Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

13111 - Không lò nào đốt xuể: Sao không chịu sửa Quy định 102-QĐ/TW năm 2017?




"Người đốt lò vĩ đại"!

Facebooker Phạm Việt Thắng, người mới đây tiếp tục thông tin, vào trung tuần tháng Năm, một tướng quân thuộc bên hải quân sẽ vào lò sau khi "xử lý hành chính". Ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa qua cơn bệnh tưởng chừng như không qua nổi tiếp tục gượng mình để đốt lò. Và câu chuyện đốt lò của ông khiến nhiều người phong tặng ông danh hiệu "vì nhân dân quên mình".

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng là con người, ông đã đang hoàn tất vòng đời "sinh - lão - bệnh - tử", và câu chuyện "đốt lò" của ông sẽ không còn quá lâu dài khi ông mất đi. Người dân không đòi hỏi một "quy trình đốt lò" từ Đảng, mà người dân đòi hỏi cần phải "đốt lò" triệt để từ nguồn gốc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều Facebooker đã bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe ông Trọng, không phải vì mong ông chết đi vì ông "độc tài, phi dân chủ hay thậm chí là thân Trung Quốc", mà chính là vì ông đang là chủ soái trong chiến dịch "chống tham nhũng".

Trên tình hình chống tham nhũng, thì những "cây củi" mà ông Trọng đưa vào cũng đã góp phần "giảm thiểu" sự tàn phá dữ dội tiềm lực quốc gia, dân tộc. Nhưng có vẻ, càng đưa củi vào lò, ông Trọng nhận ra là sức có hạn nhưng tham nhũng lại vô hạn, nhất là trong những lĩnh vực trọng điểm, những bộ ngành mang "bản chất của chế độ" nhưng Công an hay Quân đội.

Quá nhiều củi, và có thể lò không đủ sức chứa hoặc có thể sức nóng từ củi khiến lò bị vỡ nát. Và thực tế đã chứng minh, trong cuộc chiến "đốt lò", ông Trọng đang trở nên lao lực, và những củi đã và đang hay sẽ vào lò là những thanh củi rường cột của nền kinh tế - chính trị. Có thể dễ hình dung điều này bằng mường tượng, ông Nguyễn Phú Trọng đang trong một khu rừng khô, nơi ông muốn diệt sâu bệnh thì chỉ còn cách đốt cả khu rừng khô đó.

Trong khi đó, củi đang co cụm lại để bảo vệ nhau bằng nhiều phương thức khác nhau. Ông Nguyễn Phú Trọng không thể dựa mãi trên tư duy chủ quan của mình bằng sự kỳ vọng quá lớn lao vào luật lệ của Đảng để "hồi tâm chuyển ý" củi, mà cần phải thức tỉnh để người dân có thể đứng cạnh ông, không phải chỉ là ủng hộ, mà là "góp tay" đốt củi bằng việc tố giác, thúc đẩy, giám sát, và lên án củi.

Phát động phong trào "Những việc cần làm ngay", một phong trào quần chúng rộng lớn để diệt trừ tham nhũng như thời kỳ ông Nguyễn Văn Linh. Bởi chỉ có sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân thì ông Trọng mới có thể duy trì được "di sản chống tham nhũng" của chính mình, và bảo toàn mạng sống của chính mình, thân phận chính trị của mình trong tương lai.

Sẽ có rất nhiều củi nằm trong bộ máy T.Ư ĐCSVN, những người luôn dung dưỡng thái độ "thỏa hiệp với tham nhũng" qua tiêu chí "khuyên nên thôi", hoặc thậm chí là "đồng lõa" với tham nhũng chờ đợi sự ngoi dậy và chiếm lấy vị trí chính trị để đảo ngược tình thế trong tương lai gần.

Không thể ngăn cản tham nhũng bằng việc truy tố - bắt giam một vài tướng lĩnh, ủy viên Bộ Chính trị, chính trị gia cao cấp,... Bởi tham nhũng là không giới hạn, và cần có một cơ chế nghiêm khắc, chế tài sát sao hơn so với cơ chế "nêu gương". Tham nhũng có thể tạm thời lắng xuống, nhưng nó sẽ bùng phát trong tương lai khi mà cơ chế "nêu gương' bị bào mòn. Ông Nguyễn Phú Trọng không thể đại diện cho "cơ chế" để chống tham nhũng nảy sinh từ cơ chế, thay vào đó, ông có thể tiến hành cải đổi cơ chế và giám sát chính cơ chế đó.

Sửa đổi ngay nội dung "Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm" là việc cần làm, trong đó gỡ bỏ những ràng buộc về kỷ luật đảng viên liên quan đến "đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", cũng như "bất đồng chính kiến",... Bởi chính những ràng buộc này khiến cho tính "giám sát, phản biện" bị triệt tiêu, trong khi sự "co cụm và lợi ích nhóm" trong Đảng gia tăng, tiêu chí "khuyên nên thôi" sẽ là chủ đạo trong "toàn Đảng, toàn quân", "nêu gương" im lặng và đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng sẽ gia tăng (nhằm tránh "bất đồng chính kiến" trong Đảng theo quy định). Trong khi đó, nhu cầu giám sát và phản biện của nhân dân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Sửa đổi Quy định 102, mở rộng những quy tắc giúp đảng viên và người dân cùng đứng về một phía (xã hội dân sự, bất đồng chính kiến) trong cuộc chiến chống tham nhũng sẽ là một quyết định mang tính sáng suốt, có tầm nhìn và táo bạo - bắt đầu từ phong trào "Những việc cần làm ngay". Còn ngược lại, cuộc chiến đốt lò sẽ bào mòn sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, và mang tính ngắn hạn, trong một thực cảnh mà ông Trọng tưởng tượng là "chỉnh đốn được Đảng". 

Những lâu đài và nguồn tiền được rút ra từ tham nhũng từ những quan chức Cộng sản sẽ tiếp tục ngự trị ngạo nghễ trong và sau cuộc chiến đốt lò.

Không lò nào đốt xuể tham nhũng nảy sinh từ cơ chế, ngoại trừ đổi mới hoàn toàn cơ chế. Và đó chính là mệnh lệnh từ thực tiễn cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét