Cuộc biểu tình Hồng Kông đã trở thành “điểm nóng” trên bản đồ thế giới, nhưng có khá đông người Việt lại tỏ ra thờ ơ và bình luận vô tâm. Phải chăng người Hồng Kong “ngớ ngẩn”, “rảnh rỗi” đi “đập phá”, “biểu tình” như số đông người Việt đang mặc định?
Sau 22 năm trở về với “đất mẹ”, Hồng Kông trở thành miền đất nhuốm máu của bạo lực và giết chóc, nhưng người Hồng Kông vẫn xuống đường biểu tình. Không phải họ không biết sợ hãi hay không trân quý mạng sống của mình. Hơn ai hết người Hồng Kông hiểu rằng, sau bao năm tạo dựng nên Hương Cảng Tự do và Thịnh vượng, trách nhiệm mỗi người trong số họ là phải bảo vệ bằng được thành quả đó.
Bình minh hay hoàng hôn?
Ngày 19/11 là ngày tuyển Việt Nam viết tiếp giấc mơ dự World Cup trong trận lượt về gặp Thái Lan. Ngay sau khi trận đấu vừa kết thúc, mạng xã hội ngập tràn lời ca ngợi dành cho các cầu thủ Việt, cũng như không quên thóa mạ trọng tài người Oman. Trong “cơn mưa” chỉ trích trọng tài Ahmed Al-Kaf, hẳn cư dân mạng quên mất chỉ vài giờ trước đó, họ đã vui mừng chào đón khi ông tới Việt Nam. Từ Nam chí Bắc, từ ngõ hẻm ra đường cái, từ trà đá vỉa hè cho tới cà phê máy lạnh, tất cả đều hoan ca sức trẻ bền bỉ của đội bóng quê nhà. Có điều, chẳng mấy ai bình luận gì về cuộc biểu tình ở Hồng Kông…
Ngày 19/11 cũng là ngày thứ ba liên tiếp cảnh sát bao vây trường Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU), kiểm soát mọi lối ra vào, nơi còn khoảng 100-200 SV bị mắc kẹt được cho là đang suy kiệt, thiếu thực phẩm và nước uống. PolyU đã trở thành “cứ điểm” cuối cùng của phong trào phản kháng – nơi có cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là SV Hồng Kông quyết bảo vệ nền tự do, dân chủ với một bên là lực lượng hắc cảnh tuân theo lệnh Bắc Kinh.
Đó là cuộc so kè của vũ khí thô sơ cung tên gậy gộc với dàn vũ khí giết người hiện đại. Đó cũng là nơi mà người dân Hồng Kông thể hiện tình đoàn kết nhất khi hàng nghìn người giữa đêm tối ùn ùn tiến về nơi đang diễn ra trận chiến tối hậu. Họ tạo thành một chiến tuyến bọc lót, yểm trợ cho những người trẻ đang trụ lại tại PolyU.
Bên cạnh nhiều người có tâm trên toàn thế giới quan ngại về tương lai u ám của Hồng Kông, lo lắng trước các hành động trấn áp của chính quyền Hồng Kông, và lo cho số phận của rất nhiều người biểu tình đã bị bắt, bị nhận diện và đang bị vây hãm tại PolyU, thì vẫn còn nhiều người Việt tỏ ra bàng quan với các bình luận dửng dưng như: “Rảnh thế?”; “Rỗi hơi”, “Dửng mỡ”, “Ngu xuẩn”, “Không có việc gì làm hay sao?”, “Chuyện người ta thì người ta lo”; “Xa xôi thế can hệ gì đến mình”.
Hồng Kông quả là quá xa xôi không hẳn vì khoảng cách địa lý, mà là về khoảng cách duy ý chí giữa người Việt và người Hồng Kông. Người Hồng Kông từ nhỏ đã được dạy về quyền công dân, về các công ước quốc tế, về các giá trị tự do dân chủ cũng như họ được dạy cách biết chia sẻ, biết tổ chức các buổi mít tinh ủng hộ người dân các nước không may bị thiên tai dịch họa. Họ biết phản biện trước đúng – sai và hiểu rõ vai trò trách nhiệm công dân của mình.
Còn người Việt từ nhỏ đã được dạy phải biết ngoan ngoãn, nghe lời, phục tùng trong một nền giáo dục nhồi nhét, xa rời các giá trị của đời sống trực quan. Họ chăm lướt Facebook, lười đọc sách, cập nhật như chớp mọi trào lưu sống gấp, yêu thử, quan tâm tới các tin “hot” showbiz, tin giật gân và vô cảm trước những biến động thời cuộc.
Vì thế mà nhiều người Việt cho rằng người Hồng Kông “rỗi việc”, “ngớ ngẩn”, “đang yên đang lành tự dưng đi biểu tình, đập phá làm chi để bị bắt bớ cầm tù”. Dưới một clip cảnh sát Hồng Kông xịt hơi cay vào một phụ nữ có thai dù cô này chỉ là người đi đường, không phải là người biểu tình, thì vẫn có người bảo “có bầu không ở nhà, ra đường chi cho bị xịt hơi cay”…
Hồng Kông – một vị thế đặc biệt
Từ lâu, Hồng Kông đã trở thành một cảng giao thương bận rộn nhất và là một trong ba trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới. Hồng Kông cũng là nơi tập trung số lượng tỷ phú, triệu phú cao hơn so với bất kỳ thành phố nào trên thế giới. GDP bình quân đầu người của Hồng Kông (44.000 đôla/năm) cao hơn 4 lần so với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc (xấp xỉ 10.000 đôla/năm).
Hồng Kông tự hào có hệ thống giáo dục, kinh tế, và pháp lý hoàn toàn khác biệt với Trung Quốc Đại lục. Người Hồng Kông vẫn tiếp tục duy trì các di sản của Vương quốc Anh như nhà nước pháp quyền, chính phủ cởi mở, cùng các quyền tự do dân sự và báo chí. Lãnh thổ này cũng được biết đến là nơi “đất lành chim đậu” của những người di cư và những người bất đồng chính kiến chạy trốn khỏi sự bất ổn, nghèo đói và đàn áp dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
Với dân số 7,2 triệu người, sinh sống trên một diện tích chật hẹp chiếm khoảng 25% trong tổng diện tích 1.104 km2, người Hồng Kông “khờ dại” dành tới 75% diện tích lãnh thổ cho không gian cây xanh, trong đó 40% diện tích dành cho công viên tự nhiên và 35% cho các khu bảo tồn thiên nhiên. Hồng Kông cũng giữ nguyên vẹn bản sắc văn hoá truyền thống với số lượng nhiều không kể xiết các chùa chiền, đền thờ, miếu mạo và di tích văn hoá lịch sử.
Hồng Kông được xếp thứ 5 trong Top 10 thành phố tốt nhất cho du học sinh trên thế giới với nhiều trường đại học nổi tiếng, có mức sống cao và chi phí sinh hoạt thấp. Trong top 50 trường ĐH tốt nhất thế giới, Hồng Kông sở hữu 3 trường gồm ĐH Hồng Kông, ĐH Khoa học và Kỹ thuật Hồng Kông và ĐH Trung Văn Hồng Kông.
Người Hồng Kông hơn ai hết hiểu được rằng, sau bao năm tạo dựng nên xứ cảng tự do và thịnh vượng, trách nhiệm của họ là phải bảo vệ thành quả đó. Vì vậy, người Hồng Kông không hề “ngớ ngẩn” và “rỗi hơi”.
Thông điệp đẹp đẽ của người Hồng Kông
Tối ngày 19/11, khi hầu hết người Việt hướng mọi sự chú ý tới SVĐ Mỹ Đình thì cùng thời điểm ấy tại Hồng Kông, phóng viên hãng AP nhìn thấy một thiếu niên dáng vẻ gầy gò lững thững đi bộ một mình trong khuôn viên hoang vắng của PolyU.
Cậu không tiết lộ tuổi chính xác, nhưng cho biết dưới 18 tuổi. Cậu chỉ ăn hai cái bánh quy cho cả ngày và ngủ khoảng 10 giờ trong 3 ngày kể từ khi cậu đến PolyU vào ngày 17/11. Cậu ở tuyến đầu, nghĩa là trực diện với vòi rồng và hơi cay của cảnh sát khi “vũ khí” chống đỡ duy nhất chỉ là chiếc dù mỏng manh. Cứ sau mỗi cuộc tấn công bằng vòi rồng, cậu lại chạy vào trường xối nước, thay quần áo và trở lại cho “trận chiến” tiếp theo.
Trả lời phóng viên AP, cậu nói rằng muốn chiến đấu cho đến khi Chính phủ Hồng Kông đáp ứng đủ 5 yêu cầu: “Ngay cả khi bạn bị bắt hoặc chết, thì bạn cũng đã cố gắng hết sức và không hối tiếc”. Câu trả lời này là của một người chỉ đang ở tuổi vị thành niên. Trong cuộc chiến giành quyền được sống đúng với nhân phẩm của mình, người Hồng Kông đã cho thế giới thấy sự quả cảm cũng như tính nhân bản trong cuộc đấu tranh của họ. Những người trẻ Hồng Kông đã để lại di thư hay còn gọi là ‘Những lá thư cuối cùng’ trước khi xuống đường biểu tình:
“Tôi 22 tuổi và đây là lá thư cuối cùng của tôi. Tôi sợ rằng mình sẽ chết và không được gặp mọi người nữa. Nhưng tôi không thể không xuống đường…”.
“Ba mẹ ơi, khi ba mẹ thấy bức thư này, có lẽ con đã bị bắt hoặc đã chết. Con luôn cố gắng hết sức để xứng đáng với kỳ vọng của ba mẹ trong học hành và trong công việc. Nhưng hơn tất cả con muốn trở thành người có lương tri. Không đớn hèn sống nhục. Sẽ là nói dối nếu nói rằng không sợ. Nhưng chúng con sẽ không bỏ cuộc…”.
Người ta đã tìm thấy những dòng thư cuối cùng của sinh viên PolyU viết vào ngày 18/11/2019: “Chúng tôi sẽ ở lại đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi là nhân chứng cho thấy PolyU bị đẩy vào vực thẳm như thế nào. Cho chúng tôi tự do hay cho chúng tôi cái chết. Chúng tôi không sợ bị bắt giữ hay bị giết chết. Vì lịch sử sẽ chứng minh chúng tôi vô tội”.
Giữa lằn ranh sinh – tử, những người con Hương Cảng vốn “sướng từ trong trứng nước” vì lẽ gì mà chẳng sợ tra tấn, tù đày, chẳng tiếc sinh mạng của mình? Có bao nhiêu người trẻ Hồng Kông đã bỏ mạng vì lý tưởng tự do, hòa bình và thịnh vượng của quê hương mình? Có Tự Do nào mà lại không phải trả phí?
Ở tuổi 21, sinh viên Chow đã từng nghĩ mình sắp chết chỉ vài phút sau khi bị cảnh sát bắn đạn thật gây chấn động ở Sai Wan Ho ngày 11/11 đã nói rằng: “Mọi người có thể bị giết bởi đạn, nhưng niềm tin thì không thể chết, niềm tin được truyền lại, và một lần vượt qua là không thể trở lại”. Lão Tử từng nói: “Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì”.
Nhìn cách người Hồng Kông hy sinh cho nhau và cách họ xả thân vì thành phố của họ, mới cảm nhận được mục đích cao cả trong việc làm của họ. Họ là những nhân viên y tế trẻ tuổi lao vào giữa hiểm nguy để sơ cứu người biểu tình, là người đầu bếp can trường bất chấp đe dọa của cảnh sát một mực ở lại PolyU để lo bữa ăn cho SV, là cậu bé 11 tuổi trốn mẹ xuống đường ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ, nhân quyền…
Khi một nhóm người trẻ xông vào tòa Nghị Viện Hồng Kông, họ biết trước được những gì đang chờ đợi họ. Họ chắc chắn phải đối mặt với việc truy tố và án tù 10 năm vì tội “bạo loạn”. Nhưng họ trả lời rằng: “Từ khi có những người đã ngã xuống vì tự do, thì cho dù bất cứ hậu quả thể chất hay tù đày cũng làm sao có thể so sánh được”. Họ phá hủy các chỉ dấu của chính phủ độc tài chuyên chế, chân dung của vị Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, nhưng tuyệt đối không đụng đến các cổ vật và bảo vệ các cuốn sách quý. Họ còn hành động với những nguyên tắc không thể tưởng tượng được, như cách họ lịch sự để lại tiền trên quầy trước khi lấy chai nước uống…
Trong cuộc chiến không cân sức này, đã có hơn 4.000 người biểu tình bị bắt giữ. Nhưng hầu hết các bức ảnh mà truyền thông chụp được, không người trẻ Hồng Kông nào thể hiện sự căm hận hoặc sợ hãi, mà chỉ có sự bình thản và ngẩng cao đầu. Sự quả cảm, không cúi đầu thỏa hiệp trước cái Ác của họ khiến thế giới phải ngả mũ thán phục. Họ cho thấy lòng quyết tâm, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và cả tính nhân bản tuyệt vời khiến bộ máy đàn áp tàn bạo nhất của ĐCSTQ phải âu lo tìm cách đối phó.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông, người ta đã chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu cao chưa từng thấy trong lịch sử với 71,2% (khoảng 2,94 triệu người). Đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát 17/18 hội đồng trong một chiến thắng ‘long trời lở đất’. Trong số nhiều nghị viên trẻ tuổi đắc cử, họ đã từng xuống đường biểu tình, từng bị hăm dọa, đánh đập khi đi vận động tranh cử, nhưng họ không sợ hãi bỏ cuộc. Họ hiểu mỗi lá phiếu bầu của người dân Hồng Kông đều thấm máu và nước mắt của hàng vạn người trẻ Hồng Kông quả cảm.
Trông người lại ngẫm đến ta
Ở một lãnh thổ có nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, GDP bình quân đầu người cao hơn 14 lần so với Việt Nam, người Hồng Kông không sợ bị thôi học, mất việc, bất chấp bị bắt giữ, tra tấn, tù đày, và thậm chí cả tổn hại mạng sống chỉ để đấu tranh bảo vệ quyền tự do và dân chủ, vì một tương lai tươi sáng cho Hồng Kông.
Ở một nước nghèo với GDP đầu người xấp xỉ 3.000 đôla/năm, nợ công ở mức 56,1% GDP, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản…, người Việt vẫn vung tay thưởng tiền bạc tỉ cho các cầu thủ bóng đá… Người Việt bàng quan với vô số vấn đề nan giải của đất nước như tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, từ ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại cho đến vấn đề biển đảo bị ngoại bang xâm lấn…. Người Việt vẫn vui – buồn cùng trái bóng lăn.
Người Việt sở hữu nhiều kỷ lục như tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới, xài hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, lọt top tìm web khiêu dâm nhiều nhất thế giới, đọc sách ít nhất, tán phét nhiều nhất… Việt Nam cũng lọt top 5 quốc gia nạo hút thai nhiều nhất thế giới, ô nhiễm không khí môi trường, phá rừng đều nằm trong mức báo động đỏ…
Ứng dụng quan trắc không khí Airvisual ghi nhận Hà Nội lọt top thành phố ô nhiễm nhất thế giới, người thủ đô vẫn lặng im hít tiếp bụi mịn vì “Hít thì đã hít rồi, chả riêng mình!”. Cháy nhà máy Rạng Đông với khối lượng lớn thủy ngân phát tán ra môi trường, người Việt “ngoan ngoãn” chấp hành theo khuyến cáo “hạn chế đi qua khu vực chịu ảnh hưởng”, “yên tâm mình không có sao” vì sống ở ngoài “vùng nguy cơ bán kính 500m”.
Nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, thực phẩm nhiễm bẩn… đều là những vấn nạn cần quan tâm nhưng chẳng mấy người Việt quan tâm. Chả đâu bùng nổ quán xá, hàng ăn như Việt Nam ngay cả khi kinh tế suy thoái. Cũng chả thấy nơi nào có nhiều người trẻ lê la quán xá và uống rượu bia nhiều như người Việt (8,3 lít cồn tương đương 480 chai bia/người/năm). Trước lúc uống còn là “huynh đệ” của nhau, rượu vào thì hỡi ôi “huynh đệ” tương tàn. Những “anh hùng” bàn rượu sẵn sàng hùng hổ ẩu đả, văng tục, chửi thề… nhưng lại yếu nhược trước các vấn nạn của đất nước.
Trong khi nhiều vụ tham nhũng của các “nô bộc của dân” lên tới hàng nghìn tỉ đồng thì người Việt mặc nhiên chấp nhận tình trạng quá tải tại bệnh viện, chấp nhận 3-4 người sẻ chung một giường bệnh, chấp nhận nằm chờ… chết vì chưa kịp nộp viện phí. Nói rõ hơn, người Việt chấp nhận không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất – quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo.
Ngành giáo dục ngổn ngang bao sự vụ như gian lận thi cử, độc quyền sách giáo khoa, bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò chửi thầy, hiệu trưởng bị tố dâm… Ngay giữa thành thị, trường học xập xệ, thầy trò bất an. Ở các vùng sâu, thầy trò vẫn đu dây qua sông để đến trường, vẫn đốt củi để sưởi ấm lớp học bốn phía gió lùa qua vách liếp… Người Việt lặng im chấp nhận và tìm cách “hối lộ”: Nhà trường hối lộ cấp trên để được cấp bằng danh hiệu và giấy khen, phụ huynh hối lộ để con em được điểm tốt, vào trường chuyên, lớp chọn…
Việt Nam là nơi có tỷ lệ tai nạn giao thông xếp hạng cao thế giới với 15.000 người tử vong mỗi năm. Nhưng con số này không đáng sợ bằng sự vô cảm của người Việt trước thảm họa của người khác. Thay vì can thiệp, giúp đỡ nạn nhân trong các vụ bạo hành đường phố, bạo hành học đường hay tai nạn giao thông…, người Việt chọn cách đứng ngoài cuộc, chỉ trỏ, bàn tán… mà không sơ cứu nạn nhân hoặc gọi xe cứu thương. Họ thản nhiên quay clip, chụp ảnh và đăng lên mạng như một cách “khoe khoang chiến tích”, hạ nhục đối phương, hay bày tỏ niềm thương xót “ảo”.
Giới trẻ Việt quan tâm tới thần tượng, săn lùng đồ hiệu, giành giật xô đẩy dẫm đạp lên nhau chỉ vì suất đồ ăn miễn phí… Và không khỏi ngạc nhiên về “thần tượng” Khá “Bảnh” – một thợ mộc rẽ ngang làm giang hồ, lập kênh Youtube lăng xê thứ văn hóa đâm thuê chém mướn mà clip nào cũng thu hút hàng triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ.
Khi hàng trăm học sinh mặc nguyên đồng phục đứng đợi trước cổng tòa án reo hò “thần tượng” bước ra khỏi xe tù – Khá Bảnh giơ tay chào, cười rạng rỡ như một “soái ca” màn bạc – thì chúng ta phải đặt câu hỏi về lối sống lệch lạc của giới trẻ ngày nay, cũng như thứ văn hóa giải trí quái dị đang tràn lan tại xứ sở này.
Khi xã hội vẫn có những kẻ thất học, lếu láo, ngông cuồng lăng xê thứ văn hóa giang hồ, kiếm được bộn tiền, và được giới trẻ cổ vũ thì hẳn nhiên những vấn nạn trong nước còn bị thờ ơ, chứ đừng nói đến những chuyện xa xôi tận… Hồng Kông.
Khác biệt cơ bản
Khi biểu tình Hồng Kông nóng lên từng ngày với sự trấn áp ngày càng tàn bạo của cảnh sát, nhà đấu tranh dân chủ Hoàng Chi Phong (22 tuổi) bay sang Đức, gặp gỡ các chính trị gia nước này, kêu gọi Đức ngừng đàm phán buôn bán vũ khí với Trung Quốc “cho đến khi nhân quyền được đặt trong chương trình nghị sự”. Người trẻ ấy cũng bay sang Mỹ dự phiên điều trần tại Quốc hội, cùng các nghị sĩ Mỹ thúc đẩy Dự luật Nhân quyền và Dân chủ cho Hồng Kông.
Và cuộc đấu tranh bền bỉ trộn máu và nước mắt suốt gần 6 tháng trời của người Hồng Kông đã được đền đáp. Ngày 27/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thông qua hai đạo luật bảo vệ Hồng Kông. Vài triệu người Hương Cảng đã thức tỉnh cả tỷ con người trên thế giới trước họa Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Úc, Hà Lan… – những người không cùng chủng tộc, màu da nhưng cùng chung tiếng nói lương tri đã sát cánh cùng quốc đảo này.
Vào thời điểm PolyU trở thành “tâm bão”, Facebook của đa số người Việt vẫn ngập tràn những bức khoe body hình thể, khoe hàng hiệu xa xỉ, khoe nhà khoe cửa, khoe du lịch năm châu tứ bể… Thời điểm ấy, giới trẻ Việt ở đâu, làm gì? Ở trên bàn nhậu, hò zô uống mừng chiến thắng của đội nhà, và xuống đường “đi bão” mừng tuyển Việt Nam đứng đầu bảng?
Để có một Hoàng Chi Phong cũng như giới trẻ Hồng Kông dám xả thân vì việc lớn, cũng cần hiểu rằng họ đã được nuôi dưỡng, trưởng thành và rèn luyện trong một nền giáo dục khai phóng đầy nhân văn, trong một xã hội mà các giá trị tự do, nhân quyền và dân chủ đã tạo cho họ nhiều cơ hội, không gian để tư duy, sáng tạo và hành động độc lập.
Nhiều người Việt trở nên thờ ơ, vô cảm như ngày nay, cũng cần hiểu một điều rằng, họ đã bị tước đi một thứ mà họ không cảm nhận được: TỰ DO. Nền giáo dục rập khuôn chú trọng vào học thuộc lòng và thành tích thi cử, theo một mô-tuýp định sẵn mà không ai được phép “xé rào”. Việc giáo dục chính trị tư tưởng theo lý tưởng cách mạng được gieo vào não ngay từ thuở bé, khiến họ đã bị thui chột cảm xúc, không có cơ hội tư duy sáng tạo, răm rắp làm theo một “hướng đi” duy nhất. Cái gọi là “chính trị” mà người Việt được dạy bảo, chính là lòng yêu nước đồng nghĩa với yêu Đảng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng này được phổ biến từ các phong trào, tổ chức Đoàn, Hội, Đội, và cao hơn nữa là Đảng, đã biến người Việt trở thành những “rô-bốt” cùng chung một lối tư duy, hành động: Việc gì, điều gì trái với quan điểm của Đảng đều là sai, là nhạy cảm, nói thẳng ra là phản động.
Trong vô vàn những like, comment đua theo xu thế khoe mã thời đại, thật ra vẫn còn lóe lên tinh thần ủng hộ về một Hồng Kông đầy ý chí của người Việt Nam. Gần đây, cũng đã có một bộ phận người Việt và giới trẻ Việt hướng về Hồng Kông, thương cảm và cảm phục ý chí cũng như sự dũng cảm, kiên định của giới trẻ Hồng Kông. Tuy số lượng những like, comment này còn khá ít ỏi so với toàn thể xã hội Việt, nhưng nó thật đáng trân trọng trong thời buổi “khan hiếm” những tư duy độc lập như thế này. Có một thực tế rằng, giáo dục sẽ quyết định số phận tương lai của cả dân tộc.
Hoàng Thông
Xem thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét