Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

13657 - Nền giáo dục chợ đen


Việc mua điểm trung bình mỗi trường hợp 1 tỷ đồng như thế này không thể nói là sai phạm cá biệt. Đó không chỉ là sự sơ hở trong quản lý thi cử bị lợi dụng. Đó là cái giá “khởi điểm” trong thang bậc thị trường chợ đen bằng cấp, mà thị trường chợ đen bằng cấp là “khởi điểm” của thị trường chợ đen mua quan bán chức.
Nó xuất phát từ mục tiêu giáo dục không lấy tri thức và nhân phẩm làm thước đo mà lấy bằng cấp làm thước đo. Nó xuất phát từ mục đích của nền hành chính quốc gia lấy trật tự quan trường làm thước đo chứ không lấy phục vụ nhân dân làm gốc rễ. Thực hiện mục tiêu đó, xã hội phải tiêu tốn một nguồn lực khủng khiếp nhưng thầy vẫn không ra thầy trò vẫn không ra trò, dân không ra dân cán bộ không ra cán bộ.
Khi thị trường giáo dục chợ đen được hé lộ ra như thế này thì thành tựu về giáo dục của nước ta, trình độ dân trí của nước ta được thể hiện bằng những con số phần trăm được công bố ra thế giới có tỷ lệ sự thật là bao nhiêu ?
Truy tố những kẻ mua bán điểm, thực chất là những kẻ đưa và nhận hối lộ, là một chuyện. Nhưng tệ nạn này dù lưu cữu bao nhiêu đời rồi thì Bộ trưởng Giáo dục đương nhiệm cũng không thể không liên can. Và những người lãnh đạo đất nước cũng không thể đứng ngoài cuộc !
Theo FB Lê Nguyễn Hương Trà: Diễn biến về vụ nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Sơn La gây chấn động dư luận. Công an Sơn La ngày 25.5 vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1, chuyển hồ sơ cho VKSND đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo KLĐT, các liên quan đã rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa lại theo đáp án của Bộ GD-ĐT. Khi tổng hợp lại thấy điểm số chưa đủ như đặt hàng, họ lại tiếp tục sửa bài thi ngay tại Phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.
Chi phí giúp rút bài sửa nâng điểm 3 môn để đạt đến mức tổng điểm yêu cầu xét tuyển Đại Học, trung bình mỗi trường hợp giá 1 tỉ đồng.
Tỉnh Sơn La có 12 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 11 huyện, nhưng từng có đến 5 huyện nằm trong chương trình giảm nghèo bền vững của chính phủ: Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên. Đến giai đoạn 2018 - 2020 hiện nay, Sơn La đã có được 2 huyện Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát nghèo; nhưng lại bổ sung thêm một huyện là Vân Hồ vô chương trình
Theo FB Bạch Hoàn: Bán cả tương lai.
Tôi vẫn còn nhớ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi quốc gia diễn ra nhẹ nhàng, tốt đẹp.
Vậy mà bây giờ, điều gì đang phơi bày trước mắt người dân?
Đứng đầu ngành giáo dục một địa phương nhưng chính Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, lại dùng quyền lực của mình để tạo ra tiêu cực giáo dục, gian lận thi cử, phá hoại môi trường giáo dục, khi chỉ đạo cấp dưới làm trò giả trá, nâng khống điểm cho những thí sinh hầu hết là con cháu bè lũ quan quyền.
Kinh hoàng hơn, số tiền mua điểm cho mỗi thí sinh trung bình là một tỉ đồng.
Vâng, một tỉ đồng.
Điều tồi tệ nhất là chuyện ấy đâu chỉ ở Sơn La, còn cả Hà Giang, Hoà Bình và rất có thể nhiều nơi khác còn chưa bung bét.
Bi kịch của đất nước này là có quá nhiều người coi môi trường giáo dục là nơi để đục khoét và vơ vét, là nơi có thể tận dụng quyền chức để mua bán, đổi chác, tước đoạt cơ hội, tranh cướp tương lai.
Khi môi trường giáo dục bị biến thành một thị trường ngầm với những giao dịch đen chi phối thì nền giáo dục ấy chính thức trở thành căn nguyên của mọi sự hủ bại trong xã hội.
Một môi trường giáo dục quá nhiều lưu manh và gian trá, có thể dùng tiền và quyền thao túng sẽ tạo ra một xã hội kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, kẻ có quyền cướp đoạt của người yếu thế, một xã hội thừa thãi bất công, một xã hội lấy vật chất, hình thức làm thước đo, một xã hội thiếu vắng niềm tin và lý tưởng.
Một nền giáo dục chứa chấp những kẻ tham lam vô đạo sẽ tạo ra một xã hội băng hoại và mục nát.
Giáo dục là tương lai đất nước. Giáo dục rơi vào tay những tên tội phạm thì chúng sẽ biến tương lai của đất nước này thành một món hàng.
Còn gì đau đớn hơn khi tương lai của đất nước mình bị mang ra bán?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét