Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

15816 - Hải Dương 8 vào gần Phan Thiết nhằm ý đồ gì?




                                                          Hải đăng Trường Sa.


Cú xâm nhập của tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ cho nó của Trung Quốc vào sâu trong vùng lãnh hải Việt Nam, chỉ cách thành phố biển Phan Thiết có 180 km, đã phóng thêm một nhát cọ để dần hoàn tất bức họa mang tên ‘Trung Quốc hóa Việt Nam’.
‘Trung Quốc hóa Việt Nam’
Cú xâm nhập quá tự tin trên vẫn chỉ được thông tin bởi hãng tin Reuters - theo dữ liệu của trang web Marine Traffic theo dõi các chuyển động của tàu vào ngày 24/8/2019, và mạng xã hội chứ không phải bởi bất cứ phương tiện nào trong số hơn 800 tờ báo quốc doanh và hệ thống tuyên giáo của đảng CSVN - những địa chỉ mà suốt từ đầu tháng 6 năm 2019, khi Hải Dương 8 bắt đầu chiến dịch gây hấn tại khu vực Bãi Tư Chính như vào chốn không chủ quyền, cho tới nay đã hầu như câm nín về thông tin cho người dân.
Những nhát cọ trước đây làm tôn bức tranh ‘Trung Quốc hóa Việt Nam’ là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được lưu hành và tiêu xài thoải mái và công nhiên ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và cả ở những thành phố du lịch đầy rẫy du khách Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… Vào năm 2018, thậm chí chính quyền Việt Nam còn chấp nhận cho người Trung Quốc được lái xe vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam tới 180 km.
Tất cả đều là của ‘nó’, và ‘nó’ đang dần biến lãnh địa và lãnh hải Việt Nam thành một thứ sân sau mang mùi và màu Trung Quốc.
Nhưng vì sao Hải Dương 8 lại vào gần Phan Thiết - điều khiến người ta liên tưởng đến mối đe dọa hiện hữu về các tàu chiến Trung Quốc có thể đổ quân lên đất liền chứ không chỉ xâm phạm vùng biển ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam?
Những ý đồ của ‘cá mập’
Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông vào năm 2014, giàn khoan này đã gây sức ép lên các mỏ dầu khí mà Việt Nam định tiến hành khai thác vào thời điểm đó. Nhưng họa đồ di chuyển của Hải Dương 981 chỉ quanh quẩn nơi các mỏ dầu khí của Việt Nam chứ không có tàu hải cảnh nào của Trung Quốc áp sát đất liền Việt Nam như cái cách tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ đã tiếp cận Phan Thiết vào năm 2019.
Do đó, có thể đánh giá chiến dịch gây hấn của ‘cá mập’ Trung Quốc tại Bãi Tư Chính vào năm 2019 là rất ‘phong phú’, chứa đựng ít nhất 2 - 3 mục đích.
Mục đích đầu tiên đương nhiên là tranh ăn dầu khí với Việt Nam.
Tiếp theo ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ được Bắc Kinh điều chỉnh vào năm 2018 mà đã quét qua đến 67 lô dầu khi - chiếm phần lớn các mỏ dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, Hải Dương 8 và hờm sẵn sau lưng nó có thể là những giàn khoan khổng lồ như Hải Dương 981 và Đông Phương nhằm gây sức ép buộc chính thể ‘đảng em’ Việt Nam phải chia phần dầu khí khai thác được tại các mỏ Cá Rồng Đỏ - là liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với hãng dầu khí Reppsol của Tây Ban Nha, và mỏ Lan Đỏ - liên doanh giữa PVN với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga - cả hai đều nằm ở vùng biển đông nam Việt Nam. Và tốt nhất là Việt Nam chỉ được liên doanh với Trung Quốc mà không với bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong cả hai lần gây hấn tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 8 năm 2018, Trung Quốc đều đạt được mục đích tạm thời khi buộc Repsol phải ‘tháo chạy’ khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn đối tác Việt Nam thì phải cắm mặt bồi thường cho Repsol khoản chi phí mà tập đoàn Tây Ban Nha đã ứng ra ban đầu để thăm dò dầu khí, có thể lên tới 300 - 400 triệu USD.
Nhưng vụ tàu Hải Dương 8, vừa trở lại khu vực Bãi Tư Chính sau 5 ngày quay lại đảo Đá Chữ Thập để tiếp liệu đã ‘tham quan’ vùng biển gần Phan Thiết, cho thấy Trung Quốc còn muốn vươn xa hơn mục đích đầu tiên.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh một tin tức đang ngày càng cận kề: sau một thời gian khá dài được Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương tận tình cứu chữa, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã gần như hồi phục khỏi cơn bạo bệnh và chuẩn bị cho chuyến thăm Washington - một chuyến đi đặc biệt quan tọng - không chỉ về danh thể của Nguyễn Phú Trọng mà còn do tính chất đối đầu đã tới lúc không thể khoan nhượng giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà theo đó Việt Nam đang rất cần đến lực lượng hải quân và không quân của Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông - để bảo vệ Việt Nam khai thác dầu khí nuôi đảng.
Vậy Trung Quốc muốn gì?
Chẳng khó để hình dung ra rằng Tập Cận Bình chẳng thích thú gì với chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, và muốn gây sức ép buộc Trọng phải hủy bỏ chuyến đi đó. Hoặc nếu không hủy bỏ thì buộc Nguyễn Phú Trọng phải đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ, như một biểu hiện ‘triều kiến’.
Thời điểm dự kiến cho chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đang lùi sang tháng 10 năm 2019.
Còn nhớ, việc thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đã dược dự kiến trong nửa đầu năm 2019, nhưng do Trọng bị bạo bệnh tại Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’ nên đành phải tạm gác lại chuyến đi đó. Thay vào đó, Nguyễn Xuân Phúc đã được cử đi Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ do Trung Quốc chủ trì, diễn ra vào tháng 4 năm 2019. Gần 3 tháng sau đó, vẫn không phải Nguyễn Phú Trọng mà là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình để ‘làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược’ và cả một từ ngữ cực kỳ mơ hồ và nghe có vẽ giễu cợt: ‘đại cục’.
Ngoài hai mục đích trên, rất có thể Trung Quốc còn muốn gián tiếp trả đũa Mỹ về cuộc chiến thương mại và ‘nắn gân’ Mỹ về thái độ và hành động hỗ trợ Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cùng đe dọa cả dự án Cá Voi Xanh mà Bắc Kinh còn lâu mới lãng quên.
Bất động và tê liệt
Đã hầu như chắc chắn là sau giai đoạn đầu cho tàu Hải Dương 8 vào quấy phá tại Bãi Tư Chính, Trung Quốc sẽ còn ra những đòn mới và lắm chiêu trò hơn nhằm hành hạ tinh thần ảo não của giới chóp bu Việt Nam.
Sau vùng biển Phan Thiết, nhiều khả năng Hải Dương 8 sẽ còn ‘du hí’ tại những vùng biển khác của Việt Nam và chẳng biết đến khi nào mới chịu chấm dứt trò chơi đau khổ ấy, nhất là trong ngữ cảnh cả Bộ Chính trị Việt Nam tuyệt đối ‘cấm khẩu’.
Và trong bối cảnh toàn bộ lực lượng vũ trang Việt Nam bất động và bất lực. Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tuyệt đối chẳng có một phản ứng nào ra hồn.
Phản ứng được xem là ‘dũng cảm’ nhất từ lực lượng hải quân Việt Nam là điều hai tàu hộ vệ tên lửa mang tên Quang Trung và Trường Sa ra khu vực Bãi Tư Chính - theo thông tin từ các hãng tin quốc tế chứ không phải bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc nào cũng ‘đọc vẹt’ - té ra chỉ là một động tác giả tạo và thêm một lần nữa, trong số rất nhiều lần từ trước tới nay, chứng minh tính chất ‘hải quân bám bờ’ trong khi ngư dân Việt phải ra sức bám biển dù bị tàu Trung Quốc đâm va và bắn giết, là bất di bất dịch và … đúng quy trình.
Đã có tin tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung, sau ít ngày bơi lội ngoài biển mà chẳng biết để làm gì, cuối cùng đã rút về quân cảng Cam Ranh. Đồng nghĩa với việc để mặc cho các tàu Trung Quốc tự do xâm nhập vùng biển chỉ cách Phan Thiết chưa đầy 200 cây số.
Trong khi đó, ‘mọi việc đã có đảng và nhà nước lo” vẫn kiên định chết giẫm một chỗ. Thậm chí một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của ‘quân đỏ’ - những người Việt thân chính quyền đang sinh sống ở Đức - đã được vài tờ báo nhà nước đưa tin và hình ảnh nhưng lại bị Ban Tuyên giáo trung ương tuýt còi và lệnh gỡ bài ngay sau đó, cho thấy căn bệnh sợ hãi ‘thiên triều’ đã ăn quá sâu vào não trạng giới quan lại cầm quyền Việt Nam và khiến tê liệt phần lớn, nếu không nói là toàn diện hệ thống dân sự và cả quân sự của chế độ này.
Đã quá muộn, nhưng vẫn còn hơn không, Nguyễn Phú Trọng và những người đồng đảng của ông ta phải tự quyết định về thái độ và hành động chấm dứt đu dây với Trung Quốc - mà hậu quả như ta thán của một viên tướng Việt “Trung Quốc dồn Việt Nam vào chân tường rồi!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét