Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

15817 - Ngày 29/08/1533: Pizarro xử tử Hoàng đế Inca cuối cùng




Vào ngày này năm 1533, Atahuallpa, Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của người Inca, đã chết vì bị siết cổ bởi lính chinh phạt Tây Ban Nha dưới quyền Francisco Pizarro. Vụ hành quyết Atahuallpa, vị hoàng đế trị vì tự do cuối cùng, đã đánh dấu sự kết thúc của 300 năm nền văn minh Inca.
Nằm trên dãy Andes của Peru, người Inca đã xây dựng một đế chế rực rỡ với dân số khoảng 12 triệu người. Mặc dù không có hệ thống chữ viết, họ vẫn có một chính phủ phức tạp, nhiều công trình công cộng sáng giá và một hệ thống nông nghiệp tuyệt vời. Năm năm trước khi quân Tây Ban Nha đến vùng đất này, cuộc chiến giành quyền thừa kế tàn khốc đã khiến đế chế suy sụp. Năm 1532, quân của Atahuallpa đã đánh bại lực lượng của người anh cùng cha khác mẹ Huascar trong trận chiến gần Cuzco. Atahuallpa đang củng cố quyền cai trị của mình thì Pizarro và 180 binh sĩ của ông xuất hiện.
Francisco Pizarro là con trai của một người Tây Ban Nha và từng là người chăn lợn khi còn trẻ. Ông sau đó trở thành một người lính và năm 1502 đã tới Hispaniola cùng vị thống đốc người Tây Ban Nha mới của thuộc địa ở Tân Thế giới này. Pizarro phục vụ dưới quyền nhà chinh phục người Tây Ban Nha Alonso de Ojeda trong chuyến thám hiểm tới Colombia năm 1510 và cũng nằm trong đoàn tùy tùng của Vasco Nunez de Balboa khi ông này phát hiện ra Thái Bình Dương vào năm 1513. Nghe biết về những truyền thuyết về sự giàu có của một nền văn minh bản địa ở Nam Mỹ, Pizarro đã thành lập một liên minh với nhà chinh phục Diego de Almagro năm 1524 và đi thuyền từ Panama xuống bờ biển phía tây Nam Mỹ. Chuyến thám hiểm đầu tiên chỉ gíup họ thâm nhập vào Ecuador ngày nay, nhưng chuyến đi thứ hai đã tiến xa hơn, đến tận Peru ngày nay. Ở đó, họ được chứng kiến tận mắt những câu chuyện về đế chế Inca và thu được nhiều cổ vật của người Inca. Người Tây Ban Nha đã đặt tên cho vùng đất mới là Peru, có lẽ theo tên của sông Vire.
Trở về Panama, Pizarro đã lên kế hoạch cho một cuộc thám hiểm chinh phục, nhưng thống đốc đã từ chối ủng hộ việc này. Năm 1528, Pizarro lên đường tới chính quốc Tây Ban Nha cậy nhờ sự hỗ trợ của Hoàng đế Charles V. Khi ấy, Hernan Cortes vừa mới mang lại cho hoàng đế sự giàu có nhờ chinh phạt Đế chế Aztec và Charles đã ủng hộ kế hoạch của Pizarro. Ông cũng hứa rằng Pizarro, chứ không phải Almagro, sẽ nhận được phần lớn chiến lợi phẩm của đoàn thám hiểm. Năm 1530, Pizarro trở lại Panama.
Năm 1531, ông đi thuyền tới Peru, cập bến Tumbes, sau đó lãnh đạo đội quân của mình lên dãy núi Andes và vào ngày 15/11/1532 thì tới được thị trấn Cajamarca của Inca, nơi Atahuallpa đang nghỉ ngơi tận hưởng suối nước nóng và chuẩn bị cho cuộc diễu hành xưng vương ở Cuzco, thủ đô vương quốc của anh mình. Pizarro đã mời Atahuallpa tham dự một bữa tiệc để vinh danh ông, và hoàng đế đã chấp nhận. Vừa giành chiến thắng một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử Inca và với đội quân 30.000 người trong tay, Atahuallpa nghĩ rằng mình chẳng có gì phải sợ kẻ lạ mặt với bộ râu trắng và 180 lính của hắn. Tuy nhiên, Pizarro đã lên kế hoạch phục kích, cho pháo binh chốt chặn tại quảng trường Cajamarca.
Ngày 16/11, Atahuallpa đến điểm hẹn với đoàn hộ tống chỉ vài ngàn người, tất cả dường như đều không có vũ trang. Pizarro đã phái một linh mục đến dụ dỗ Hoàng đế Inca chấp nhận sự thống trị của Thiên chúa giáo và Hoàng đế Charles V, nhưng Atahuallpa từ chối, ném quyển Kinh thánh mà người ta đưa cho ông xuống đất với vẻ mặt đầy khinh miệt. Pizarro ngay lập tức ra lệnh tấn công. Bị bao vây trong cuộc tấn công của pháo binh, súng ống và kỵ binh đáng sợ của Tây Ban Nha (đều là những thứ xa lạ với người Inca), hàng ngàn người Inca đã bị tàn sát còn hoàng đế thì bị bắt.
Atahuallpa đề nghị trao đổi một căn phòng đầy kho báu làm tiền chuộc thân, và Pizarro chấp nhận. Cuối cùng, khoảng 24 tấn vàng và bạc đã được mang đến cho người Tây Ban Nha từ khắp đế chế Inca. Dù Atahuallpa đã trả khoản tiền chuộc đắt nhất trong lịch sử thế giới, Pizarro đã phản bội khi đưa ông ra tòa xét xử âm mưu lật đổ người Tây Ban Nha, vì đã giết anh trai Huascar , và vì một số tội danh khác. Một tòa án Tây Ban Nha đã kết tội Atahuallpa và tuyên tử hình ông. Ngày 29/08/1533, hoàng đế bị trói vào cọc và đưa ra lựa chọn hoặc bị thiêu sống, hoặc bị siết cổ nếu ông chuyển sang Cơ đốc giáo. Với hy vọng bảo quản cơ thể của mình cho việc ướp xác, Atahuallpa đã chấp nhận bị siết cổ và một chiếc vòng sắt đã được thắt chặt quanh cổ cho đến khi ông chết hẳn.
Khi quân tiếp viện của Tây Ban Nha đến Cajamarca vào đầu năm đó, Pizarro sau đó đã hành quân đến Cuzco, và thủ đô Inca đã sụp đổ nhanh chóng vào tháng 11/1533. Anh trai của Huascar, Manco Capac, được đưa lên làm hoàng đế bù nhìn, và thành Quito đã phải khuất phục. Pizarro tự xưng làm thống đốc Tây Ban Nha của lãnh thổ Inca và đề nghị Diego Almagro chinh phục Chile nhằm xoa dịu ông này sau khi Pizarro độc chiếm sự giàu có của nền văn minh Inca. Năm 1535, Pizarro lập thành Lima trên bờ biển để tạo điều kiện liên lạc với Panama. Một năm sau đó, Manco Capac thoát khỏi sự giám sát của Tây Ban Nha, khơi mào cho một một cuộc nổi dậy không thành công, vốn nhanh chóng bị nghiền nát. Sự kiện cũng đánh dấu hồi kết cho mọi kháng cự của người Inca đối với sự cai trị của Tây Ban Nha.
Diego Almagro trở về từ Chile, cay đắng vì sự nghèo đói của nước này, liền yêu cầu chia sẻ chiến lợi phẩm của đế chế Inca trước đây. Nội chiến nhanh chóng nổ ra sau vụ tranh chấp, và Almagro đã chiếm được Cuzco vào năm 1538. Pizarro đã gửi anh trai cùng cha khác mẹ của mình, Hernando, đến đòi lại thành phố. Almagro đã bị đánh bại và giết chết. Ngày 26/06/1541, các đồng minh của Diego el Monzo – con trai Almagro – đã thâm nhập vào cung điện của Pizarro ở Lima và ám sát nhà chinh phục khi ông đang ăn tối. Diego el Monzo tự xưng là thống đốc Peru, nhưng một viên chức hoàng gia Tây Ban Nha đã từ chối công nhận ông, và năm 1542 Diego bị bắt và bị xử tử. Xung đột và mưu mô giữa những người chinh phục đất Peru vẫn tồn tại cho đến khi Tổng trấn Andres Hurtado de Mendoza lập lại trật tự vào cuối những năm 1550.
Nguồn: Pizarro Executes Last Inca EmperorHistory.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét