![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgZu6UArhoKL_UECUaiqqlcQntlWsOibX7EjVXZtpZb4z-GbTvk0JJ8tIofucFT5sId9F-5LXmTWSio9t-KjKYgq5n0jPMAwM8qCVWaMgaPk9Y3bW9L-X2PhGoiBkjE_w0smVBMiKpxbE8/s640/55a3f4aa3d4a7e.img_.jpg)
Hơn chục năm rồi tôi mới có dịp về thăm lại xứ biển Nha Trang. Nha Trang hôm nay không còn chút gì đọng lại cho mai này sẽ lại mơ ‘mình tôi trên bãi khuya/ tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào…’ như ca từ của nhạc phẩm “Nha Trang ngày về” mà Phạm Duy sáng tác năm 1969. Năm mươi năm rồi còn gì.
Với Phạm Duy, Nha Trang lúc đó buồn vì thành phố trong tình trạng chiến tranh, buồn vì Nha Trang ngày về ngồi đây tôi lắng nghe/ Đê mê lòng tôi khóc như oan hồn trách móc… Còn hôm nay, đi giữa Nha Trang, cứ phải ngơ ngác tự hỏi: có cái gì nơi đây mà du khách bên Tàu lại rủ nhau tìm đến đây với đủ thành phần… ô hợp đến như vậy?
Số liệu thống kê mới nhất được nhà chức trách nơi đây công bố, thì trong 3 năm vừa qua, khách Trung Quốc tăng rất nhanh khiến thị trường khách Hàn Quốc, Úc, Đức và các nước Tây Âu giảm mạnh tới 50%. Giảm mạnh và nhanh vì du khách phương Tây, Hàn Quốc, Úc không chịu nỗi lối hành xử quá kém văn minh của những người khách đến từ Trung Quốc lục địa. Cũng do giảm mạnh nên giờ đây đi ở thành phố Nha Trang tháng tư, 2019, người ta chỉ còn bắt gặp những bảng hiệu hàng hóa với song ngữ Việt – Trung, hoặc theo thứ tự ưu tiên là Việt – Trung – Nga. Rất khó tìm bảng hiệu hay chào dịch vụ du lịch bằng tiếng Anh như thuở nào.
Chào mời hàng ăn ở thành phố Nha Trang chủ yếu bằng tiếng Quan Thoại, hay còn được gọi là tiếng Hoa phổ thông. Trong khi đó thói quen của khách Hoa kiều Chợ Lớn, họ sẽ nói tiếng Quảng Đông. Khách Đài Loan thì dùng phương ngữ Phúc Kiến.
Nhiều chủ nhà hàng tại thành phố Nha Trang nhìn nhận nhiều khi muốn nói “không” với khách Trung Quốc, vì sự sự ồn ào, huyên náo thái quá của nhóm khách Hoa kiều cộng sản đó. Sở dĩ gọi là “Hoa kiều cộng sản”, hay “Hoa kiều đỏ” là nhằm phân biệt du khách đến từ Đài Loan, Hồng Kông, hay… từ Chợ Lớn ra đây du lịch. (vì tiếng Tàu xí xô, xí xào na ná nhau!)
Khách Trung Quốc đến Nha Trang, không rõ vì sao lại chủ yếu là dòng khách có mức chi tiêu thấp, đi theo tour giá rẻ và thích sử dụng dịch vụ ‘chui’ của những hướng dẫn viên cũng đến từ Trung Quốc, nhưng không làm thủ tục đăng ký hành nghề tại Việt Nam. Đâu chỉ vậy, nhiều nguồn tin từ các công ty du lịch lữ hành tại đây còn kể rằng nhiều khách Trung Quốc đã không quay về nước sau khi kết thúc tour, mà họ ở lại đây rồi nhờ người Việt Nam đứng tên thuế mướn mặt bằng để họ làm ăn. Nhiều phố, hẻm của Nha Trang xuất hiện không ít người Trung Quốc thuê, mua nhà lưu trú. Điều này cũng là một trong những nguyên do khiến ở Nha Trang có nhiều bảng hiệu hàng quán viết bằng tiếng Trung theo lối giản thể (Đài Loan và Hồng Kông vẫn còn dùng chữ phồn thể).
Sự thờ ơ của chính người Nha Trang mới là điều đáng ngại. Khi các đoàn khách Trung Quốc đến Nha Trang, người Trung Quốc làm luôn vai trò hướng dẫn viên, tự giới thiệu hết. Có khi họ nói Hòn Tre là một trong những quần đảo của Trung Quốc thì hướng dẫn viên người Việt Nam cũng thờ ơ, chỉ ngồi trơ ra đó, chẳng buồn phản ứng gì – kiểu như đã có Đảng và Nhà nước lo rồi vậy!
Người viết bài này đến Nha Trang vào ngày đầu tuần. Lệ thường, nửa đầu tuần hay thưa vắng du khách. Thế nhưng theo các người dân buôn bán nơi đây, kể từ khi khách Trung Quốc ồ ạt vào Nha Trang, thì gần như quanh năm suốt tháng nơi đây đều chật nít khách. Vào hè, thêm khách nội địa, Nha Trang càng ngột ngạt hơn.
Câu hỏi đặt ra: khách đông thì tiền thu về nhiều, sao lại than vãn? Oái oăm ở đây là Alipay, Wechat Pay là hai công cụ thanh toán phổ biến cho các giao dịch mua sắm hàng hóa ở Trung Quốc đang hưởng lợi từ chuyện du khách Trung Quốc đến Việt Nam. Cứ 10 giao dịch trực tuyến của du khách Trung Quốc tại Nha Trang, thì có đến 9 giao dịch đi qua hệ thống của 2 phương thức thanh toán này. Tuy nhiên cả Alipay hay Wechat Pay đều chưa có pháp nhân ở Việt Nam.
Còn chuyện liên kết với các chủ cửa hiệu trong lãnh vực ‘ví điện tử’ này diễn ra rất chậm và khó khăn. Lý do là nếu chấp nhận qua các pháp nhân trung gian Việt Nam, thì các chủ cửa hiệu mua sắm phải trả phí giao dịch tương ứng với khoảng 1,5%, trong khi con số bình quân 0,5% thông thường.
Chuyện các máy POS (Point of Sale - máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng) cà thẻ được sử dụng để thanh toán đều do một số ngân hàng Trung Quốc phát hành, nhưng được đặt không giấy phép tại Việt Nam, kết nối Internet trực tiếp với AliPay, WeChat Pay và các ngân hàng/tổ chức thanh toán khác của Trung Quốc đã thuộc thì quá khứ. Giờ đây khách Trung Quốc đến Nha Trang chỉ cần sử dụng các ứng dụng AliPay, WeChat Pay trên điện thoại di động để thanh toán tại chỗ. Chủ cửa hàng chỉ cần nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại…
Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây/ Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát/ Chui sâu vào thân xác lưu đầy/ Dạ tràng ơi! Sao lấp cho vơi sầu này? Nha Trang ngày về ở tháng tư này, với riêng tôi, dường như Nha Trang của miền thùy dương cát trắng đã không còn nữa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét