Thi thể người chết có thể sẽ được trao cho người thân dưới hình thức một túi đất ở bang Washington.JUSTIN SULLIVAN / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Chính quyền bang Washington thông qua luật cho phép chế biến phân ủ từ thi thể người mất ; Hàn Quốc làm đường đi bộ có kết nối cảnh báo các « con ma nghiện smartphone » ; Miến Điện phân phối điện theo giờ vì thiếu nguồn cung năng lượng ; đến Israel thưởng thức món bia hương vị cổ xưa 5.000 năm tuổi. Đây là những chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin gởi đến quý vị.
Bạn nghĩ gì một khi « hồn lìa khỏi xác », thi thể người mất sẽ được đem chế biến thành phân ủ sinh thái ? Thoảng nghe tưởng như đang nghe chuyện kinh dị, nhưng điều này sắp trở thành hiện thực. Cho đến lúc này, người dân bang Washington có ba chọn lựa : chôn cất, hỏa thiêu hay ướp xác.
Nhưng theo thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco kể từ năm 2020, người dân bang này sẽ có thêm giải pháp thứ tư, sinh thái hơn : tái xử lý thi thể người mất thành phân bón.
« Nghị Viện bang Washington vừa thông qua đạo luật cho phép làm phân bón từ xác người chết. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho thị trường mai táng mới này. Chế biến thi thể người chết thành phân bón sẽ được phép từ tháng 5/2020.
ʺLuật quy định về hài cốt con ngườiʺ - đây là tên của đạo luật - do thống đốc bang phía Bắc, miền Tây duyên hải, ký hôm thứ Ba 21/05/2019. Đây là đạo luật đầu tiên tại Mỹ hợp pháp hóa ʺviệc tiêu hủy sinh học tự nhiênʺ thi thể con người và mở đường cho trung tâm mai táng tiêu hủy sinh học đầu tiên ở Mỹ.
Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Seattle đã thực hiện điều này từ nhiều năm qua. Được đặt tên là ʺRecomposeʺ, doanh nghiệp đã tiến hành thử nghiệm với 6 người tình nguyện để nghiên cứu quá trình phân hủy thi thể.
Theo các kết luận của doanh nghiệp, phân hữu cơ làm từ xác người chết sạch gấp hai lần : Đầu tiên hết bởi vì đây là một loại phân bón hoàn hảo cho bất kỳ loại vườn cây nào mà không có mùi. Tiếp đến, bởi vì chúng cho phép giảm lượng khí thải carbon từ thi thể người chết.
Công ty khởi nghiệp Seattle chế biến phân bón làm từ xác người khẳng định rằng đã phát triển một quá trình phân hủy tự nhiên tốc độ nhanh. Thi thể người chết được đặt trong một hộp chứa gọi là ʺcon tầuʺ phủ đầy rơm và cỏ linh lăng, tạo thành một độ ẩm cần thiết cho vi khuẩn phát triển.
Sau một tháng, thi thể người quá cố có thể được trao trả lại cho người thân dưới dạng một túi đất. »
Hàn Quốc : Đường đi bộ có kết nối dành cho những « con ma nghiện điện thoại »
Chính quyền Seoul khốn khổ với các « smombie », một cách gọi những « con ma nghiện điện thoại thông minh ». Những người này đi đường mà nhìn phía trước, đôi mắt dán chặt trên màn hình, gây ra biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông. Các nhà khoa học Hàn Quốc đã cho thử nghiệm một giải pháp khá kỳ thú : Một lối đi bộ có kết nối.
Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul giải thích :
« Một chương trình thí điểm được tiến hành tại Ilsan, ngoại ô Seoul. Đấy là một lối đi, được phủ một lớp cảm biến và camera nhiệt. Khi một người đi bộ qua đường, họ được phát hiện… và điều này kích hoạt cả một hệ thống báo động, gởi đến cùng lúc cho người đi bộ và người điều khiển xe.
Ánh đèn LED mầu đỏ và xanh lơ bắt đầu nhấp nháy, một chùm tia laser viết một thông điệp trên mặt đất, và nhất là báo động xuất hiện trên màn hình điện thoại của người đi bộ, yêu cầu người này ngẩng mặt lên, đồng thời cảnh báo họ là có một chiếc xe ô tô đang đến gần. Đương nhiên vị khách bộ hành này phải tải nạp trước ứng dụng cần thiết đó.
Hệ thống này do Viện nghiên cứu công về kỹ thuật dân dụng sáng chế. Kim Jong Hoon, một trong số các nhà nghiên cứu khẳng định : ʺMột lượng lớn ngày càng tăng các vụ tai nạn giao thông do các ʺsmombieʺ gây ra thường xảy ra tại lối dành cho người đi bộ, và do vậy những tia sáng ma quái này là thiết yếu để ngăn chận họʺ. »
Vì sao đến nông nỗi này ? Theo số liệu thống kê do truyền thông Hàn Quốc đưa ra, đất nước có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới : 94% số người trưởng thành đều sở hữu một chiếc điện thoại - cho dù không nhất thiết là phải có kết nối - nhưng đất nước này cũng gặp nhiều vấn đề về an toàn giao thông, và số vụ tai nạn giao thông là khá cao.
Trước tình trạng này, Seoul đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề như lắp đèn báo hiệu ngay trên nền lề đường ở Daegu, hoặc bảng hiệu trên hè đường kêu gọi cẩn trọng ở Seoul nhằm cảnh báo những « con ma nghiện - smombies ».
Miến Điện chia khẩu phần điện tại Rangun và Mandalay
Từ đầu tháng 5/2019, cư dân tại Rangun và Mandalay, hai thành phố lớn của Miến Điện, phải chịu cảnh cúp điện thường ngày. Nguyên nhân là vì điện sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của người dân.
Vì sao đến nông nỗi này ? Từ Rangun, thông tín viên Sarah Bakaloglou cho biết nguyên nhân :
« Nguồn điện tại Miến Điện chủ yếu được sản xuất từ các đập thủy điện. Vào mùa nóng, nhiệt độ quá cao, mực nước xuống thấp. Kết quả là : sản lượng điện bị giảm, và quyết định được đưa ra là chỉ cấp điện vài giờ trong ngày cho đến mùa mưa.
Ngoài giai đoạn khô hạn này ra, việc cúp điện tại Miến Điện hầu như là thường xuyên, vì nhiều lý do. Ví dụ như hơn 20% nguồn điện bị thất thoát khi truyền tải, từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng, vốn dĩ rất cách xa nhau về mặt địa lý.
Hiện tại, chỉ 43% người dân là được có điện. Con số này không ngừng tăng lên. Chỉ có điều cung không đủ cầu. »
Một lĩnh vực gặp khó khăn lớn
Chính phủ Miến Điện hiện nay do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã định ra một mục tiêu : Điện hóa đất nước từ đây đến năm 2030. Một mục tiêu đầy tham vọng chăng ?
« Vấn đề muôn thuở vẫn là điện sản xuất ra không đủ. Trong khi mà cơ sở hạ tầng thì cũ kỹ và thiếu thốn, đòi hỏi nhiều khoản đầu tư cần thiết. Vậy mà chính phủ Miến Điện luôn từ chối đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong các dự án có những rủi ro lớn.
Chính quyền Naypyidaw cũng không tài nào lập được các hợp đồng mua điện, tức là có thể nói với doanh nghiệp nhà nước có thể mua được bao nhiêu sản lượng điện, với mức giá nào và trong vòng bao nhiêu năm.
Một vấn đề khác đó là nhà nước tài trợ rất nhiều trong lãnh vực điện năng. Đây quả là một gánh nặng tài chính cho chính phủ nhất là vào lúc mức cầu về điện đang tăng lên. Và giá điện thì lại quá thấp nên không thu hút được các nhà đầu tư. »
Đa dạng hóa nguồn cung
Vẫn theo thông tín viên Sarah Bakaloglou, giải pháp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng mà chính quyền Miến Điện đang nhắm tới không dễ thực hiện.
« Miến Điện giàu nguồn tài nguyên, nhưng dự trữ khí đang suy giảm. Về phần than đá, các dự án gặp phải một sự phản đối mạnh mẽ từ người dân địa phương, đó cũng chính là trường hợp đang xảy ra cho các dự án xây đập thủy điện mới.
Chính phủ dự kiến nhập thêm khí ga hóa lỏng, tuy nhiên điều này đòi hỏi phải có những trung tâm để biến đổi khí ga này thành điện, và dự án hiện giờ vẫn thật sự chưa có tiến triển. Một khả năng khác đang được chính phủ khai thác, những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, phong điện, có thể cho phép điện hóa các vùng nông thôn. »
Bia Israel ủ từ men 5000 năm tuổi
Nếu bạn muốn biết bia của người Cổ Đại có hương vị ra sao, mời các bạn hãy cùng với Tạp Chí Thế Giới Đó Đây đến Israel. Một nhóm các nhà khoa học, quy tụ ba lĩnh vực vi sinh học, khảo cổ học và chế biến rượu bia đã tìm được những loại men ủ xưa hàng ngàn năm tuổi và thử chế biến thành bia. Khám phá này cho phép nhắm đến việc tái tạo lại những nguồn thực phẩm thời kỳ Cổ Đại.
Thông tín viên Guilhem Delteil tại Jerusalem tường thuật:
« Chính trong một phòng thí nghiệm nha khoa trường đại học Jerusalem mà dự án này đã nảy sinh. Mục đích ban đầu là tập trung vào các ngành khoa học khó, giáo sư Michael KLutstein, một trong những người đỡ đầu của dự án nhớ lại.
ʺChúng tôi muốn biết làm thế nào các vi sinh vật đối phó với nạn đói, với những tình huống mà ở đó không có sẵn nguồn dinh dưỡng. Và những gì chúng tôi khám phá ra, chính là chất lên men tồn tại lâu hơn là chúng tôi nghĩ như lúc ban đầuʺ.
Các nhà khảo cổ học đã trao cho họ 21 mảnh vỡ các bình cổ, những chiếc bình cổ nhất có từ thời Ai Cập Cổ Đại, cách nay gần 5.000 năm. Sáu gốc men xưa vẫn còn sống sót đã được tìm thấy và năm gốc men đã có thể được sử dụng để chế tạo bia, một thứ thức uống rất phổ biến thời Cổ Đại.
Đối với giáo sư Yitzhak Paz, thuộc Cơ quan Bảo tồn Cổ vật Israel, đây là một khám phá tuyệt vời : ʺTrong bất kỳ cuộc khai quật nào trên thế giới, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể tái tạo thành công các nguồn thực phẩm thời kỳ đó. Họ đã tìm thấy các điểm chế biến bia, nhưng họ không tài nào phân tích được cũng như tái chế các món ăn Cổ Đạiʺ.
Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu này, phương pháp chế biến bia chính là phương pháp hiện nay. Nhưng các nhà khảo cổ học và chế biến bia hy vọng kể từ giờ có thể áp dụng công thức cổ xưa và tái tạo loại bia thời pharaon. Phương pháp này có thể sau đó sẽ được áp dụng cho rượu và phô mai ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét