Giáo dục, ai cũng biết, là nền tảng xây dựng con người. Mọi người. Để thay đổi chính mình, môi trường chung quanh, quốc gia và thế giới. Như Nelson Mandela từng nói, “Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. Không được giáo dục và chỉ sống trong môi trường sơ khai, ngay cả trong thời đại nay, một người có thể hành xử một cách ban sơ/nguyên thuỷ (primitive).
Nhưng nếu được giáo dục ngay từ nhỏ và bằng nền học thuật cấp tiến, một sinh viên mới ra trường bởi tuổi đầu hai mươi có thể có tri thức được gạn lọc và tích lũy hàng ngàn năm qua. Với nền tảng này, và với môi trường trọng dụng nhân tài dựa trên tài năng (based on merit), thay vì quen biết tham nhũng hay mọi lý do khác, cá nhân đó có thể vươn lên tận trời xa.
Một hai thế hệ, với chính sách giáo dục khoa học, cấp tiến, và một môi trường lành mạnh để thi thố tài năng, có thể đưa một quốc gia/dân tộc đó sánh vai với nhân loại. Singapore, Đài Loan và Nam Hàn là các thí dụ thành công mà chúng ta có thể nhìn thấy kết quả rõ ràng kể từ thập niên 1960, 1970 cho đến nay.
Nhưng nói đến giáo dục, lĩnh vực quá sâu rộng, chúng ta nghĩ đến điều gì? Chính sách? Ngân sách? Lương bổng? Giáo viên? Học viên? Cha mẹ? Hậu/Đại học, trung học, tiểu học, mầm non? Thi cử? Thưởng phạt? v.v…
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng điều cơ bản, và là nền tảng quan trọng, nhất: triết lý giáo dục. Nó giúp cho chúng ta suy vấn, đến tận cùng vấn đề, để nhận thức và kết luận cho chính mình các câu hỏi như giáo dục là gì, để làm gì, cho mục đích sau cùng là gì v.v…
Triết lý giáo dục nào?
Về điều này thì chúng ta có thể học hỏi được từ các đầu óc tinh hoa nhất của nhân loại, để từ đó rút ra cho chính mình ý nghĩa của giáo dục là gì. Cảm ơn tiến sĩ
Marilyn Price-Mitchell, người nghiên cứu về sự phát triển con người, đồng thời là sáng lập viên của Cội nguồn của Hành động (Roots of action, một trang điện tử giá trị và công phu để tất cả những ai quan tâm về giáo dục nên tìm hiểu), đã nghiên cứu và chọn lọc những định nghĩa/quan niệm từ triết gia, nhà thơ, nhà giáo dục, sử gia, nhà thần học, chính trị gia và lãnh đạo thế giới từ thế kỷ thứ năm trước công nguyên cho đến thế kỷ 21 để chúng ta cùng suy ngẫm.
Trong 40 triết lý chọn lọc này bởi Price-Mitchell, mặc dầu hầu như câu nào cũng hay, nhưng vì sự giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin trích năm điều tiêu biểu và tâm đắc sau đây (*). Quý bạn đọc nghĩ sao về các câu này và những câu còn lại?
Một, từ Jean Piget, triết gia, tâm lý gia về phát triển người Thụy Sĩ: Mục đích căn bản của giáo dục tại các trường học nên là tạo ra những người đàn ông và phụ nữ có khả năng làm những gì mới, chứ không đơn thuần lập lại những gì thế hệ trước đã làm. (Câu kế tiếp số 2 cũng tương tự: Một nền giáo dục không phải là để ghi vào trí nhớ, hay ngay cả về những gì mình biết. Nó là về khả năng có thể phân biệt những gì mình biết và những gì mình không biết – Anatole France, thi sĩ và nhà văn người Pháp. Câu số 10 cũng vậy: Giáo dục không phải là đổ đầy thùng, mà là sự thắp lửa sáng – William Butler Yeats, thi sĩ người Irish)
Hai, từ Nancy Astor, nhà hoạt động xã hội và chính trị gia người Mỹ: Nền giáo dục thật nên giáo dục chúng ta từ bản thân thành một thứ gì đó tốt hơn - thành một sự vị tha/vô ngã liên kết chúng ta với toàn nhân loại.
Ba, từ John Dewey, triết gia, tâm lý gia và nhà cải sách giáo dục người Mỹ: Giáo dục không phải là để chuẩn bị cho cuộc sống; giáo dục chính là cuộc sống (nghĩa là liên tục, không bao giờ chấm dứt, cho đến khi ngừng thở). Một câu khác số 23 tương tự từ Robert M. Hutchins, triết gia về giáo dục người Mỹ: Mục tiêu của giáo dục là để chuẩn bị giới trẻ tự giáo dục mình suốt cả cuộc đời.
Bốn, Albert Einstein, nhà khoa học vật lý học: Giáo dục là những gì còn lại sau khi người ta đã quên những gì người ta đã học ở trường. (Câu này giống câu số 33 của B. F. Skinner, triết gia xã hội, tâm lý gia và nghiên cứu về hành vi, nói rằng giáo dục là những gì còn tồn tại khi những điều được học đã bị lãng quên.)
Năm, Ralph Waldo Emerson, nhà luật văn, giáo sư và thi sĩ người Mỹ: Bí quyết của giáo dục nằm ở sự tôn trọng sinh viên/học sinh.
Price-Mitchell cho rằng các triết lý trên có những sợi dây chung nối kết các khía cạnh trí thức, xã hội, cảm xúc và thể lý của giáo dục với nhau, và theo Price-Mitchell, nền giáo dục tốt là tạo điều kiện cho sự phát triển một la bàn bên trong/nội hướng (internal compass) hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.
Các quan niệm và triết lý giáo dục này đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng con người và đất nước tại các nước văn minh tiên tiến hiện nay.
Còn Việt Nam mình?
Trong lá thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục ngày 1 tháng 9 năm nay, ông Trọng yêu cầu “ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo…”. Ông mong “các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức…” và “các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học… phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vẫn là cực lỳ giáo điều, mù mờ và tụt hậu. Ông Trọng vẫn xem chủ trương của đảng là trên hết. Còn giáo viên phải có bản lĩnh chính trị. Nhưng điều này có nghĩa gì? Bản lĩnh chính trị, nếu thật sự có và đúng nghĩa, thì lẽ ra phải tích cực phê phán và kể cả chống đối lại một cách mạnh mẽ cái đảng đã nhúng tay vào mọi vấn đề của đất nước, kể cả giáo dục, làm cho nó tồi bại bởi vì chính trị hóa nó từ trước đến nay. Khác với quan niệm giáo dục của các nước văn minh, và hoàn toàn không giống một tí nào các triết lý giáo dục nêu trên. Người đứng đầu Việt Nam vẫn công khai tiếp tục chủ trương “hồng” và “chuyên”, một bước tiến bộ hơn trước “hồng hơn chuyên”, nhưng vẫn mang tư duy cổ hủ và ý thức hệ cộng sản cả thế kỷ trước. Ông Trọng rõ ràng chỉ muốn thế hệ này và tới tiếp tục thờ bác, yêu đảng, vì chuyên mà không hồng thì vẫn vô tích sự trong mắt ông và đảng. Ông Trọng không muốn sinh viên học sinh có khả năng phân biệt giữa đảng, lãnh đạo đất nước và người dân.
Một người lãnh đạo quốc gia với tư duy như thế thì làm sao giúp cho người Việt Nam, nhất là chuẩn bị các thế hệ hôm nay và sắp tới, những hành trang cần thiết để tự vươn lên và góp phần xây dựng quốc gia một cách tốt nhất trong bối cảnh đầy thử thách và cạnh tranh?
Việt Nam cần triết lý, đặc biệt là triết lý giáo dục, thay vì những phát biểu ngớ ngẫn. Triết lý đó giúp định hướng để phát triển lành mạnh, bền vững và lâu dài cho toàn thể dân tộc, chứ không phải cho bất cứ đảng chính trị nào hay bất cứ nhà nước nào. Tôi hy vọng những phát ngôn độc hại như của ông Trọng không làm dơ bẩn những đầu óc ngây thơ và trong sạch của đa số thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Chú thích:
(*) Sau đây là năm triết lý tiếp theo về giáo dục từ bài viết “What Is Education? Insights from the World's Greatest Minds” của Marilyn Price-Mitchell.
Sáu, từ William Temple, nhà giáo và giám mục người Anh: Ảnh hưởng lớn nhất trong tất cả các yếu tố giáo dục là cuộc trò chuyện trong ngôi nhà của đứa bé.
Bảy, từ John F Kennedy, Tổng thống thứ 35 của Mỹ: Chúng ta hãy nghĩ về giáo dục như là phương tiện để phát triển những khả năng lớn nhất của chúng ta, bởi vì trong mỗi chúng ta đều có hy vọng và ước mơ riêng tư, mà nếu hoàn thành, có thể được chuyển thành lợi ích cho mọi người và cho sức mạnh lớn hơn của quốc gia.
Tám, từ John W. Gardner, Bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi thời Tổng thống Lyndon Johnson: Phần lớn giáo dục ngày nay chẳng hiệu quả gì cả. Chúng ta thường xuyên cho những người trẻ những bông hoa cắt sẵn khi mà chúng ta nên tự dạy cho họ cách tự trồng cây cho mình.
Chín, từ Oscar Wilde, nhà văn thi sĩ người Irish: Giáo dục là một điều đáng ngưỡng mộ, nhưng điều thỉnh thoảng cũng đáng nhớ là rằng không có gì đáng biết có thể được dạy (tức những điều đáng biết thì không phải từ dạy mà phải tự nghiệm lấy).
Mười, Bob Beauprez, một cựu nghị sĩ của quốc hội Mỹ: Giáo dục là một cam kết chung giữa giáo viên tận tâm, học sinh năng động và phụ huynh nhiệt tình với kỳ vọng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét