Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cầm Bulava, biểu tượng quyền lực của Ukraine, trong lễ nhậm chức của ông tại Quốc hội ở Kiev hôm 20/5/2019. Ảnh AFP
Trông người mà ngẫm đến ta
Ngày 20 tháng 5 năm 2019, ông Zelensky, người từng là một diễn viên hài, chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine tại thủ đô Kiev. Bài diễn văn ông đọc trước Quốc Hội được nhiều cư dân mạng xã hội Việt Nam chia sẻ. Bài diễn văn được mở đầu với lời lẽ của một lá thư gửi tới người dân Ukraine. Vị tân tổng thống viết rằng đây không phải là chiến thắng của ông mà là chiến thắng và cơ hội chung của người dân Ukraine; không chỉ ông mà toàn thể người dân đều đã đặt tay lên Hiến pháp và thề trung thành với đất nước Ukraine.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định về khác biệt giữa vị tân tổng thống Ukraine và các nhà lãnh đạo Việt Nam:
“Trong bài diễn văn thì vị tân tổng thống luôn nhấn mạnh đến vai trò của người dân Ukraine. Tổng thống là của nhân dân và khi người dân bầu ra tổng thống thì tổng thống phải có trách nhiệm cùng với người dân hành động. Nó khác xa với tuyên bố của Việt Nam là ‘chính quyền của dân, do dân và vì dân’ nhưng hành động thì chỉ vì lợi ích của đảng.”
Luật sư Đài đồng thời nêu lên một điểm nữa đáng chú ý trong bài diễn văn, đó là sẽ bằng mọi cách đem lại hòa bình ổn định cho đất nước để không người lính nào phải hy sinh. Tổng thống sẽ không do dự nếu phải từ bỏ chức vụ để có hòa bình và không phải hy sinh lãnh thổ.
Năm 2017, các chuyên gia Ukraine đã lập ra một danh sách các nước nghèo nhất ở Châu Âu, đăng tải trên trang web của trung tâm phân tích Texty.org.ua. và theo đó Ukraine dẫn đầu danh sách này với mức thu nhập đầu người chỉ 190 euro/tháng, trong khi Thụy Sĩ là 4.421 euro, tiếp theo là Iceland và Na Uy với 3.440 và 3.405 euro/tháng.
Nền kinh tế Ukraine vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, khủng hoảng chính trị nổ ra, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, xung đột bùng lên ở miền Đông, và kinh tế Ukraine suy giảm đi rất nhiều do chính trị bất ổn.
Kêu gọi kiều bào về nước
Tân tổng thống Zelensky ngay vào ngày nhậm chức đã lên tiếng kêu gọi 65 triệu người Ukraine trên toàn thế giới, những ai sinh ra trên mảnh đất Ukraine, hãy “Đừng đến Ukraine với tư cách là khách, mà hãy đến với tâm thế trở về nhà. Chúng tôi chờ đợi các bạn. Không cần mang quà cáp lưu niệm gì về từ những đất nước xa xôi, hãy mang về nhà những kiến thức, kinh nghiệm và giá trị tinh thần quý báu. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta khởi đầu một kỷ nguyên mới.”
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng từ Pháp cho rằng lời kêu gọi này tương tự như lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam từ năm 1975 cho đến tận bây giờ:
“Việc tân tổng thống kêu gọi người dân Ukraine trở về xây dựng đất nước thì thực sự các nhà lãnh đạo ở Việt Nam cũng đã kêu gọi từ năm 1975 rồi. Tôi vốn là một cựu sinh viên du học thì thời đấy tôi có mặt ở Paris và đã chứng kiến nhà cầm quyền mới đã tổ chức những buổi hội thảo, những buổi gặp gỡ để khuyến khích những sinh viên học và trở về với đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây vẫn tổ chức những buổi gặp gỡ Việt kiều và kêu gọi bà con về đóng góp cho đất nước, nhưng theo tôi thì những người về đóng góp cho đất nước (tôi chỉ nói trong lãnh vực giáo dục) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những giảng viên mới ra trường còn rất trẻ được học bổng cử đi Hàn Quốc, Đài Loan… hoàn tất học vị Tiến sĩ rồi trở về giảng dạy với công việc chờ sẵn mà nhiều người còn không trở về.”
Với nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì bây giờ chính phủ Việt Nam có tiếp tục kêu gọi thì cũng không ai trở về vì muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong nước thì phải về với tâm thế tuân phục đảng. Một số người đã về và đã thất bại. Ông Trịnh Vĩnh Bình là một ví dụ.
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một triệu phú ở Hà Lan đem hơn 3 triệu đô la Mỹ về Việt Nam làm ăn và đầu tư trong nước vào cuối năm 1987, ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù trong năm 1999. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, đã trốn thoát khỏi Việt Nam.
Năm 2003 ông Trịnh Vĩnh Bình đã chính thức nhờ tổ hợp luật sư Covington Burling của Mỹ ở Washington đại diện để kiện chính phủ Việt Nam ra toà án quốc tế, đòi bồi thường thiệt hại.
Ngày 11 tháng 4 năm 2019, Tòa án Quốc tế thông báo, ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho ông Bình hơn 37.500.000 đôla thiệt hại và gần 7.900.000 đôla án phí.
Làm sao để người Việt trở về?
Ông Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét rằng Ukraine khác Việt Nam hoàn toàn về thể chế chính trị. Ukraine đã bỏ cộng sản và lập ra một chế độ dân chủ, trong khi Việt Nam thì vẫn theo cộng sản, vẫn quốc doanh là chủ đạo và đảng cộng sản đang thống trị hết tất cả, nắm hết mọi quyền lực. Ông nhắc lại chủ trương xuyên suốt của đảng cộng sản:
“Đảng cộng sản là đảng chuyên kích động hận thù, phân biệt đối xử và gây chia rẽ lòng dân. Đối với người trong nước họ còn phân biệt đối xử huống hồ chi với những người VNCH từ miền Nam chạy ra nước ngoài sau 1975, và thế hệ con cháu họ.
Người cộng sản họ đâu có tin ai ngoài đảng viên của họ, giai cấp của họ. Động lực của họ là một cuộc đấu tranh giai cấp, tức là phân biệt giai cấp này với giai cấp kia. Giai cấp vô sản phải đứng lên lật đổ giai cấp khác, tiêu diệt giai cấp khác rồi cướp tài sản và quyền lợi của họ biến thành của mình.”
Ông khẳng định còn đảng cộng sản thống trị thì sẽ khó mà kêu gọi kiều bào về xây dựng đất nước, trừ khi có sự thay đổi.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu lên quan điểm của mình rằng những người Việt có tâm và có tài sẽ không trở về khi nào chế độ cộng sản còn có sự phân biệt đối xử giữa những người cộng sản và những người theo tư tưởng tự do dân chủ. Ông nhấn mạnh:
“Việc người Việt Nam phải rời bỏ đất nước là do bất đồng chính kiến. Chỉ khi nào chính quyền cộng sản chấp nhận sự khác biệt, tức phải chấp nhận đa nguyên đa đảng thì lúc đó những người Việt Nam trên khắp thế giới sẽ tự nguyện trở về xây dựng đất nước mà không cần những lời kêu gọi sáo rỗng như hơn 40 năm qua.”
Theo thống kê của Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài thì hiện có hơn 4.5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng thì phần lớn những người Việt Nam trên thế giới đều muốn trở về để xây dựng đất nước, nhưng thực tế họ vẫn không trở về bởi họ cho rằng họ không được trọng dụng – trọng dụng không nhất thiết là về tiền bạc. Họ mong những kiến thức của họ được phát huy ở Việt Nam một cách hiệu quả nhưng cấp quản lý lại không có suy nghĩ như họ, tức không đặt quyền lợi của dân của nước lên trên mà đặt quyền lợi của đảng lên thì họ thấy không cần phải trở về. Ông kết luận:
“Đất nước phải thay đổi, thể chế chính trị phải thay đổi thì mới kêu gọi người tài về xây dựng đất nước được.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét