Làm thế nào để chống lại cơn bão Trung Quốc? Bước đầu tiên là đừng đặt vấn đề theo cách hù mình dọa người, kiểu như trên. Ngay trong báo cáo của Viện Hoover về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) ở Mỹ, một thành viên trong nhóm tác giả đã nêu rõ quan điểm bất đồng với tinh thần chung của báo cáo, cho rằng việc thổi phồng mối nguy từ các hoạt động của TQ có hại nhiều hơn có lợi.
Các tác giả còn lại giữ nguyên quan điểm cần phải cảnh giác với tất cả các hoạt động của TQ, nhưng họ luôn nhấn mạnh, như chính cái tên của nghiên cứu, “promoting constructive vigilance”, rằng cần phải cảnh giác một cách tích cực, cảnh giác để bảo vệ, xây dựng những giá trị tự do mà mình trân trọng, không dùng những nỗi sợ làm cái cớ đi bức hại những cộng đồng khác.
Những chuyên gia nghiên cứu về TQ nhiều nhất, hiểu rõ nhất từng nguy cơ từ những hoạt động của chính quyền TQ, luôn là những người lên tiếng kêu gọi sự cẩn trọng cao nhất.
Họ biết rằng nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ biến thành chính những kẻ mà mình luôn ghê sợ.
Các chuyên gia về TQ luôn nhấn mạnh sự cẩn trọng vì họ hiểu một trong những phản ứng bản năng đầu tiên của chính quyền lẫn người dân các nước sẽ là chống lại tất cả những gì “có dính tới Trung Quốc”.
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull từng nói “cộng đồng người gốc Hoa không phải là vấn đề, họ là một phần của giải pháp”.
Trên thực tế, những ai nhập nhằng đánh đồng tất cả “người dân TQ”, “người gốc Hoa” và “chính quyền TQ” là những người rơi vào bẫy của Bắc Kinh, tiếp tay đồng lõa cho chính quyền đảng Cộng sản.
Với kiểu tư duy nhập nhằng ấu trĩ đó, họ làm giúp chính quyền cộng sản một chuyện mà suốt 70 năm qua những kẻ độc tài này vẫn luôn ngày ngày rêu rao: Đảng Cộng sản Trung Quốc là đại diện tuyệt đối và duy nhất của người Trung Quốc.
Nếu ngày đó, xe tăng không tiến vào Thiên An Môn
Có một truyện cười kinh điển, kể về việc hai vợ chồng nhà nọ bất đồng rồi cãi vã, tới khi tía tai đỏ mặt, anh chồng tức giận hét lên, “cô nói đi, ai mới là chủ của ngôi nhà này?!”.
Cô vợ bình thản trả lời, “nếu anh là chủ, anh đã không đi hỏi câu đó”.
Truyện cười này rất thích hợp cho những chính quyền độc tài.
Nếu là đại diện thật sự cho nhân dân, họ đã không cần phải đi rêu rao điều đó mỗi ngày và áp đặt nó lên người khác.
Họ nhai đi nhai lại với hy vọng một thứ giả dối khi lặp lại đủ nhiều sẽ dần trở thành sự thật.
Nhưng luôn có những người TQ không bao giờ chấp nhận sự dối trá đó.
Luôn có những Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người được trao giải Nobel Hòa bình với nghị lực đấu tranh phi thường cho tự do, dân chủ ở Trung Quốc, mà tới những ngày tháng cuối đời trong lao tù cộng sản vẫn không giữ chút thù hận nào trong lòng, “tôi không có kẻ thù và cũng chẳng hề thù ghét bất kỳ ai.”
Luôn có những luật sư, những nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh bảo vệ bản thân, cho những người thấp cổ bé họng, sẵn sàng chống lại thế lực bạo quyền ngang ngược nhất hành tinh, cho dù bị đàn áp khốc liệt, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Và khi những tờ báo, những kênh truyền thông độc lập của người Trung Quốc trong và ngoài nước dần bị nhiễm sắc đỏ, vẫn luôn còn những con người dũng cảm quyết không để mình bị nhuộm màu.
Đó là những người như Don Ma, ông chủ của Vision China Times, một tờ báo độc lập của người Hoa tại Sydney và Melbourne. Ông không chấp nhận cúi đầu, bất kể việc chính quyền Bắc Kinh gây sức ép buộc các doanh nghiệp ở TQ cắt hợp đồng quảng cáo với tờ báo của ông. Có những doanh nghiệp vốn là khách hàng của ông bị quan chức của Bộ An ninh đến ngồi chơi xơi nước suốt hai tuần liên tục, cho đến khi họ chịu cắt quan hệ với tờ báo của Don Ma mới được tha cho yên ổn.
Có những nhà báo sức đơn thế chiếc , “một mình chống lại mafia”, tự đứng ra lập các kênh truyền thông độc lập riêng, như Hong Kong Free Press tại Hong Kong hay New Bloom tại Đài Loan, luôn trung thành với trách nhiệm cơ bản nhất của báo chí: nói Sự thật.
Những người TQ hải ngoại vẫn thường tiếc nuối mỗi khi nghĩ về sự kiện Thiên An Môn năm 1989, rằng nếu ngày đó đảng Cộng sản thật sự vì nước vì dân và chịu cởi trói chính trị, giờ này TQ đã là ngọn đuốc sáng thật sự của nhân loại.
Đó tất nhiên chỉ là giả định, một chuyện không có thật. Cuộc sống không có chữ “nếu” và thời gian chỉ đi một chiều, không thể quay lại.
Nhưng lịch sử đã may mắn sắp đặt một chữ “nếu” khác tại một đất nước mà những người Trung Quốc thật sự được tự do, được làm chủ.
Đài Loan là một minh chứng hùng hồn rằng người TQ hoàn toàn có thể tự do, xứng đáng với nó, và một khi tự do, họ có thể trở nên đáng kính, đáng nể, đáng trân trọng thế nào.
Trong cơn bão truyền thông đỏ cuộn xoáy đất nước mình, vào ngày Chủ nhật 23/6/2019, hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại đại lộ Ketagalan, “thánh địa của biểu tình”, ở khu vực trung tâm Đài Bắc, Đài Loan.
Đối với Đài Loan, một nước có nền dân chủ tuy non trẻ nhưng thuộc dạng sôi động bậc nhất ở châu Á, các cuộc tập hợp, tuần hành, biểu tình… diễn ra nhiều như cơm bữa.
Nhưng lần này hơi khác. Nó không phải là cuộc ra quân của một đảng phái nào, cũng không do chính đảng nào tổ chức, không có xe diễu hành, không có cơm hộp phát cho người tham gia, cũng không nhằm ủng hộ một ứng viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 1/2020 sắp tới.
Đây là sự kiện do một nhân vật trong giới “underground” phát động. Người hiệu triệu cho cuộc tuần hành này là Trần Chi Hán (Chen Chih-han), thường được gọi là “quán trưởng”, một cựu quân nhân, cựu võ sĩ MMA (võ tự do), từng là đại ca xã hội đen, hiện là ông chủ của một loạt trung tâm huấn luyện võ thuật và thể hình.
Khác với nhiều “celebrity” (người nổi tiếng) của Đài Loan, hay né tránh những bình luận đụng chạm đến chính quyền TQ đại lục, sợ ảnh hưởng đến nồi cơm, Trần Chi Hán thường xuyên dùng kênh truyền thông riêng của mình (Facebook, Youtube…) để lên án công kích với những gì anh cho là sự xâm lược của chính quyền cộng sản TQ lên nền dân chủ của đảo quốc.
Khi kêu gọi người dân tuần hành phản đối “truyền thông đỏ” ở Đài Loan, Trần Chi Hán không nghĩ sẽ có nhiều người xuất hiện như vậy.
Anh tự nhận mình là kẻ thất học, thô thiển, không phải là nhân vật tiếng tăm, và không bao giờ có ý định làm chính trị.
Anh chỉ muốn bảo vệ sự tự do của đất nước mình.
Trong hàng trăm ngàn người đội mưa xuất hiện ngày hôm ấy, cũng không có bao nhiêu người muốn làm chính trị.
Họ đến từ khắp nơi trên đảo quốc, tập hợp lại chỉ để truyền tải một thông điệp: truyền thông đỏ cút khỏi Đài Loan.
Họ đến để bảo vệ sự tự do của chính mình.
Giống như cô sinh viên TQ Yang Shuping ở Đại học Maryland, những người Đài Loan đã được hít thở tự do, thứ không khí trong sạch của dân chủ, sẽ không bao giờ chấp nhận đánh đổi nó lấy bất kỳ thứ gì khác trên đời.
Ánh sáng mặt trời là liều thuốc tốt nhất
Cần phải khẳng định một lần nữa, rằng TQ không phải là chính quyền duy nhất tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tạo ảnh hưởng lên những nước khác.
Rất nhiều trong số những việc Bắc Kinh đã và đang làm, những chính quyền khắp thế giới đều làm.
Điểm khác biệt quan trọng nhất, là trong khi đa phần những việc làm của các chính phủ khác đều ở ngoài sáng, minh bạch và rõ ràng, thì những việc của chính quyền TQ làm, như đã được chỉ ra qua loạt bài này, lại đầy tính chất 3Đ – Đội lốt, Đe nạt và Đút lót.
Trong khi những quốc gia khác khoe “sức mạnh mềm” (soft power) để tất cả cùng vui (win-win), Bắc Kinh lại xuất khẩu “sức mạnh mòn” (sharp power) để buộc phải có bên thắng bên thua (zero-sum game).
Trong báo cáo của Viện Hoover, “minh bạch” (transparency) là giải pháp hàng đầu các chuyên gia đưa ra để chống lại sức ảnh hưởng của TQ.
Họ biết trong rất nhiều những việc chính quyền Bắc Kinh đang làm, không có mấy thứ sống sót nổi khi bị đem ra phơi trước ánh sáng.
Chỉ cần minh bạch tất cả các mối quan hệ có dính dáng đến TQ, công khai tất cả những hợp đồng, thỏa thuận, điều khoản khi làm việc cùng họ, buộc những nhân vật, tổ chức chịu ảnh hưởng trực tiếp của Bắc Kinh phải công bố công khai hoạt động của mình, buộc họ phải làm việc ngoài sáng thay vì trong tối, ảnh hưởng tiêu cực từ các việc làm của chính quyền TQ, cho dù có quy mô và sức mạnh đến đâu, cũng sẽ bị kiểm soát hiệu quả.
Đơn giản vì không có liều thuốc kháng sinh nào tốt hơn ánh sáng mặt trời.
Đó là cách chính quyền Mỹ áp dụng với đạo luật FARA (Foreign Agents Registration Act – đạo luật về đăng ký khai báo áo dụng cho các tổ chức, cá nhân làm việc cho chính quyền nước ngoài), khi họ buộc những cơ quan truyền thông của chính quyền TQ như Tân Hoa Xã và CGTN phải đăng ký khai báo theo luật này.
FARA vốn là đạo luật đưa ra vào thập niên 1930 để đối phó lại các hoạt động tuyên truyền của Đức quốc xã vào Thế chiến II. Không phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào của nước ngoài hoạt động ở Mỹ đều phải đăng ký. Điều luật này chỉ áp dụng cho những đơn vị có hoạt động “tìm cách gây ảnh hưởng đến thể chế chính sách” của Mỹ.
Chậm chân hơn Mỹ, nước Úc sau những tranh luận căng thẳng về cách thức đối phó với ảnh hưởng của chính quyền TQ cũng đã thông qua gói luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào nền chính trị của mình. Đạo luật mới sẽ buộc những tổ chức cá nhân vận động hành lang (lobby) cho chính phủ nước ngoài phải đăng ký công khai.
Có một vấn đề khác cần nhấn mạnh: không phải chính phủ nước nào, kể cả ở các chế độ dân chủ, cũng luôn minh bạch những việc làm của mình.
Và đó là điểm khác biệt quan trọng thứ hai: với những thể chế dân chủ thật sự, người dân luôn có quyền giám sát chính quyền và trừng phạt họ.
Những người chống lại các thiết chế dân chủ thường dẫn chứng các việc làm sai trái bị phanh phui của Mỹ, Anh, Đức, Pháp … để hả hê là chính quyền dân chủ thật ra cũng “chẳng ra gì”.
Họ không hiểu, hoặc cố tình giả điên, rằng điều cốt yếu là gần như tất cả những việc làm sai trái đó của các chính quyền dân cử đều do người dân phát hiện.
Đó là một mấu chốt cơ bản của cơ chế dân chủ: “checks and balances”, kiểm soát cân bằng quyền lực, nơi mà quyền kiểm soát không chỉ nằm trong các nhánh tư pháp và lập pháp mà nằm trực tiếp trong tay người dân.
Quyền lực của người dân được bảo đảm thông qua các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do biểu tình, tự do lập hội.
Những thứ quyền này không thể tìm thấy ở những thể chế độc tài như chính quyền cộng sản Bắc Kinh.
Vậy nên ngay cả trong trường hợp “các chính quyền đều xấu như nhau”, sự so sánh cũng vô cùng khập khiễng giữa các chính quyền xấu nhưng bị giám sát canh chừng chặt chẽ, và loại chính quyền đã xấu còn ác lại không có ai canh.
Nhiều nước trên thế giới, với các bài học từ Mỹ, Úc và Đài Loan, đã cập nhật các chính sách, luật pháp và nâng cao cảnh giác trước những chính quyền nước ngoài có ý đồ xấu.
Ở Việt Nam, cho đến thời điểm này, chưa có báo cáo độc lập nào như của Viện Hoover về mức độ ảnh hưởng của chính quyền TQ.
Với tầm và tài tư duy quản lý hiện tại của những người nắm quyền ở Việt Nam, thật khó có thể hy vọng ánh sáng chiếu rọi được vào những hoạt động của Bắc Kinh, và cả các chính quyền nước khác, trên lãnh thổ đất nước, khi bất kỳ thứ gì dính đến “chính trị” hoặc/ và “Trung Quốc” đều có thể bị gắn mác “nhạy cảm” lẫn “bí mật quốc gia”.
Nếu một chính quyền mạnh như Mỹ còn phải dựa vào báo chí, vào các tổ chức dân sự, vào các nhóm nghiên cứu độc lập, vào tất cả công dân của mình để chống lại hoạt động ảnh hưởng của nước ngoài, thì sẽ là chuyện cười ra nước mắt nếu ai vẫn khăng khăng cho rằng một chính quyền đầy rẫy vấn đề như của Việt Nam lại có thể gạt tất cả các tổ chức dân sự, bóp nghẹt báo chí, bịt miệng người dân, ung dung rung đùi “để Đảng và Nhà nước lo”.
Người Việt Nam có quyền biết những ai đã và đang nhúng bẩn bầu trời xanh của mình.
Họ có quyền tự gột sạch những vết bẩn đó.
Người Việt Nam, cũng như bất kỳ người dân lương thiện nào trên hành tinh này, đều xứng đáng được hít thở thứ không khí sạch sẽ nhất, đón nhận thứ ánh sáng trong trẻo nhất của tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét