Ảnh minh họa: tham nhũng và tầm tô (Biệt phủ của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, Yên Bái) Danviet.com
Cuối Tháng Tư vừa qua, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về nỗi quan tâm xã hội của người dân thành thị trong nước, theo đó, năm mối lo đầu tiên là sự an toàn thực phẩm, là nạn ô nhiễm không khí rồi tham nhũng, giáo dục và bảo dưỡng y tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu vào cái gốc của vấn đề…
Nguyên nhân của tham nhũng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm 25 tháng trước, công ty Indochina Research có trụ sở tại Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Miến vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát về những mối quan tâm xã hội của người dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về cuộc khảo sát này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một công ty độc lập chuyên điều nghiên thị trường đã thành lập tại Việt Nam từ năm 1994 rồi Cam Bốt, Lào và Miến Điện sau đó. Công ty đáp ứng yêu cầu của các thân chủ về tiếp cận thị trường và thương hiệu, đã có nhiều công trình khảo sát hữu ích. Cuộc thăm dò thực hiện trong Tháng Tư vừa qua tập trung vào mối quan tâm xã hội của cư dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Dù dân số mẫu hơi thấp, họ vẫn cho thấy có khác biệt ở hai nơi đó, ở giới tính nam nữ và ở ba mức lợi tức cao thấp. Nó còn làm nổi bật một khía cạnh khác trên khung cảnh thời gian, là các vấn đề đã được thị dân nêu lên từ năm 2017 mà chưa có cải tiến, chứ nếu nhìn vào nông thôn, tình hình có khi còn tệ hơn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta nên tiến sâu hơn vào nguyên nhân của vấn đề.
Nguyên Lam: So sánh với trước đây thì nạn ô nhiễm môi sinh không cải tiến mà Việt Nam còn đang gặp những tai họa mới, thí dụ như nạn dịch tả lợn đã tràn lan hoặc việc truy tố tham nhũng đã lên tới nhiều giới chức rất cao cấp trong đảng và nhà nước. Vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông đào sâu vào nguyên nhân.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên một vấn đề thuộc cơ chế kinh tế chính trị của Việt Nam, cũng tương tự như của Trung Quốc, là đảng và nhà nước có toàn quyền quyết định làm người dân, thị trường cùng với tư doanh phải cố gắng xoay trở trong khung cảnh ngặt nghèo đó. Một ví dụ để so sánh là Singapore giữ chế độ độc đảng từ khá lâu, nhưng tập đoàn quốc doanh của họ như Temasek vẫn phải tuân thủ quy luật thị trường chứ không được chính quyền bảo vệ.
- Khác biệt ở đây là chế độ toàn trị ở trên lại chi phối thị trường tư bản ở dưới với hai hậu quả là 1/ tư bản nhà nước trở thành “tư bản thân tộc”, của các đảng viên, cán bộ cùng thân nhân của họ có quyền thao túng và làm lệch quy luật thị trường, 2/ họ làm quy luật thị trường bị lệch lạc vì một hiện tượng mà kinh tế học gọi là “tầm tô” hay “rent-seekers”. Chính hiện tượng tầm tô mới giải thích vì sao xã hội gặp quá nhiều tệ nạn, như môi sinh bị hủy hoại, tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới. Kỳ này, chúng ta lại tìm hiểu về hiện tượng tầm tô đó.
Tầm tô là gì?
Nguyên Lam: Nguyên Lam nhớ lại rằng ông đã đề cập tới hiện tượng này từ sáu bảy năm trước cũng trên diễn đàn của chúng ta. Xin yêu cầu ông giải thích thêm về chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói ra thì kỳ, nhưng Việt Nam ngày nay chẳng phát minh ra cái gì mới và vẫn học theo Trung Quốc mà chẳng tiếp nhận kinh nghiệm của các nước Đông Á tiên tiến khác. Lần trước, quá lâu rồi, tôi cũng khởi đi từ hai trường hợp nổi tiếng trong văn hóa và lịch sử Trung Hoa mà có lẽ người Việt nào cũng biết. Đó là Đào Chu Công hay Phạm Lãi, trường hợp kia là Lã Bất Vi.
Nguyên Lam: Có lẽ ông sắp đề cập tới chuyện nhức đầu nên mới gợi trí tò mò cho thính giả của chúng ta về hai nhân vật Trung Hoa mà ai cũng nghe nói tới. Nguyên Lam xin mời ông.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu thời Chiến Quốc - từ khoảng 475 trước Tây lịch cho tới năm 221 sau Tây lịch là khi Tần Thủy Hoàng Đế gồm thâu lục quốc và thống nhất nước Tầu - Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Ông đã có công giúp Câu Tiễn nước Việt diệt nước Ngô của Phù Sai vào năm 473 trước Tây Lịch.
- Sau khi thành công, Phạm Lãi sớm biết lánh Câu Tiễn nên toàn mạng. Đổi họ đổi tên, ông trở thành Đào Chu Công và nổi tiếng là doanh gia có tài, được coi là một trong "bách gia chư tử", cầm đầu phái "kế hoạch gia", là kinh tế trước khi môn học này có tên như thế. Đời nay, người ta vẫn tin rằng Phạm Lãi đã viết cuốn "Trí phú Kỳ thư" và để lại "Đào Chu Công lý tài thập lục tắc", 16 phép làm giàu của Đào Chu Công, trong đó có những điều vẫn là hiện đại và đáng học....
- Hơn 200 năm sau, vào cuối thời Chiến Quốc, có Lã Bất Vi cũng nổi danh, chẳng vì bộ sử Lã Thị Xuân Thu đã thuê người khác viết, mà khét tiếng vì tài đầu tư. Sống trên nước Triệu, ông đầu tư vào người Tử Sở lưu vong của nước Tần và vào cái thai của mình trong lòng nàng Triệu Cơ xinh đẹp, để sau này thành quốc phụ và tướng quốc của Tần Vương Chính, tức là Tần Thủy Hoàng Đế. Dù sau này có bị Thủy Hoàng Đế bắt chết, Lã Bất Vi vẫn được người sau cho là tay kinh doanh có tài. Nhưng khác với Đào Chu Công là người làm ra của cải nhờ trí tuệ, sáng tạo và kỷ luật, như ta có thể đọc thấy trong "thập lục tắc, Lã Bất Vi làm giàu nhờ nghệ thuật cấu kết chính trị, buôn quan bán tước.”
- Tôi lấy hai hình tượng quen thuộc đó với nhiều người để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi Đào Chu Công. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị. Kinh tế học đời nay gọi hình thái kinh doanh đó là "tầm tô", rent seeker: tìm lợi thế bất chính và có nhiều rủi ro. Rẻ là mất tiền, nặng là mất tự do, nặng hơn nữa thì mất mạng như chính họ Lã chứng minh.
Nguyên Lam: Câu chuyện hấp dẫn thật, nhưng thưa ông, cụ thể thì tầm tô là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - “Tầm" là tìm, như thành ngữ “tầm sư học đạo. “Tô" chỉ có nghĩa là tiền thuê, thí dụ như “địa tô” là tiền cho thuê đất canh tác, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất có khi là cái dấu ấn hay sổ đỏ chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái thế độc tài chính trị để chiếm đặc lợi kinh tế. Hiện tượng “tầm tô” đó còn làm lệch lạc sinh hoạt kinh tế qua nhiều chính sách gây hậu qủa tai hại về môi sinh như chúng ta đã thấy và đang thấy. Vì vậy, chuyện này mới giải thích vì sao người ta khó cải thiện được việc bảo vệ môi sinh.
- Tại Việt Nam, ai cũng biết “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân” mà lại “do nhà nước thống nhất quản lý”, là điều được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước quản lý thế nào mà các đại gia tỷ phú đều khởi nghiệp từ khu vực gia cư địa ốc và từ hai chục năm qua cho tới nay, người dân đã oán than và khiếu kiện tập thể mà chẳng có kết quả?
- Hiện tượng tầm tô đã phát triển mạnh tại Trung Quốc lẫn Việt Nam, rồi khi cái vốn đất đai cạn dần thì các phương tiện tầm tô khác lại là hệ thống doanh nghiệp nhà nước, với chân rết hay rễ sâu là công ty tư nhân nhưng do đảng viên cán bộ lập ra, ngấm ngầm bảo trợ và ưu đãi phía sau bằng đặc lợi. Đó là nạn tham nhũng, điều chỉ xảy ra trong vùng tiếp cận giữa chính trị và kinh tế.
Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về chiến dịch diệt trừ tham nhũng được phát động từ hai năm qua tại Việt Nam và từ sáu năm qua tại Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiện tượng tầm tô, hay ỷ thế chính trị độc tài để trục lợi, đã tỏa rộng thành một mạng lưới hay một hệ thống chính trị kinh doanh đan kết và lan từ khu vực doanh nghiệp nhà nước qua các cơ chế khác, từ nhà nước tới quân đội và công an.
- Điển hình tại Trung Quốc là nhân vật Chu Vĩnh Khang, đã từng cầm đầu ngành dầu khí của hệ thống quốc doanh về sau vào Nội các rồi Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Chính pháp, có quyền chỉ đạo cả bộ máy nội vụ lẫn an ninh tình báo. Ông ta bị truy tố về tội tham nhũng vào cuối năm 2013 rồi lãnh án tù chung thân. Sau đấy, nhiều viên tướng ngồi trong Bộ Chính trị cũng bị truy tố.
- Những gì đang xảy ra tại Việt Nam chỉ là bản sao của những chuyện đã thấy trước đó tại Trung Quốc. Nhưng việc diệt trừ tham nhũng thật ra chỉ là lý cớ khi có nạn “quân phân bất tề” là chia chác không đều giữa các phe phái chính trị, chứ không đi vào lý do cơ bản là hiện tượng tầm tô.
- Ở bên dưới, có lẽ người dân cũng biết, nên theo cuộc khảo sát chúng ta vừa nói thì chỉ có 53% là quan ngại tới nạn tham nhũng, so với mối lo ưu tiên về những vấn đề thiết thực hơn cho đời sống là sự an toàn thực phẩm hay nạn ô nhiễm không khí quá nặng ngay tại thủ đô Hà Nội.
Nguyên Lam: Theo ông nghĩ, như một kết luận cho kỳ này thì người dân có giải pháp nào trước những tai ách quá lớn và quá sâu như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giải pháp lý tưởng mà bất khả là thay đổi thế chế để chấm dứt tình trạng toàn trị, cái gốc của hiện tượng tầm tô. Giải pháp thực tiễn cho những ai có khả năng nhờ lợi tức là tìm đất sống ở nước ngoài cho gia đình, hoặc ít ra là đi du lịch nước ngoài vào mùa có họa, khi ở tại chỗ thì tiêu thụ những sản phẩm đắt giá vì nhập khẩu từ các nơi an toàn.
- Chỉ một thiểu sổ ở thành thị mới có điều kiện ấy và họ gây ra ấn tượng giả tạo về sự phồn vinh tại Việt Nam cho dư luận nông cạn của quốc tế. Đa số thị dân còn lại thì đành chịu trận. Thê thảm hơn vậy là số phận của người dân tại thôn quê, họ không chịu trận mà đành chịu chết. Những người giỏi nhất thì tìm cách vào đô thị sinh sống để một thế hệ sau thì cũng lại xuất ngoại! Kết luận của tôi là một sự ngậm ngùi.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét