Khi nói đến việc đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Thay vì nhìn nhận rằng mình đã đạt được phần lớn mục tiêu đàm phán của Hoa Kỳ – và đã thật sự thắng cuộc thương chiến – tổng thống đã bị những vấn đề thủ tục và đòn phép đàm phán làm mất tập trung vào thành công chung trong chính sách của chính quyền ông.
Mới thứ Sáu tuần trước, tổng thống tạo ra một trở ngại mới đối với việc chấm dứt thương chiến bằng cách tăng thuế quan một cách không cần thiết trong một đợt ăn miếng trả miếng chiến thuật với Bắc Kinh. Ông đã làm vậy bất chấp việc Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố vào cuối tháng 6 rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc “đã đi được khoảng 90% quãng đường [tới một thỏa thuận] và tôi cho rằng có một con đường để hoàn tất thỏa thuận này.”
Hồi tháng Năm, tổng thống nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng, “chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuận rất lịch sử, trọng đại với Trung Quốc.”
Tại thời điểm này, Hoa Kỳ đã giành được nhiều cam kết của Trung Quốc trong các vòng đàm phán thương mại:
* Cắt giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thông qua việc Trung Quốc mua với số lượng lớn các sản phẩm năng lượng và nông nghiệp của Hoa Kỳ;
* Tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để ngăn chặn việc cưỡng chế chuyển giao công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ;
* Chấm dứt các khoản trợ cấp và sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp nội địa vốn được chấm cho kế hoạch Made in China 2025;
* Đảm bảo sự tiếp cận thị trường và đối xử công bằng, hiệu quả và không kỳ thị dành cho các nhà đầu tư và công ty Hoa Kỳ;
* Giảm các thuế quan và hàng rào phi thuế quan của Trung Quốc áp đặt vào các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ; và
* Thiết lập một cơ chế thực thi hiệu quả để tạo thuận lợi cho việc tuân thủ và giải quyết tranh chấp thương mại trong tương lai.
Nhờ các biện pháp đã thỏa thuận này, sẽ có một sân chơi bình đẳng hơn nhiều cho giao thương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ không còn những lợi thế mà trước đây họ dựa vào để bán hàng rộng rãi vào thị trường Hoa Kỳ trong khi hạn chế hoạt động của các công ty Hoa Kỳ trong thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, các công ty Hoa Kỳ sẽ có được những quyền và cơ hội kinh doanh mà trước đây họ chưa từng có để đầu tư vào Trung Quốc và giao dịch với các công ty Trung Quốc. Các thay đổi này sẽ khắc phục sự mất cân bằng đặc trưng cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung kể từ khi Hoa Kỳ giúp đàm phán đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001.
Bất kể các thành tựu lớn này, bây giờ dường như mối quan hệ Mỹ-Trung đang tuột dốc nhanh chóng, đe dọa gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi lý do cho tình trạng này là nền chính trị quốc nội Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Trump cho thấy ông đang tiếp tục chờ đợi một kết quả quyết định thấy rõ – không gì khác hơn là việc Trung Quốc đầu hàng vô điều kiện – để tối ưu hóa vị thế chính trị của mình trong cuộc tái tranh cử năm 2020.
Tổng thống ca ngợi số thu mới hàng tỷ đô la từ các khoản thuế trả cho chính phủ Hoa Kỳ như là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang “chiến thắng,” ngay cả khi những sắc thuế đó đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng Mỹ. Ông nói về sự chậm lại chưa từng thấy trong nền kinh tế Trung Quốc như là “tin vui” rằng Trung Quốc sẽ phải khuỵu gối dưới áp lực Mỹ – nhưng sự thật đã được chứng minh là, bằng cách tạo ra những kết quả các bên cùng có lợi, giao thương sẽ giúp giảm thiểu những mối xung đột quốc tế có thể dẫn đến chiến tranh.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang chịu nhiều áp lực quốc nội ít nhất ngang với ông Trump để chứng tỏ rằng Trung Quốc sẽ không cho phép Hoa Kỳ ngăn chặn bước tiến của nước này về kinh tế và chính trị. Thông báo Trung Quốc tăng thuế quan đối với 75 tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ là ví dụ mới nhất về áp lực đối với ông Tập. Đây là biện pháp đặt ra để chứng tỏ sự "cứng rắn" của ông Tập, bất kể thuế quan mới này sẽ chẳng gây hại đáng kể cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Điều quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo Trung Quốc là Trung Quốc được đối xử trọng vọng, bình đẳng, có phẩm giá và không cho phép mình bị Hoa Kỳ bắt nạt. Ngay cả trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung từ 1949 đến 1973, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giữ một quan điểm tích cực về Hoa Kỳ do cam kết lịch sử của Hoa Kỳ về giao thương bình đẳng với Trung Quốc qua chính sách Mở Cửa của Mỹ – do Ngoại trưởng John Hay vạch ra một cách khôn khéo cuối thế kỷ 19 để phân biệt Hoa Kỳ với các cường quốc thực dân đã tìm cách xâu xé Trung Hoa và khai thác tài sản của nước này.
Vào thời điểm quan trọng này trong cuộc thương chiến, chúng ta hãy hy vọng mãnh liệt rằng Tổng thống Trump nhận ra chính sách của mình đã thắng thế và điều chỉnh lại được quan hệ thương mại theo hướng ông mong mỏi lâu nay.
Ông có thể nhớ lại mình đã viết cách đây nhiều năm trong cuốn Nghệ thuật Thương thuyết: “Phong cách đạt thỏa thuận của tôi khá đơn giản và trực tiếp. Tôi nhắm mục tiêu rất cao, và rồi tôi cứ tiếp tục thúc đẩy mãi để có được những gì tôi muốn. Đôi khi tôi phải chấp nhận đạt được ít hơn điều tôi theo đuổi, nhưng trong hầu hết trường hợp, tôi vẫn đạt được những gì tôi muốn.”
Đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và chấm dứt cuộc thương chiến sẽ cho tổng thống ít nhất 90 phần trăm những gì ông theo đuổi – và ông rốt cuộc vẫn sẽ thắng cuộc chiến.
Nguồn: Nhận định của Donald Gross trên báo mạng chính trị The Hill
Donald Gross là luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế, từng làm cố vấn cao cấp cho Thứ trưởng Ngoại giao về Kiểm soát Vũ khí và Sự vụ An ninh Quốc tế dưới thời Clinton. Ông là tác giả cuốn sách The China Fallacy: How the U.S. Can Benefit from China’s Rise and Avoid Another Cold War (tựa đề tạm dịch: “Ngụy luận về Trung Quốc: Làm thế nào Hoa Kỳ có thể hưởng lợi từ sự vươn lên của Trung Quốc và tránh gây thêm một cuộc chiến tranh lạnh”) xuất bản năm 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét