Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Họ u tối vì không chịu nghĩ đến Bác?
“Nghĩ đến Bác lòng ta trong sáng hơn, nếu ai cũng có tinh thần học tập Bác, yêu mến Bác như vậy thì sẽ không làm điều xấu xa, tội lỗi”. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên viện trưởng Viện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, có đoạn viết như vậy trong tham luận của ông, trình bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Hội thảo).
Theo cách nói trên của cựu viện trưởng Viện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, cho phép liên tưởng đến câu chuyện về ‘tam đoạn luận’. Trong giờ học về lý luận, thầy giáo hỏi một học sinh: - Trò hãy cho một thí dụ về một tam đoạn luận. - Dạ, ví dụ: Cấp dưới làm sai, cấp trên phải từ chức. Cấp trên không từ chức. Vậy, cấp dưới không làm sai.
Liên quan chuyện tam đoạn luận kiểu ‘cấp trên không từ chức’ thì ‘cấp dưới không làm sai’, có thể thử tìm hiểu qua câu chuyện thời sự về cựu ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X và XI Lê Hoàng Quân (thời kỳ đó có Tổng Bí thư lần lượt là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng).
Cuối giờ chiều ngày 29-8, báo chí đưa tin Bộ Công an đề nghị xử lý cựu Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân (tên trong giấy tờ là Lê Minh Sơn).
Theo kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” mà Bộ Công an vừa hoàn tất, liên quan tới ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường [TN&MT] TP.HCM); Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TN&MT TP.HCM) và Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM), thì “Không trực tiếp giao đất công sản nhưng khi nhận được các văn bản từ Nguyễn Hữu Tín về việc chấp nhận cho công ty của Vũ “nhôm” thuê đất, ông Lê Hoàng Quân không có động thái gì ngăn cản hành vi sai trái này”.
Như vậy, từ trải nghiệm để không làm điều xấu xa, tội lỗi của ông Nguyễn Trọng Phúc, rõ ràng là ông Lê Hoàng Quân, cựu ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X và XI dường như đã “không có tinh thần học tập Bác, yêu mến Bác”.
Những ai đồng hội, đồng thuyền của ‘không có tinh thần học tập Bác’?
Ngoài ra cũng cần xem xét luôn việc có hay không chuyện cả gia đình ông Lê Hoàng Quân, đã “không có tinh thần học tập Bác, yêu mến Bác”?.
Yêu cầu của xem xét này là quy định thể hiện trong văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102 của Bộ Chính trị, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành. Theo đó, đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội…
Ông Lê Hoàng Quân từng giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai từ tháng 6-1996 đến tháng 12-1999. Ông Quân là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhiệm kỳ 2000 – 2004. Trước đó, từ tháng 12-1994 đến tháng 4-1996, ông Quân là chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Ông Lê Hoàng Quân có người em là Lê Hồng Phương, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Vợ là bà Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên là chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Con trai của ông là Trung tá Lê Hoàng Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Với một đảng viên trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X và XI, và sau khi rời chính trường, ông Lê Hoàng Quân bị Bộ Công an xác lập bằng chứng cứ, là có liên quan vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, thì bên cạnh chuyện có thể quy kết “không có tinh thần học tập Bác, yêu mến Bác”, cần xem xét cả vấn đề này với ít nhất ở 3 đảng viên liên đới: Lê Hồng Phương, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên là chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai; Lê Hoàng Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Để dân còn có thể tin tưởng Đảng…
Trong kỷ yếu hội thảo có một bản tham luận không ký tên riêng, mà đề chung là của “Thường trực Thành ủy TP.HCM”, có đoạn: “Sau ngày 30-4-1975, thực hiện tư tưởng của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, TP đã thực hiện chính sách “hòa hợp dân tộc”, làm cho tất cả mọi người ở mọi giai cấp, mọi thành phần, kể cả những người từng ở phía bên kia, tất cả đều bớt mặc cảm, tất cả đều tự hào là người Việt Nam, tự hào với chiến thắng chung của dân tộc.
Chính quyền cách mạng đã thực hiện chính sách nhân đạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với binh sĩ của chế độ cũ, không có cảnh “tắm máu” trả thù như kẻ địch đã hù dọa”.
Tham luận của bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, có đoạn viết: “Như Bác đã nói người dân là yếu tố quyết định. Nếu người dân mất niềm tin vào Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị suy giảm. Nên nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xây dựng Đảng.
Để phát triển Đảng một cách thực chất, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, không ngừng học tập, rèn luyện, khiêm tốn, tự biết hạn chế của mình để sửa chữa khuyết điểm và đặc biệt phải gắn bó với nhân dân, vì dân”.
Như vậy theo lời huấn thị lúc sinh tiền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, ngay từ bây giờ, Thường trực Thành ủy TP.HCM cần phải dũng cảm ‘chỉnh đốn’ đối với những đảng viên đã gây ra biết bao nhiều oan khiên như cướp trắng đất đai của cư dân Thủ Thiêm - điển hình là cựu ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải; và gần đây nhất là cướp đất đai, đập phá nhà cửa tài sản của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, bất chấp những quy định của Luật Đất đai.
Bởi nếu không làm như vậy thì nói như lo ngại của bà Võ Thị Dung, người dân sẽ không còn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng nữa.
Đó cũng chính là trăn trở của ông Võ Văn Thưởng trong phát biểu bế mạc hội thảo: “Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay đất nước ta còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp cần phải được tập trung tổ chức khắc phục như nhiều nơi vẫn còn có tình trạng thiếu dân chủ, dân chủ hình thức; một số cán bộ, chi bộ còn có tình trạng chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực; tư tưởng cục bộ địa phương còn khá nặng nề; kinh tế phát triển còn chưa bền vững; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng dẫn đến những mâu thuẫn và bức xúc xã hội...”.
Thay lời kết
Cuối đời (tháng 6-1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân...” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, trang 557-558).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện cầm quyền, Đảng đứng trước nguy cơ từ sai lầm không được sửa chữa sẽ dẫn tới biến chất, làm cho Đảng không những không còn là “người đầy tớ” thật trung thành phục vụ nhân dân mà biến thành “quan nhân dân”, thậm chí còn biến thành cực đối lập với nhân dân.
Những điều căn dặn đó không chỉ là một tiên lượng, một dự báo chính trị mà dường như đang là cảnh báo cho sự sụp đổ của Đảng, nếu như Đảng tiếp tục đánh mất sự tin cậy của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét