Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

13136 - 44 năm sau, nhìn lại mối đau (kỳ 1)



Kính gởi tất cả
Người Việt còn sống hay đã chết (1975-2019) 
Dẫn Nhập 
Mỗi người, mỗi tập thể, mỗi dân tộc có một đời sống, lần chết với định mệnh riêng. Dân tộc Việt cảm nhận, thấy ra sự huyền nhiệm kia qua con Số Ba: Lễ thờ cúng với phẩm vật Tam Sanh; nhà Ba Gian; Ba Miền Bắc, Trung, Nam; Cờ Quẻ Ly; Cờ Vàng Ba Sọc… Người Việt thấu hiểu cốt lõi cấu trúc siêu hình, lẽ huyền vi kia qua Nỗi Đau và Cơn Thống Khổ vô lường với thân phận của mỗi người trên quê hương điêu linh qua những Tháng Ba của năm 1972,  1975. Người Việt hải ngoại vừa qua Tháng Ba, đang ở Tháng Tư, 2019, những thời điểm khiến nhớ lần vỡ trận Ban Mê Thuộc, 10 Tháng Ba, 1975, khởi đầu bi kịch nước mất nhà tan năm mươi lăm ngày sau, 30 Tháng Tư, 1975.
Nay 44 năm sau 1975, thời gian đủ để nhìn lại sự việc của quá khứ từ đó nhận ra những tất yếu của lịch sử. Những điều tất yếu mà dân tộc Việt buộc phải nhận lãnh từ phận nghiệp điêu linh. Những thế hệ người Việt sinh nơi miền Nam, lớn lên sau 1975 phần đông trên đất Mỹ có thể ngạc nhiên với thắc mắc: Tại sao một miền Nam có đủ tất cả những ưu thế so với với miền Bắc, cụ thể thuộc về phe dân chủ-tự do được Mỹ và Tây Âu yểm trợ, giúp sức. Vậy thì từ đâu, vì sao, VNCH chỉ một sớm một chiều sụp vỡ một cách nhanh chóng sau 55 ngày do Bắc Việt Cộng Sản tấn công? Tại sao? 
Một.
Tháng Ba mở đầu mùa Hè khốc liệt 1972; và Tháng Ba sau ký kết Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình 27 Tháng Giêng, 1973, mà hai tháng sau 27 Tháng Ba, 1973, là hết thời hạn thi hành giai đoạn bốn bên, và miền Nam bắt đầu nhận chịu số phận khốn đốn khi tỉnh Phước Long bị Cộng Sản lấn chiếm, Tháng Mười Hai, 1974, cùng lúc viện trợ Mỹ bị cắt giảm toàn diện, Hạm Đội 7 quay mũi về Trung Đông. Qua đầu Xuân Tháng Ba, 1975, thêm một lần miền Nam phải giáp mặt với câu hỏi… Bao giờ Cộng Sản tấn công? Cộng Sản sẽ tấn công ở đâu? Không ai ở Sài Gòn có câu trả lời chính xác.
Đầu năm 1975, phía Cộng Sản Bắc Việt đã nối được con đường từ Cao Nguyên Trung Phần xuống đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, lộ rõ ý định cắt đôi miền Nam theo trục quốc lộ 19 nối Bình Định – Pleiku như đã thực hiện trong chiến tranh 1946-1954. Và đây là tiền đề của cuộc Tổng Công Kích 1975 mà Hà Nội đã quyết thực hiện bước cuối cùng để tiến chiếm miền Nam?
Bây giờ thì ai cũng thấy ra như thế, nhưng lúc ấy, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn, cụ thể với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Đoàn II ở Pleiku, lúc ấy không thể có quyết đoán cụ thể nào khi từ năm 1972, phần cực Bắc của Cao Nguyên Trung Phần, cứ điểm Đắk-tô, quận lỵ Tân Cảnh, dãy Căn Cứ 5, 6, các trại lực lượng đặc biệt đã thuộc về vùng kiểm soát của binh đội miền Bắc.



Phi trường Long Xuyên. (Hình: Flickr manhhai)

Đầu năm 1975, Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng Cộng Sản, Bộ Tổng Quân Ủy quân đội Bắc Việt chuẩn bị tấn công miền Nam sau khi rút kinh nghiệm thất bại từ Mậu Thân 1968, do đã quá phân tán lực lượng trên mục tiêu trải dài qua 40 tỉnh, thành phố miền Nam. Cụ thể trong Tổng Công Kích Xuân – Hè 1972, cuộc tấn công đã không hoàn tất mục tiêu chiến lược là đánh sụp toàn bộ hệ thống quân sự-chính trị-hành chánh của VNCH, để yểm trợ chính trị cho Hội Nghị Ba Lê đang ở thời điểm quyết định trước khi ký kết (27 Tháng Giêng, 1973). Quan trọng hơn hết, vào Tháng Ba, 1975, người Mỹ đã thực sự rút chân ra khỏi Việt Nam.
Cũng không phải đợi năm 1975 mà từ những năm 1972, và cũng chẳng phải là chuyên viên quân sự-chính trị chiến lược cao cấp, chỉ người có lưu tâm đến thời cuộc, chiến cuộc cũng có thể nhìn thấy tình hình quân sự nguy ngập của miền Nam.
Từ sau trận chiến mùa Hè 1972 một phần cực Bắc của Cao Nguyên Trung Phần, gồm cứ điểm Darkto, quận lỵ Tân Cảnh, dãy Căn Cứ 5, 6, các trại lực lượng đặc biệt đã thuộc về vùng kiểm soát của Cộng Sản miền Bắc. Có nghĩa Bắc quân đã nối được con đường từ Cao Nguyên Trung Phần xuống đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, lộ rõ ý định cắt đôi miền Nam theo trục quốc lộ 19 Bình Định – Pleiku như một lần thực hiện trong chiến tranh 1946-1954.
Nhưng không chỉ có thế, năm 1975 Bộ Chính Trị, Bộ Tổng Quân Ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam đã điều quân dưới Nghị Quyết chiến lược số 21 (Nghị quyết nầy được Trung Ương Cục Miền Nam phổ biến với bí số 12).
“Cuộc tấn công toàn diện ở miền Nam Việt Nam phải được thực hiện đồng loạt và tràn ngập, liên kết ba mũi, chủ động cả ba mặt trên khắp ba vùng…” Ba mũi là tấn công quân sự, tấn công chính trị, tấn công binh vận. Ba mặt, diện quân sự, diện chính trị, diện ngoại giao. Ba vùng gồm vùng Cộng Sản đã kiểm soát được; vùng tranh chấp (xôi đậu); và vùng Việt Nam Cộng Hòa.
Với chỉ đạo chiến lược nầy, Cộng Sản Bắc Việt lập kế hoạch tấn công lật đổ chế độ VNCH sau khi đã rút kinh nghiệm từ Mậu Thân 1968, và trận chiến Xuân-Hè 1972, để năm 1975 có đủ ưu thế vượt trội về quân sự cùng an toàn tuyệt đối về chính trị. Chúng ta cùng đi tiếp lần sụp vỡ miền Nam bắt đầu từ Tháng Ba, 1975. 
Hai.
Mặt Trận B3 là bí danh quân sự phía Cộng Sản Bắc Việt chỉ Vùng Cao Nguyên Trung Phần của VNCH. Trong ngày 10 Tháng Ba, Sư Đoàn F10 dưới quyền chỉ huy của các tướng Bắc Việt Hoàng Minh Thảo,Vũ Lăng đồng loạt tấn công Ban Mê Thuộc.
Cuộc tấn công được tăng cường Sư Đoàn 320 là đơn vị cơ hữu đã có mặt từ trước nơi vùng B3 này, thêm Sư Đoàn 316 từ miền Bắc mới xâm nhập, và Sư Đoàn 341 tổng trừ bị. Sư Đoàn 316 rời miền Bắc vào Nam từ 1974 để chuẩn bị chiến trường cho Tướng Văn Tiến Dũng, nhân vật số 2 của quân đội miền Bắc. Tướng Dũng đã vào Nam từ ngày 5 Tháng Hai, 1975, bằng một chiếc máy bay Antonov 24 nhưng mãi đến Tháng Tư, CIA Mỹ mới khám phá ra. Lực lượng Cộng Sản đánh Ban Mê Thuộc gồm khoảng 25,000 người có pháo binh, chiến xa phối hợp yểm trợ.
Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuộc, phía VNCH chỉ có khoảng 1,200 quân gồm lính hậu cứ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lực lượng Địa Phương Quân Tiểu Khu Đắk-Lắc, và Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân. Tức tỷ lệ 20 đánh 1. Thế nên từ 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công (mà Tướng Dũng ước tính mặt trận Ban Mê Thuộc sẽ chấm dứt sau một tuần) chỉ đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày 10, thị xã Ban Mê Thuộc phần lớn đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng, cho dù Biệt Động Quân, Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn tiếp tục chiến đấu.



Chiến đấu bảo vệ miền Nam. (Hình: Flickr manhhai)

Với tỷ lệ 20 đánh 1 có pháo binh, chiến xa yểm trợ (chỉ không có phi cơ) phía cộng sản làm sao không đánh thắng? Chưa hết, năm 1975 Hà Nội đánh chiếm miền Nam với  hai lợi điểm, phải nói hai ưu thế quyết định: Sự bất ngờ tình báo được bảo đảm toàn hảo và cái ô chính trị tuyệt đối an toàn.
Khi Cộng Sản quyết định tiến chiếm thị xã Ban Mê thuộc cực Nam của vùng Cao Nguyên Trung Phần, nơi tương đối bình an của Vùng II, mục tiêu không hề được tính đến trong suốt mười-lăm năm chiến tranh khởi đi từ 1960. Thế nên từ 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công (mà Tướng Dũng ước tính mặt trận Ban Mê Thuộc sẽ chấm dứt sau một tuần) chỉ đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày 10, thị xã Ban Mê Thuộc phần lớn đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng, cho dù Biệt Động Quân, Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Tướng Dũng cứ tưởng như là giấc mơ.
Tướng Dũng cũng không thể nào tin khi được báo cáo: Quân Đoàn II tháo chạy! Bởi vì ông không biết trong cuộc họp ngày 14 Tháng Ba, 1975, ở Cam Ranh, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã không nói rõ ràng về ý niệm điều quân: “Nếu có thể thực hiện triệt thoái khỏi Pleiku, Kontum thì cũng có thể chiếm lại Ban Mê Thuộc?!”
Những người cầm đầu Cộng Sản ở Hà Nội cũng không nghe tới tính toán: “Ngày trước với một tỷ rưỡi đồng đô la thì giữ được bốn vùng, bốn quân khu. Nay với 700 triệu thì chỉ giữ được hai Quân Khu III và IV.” Họp xong, ba ông tổng thống, thủ tướng, và tổng tham trưởng, ba tướng lãnh quân đội trở lại Sài Gòn. Tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú bay về Nha Trang. Để lại trách nhiệm chỉ huy toàn bộ cuộc di tản cho tướng lãnh được vinh thăng cuối cùng của Quân Lực VNCH, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia tên gọi “Việt Nam Cộng Hòa” bắt đầu “chết” từ điểm tắt thở này. Đây là cuộc hành quân di tản toàn Vùng Cao Nguyên, một Quân Khu II trên một đoạn đường  228 cây số mà 10 năm nay không được sử dụng (trên bản đồ quân sự đoạn Hậu Bổn (Cheo Reo) đến Sơn Hòa chỉ màu XANH, chỉ đoạn đường KHÔNG SỬ DỤNG ĐƯỢC).
Nguy hại hơn nữa, cuộc hành quân rút lui KHÔNG CÓ LỆNH HÀNH QUÂN điều hành, thống nhất chỉ huy! Cũng bởi Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II, chỉ thực sự chỉ huy những đơn vị Biệt Động Quân thuộc quyền của. Đêm 16 Tháng Ba, 1975, các đơn vị quân đội âm thầm bất ngờ triệt thoái được êm xuôi. Nhưng đến sáng hôm sau, dân chúng hay được, hoang mang, hốt hoảng vội vã ùa chạy theo đoàn quân với bất cứ phương tiện di chuyển nào kể cả chạy bộ. Quân Cộng Sản bắt đầu đuổi theo, nã pháo thẳng vào đoàn di tản.
Trời cao nguyên buổi tàn Xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt ngưi, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng, thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh núi Hàm Rồng. Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong mắt những người lính Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, thành phần hậu vệ đoàn di tản.
Pleiku, thị trấn thủ phủ của miền Cao Nguyên, luôn trĩu lặng sương mù nay oằn thân vật vã trong màu lửa địa ngục. Lửa từ đống kim loại, khí giới, từ những kho quân nhu, quân cụ soi loang loáng chập chờn những đường dốc hun hút lẫn khuất dưới tàng thông. Tất cả đồng nhóm lên màu đỏ chói. Màu của máu. Đoàn di tản qua được một ngày bình an. Bình an sống sót qua đói, khát, nhục nhằn và lo âu. Lính gục trên mũi súng, đàn bà, con trẻ nằm rũ lên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống, được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở tri? Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
Bình an của ngày đầu tiên này không kéo dài được lâu, bởi phía Cộng Sản trong ngày 16 đã tìm ra đáp số cho câu hỏi: Quân Đoàn II đang tính gì sau chấn thương ngày 10 Tháng Ba tại điểm bất ngờ Ban Mê Thuộc? Qua máy dò tìm làn sóng, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3, tổng quát hơn chiến dịch tấn chiếm miền Nam, chiến dịch mang bí số 275, choáng người vì thắng lợi quá mau chóng, quá lớn, Quân Đoàn II đang tháo chạy!
Dần dần họ khám phá vài phi cơ C47, C130 xuất phát từ phi trưng Cù Hanh (Pleiku) đi Nha Trang không có lượt bay về. Viên chuẩn úy nằm vùng trong Sư Đoàn 2 Không Quân, người đã điều chỉnh pháo binh chính xác từ bao ngày qua, người quan sát các phi xuất di tản đã đến hồi lộ mặt không ngần ngại – Anh ta báo cáo bằng bạch văn! Sự kiện đã trút gánh nặng âu lo “phía cộng hòa có thể điều quân tái chiếm” ra khỏi đầu Văn Tiến Dũng.
Tướng Dũng mắng thẳng và đe dọa Kim Tuấn, viên tư lệnh Sư Đoàn 320: “Nếu đồng chí để vuột mất đoàn di tản thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.” Bởi, Kim Tuấn đã từng cam kết: “Một đơn vị cơ giới với chiến xa, pháo binh nặng không thể nào đi qua đường 7B được…”
Quả thật, ông Nguyễn Văn Thiệu ít ra cũng lừa được một người cũng như trong mười điều sai ông cũng có một điều đúng với câu nói: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói…” Sư Đoàn 320 được lệnh băng rừng truy kích đoàn di tản và Sư Đoàn 968 trên đường bôn tập từ Lào về Pleiku cũng được lệnh đâm ngang từ ngã ba Thanh An, chuyển hướng hành quân dài theo Tỉnh Lộ 7 về đồng bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét