Ngụy biện là lập luận bằng thông tin sai lệch, lý lẽ không thuyết phục và không logic, để bảo vệ luận điểm của mình. Người ngụy biện thường lập luận quanh co, thậm chí dối trá để bảo vệ cái tôi khổng lồ, nhưng rất mong manh. Mục đích của những người cố tình ngụy biện là chà đạp lẽ phải và bóp nghẹt sự thật. Một số người Việt ủng hộ Trump thường ngụy biện “nói lấy được” để biện minh cho các sai phạm của Trump. Sau đây là 6 ngụy biện thường gặp.
1. Không phải người Mỹ thì đừng chỉ trích Trump
Đây là ngụy biện thể hiện sự thiếu hiểu biết, nhằm tấn công quyền tự do ngôn luận của người khác. Không cần phải sống ở Mỹ, hoặc là công dân Mỹ mới có quyền chỉ trích Trump. Bởi tự do ngôn luận là quyền tự nhiên “bất khả xâm phạm”, mà mọi người sinh ra đều có.
131 quốc gia công nhận quyền tự do ngôn luận được quy định tại Khoản 2, Điều 19 Luật Công ước quốc tế về Nhân quyền: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.”
Không chỉ đông đảo người dân Mỹ, mà người dân ở vài nước châu Âu và các lãnh đạo thế giới, bao gồm Đức Giáo Hoàng Francis, cũng bày tỏ sự phản đối với Trump. Tóm lại, lên tiếng phản đối Trump là quyền con người. Tấn công quyền tự do ngôn luận của người khác là tự vả vào mặt mình cũng như chấp nhận im lặng trước cái sai.
2. Không thích Trump thì đừng ở Mỹ. Hoặc Trump được phần lớn dân Mỹ bầu và nếu chỉ trích Trump là xem thường Mỹ.
“Không thích Trump thì đừng ở Mỹ” hoặc “Không thích chế độ cộng sản thì ra nước ngoài mà sống” là kiểu ngụy biện rất ngu xuẩn. Có 2 điểm rất sai trong ngụy biện này.
Thứ nhất, Trump không được phần lớn dân Mỹ bầu, bởi chỉ có 27% cử tri bầu cho Trump –chưa tới ½ dân số. Trump thắng cử nhờ hệ thống Cử Tri Đoàn (Electoral College) và nguyên tắc “người thắng lấy hết” (winner-take-all). Trump là tổng thống thua phiếu phổ thông nhiều nhất so với đối thủ trong lịch sử bầu cử tổng thống khi Trump thua Hillary Clinton gần 2.9 triệu phiếu. Vì thế, nếu nói Trump đại diện cho phần lớn dân Mỹ là tùy tiện và sai sự thật.
Thứ hai, Trump không phải là đất nước Hoa Kỳ. Dù cho Trump thắng cả phiếu phổ thông và Cử Tri Đoàn cũng không được phép đặt Trump ngang hàng với nước Mỹ. Nên nhớ, Trump được cử tri bầu làm người đứng đầu nhánh Hành pháp trong 3 nhánh Lập Pháp, Tư Pháp, và Hành Pháp. Đất nước Hoa Kỳ là của toàn dân, không thuộc sở hữu của riêng tổng thống nào. Đặt Trump ngang hàng với Hoa Kỳ là sỉ nhục những người có công thành lập nước Mỹ, hàng chục triệu người đã hy sinh cho nền độc lập, và đại đa số người dân Mỹ. Là một tổng thống, Trump có nghĩa vụ phục vụ lợi ích của dân Mỹ. Khi Trump tắc trách, vi phạm đạo đức và pháp lý, thì mọi cử tri có quyền chỉ trích và lên án Trump.
Tu Chín án Hiến pháp thứ Nhất (First Amendment) bảo vệ quyền tự do ngôn luận của dân Mỹ. Cử tri Mỹ xem việc phê phán Trump là bảo vệ nền dân chủ. Một người yêu nước luôn can đảm lên tiếng, phản đối bọn lãnh đạo vô đạo đức, lạm quyền, và tắc trách. Còn một kẻ hèn nhát, vô liêm sĩ, và không yêu nước, luôn cúi đầu vô điều kiện trước bọn nắm quyền độc tài và hung bạo.
Tóm lại, chỉ có những kẻ ngu xuẩn và hèn nhát mới đánh đồng lãnh tụ, hoặc chế độ với quốc gia. Chẳng hạn, đảng Cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền rằng: chống đảng, chống chế độ là chống tổ quốc Việt Nam.
3. Đừng bận tâm những gì Trump nói
Nhiều người Việt ủng hộ Trump thường nói: “Tôi không bận tâm đến những gì Trump nói”, nhằm biện hộ cho sự im lặng của họ, trước các phát biểu gian trá và khen ngợi các lãnh tụ độc tài của Trump. Ngụy biện này rõ ràng là một sự “sỉ nhục” đối với Trump. Xem lời phát biểu của người đứng đầu chính phủ quyền lực nhất thế giới là không đáng nghe, thì có phải nhục nhã cho Trump lắm không?
Nếu không quan tâm tới những gì Trump nói, thì tại sao vẫn lan truyền bài phát biểu lên án chủ nghĩa xã hội của Trump? Chuyện phổ biến bài phát biểu đó là tốt, nhưng khi nói “Tôi không bận tâm đến những gì Trump nói”, rồi làm ngược lại, rõ ràng là thái độ đạo đức giả: giả vờ không quan tâm các phát biểu tùy tiện và vô đạo đức của Trump, nhưng lại hả hê lan truyền lời nói hợp ý mình.
Cần lưu ý rằng, các tổng thống Mỹ đều có những phụ tá viết văn bản chuyên nghiệp. Khi phát biểu trước đám đông, Trump nhìn vào máy teleprompter và đọc theo. Muốn đánh giá thực hư con người của Trump như thế nào, cứ mở YouTube lên xem những clip Trump trả lời phỏng vấn, mà không có sự trợ giúp của teleprompter.
Trump là nguyên thủ quốc gia, nên các phát biểu ông ta có ảnh hưởng và giá trị vô cùng. Chẳng phải nhiều người chống chế độ cộng sản Việt Nam luôn trích những câu nói ngu xuẩn của đảng viên, để lên án và bè giễu họ sao? Suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi phát biểu là điều mà ai cũng phải học và thực hành. Nhà khoa học vĩ đại Albert Enstein nói: “Bất cứ ai bất cẩn với sự thật trong những vấn đề nhỏ nhặt thì không hề đáng tin cậy để giao những vấn đề quan trọng”.
Những phát biểu bất cẩn, cố tình kích động bạo lực của lãnh đạo quốc gia có thể dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng. Trump từng phát biểu trước đông đảo cử tri tại tiểu bang Iowa rằng, hãy thoải mái dùng bạo lực với những người biểu tình phản đối và hứa sẽ trả phí luật sư và pháp lý cho họ nếu rơi vào vòng lao lý. Bạn nghĩ sao nếu Nguyễn Phú Trọng cũng kêu gọi cảm tình viên “dùng bạo lực với những ai phản đối chế độ cộng sản”?
4. Chính trị gia nào cũng nói dối. Trump nói dối thì cũng không sao.
Cho rằng ai cũng nói dối để bình thường hóa thói lươn lẹo và dối trá trắng trợn của Trump là ngụy biện. Phần lớn con người nói dối để bảo vệ hoặc làm vui lòng người khác. Còn theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, Trump là tổng thống cận đại đầu tiên liên tục nói dối nhằm nâng cao bản thân và miệt thị người khác. Từ lúc nhậm chức cho đến nay, Trump đã nói dối hơn 10 ngàn lần – là con số chứng minh sự dối trá không có giới hạn của Trump.
Tóm lại, bất kể ai, nếu liên tục dối trá và không bày tỏ hối hận, phải bị tố cáo và lên án dứt khoát. Như Benjamin Franklin, một trong những vị sáng lập uyên bác của Hoa Kỳ nói: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn, là những kẻ không có đủ óc trung thực”.
5. Tác giả là ai mà dám phê phán Trump. Còn những sai phạm của Obama và Hillary Clinton thì sao?
Nhiều người ủng hộ Trump thường bình luận trong các bài viết lên án Trump của tôi rằng “Obama và Hillary có đầy sai phạm. Sao không thấy tác giả nhắc tới?” Chẳng lẽ khi tôi chỉ trích nhân vật nào, phải thông báo cho thiên hạ biết? Thay vì phản biện dựa trên các lập luận và fact trong bài viết, họ thường mạt sát tôi và những ai bình luận bày tỏ thái độ chống Trump. Hung hăng “bỏ bóng đá người” không chỉ sai, mà còn phơi bày sự bất lực và thô tục. Người chính nghĩa thật có ai sợ những câu chửi rủa bạo lực đó?
Thêm nữa, khi thảo luận hoặc tranh luận về một vấn đề, lập luận thuyết phục dựa trên facts là yếu tố quan trọng nhất, không phải tác giả là ai. Tác giả nổi tiếng cách mấy, nhưng khi viết bài, không đưa ra các bằng chứng và lý lẽ thuyết phục, chỉ toàn thành kiến và thông tin sai lệch, thì bài viết không có giá trị.
Vì không thể phản biện các sai phạm của Trump, nên họ chuyển mũi giáo sang Obama và Hillary, nhằm bình thường hóa các sai phạm của Trump. Bất kỳ lãnh đạo nào vi phạm đạo đức và luật pháp đều phải bị lên án và chỉ trích. Mù quáng bênh vực lãnh tụ là đặt lãnh tụ trên cả đạo đức và lẽ phải. Tôi đã từng phê bình Obama và Hillary Clinton và chắc chắn không bao giờ im lặng trước con người vô đạo đức và “kẻ thù dân chủ” mang tên Donald J. Trump.
6. Không quan tâm các sai phạm của Trump vì Trump đang đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Cho rằng Trump “mạnh tay” với Trung Quốc để bỏ qua các sai phạm nghiêm trọng của Trump cũng giống như đảng Cộng sản bỏ qua các sai phạm của các quan chức vì “có công với cách mạng”. Ngụy biện này rất trơ trẽn vì người ta chỉ quan tâm đến mục đích cuối cùng, mà sẵn sàng bóp nghẹt sự thật. Thêm nữa, việc Trump đánh thuế lên Trung Quốc đang gây bất lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Mỹ cũng như Trung Quốc, trong khi có lợi cho chế độ cộng sản Việt Nam.
Quan trọng hơn, tạo ra thành tựu cho đất nước là trách nhiệm mà các chính trị gia đã tuyên thệ khi nhậm chức. Bởi thế, lãnh đạo làm tròn nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng khi lãnh đạo liên tục dối trá, lạm quyền, kích động bạo lực, và cản trở công lý, thì trách nhiệm đạo đức của quốc dân là phản đối. Điều làm nên sự vĩ đại của một nhà lãnh đạo là đạo đức và liêm chính, không phải là thành tựu. Như Nguyễn Du nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Ngẫm
Trump cô lập nước Mỹ, tấn công đồng minh, dối trá trắng trợn, cản trở công lý, kích động bạo lực, và ngưỡng mộ độc tài đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền dân chủ và pháp trị. Những cá nhân tôn sùng Trump đến mức độ “cuồng tín” ngụy biện để bao che các sai phạm của Trump. Nghĩa là họ đội Trump lên đầu và chính kiến của mình, mặc kệ lẽ phải và đạo đức.
Một người bất chấp luân lý để ủng hộ Trump vì xem việc áp thuế Trung Quốc như một biện pháp vũ lực, thì họ dựa trên nền tảng gì để chống chế độ độc tài cộng sản? Nếu đảng Cộng sản Việt Nam cũng tuyên bố áp thuế với Trung Quốc, thì họ có mặc kệ vô số tội ác và bất công mà đảng CSVN đã và đang gây ra hay không?
Edward Abbey nói : “Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước.” Theodore Roosevelt nói: “Lòng yêu nước là trung thành với tổ quốc. Nó không có nghĩa trung thành với tổng thống.” Vì thế, các vi phạm đạo đức và luật pháp của Trump phải bị lên án một cách mạnh mẽ và dứt khoát.
Tác giả: Mai V. Phạm là cựu quân nhân Hoa Kỳ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Washington DC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét