Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

16963 - "Phật độ Vũ không độ Son"



Khác với tình cảnh đầy bi đát của ông Son, khi con gái nhất quyết không thừa nhận 3 triệu USD mà người cha đáng kính đã đưa do có được từ nhận hối lộ. Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng, đã khắc phục hơn 8.000 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho Mobifone, đồng thời được cả Viện Kiểm sát lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị áp dụng "đầy đủ, triệt để" tình tiết giảm nhẹ.




Điều đáng chú ý đến từ lá đơn ghi nhận của Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội vào ngày 29/6/2019. Ban trị sự Giáo hội Việt Nam TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng cũng có đơn đề nghị xem xét cho ông Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Như vậy, ngoài cái lý nằm trong Bộ luật Hình sự liên quan đến tình tiết "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hiệt hại hoặc khắc phục hậu quả", thì ông Phạm Nhật Vũ đã được chính giới lãnh đạo tăng sư trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở T.Ư và một số tỉnh thành tìm kiếm cái "tình" và lên tiếng "độ".

Nói cách khác, cư sĩ Phạm Nhật Vũ được Phật "độ" hơn so với ông Nguyễn Bắc Son trong trường hợp này.

Nhưng cách thức "đề nghị xem xét" của bên Giáo hội Phật giáo Việt Nam liệu có phải là hợp lý?

"Công đức" và đóng góp với sự mở rộng trong giao lưu quốc tế và vật chất của ông Vũ có thực sự nên được "Phật độ"? 

Hay, một người sử dụng quyền và tiền để trục lợi cá nhân, chỉ vì "cúng dường" lớn nên được ưu ái "độ trì"? Và "trục lợi cá nhân" đó là nhằm vào chính nguồn ngân khố quốc gia, hệ quả ngân khố quốc gia bị đục thủng, gián tiếp làm nảy sinh thuế má khác lên đầu quần chúng nhân dân lao động khác?

Giáo hội liệu có quan tâm nguồn tiền "cúng dường" và ra sức "ngoại giao quốc tế" mà ông Phạm Nhật Vũ dành cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "tiền bẩn" hay "tiền sạch". Bởi thời điểm ông Vũ "cúng dường" lại là thời kỳ ông có những hành vi liên quan đến "tham" tiền bạc của quốc gia. Nếu nguồn tiền không được trong sạch, được ông Vũ sử dụng để "xây chùa chiền" và "góp vật chất" khác cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì khác nào "báng bổ" giáo hội và những nguyên lý thuộc về Phật giáo? 

Nói thẳng, bằng đơn đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Phạm Nhật Vũ đã thành công trong thỏa mãn được cái "tâm hướng Phật" của mình, và "nuôi dưỡng" một nhóm người có thể ru ngủ người dân khi cần và "độ trì" ông ta lúc cần.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức với lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", gắn mình với "hộ quốc an dân". Trong trường hợp đối với Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, tổ chức này đáng ra có cách xử lý tốt hơn bằng cách, ghi nhận "công lao của ông Vũ", nhưng phải đồng thời đề nghị trả lại số tiền đã nhận từ ông này. Lý do, một là nguồn tiền "cúng dường" được nảy sinh ra từ hành vi đục khoét là đi ngược với đạo pháp của giáo hội, và hai là vì nguồn tiền đó đến từ ngân sách quốc gia, tiền thuế nhân dân nên cũng đi ngược với yếu tố "dân tộc"

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không làm như vậy, dẫn đến một thực trạng có tiền lệ: cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, kể cả trong lĩnh vực tôn giáo.

Và trên hết, pháp luật sinh ra cũng chỉ phục vụ cho kẻ có quyền thế và quyền lực. Cũng như, hệ quả xã hội tiếp tục nảy sinh ra một tình tiết giảm nhẹ ngoài luồng bên cạnh "gia đình có công với cách mạng", đó là "gia đình có công với phật giáo".

Phật giáo Việt Nam có chiều dài gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, và đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Đó là điều không thể phủ nhận. Và hưng thịnh hay suy vong của Phật giáo cũng được ghi nhận trong lịch sử, trong đó suy vong đến từ tình trạng chùa chiền mọc lên quá nhiều trong khi đức độ sư tăng ni không theo kịp. Phật giáo trở thành một thứ bùa mê "ru ngủ" các giai tầng trong cái vòng bi kịch của một triều đại.

Thời Lý, Trần, Phật giáo đã đạt đến độ cực thịnh. Một vị vua Lý ban chiếu cho xây gần 1.000 ngôi chùa, một số vị cao tăng được trọng dụng, tham gia vào chính trị. Thế nên, chùa chiền trở thành nơi để "trốn thuế, trốn lính" và để "một bộ phận tăng lữ an nhàn hưởng thụ" [1]. 

Đó là hệ quả của một nền tảng Phật giáo được "cưng chiều" mà bỏ bê "kỷ cương".

Và hiện trạng ngày hôm nay cũng đang tái lặp thực trạng cuối thời Trần, khi mà chùa chiền trở thành một mô hình kinh doanh cực kỳ lợi nhuận, trong khi một bộ phận không nhỏ giới tăng lữ thì "chỉ toàn họp hành, hội nghị, tiếp khách" [2].

Quan điểm Phật giáo Việt Nam phát triển thì ít, mà suy thoái thì lại nhiều lại phản ánh cái nhìn thẳng thắn và đầy trung thực. Do đó, "Phật độ Vũ không độ Son" đã thành câu nói châm biếm, khắc họa một góc nhìn đầy bi đát về quyền và tiền trước thềm Giáo hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét