Tiêu hóa thực phẩm cũng không khác mấy tiêu hóa chính trị. Vụ tranh cãi tôm hùm đỏ nổ ra gần như cùng lúc với thời điểm Hội nghị TW khóa 10. Ba vấn đề mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là:
"Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?"
"Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?"
Dân Việt cũng bàn, nhưng không hăng như bàn về con tôm hùm đỏ. Chuyện cho cái gì vào miệng dễ làm người ta quan tâm, thích thú hơn là cho cái gì vào óc (trừ bọn nghiện, chúng có mục tiêu khác theo nghĩa đen).
Còn nhớ, ngày 9-1-1990, báo Tuổi Trẻ có bài “Theo chân con ốc Pháp” của nhà báo lão luyện C.V chạy kín một trang. Phần lớn người đọc tiếp nhận nội dung bài báo với tâm trạng hồ hởi.
Đất nước mở cửa chưa lâu, người dân còn rất vồ vập với “sản phẩm ngoại”, huống hồ đây lại là sản phẩm của Pháp. Người ta tin rằng con ốc được đề cập chắc chắn phải là của quý. Bữa ăn nghèo chất đạm dường như đã có cơ hội được cải thiện bởi một món ngon. Đáng mừng hơn nữa, không như con ốc bươu đen thui màu bùn truyền thống đang có nguy cơ tuyệt chủng, con ốc Pháp được ca ngợi là dễ nuôi, dễ sống, mau lớn, sinh sản rất nhanh, cho lượng đạm cao, lành, mát, ngọt và... nhậu rất bắt!
Tóm lại, vấn đề thiếu thốn thực phẩm, suy dinh dưỡng, nhu cầu cải thiện sức khỏe, thể trạng và cả phát triển kinh tế nữa, cho người Việt, con ốc Pháp sẽ giải quyết tất. Nó là một vưu vật!
Không muốn chậm hơn, hàng loạt tờ báo lớn khác cũng ngay lập tức “phát hiện” ra những lợi ích thần thánh của con ốc Pháp. Hậu quả là chúng ta có 20 năm vật lộn với đại dịch ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) một cách khốn khổ. Khi khắc chế - đúng hơn là tận diệt - được nó thì loại ốc bươu đen ở các ao hồ cũng bị diệt sạch luôn, không phân biệt. Con nào may mắn sót lại thì cũng đã bị thoái hóa. Một nguồn gen bản địa, một ký ức ao chuôm bị bức tử khi tự chúng không hề có lỗi, không gây hại.
Sau ốc bươu vàng là cá răng dao (Piranha), cá lau kính (Hypostomus punctatus), cây mai dương (Mimosa pigra)... Vị thuốc, mồi bén cả đấy. Loại gì, khi mới xuất hiện cũng được mô tả với đầy hào quang lợi ích, đủ để biến tất cả những hoài nghi về di hại trở thành “chuyện muỗi”.
Gần 30 năm sau, từ Mỹ, con tôm hùm đỏ (Cherax quadricarinatus) lại chọn Việt Nam làm một đích đến của cuộc viễn chinh. Hàng Mỹ, thứ gì chả tốt. Chê rất nhiều, khen cũng không ít, chưa ngã ngũ. Lý do vẫn thế: món khoái khẩu, giá trị cao, dễ nuôi, dễ sống...Thêm nữa, dân An Nam con gì nhúc nhích là họ ăn, là thành đặc sản, lấy đâu ra dư thừa mà sợ chúng tàn phá, thành đại dịch? Những mối nguy, nếu có được đề cập thì từ con tôm đỏ cũng nhanh chóng bị biến thành con tép. Người Việt ưa du nhập của lạ bằng những yêu ghét cảm tính chứ không bằng những luận chứng khoa học được nghiên cứu, chứng minh nghiêm túc, nhất là trong chuyện phù hợp điều kiện thực tế.
Với cả hai chuyện, thay đổi món ăn và đổi mới chính trị, tự nhiên tôi nghĩ khác một chút. Học hỏi, đổi mới là đương nhiên. Vấn đề là, để cho dân tin, nước mạnh, không bị đục ruỗng từ bên trong, trước hết Đảng cứ tìm cách diệt hết loại “tôm hùm đỏ” đang sinh sôi nảy nở nhanh kinh khủng trong xã hội, trong hệ thống đi. Khi đó, xã hội, đất nước sẽ có điều kiện để vững mạnh và phát triển mà chẳng phải tốn quá nhiều công trông chờ, học tập, bắt chước, áp dụng một mô hình, sản phẩm ngoại lai nào cả.
Thật đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét