Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

15798 - Canh chừng nhau, rồi sao nữa?



Vòng tròn trong hình ghi nhận hoạt động của tàu Hải Dương 8 của Trung Cộng trong 3 ngày 24, 25 và 26/8/2019 cho thấy nó ngày càng chuyển dịch về hướng Tây-Bắc, tức là hướng tiến dần vào phía bờ biển Việt Nam. Ảnh: Twitter Ryan Martinson (@rdmartinson88)
Vòng tròn trong hình ghi nhận hoạt động của tàu Hải Dương 8 của Trung Cộng trong 3 ngày 24, 25 và 26/8/2019 cho thấy nó ngày càng chuyển dịch về hướng Tây-Bắc, tức là hướng tiến dần vào phía bờ biển Việt Nam. Ảnh: Twitter Ryan Martinson (@rdmartinson88)

Theo các nguồn tin nước ngoài, tàu khảo sát Hải Dương 8, với sự hộ tống của ít nhất bốn tàu khác, ngày 24 tháng Tám, 2019 đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 km về phía đông nam và cách bờ biển Phan Thiết 185 km, tức là 100 hải lý. Điều đó có nghĩa là nhóm tàu Trung Cộng đã vào giữa vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý của nước ta.
Thông tin này chưa thấy báo chí Việt Nam nhắc tới.

Không thể giữ mãi đường lối ngoại giao mềm dẻo tới mức nhu nhược

Sự hung hăng, lấn lướt của Trung Cộng cho thấy, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải xem xét lại đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Tổ Quốc.
Từ sau khi Trung Cộng cưỡng chiếm đảo Gạc Ma và nhất là sau Hội nghị Thành Đô, nhà cầm quyền Việt Nam nhanh chóng chuyển từ trạng thái đối đầu sang đối thoại. “Đối đầu” (hay) “đối thoại” là những từ hay cụm từ được nhắc tới với tần suất rất nhiều trong giai đoạn chuyển đổi này. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao mềm mỏng tới mức nhu nhược, hạ mình của phía Việt Nam sẽ là bất lợi cho tư thế và chủ quyền của Việt Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cộng tháng Hai, 1979 và những đụng độ khác giữa hai nước không được nhắc tới.
Sự húy kỵ tới mức báo Du Lịch bị đình bản 3 tháng và ông Nguyễn Trung Dân, Phó Tổng Biên Tập bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo chỉ vì đã cho đăng những bài “nhạy cảm” như bài “Tản mạn cho đảo xa” (của Trung Bảo), “Ải Nam Quan”. Những bài báo này can tội bóng gió nói đến chủ quyền của Tổ Quốc. Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đều bị đàn áp và cho đến nay có thể nói đã bị tê liệt. Tiếc lãnh thổ bị mất, nhiều bạn trẻ đêm đêm tìm cách dán các khẩu hiệu HS – TS – VN ở các nơi công cộng, xong bỏ chạy, tránh sự truy đuổi của cảnh sát. Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Phạm Thanh Nghiên bị tù do viết khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Những người lên tiếng về chủ quyền biển đảo bị cho là là kích động chiến tranh. Luận điệu này hết sức bậy bạ. Chẳng lẽ không có quốc gia nào dám lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình trước họa xâm lăng? Những người yêu cầu nhà cầm quyền phải cứng rắn hơn với Trung Quốc bị coi là những “phần tử phản động, cơ hội chính trị lại tìm mọi cách để xuyên tạc tình hình, gây bất ổn trong nước” (báo Hà Nội mới).
Khác hẳn giai đoạn trước đó với 2 cuộc chiến tranh biên giới và một cuộc nội chiến, từ sau 1988, nhà cầm quyền lại nhún nhường một cách quá mức để tránh một cuộc chiến tranh. Không ai muốn chiến tranh xảy ra, nhưng điều này còn tùy thuộc vào đối phương. Trong vụ Trung Cộng cướp đảo Gạc Ma, phía Việt Nam nhún nhường tới mức không dám nổ súng. Các chiến sĩ hải quân bị biến thành bia chủ quyền, rồi trở thành bia sống cho quân xâm lược. Cuối cùng, đảo Gạc Ma vẫn mất.


Nguyễn Thị Kim Ngân “giao thiệp” với Tập Cận Bình ngày 12 tháng Bảy, 2019. Ảnh Báo mới
Nguyễn Thị Kim Ngân “giao thiệp” với Tập Cận Bình ngày 12 tháng Bảy, 2019. Ảnh Báo mới


Gần đây nhất là vụ tàu HD 8 của Trung Cộng đến khiêu khích ở Bãi Tư Chính bắt đầu từ ngày 3 tháng Bảy, 2019. Lẽ ra, phía Việt Nam phải lên tiếng phản đối, dừng các hoạt động ngoại giao xã giao. Thế mà 12 tháng Bảy, Nguyễn Thị Kim Ngân lại sang Bắc Kinh ưỡn ẹo “giao thiệp” với Tập Cận Bình. Những hình ảnh Kim Ngân tươi cười, thân thiện, gần gũi họ Tập coi như không có chuyện gì xảy ra làm cho dư luận vô cùng phẫn nộ, gọi thị là kẻ bán nước.
Sự mềm dẻo tới mức nhu nhược không thể bảo vệ được đất nước mà còn là tín hiệu cho kẻ thù yên tâm và quyết tâm hơn trong việc thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng.
Ngày 9 tháng Năm, 2014, Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết thư gửi giáo dân Việt Nam về tình hình Biển Đông. Bức thư có đoạn: “những thỏa ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng Sản (Việt Nam và Trung Quốc) thực tế đã cho thấy không mang lại lợi ích cho dân nước Việt Nam mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy” (theo Wikipedia).

Canh chừng nhau, rồi sao nữa?

Trở lại tình hình mới nhất là nhóm tàu Trung Cộng đã vào tới giữa vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Như vậy, Trung Cộng đã dấn thêm một bước leo thang mới, đẩy xung đột ở Biển Đông ngày càng căng thẳng. Động thái mới từ phía Trung Cộng cho thấy, tình hình có thể nghiêm trọng hơn vụ giàn khoan HD 981 hồi tháng Năm, 2014.
Những hành động tiếp theo của Trung Cộng là gì, điều này không ai có thể biết trước nhưng chắc chắn không phải là điều tử tế. Mỗi lần Trung Cộng gây hấn, hai bên đều dàn tàu ra để canh nhau, xịt vòi rồng hoặc huých vào nhau, chưa bên nào dám nổ súng. Mỗi bên đều tố cáo bên kia va chạm vài trăm lần. Sau đó, HD 981 đã rời đi, mỗi bên đều tuyên bố có lợi cho mình. Phía Trung Cộng nói là đã “hoàn thành việc khoan và thăm dò”. Phía Việt Nam cho rằng “đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.
Cả hai vụ giàn khoan HD 981 và vụ HD 8 ở Bãi Tư Chính, chưa có tiếng súng nổ nhưng va chạm thì quyết liệt. Phía Việt Nam không nổ súng do kiềm chế và phải chăng Trung Cộng cũng đợi Việt Nam nổ súng để gây chiến tranh.
Lẽ thường, một quốc gia khi bị nước khác xâm phạm chủ quyền thì có quyền nổ súng. Thậm chí, Bắc Việt Nam còn vượt vĩ tuyến 17 để nổ súng vào Việt Nam Cộng Hòa, đánh thốc vào chiếm Sài Gòn luôn.
Có một trận đánh ở Đồng Hới, Bắc Việt Nam cho máy bay MIC ném bom Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Lúc đó Hạm đội 7 đang đỗ ngoài khơi giống như tàu HD 8 của Trung Cộng bây giờ.
Hồi đó, chẳng phải dè dặt đắn đo gì, thấy đối phương là chiến, thậm chí tìm đối phương để tiêu diệt.
Bây giờ thì khác, vì “tình hữu nghị”, vì “đại cục” nên chẳng dám bắn vào kẻ thù trước. Thậm chí, kẻ thù nổ súng trước, chưa chắc đã dám bắn lại như bài học ở Gạc Ma. Thôi, cứ để “đảng và nhà nước lo” và để cho dân chửi.
Nhưng chẳng lẽ cứ gầm ghè nhau, huých vào sườn nhau mãi. Khoảng cách 100 hải lý rất gần. Chẳng lẽ, nó đi đến đâu, ta theo đến đấy, may mà nó quay về thì tốt. Nhưng nhỡ nó đổ bộ lên Mũi Né thì sao? Liệu có phải vẫn một ông Việt Nam đi kèm một thằng giặc trên bộ xem nó làm gì, mong nó quậy chán thì về, đi theo tiễn. Đấy là nói đến trường hợp không có chuyện đọ súng xảy ra mặc dù ta có quyền bắn. Nhưng chủ quyền của ta dễ để cho quân thù ra vào tùy thích như vậy hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét