Sau 70 năm kể từ ngày nắm quyền tuyệt đối ở đại lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đối diện với những thách thức chưa từng có đối với quyền lực của họ bất chấp những thành tựu vượt bậc về kinh tế-xã hội, các nhà phân tích nhận định. Hôm 1/10, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh và diễn hành rầm rộ tại Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng ‘không thế lực nào có thể cản bước tiến về phía trước của đất nước và dân tộc Trung Hoa’.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng ‘không thế lực nào có thể cản bước tiến về phía trước của đất nước và dân tộc Trung Hoa’.
Mặc dù Trung Quốc đã có bước nhảy vọt từ một nước nghèo đói từ năm 1949 trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhưng một số học giả cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể giành công trong tất cả những công trạng này.
Nhận vơ công?
Trên trang mạng của kênh DW, kênh truyền hình Đức, ông Perry Link, giáo sư về Giảng dạy Sáng tạo, Văn học so sánh và Ngoại ngữ ở Khoa Khoa học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội thuộc Đại học California ở Riverside và là Giáo sư danh dự về nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton, đã đưa ra những cảnh báo rất gay gắt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản cầm quyền tự cho đó là công trạng của họ trong việc tạo ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc là số một thế giới trong một số lĩnh vực trong những cách có thể đo lường: chẳng hạn dự trữ ngoại tệ lớn nhất, tuyến đường sắt cao tốc lớn nhất và nhiều điện thoại di động nhất,” ông Perry Link viết, “Nhưng nhiều trong số những cái nhất này là nhờ vào quy mô khổng lồ của Trung Quốc hơn là sự nhạy bén của các nhà lãnh đạo. Người ta có thể kể tên những cái nhất khác – chẳng hạn như số tử vong vì giao thông, số lượng tự tử và các trường hợp cảm lạnh thông thường - ở đây quy mô của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính.”
Vị giáo sư này đã dẫn ra là tính bình quân đầu người, các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan – vốn có chung nền tảng văn hóa với Trung Quốc – đều có thành tích kinh tế tốt hơn Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế xếp Đài Loan đứng thứ 14 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người. Nhật Bản xếp hạng 28 và Hàn Quốc hạng 29. Trong khi đó Trung Quốc đứng thứ 73.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc tự hào rằng họ đã ‘đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo’. Tuyên bố này cũng vậy, cũng không có gì ấn tượng nếu xét về quy mô dân số, nhưng vấn đề lớn hơn là các dùng từ ‘đưa người dân ra khỏi’. Từ này cho thấy đây là công trạng của chính phủ đối với người dân nhưng sự thật là điều ngược lại,” ông lập luận.
Theo giải thích của Giáo sư Link thì bắt đầu từ những năm 1990, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã làm việc hàng giờ với mức lương thấp mà không được các công đoàn hoặc tòa án độc lập bảo vệ đã tự mình thoát khỏi nghèo đói và đồng thời đã đưa giới tinh hoa cộng sản đến sự giàu có vô cùng. Năm 2018, 153 đại biểu giàu có nhất ở Quốc hội Trung Quốc có tài sản khoảng 650 tỷ đô la - tương đương với GDP của Thụy Sĩ.
Di sản của Mao Trạch Đông
70 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm 27 năm dưới thời Mao Trạch Đông, khi hàng chục triệu người đã chết tức tưởi. Nạn đói khủng khiếp từ năm 1959 đến 1962 - do chính sách của Mao chứ không phải do thời tiết - tự nó đã cướp đi 30 hoặc 40 triệu sinh mạng. Một loạt các chiến dịch khác mà Mao phát động luôn xoáy sâu vào sự thù hằn và bạo lực. Trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản từ năm 1966, những người trẻ bị buộc phải đấu tố cha mẹ, đánh đập giáo viên và đốt sách. “Khó thể có một cuộc tấn công nào tàn phá nhiều hơn vào các giá trị cốt lõi của nền văn minh cổ xưa của Trung Quốc,” ông Link nhận định.
Ông cho biết rằng những ảnh hưởng của các chiến dịch của Mao đối với văn hóa Trung Quốc vẫn còn. Ngày nay, chúng được nhìn thấy ở sự đảo lộn đáng sợ ngôn ngữ đạo đức. Vào những năm 1950, khi Mao nói ‘phục vụ nhân dân’, nhiều người Trung Quốc đã chấp nhận khẩu hiệu là nội dung mới trong các chuẩn mực về đạo đức. Nhưng vào thời điểm Mao gây ra sự hỗn loạn xong xuôi vào những năm 1970, cụm từ này đã trở nên hoàn toàn rỗng tuếch. “Lời nói của ông Tập Cận Bình rằng ‘chúng ta kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’ không chỉ trống rỗng mà còn thiếu mạch lạc. Nhưng mọi người đều biết nó thực sự có ý nghĩa gì. Nó nghĩa là ‘im mồm và tuân lệnh Đảng’,” ông viết.
Tập Cận Bình, cũng như mọi nhà lãnh đạo hàng đầu kể từ thời Mao, đã không thể vứt bỏ ‘Người cầm lái vĩ đại’ vì quá nhiều những điều tạo nên uy tín và quyền lực của Đảng nằm ở hình ảnh của Mao. Ngoài ra, Tập cần Mao như một hình mẫu. Ông Tập có học vấn ít, chưa đi nhiều nơi và không thể nghĩ ra sẽ chuyển sang các nguồn tài nguyên trí tuệ nào khác ngoài các phương pháp của Mao, cũng theo ông Link.
Theo nhà nghiên cứu này thì trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Mao đã đưa xã hội Trung Quốc vào nỗi điên cuồng cho rằng Trung Quốc là nơi duy nhất được mệnh Trời để lãnh đạo thế giới và là cơ sở cho niềm tự hào dân tộc. Tất cả đã sụp đổ vào cuối những năm 1970 và nhiều người Trung Quốc đã thề rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nhưng giờ đây, bốn thập kỷ sau, có cái gì đó rất giống đang xảy ra một lần nữa. Trung Quốc đang phấn khích với lòng yêu nước hoa mỹ nhưng hời hợt.
Triển vọng u ám
“Nếu lịch sử là chỉ dấu thì có lý do để hy vọng rằng sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Sau 70 năm, nó đã là chế độ cộng sản hiện đại lâu nhất. Nếu chế độ Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ vào ngày Quốc khánh lần thứ 70, chúng ta cũng nên dành chút thời gian để xem lại hoàn cảnh của nhà lãnh đạo tối cao của chế độ. Cùng một lúc, Tập Cận Bình cần phải lo lắng về nền dân chủ ở Hong Kong, về cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, về dịch tả lợn nghiêm trọng đang khiến giá thịt lợn tăng vọt và về nền kinh tế đã bước vào giai đoạn suy giảm chậm. Một vấn đề với việc tập trung quyền lực trong mọi lĩnh vực là trách nhiệm cho sai lầm ở bất cứ nơi đâu đều chỉ đến một người,” ông kết luận.
‘Cảm giác bất an’
Còn trên tờ Washington Post, tác giả Ishaan Tharoor có bài phân tích cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang kỷ niệm Quốc khánh trong ‘cảm giác bất an’ và nêu lên những lo ngại về kinh tế và những diễn biến gần đây ở Tân Cương và Hong Kong.
Theo bài phân tích thì dù ông Tập Cận Bình vững vàng trong quyền lực nhưng không bao giờ không cảm thấy lo sợ sẽ mất quyền lực.
“Lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là lịch sử của ‘khát vọng, hủy diệt, tham vọng, tự tin và lo lắng’,” ông Klaus Mühlhahn, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Tự do Berlin, được Washington Post dẫn lời nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều chính sách của Trung Quốc là do sợ hãi mà ra. Nỗi sợ mất quyền lực này, diễn biến tương tự như những gì đã xảy ra ở Liên Xô, hình thành nên phần lớn chính sách và tư duy ở nước này.”
Những lo lắng đó đã mạnh lên trong bối cảnh kinh tế trì trệ một cách đáng lo và sự trì trệ kinh tế này càng trở nên nghiêm trọng do cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt của Mỹ và sự đồng thuận chống Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ ở Washington và các thủ đô phương Tây khác.
Trong cuộc trò chuyện trên chương trình WorldView, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề nghị ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc cần phải nghĩ xa hơn thông điệp mạnh mẽ mà họ tuyên truyền ở các lễ kỷ niệm: đó là câu chuyện gắn liền với bất bình và bi kịch lịch sử, than khóc cho sự bất hạnh của Trung Quốc trước quân xâm lược nước ngoài và chỉ được cứu vớt nhờ vào bảy thập kỷ cầm quyền quả quyết của Đảng cộng sản.
Một vấn đề gai góc là rối loạn bên trong Trung Quốc như ở Hong Kong và Tân Cương. “Tôi nghĩ những vấn đề gắn kết nội bộ này đang khiến họ lo lắng vì họ không tìm thấy cách nào dễ dàng để đối phó,” ông Lý nói.
Nhà lãnh đạo Singapore không nghĩ rằng ông Tập hoặc các đồng minh của mình sẽ tán thành việc lặp lại hành động can thiệp quân sự như hồi năm 1989 vào Hong Kong. “Mọi thứ sẽ tệ hơn nếu họ phải đi theo chiều hướng đó, và họ sẽ làm gì với Hong Kong sau đó?” ông Lý đặt vấn đề. “Anh đã phá hủy Hong Kong. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiện đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan - làm thế nào hy vọng rằng chuyện này sẽ chìm xuống mà không can dự quá mức?”
Tác giả Ishaan Tharoor nhận định rằng chắc chắn các cuộc biểu tình ở Hong Kong không hẳn là mối đe dọa hiện sinh đối với ông Tập và các đồng chí của ông. “Kỷ niệm 70 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có nghĩa là chính phủ độc đảng của Trung Quốc đã tồn tại lâu hơn một năm so với Liên Xô - và nó không có dấu hiệu gì là rạn nứt,” ông viết trong bài phân tích.
Sự nổi lên của một phong trào đối lập thực sự sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống – chẳng hạn như sụp đổ kinh tế thực sự hoặc thảm họa về khí hậu - điều đó dường như không có khả năng, nhà báo Ian Johnson thường trú ở Bắc Kinh được Washington Post dẫn lời nói. “Ít nhất ở bề ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dựa vào năng lực phục vụ dân sự để đảm bảo các tàu cao tốc chạy đúng giờ, đường cao tốc lúc nào cũng tràn ngập xe hơi mới và tàu sân bay được chế tạo,” ông Ian Johnson nói.
(Theo DW, Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét