Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

*13647 - Cải cách Tư pháp – Phần 2: Quan chức và đảng viên trước pháp đình




Trong cả 3 vụ án xử dân lành nói trong phần 1, người dân và công luận mòn mỏi trông chờ cái gọi là “Liên ngành Tư pháp” xuất hiện để bênh vực dân thường hoặc ngăn Tòa tuyên những bản án hà khắc hoặc oan sai, nhưng bặt âm vô tín. Ngược lại, cái thiết chế “Liên ngành Tư pháp” này lại đột ngột xuất hiện và thực thi quyền uy trong các vụ án sau đây:
1/. Vụ Phí Thái Bình:


Cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex và Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Phí Thái Bình. Ảnh: Internet

Tổng Công ty Xây dựng xuất khẩu Việt Nam (Vinaconex) thời ông Phí Thái Bình, sinh năm 1952, làm Chủ tịch HĐQT, đứng ra xây dựng đường ống nước Sông Đà bằng vật liệu kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Đến nay đã có 20 lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ, làm cho 177.000 hộ dân Thủ đô lao đao, cực khổ; gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước (Tp. Hà Nội phải xuất ra 14 tỷ VNĐ khắc phục sự cố; Dự án còn phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ VNĐ tiền ngân sách của thành phố để xây dựng khẩn cấp đường ống mới để thay thế).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án: “Vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 229 BLHS, kiến nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhưng rất ngạc nhiên và bất ngờ, bỗng nhiên có một ông “kễnh” có tên là “Liên ngành Tư pháp” xuất hiện, đứng ra kiến nghị: “Miễn truy tố trách nhiệm hình sự đối với ông Phí Thái Bình và 4 cộng sự”.
Phí Thái Bình, người chịu trách nhiệm chính gây vỡ đường ống nước Sông Đà 20 lần, được điều chuyển ngồi vào ghế Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, nay lại được “Liên ngành Tư pháp” ưu ái đứng ra cứu độ với lý do “vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn và hợp tác tốt với CQĐT”, nên không cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật.
Vậy, “Liên ngành Tư pháp” là ai mà đứng trùm lên 3 cơ quan có chức năng tố tụng là Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan Điều tra? “Liên ngành Tư pháp” có phải là định chế pháp luật? Dư luận đặt câu hỏi: “Liên ngành Tư pháp” là gì mà quyền lực lớn đến thế”? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là nhan đề một bài báo sắc sảo đăng trên báo GDVN ngày 23/7/2016 của tác giả Xuân Dương.
Nhà báo kỳ cựu Xuân Dương viết: “Liên ngành Tư pháp” không phải là một cơ quan, cũng chẳng phải là một tổ chức hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật cho phép. “Liên ngành Tư pháp” không có cơ quan chủ quản, không có quyết định thành lập và con dấu theo quy định của pháp luật. Đó là một chủ thể vô hình.”. Còn nhà báo Ngọc Quang cũng của báo GDVN, dẫn ý kiến một luật sư, trưởng Văn phòng luật sư ở Hà Nội, khẳng định: “Liên ngành Tư pháp” là một tổ chức tự phong và vi hiến”.
Lý do vì sao cả 3 cơ quan có quyền tố tụng là Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao và CQĐT các cấp phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh của cái gọi là “Liên ngành Tư pháp”? Vậy, thủ phạm dẫm đạp lên luật pháp nước nhà là ai mà ngang nhiên coi thường kỷ cương phép nước, quý độc giả có thể rất dễ nhận ra. Tương tự như trường hợp Phí Thái Bình, thời gian qua, có hàng trăm quan chức cao cấp ở Trung ương và các địa phương ngang nhiên vi phạm pháp luật, gây thất thoát và thiệt hại lớn công quỹ quốc gia, song họ không hề run sợ, vì biết chắc rằng nếu có đứng trước vành móng ngựa, thì cái định chế pháp luật mang tên “Liên ngành Tư pháp” sẽ là bùa hộ mệnh cứu tinh cho họ.
2/. Vụ Đặng Thanh Bình:
Trường hợp sau đây là một minh chứng rất rõ rệt: Tòa án ở Tp. HCM, ngày 5/12/2018 vừa qua đưa ra xét xử một bị cáo cũng có tên là Bình, nhưng là Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sinh năm 1954. Bị cáo này được Tòa án Cấp cao tại Tp.HCM thay đổi hình phạt từ 3 năm tù giam sang 3 năm tù treo, với lý do “tuổi cao”, mà thực chất là trả tự do ngay tại phiên tòa. Khó có thể nói gì hơn về một bản án vô cùng bất công trong một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, khi kẻ gây thiệt hại đến 15.000 tỷ VNĐ thì được hưởng án treo, còn những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên, chỉ vì ăn cắp vài ổ bánh mì hay những người nông dân ăn trộm vài con vịt, thì lại bị tuyên một cái án rất nghiêm khắc, hơn chục năm tù giam.


Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình. Nguồn: Internet

Ngay cả báo nhà nước là tờ Pháp luật Tp.HCM cũng khẳng định Tòa đã sai khi cho cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hưởng án treo khi Hội đồng xét xử “vận dụng” luật Người cao tuổi. Tại Điều 51 BLHS năm 2015 quy định: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên mới được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. HĐXX có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của BLHS, việc tòa tùy tiện vận dụng Luật Người cao tuổi để cho hưởng án treo là sai, vì năm 2018 Đặng Thanh Bình mới chỉ đủ 64 tuổi. Không rõ trong vụ án này, “ông kễnh” Liên ngành Tư pháp có đứng sau hậu trường ra lệnh cho Tòa hay không mà hiệu nghiệm đến vậy?
Trên là các vụ án đã đưa ra xét xử, với bằng chứng can thiệp thô thiển của cái gọi là thiết chế pháp luật có tên “Liên ngành Tư pháp”, dù là can thiệp công khai hay can thiệp bí mật.
Còn dưới đây, xin nêu 2 trường hợp điển hình mà dư luận quần chúng nhân dân rất bức xúc. Đó là vụ Formosa gây ra thảm họa môi trường suốt dọc 205 bờ biển 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4/2016 và vụ kỷ luật Tất Thành Cang, Phó Bí Thường trực Thành ủy Hồ Chí Minh.
3/. Vụ Võ Kim Cự:


Võ Kim Cự (phải) khi còn đương chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và ĐBQH. Nguồn: Internet

Đã hơn 3 năm qua, tác hại thảm họa môi trường là vô cùng trầm trọng, hậu quả để lại rất nặng nề. Thủ phạm gây thảm họa môi trường là ai thì đã rõ. Song nhiều quan chức đã “rước” Formosa vào Hà Tĩnh thì vẫn ung dung và vênh váo tại vị.
Luật sư Trần Đình Triển, người quê Hà Tĩnh, bức xúc: “Thảm họa Formosa làm điêu tàn nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Nhiều sai phạm đáng bỏ tù những kẻ đã cấp phép đầu tư sai, ưu ái miễn giảm thuế cho Formosa, thu hối đất của dân, bồi thường, cưỡng chế trái pháp luật, v.v… Cái ông Võ Kim Cự, người tổ chức và chỉ đạo nhiều cuộc cưỡng chế, đàn áp dân, phục vụ đắc lực, tận tâm tận ý cho Formosa, cớ sao lại được hạ cánh an toàn?”.
Chính Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau này được điều ra Hà Nội làm Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, là một trong những kẻ trực tiếp “rước” Formosa vào Hà Tĩnh, cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật để làm gương cho những kẻ đã “cõng rắn cắn gà nhà”. Tội lỗi mà Võ Kim Cự phạm phải là rất nghiêm trọng, chỉ riêng việc y cố tình vượt quyền Chính phủ, vi phạm Điều 52 Bộ Luật Đầu tư 2005 giao đất với thời hạn 70 năm cho Formosa, là không thể bỏ qua. Riêng tội lộng quyền, coi khinh Chính phủ cũng đáng bỏ tù hắn nhiều năm. Lạ là vẫn có kẻ lặng lẽ bao che, chạy tội cho Võ Kim Cự và cho y hạ cánh an toàn.
Vừa qua rộ tin Võ Kim Cự bỏ Đảng, làm thủ tục đi định cư ở Canada theo diện đầu tư, thực chất là chạy trốn khỏi pháp luật. Điều này chưa rõ hư thực ra sao, rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để ngăn chặn 1 nghi phạm tham nhũng ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài, lặp lại vụ Trịnh Xuân Thanh trước đây, mà hậu qủa, tác hại là rất phức tạp và khó lường. Xin hỏi Liên ngành Tư pháp: “Quý cơ quan ở đâu, sao không yêu cầu đưa Võ Kim Cự ra xét xử và nghiêm trị trước pháp luật?
Bằng chứng tội phạm của Võ Kim Cự đã rất rõ, hậu họa để lại là rất nghiêm trọng. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể trong trường hợp này là Viện Kiểm sát Tối cao, không quyết định khởi tố vụ án và bị can đối với Võ Kim Cự, chính các vị sẽ phạm vào tội “Bỏ lọt tội phạm” quy định tại Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015.
 4/. Vụ Tất Thành Cang:


Tất Thành Cang khi còn đương chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp. HCM. Nguồn: Internet

Cách đây 5 tháng, ngày 26/12/2018, Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng (Khóa XII) đã quyết định kỷ luật Tất Thành Cang, cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng và Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp. HCM, nhưng vẫn giữ lại chức Thành ủy viên Tp. HCM đối với ông này. Đây là hình thức kỷ luật nửa vời của Đảng. Chính biện pháp xử lý kỷ luật nửa vời này đã tạo điều kiện cho ông ta coi khinh và thách thức pháp luật.  Kể từ ngày 4/6/2018, khi phát hiện Tất Thành Cang có dấu hiệu phạm pháp và vi phạm kỷ luật Đảng, đến nay đã là gần 1 năm, một khoảng thời gian vừa đủ để Tất Thành Cang kịp chạy tội, xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, v.v…
Ngày 1/1/2019 vừa qua, tôi kiến nghị với Thành ủy Tp. HCM tiến hành đồng thời 2 việc sau:  
1/. Khai trừ ngay Tất Thành Cang ra khỏi Đảng, tước bỏ 3 chức vụ còn lại của ông ta là Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Cải cách Tư pháp, Trưởng Ban chỉ đạo các vụ tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính của Thành ủy Tp. HCM, kể cả cách thêm chức mới được giao là Phó ban chỉ đạo công trình “Lịch sử Tp. HCM”.
2/. Chỉ đạo Công an Tp.HCM và Viện Kiểm sát khởi tố hình sự, bắt tạm giam, tiến hành điều tra, đưa ra xét xử công khai Tất Thành Cang và đồng bọn về những tội ác mà chúng đã gây ra đối với bà con Thủ Thiêm và Quận 2 trong thời gian y là Bí thư kiêm Chủ tịch  UBND Quận 2, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM, v.v…
***
Kẻ viết bài này xin nói thẳng điều sau đây: Nếu ai đó tìm cách bao che, chạy chọt hoặc ngăn cản, trì hoãn việc truy tố những kẻ vi phạm luật pháp trong vụ Formosa (mà Võ Kim Cự đứng đầu trong danh sách này), và những ai trong cái gọi là “Liên ngành Tư pháp” kiến nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự Phí Thái Bình, hoặc những ai tùy tiện vận dụng tình tiết giảm nhẹ cho Đặng Thanh Bình từ án tù giam sang hưởng tù treo, thì đấy không phải là hành vi bảo vệ uy tín và giữ thanh danh cho Đảng, mà ngược lại đấy chính là hành vi bôi nhọ uy tín, làm mất thanh danh của Đảng. Những kẻ đó đang làm mất thể diện cả Đảng lẫn Nhà nước, rất cần đưa ra nghiêm trị trước pháp luật để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Nội bộ Đảng đang trong quá trình suy thoái (NQTƯ4 – Khóa XII), nguyên nhân chính là do Đảng để các nhóm lợi ích “bán nước, hại dân” ngang nhiên tồn tại trong hệ thống bộ máy Đảng và Chính quyền, thứ đến là Đảng không “làm gương thượng tôn pháp luật”, để số quan chức, đảng viên thoái hóa, biến chất ra sức thao túng ngành Tư pháp, bắt bộ máy này phục vụ lợi ích của mình, chống lại lợi ích của nhân dân và đất nước.
Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, thì sớm muộn chẳng những Đảng có thể sẽ không còn, mà Đất nước cũng sẽ suy vong. Đấy là điều dự đoán nhỡn tiền. Song điều bất công lớn nhất đang xảy ra trong xã hội ta là thường dân không được bình quyền so với các đảng viên và quan chức nhà nước trước pháp luật. Nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” chỉ là sáo rỗng và khẩu hiệu suông, không hơn không kém. Trước thực trạng này, rất mong Đảng nhận thức được, và có quyết sách kịp thời, hiệu quả trước khi tình hình trở nên quá muộn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét