hạn chế đà sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long thì phải ngăn chận việc khai thác nước ngầm quá mức. Nhưng theo ông, có những giải pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc này, nhưng vẫn bảo đảm được nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?
TS Huỳnh Long Vân: Giảm hay ngưng khai thác nước ngầm sẽ giảm sụt lún, nhưng không chấm dứt hoàn toàn, vì sụt lún là một quá trình chậm, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, cho dù có giảm về tỉ lệ. Mức độ sụt lún ở mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố địa chất và mức độ khai thác nước ngầm. Dù không biết nước ngầm đang bị khai thác thế nào, nhưng chỉ cần giảm hay ngưng khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún.
Nước ngầm ở ĐBSCL phải được xem là nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do BĐKH và không phải là nguồn nước cơ bản hằng ngày.
Vì thế dứt khoát phải chấm dứt khai thác nước ngầm ở ĐBSCL. Nhưng ở đây có một thách thức không nhỏ: làm sao có nước ngọt đủ cung cấp cho các nhu cầu hiện sử dụng hơn 2 triệu m3nước ngầm mỗi ngày?
Trước hết, nhà nước phải tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng các nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống để cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng châu thổ dùng trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Không thực hiện được hạng mục này, mọi kế hoạch khác chống sụt lún ĐBSCL trở nên vô nghĩa và ĐBSCL sẽ trở thành một Jakarta thứ hai.
Chính phủ phải khuyến khích từng hộ gia đình thiết kế phương tiện trữ nước mưa, nước ngọt, đồng thời dựa vào Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH xem nước mặn, nước lợ, cũng như nước ngọt, là tài nguyên để triển khai những giải pháp như xây dựng khung pháp lý với các biện pháp chế tài chặt chẽ, để người dân vùng ven biển chỉ được phép nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, nhưng với tin tưởng là việc kinh doanh này cũng mang lại thu nhập ổn định và khu vực sẽ được duy trì trên mực nước biển.
Cuối cùng, phải chấm dứt canh tác lúa ở vùng ven biển và lúa vụ 3 để tiết kiệm nước ngọt và đồng thời thực hiện kế họach chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Ngoài khai thác nước ngầm quá mức, phá rừng phòng hộ để làm đầm nuôi tôm, khối lượng phù sa chuyển tải xuống châu thổ ĐBSCL bị suy giảm và gần như cạn kiệt, do các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn giữ lại, khiến cho bờ biển ĐBSCL bị xói mòn sạt lở, do đó cần phải có những kế hoạch cấp quốc gia để thương thảo với các nước thượng nguồn xả thải phù sa.
Việc làm này đem lại lợi ích cho cả đôi bên: trước hết là làm gia tăng tuổi thọ của các đập thủy điện và kế đến với khối lượng phù sa được chuyển tải đến sẽ giúp ĐBSCL được bồi đấp cân bằng tình trạng sụt lún tự nhiên và việc tái tạo rừng phòng hộ ven biển thành công.
RFI: Trong việc chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan, một quốc gia nằm dưới mực nước biển, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể giúp được gì cho Việt Nam ?
TS Huỳnh Long Vân: Rất may Việt Nam là đối tác lâu dài của Hà Lan trong lĩnh vực nước, và Hà Lan cũng là quốc gia ở vùng đồng bằng thấp có nhiều vùng đất đang bị sụt lún và đồng thời đang phát triển các giải pháp chuyên môn phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau trên toàn cầu.
Ngoài ra, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP HCM dành được một phần ngân sách để hổ trợ cho việc thực hiện Nghị quyết 120 và tìm hướng giải quyết thách thức về sụt lún. Nghiên cứu của Đại học Utrecht và Viện Deltares về sụt lún đất và cao trình của ĐBSCL là một ví dụ tuyệt vời về sử dụng kiến thức chuyên môn của Hà Lan để giúp tư vấn cho chính phủ Việt Nam, từ đó làm lợi cho ĐBSCL và người dân nơi đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét