Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

13090 - Trương Duy Nhất đối mặt với tương lai ‘còn hơn cả nguy hiểm’





Blogger, nhà báo Trương Duy Nhất. (Hình: Facebook Truong Duy Nhat)

Ông Trương Duy Nhất, tâm điểm của cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và giữa mạng xã hội với chính quyền Việt Nam về nguồn cơn thực sự khiến ông bị công an bắt giam, đang phải đối mặt với một tương lai còn hơn cả nguy hiểm. Bởi sẽ chỉ dừng ở mức độ nguy hiểm nếu cựu trưởng văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng – Trương Duy Nhất – bị Bộ Công An khép vào hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn…” và thông đồng với Vũ “Nhôm” trong vụ bán giá bèo trụ sở tờ báo này tại Đà Nẵng.
Ứng với tội danh tương lai đó, Trương Duy Nhất có thể phải lãnh bản án khoảng 3-5 năm tù giam, mức án mà với cá nhân ông Nhất có thể là không quá dài.
Tội danh tương lai trên đã được dọn đường sẵn, bởi sau vụ “Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok” kèm theo nhiều dư luận về “Trương Duy Nhất bị Tổng cục 2 bắt cóc,” trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết của giới dư luận viên tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ “Nhôm.”
Các dư luận viên nói Nhất khi làm Trưởng đại diện báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng đã lợi dụng giấy tờ của báo để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí, và cả những hoạt động thuộc về “phe cánh chính trị” của ông Nhất. Điều này hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất và đòi trả tự do cho ông.
Nhưng lại xuất hiện những nghi ngờ ngày càng lớn về việc Trương Duy Nhất, nếu quả thực bị bắt cóc bởi Tổng Cục 2 (tình báo quân đội) như một cáo buộc (chưa được kiểm chứng) của Người Buôn Gió, thì khó mà xuất phát từ nguồn cơn ông Nhất nắm giữ những bí mật kinh doanh của Vũ “Nhôm” nên bị bắt cóc. Bởi cơ quan điều tra Việt Nam sau khi bắt được Vũ “Nhôm” đã khai thác tình báo viên này đến mức khó mà còn bí mật nào.
Mà hẳn Trương Duy Nhất phải nắm giữ một bí mật ghê gớm nào đó và đụng chạm đến quyền lực chính trị hoặc lợi ích kinh tế của một phe cánh chính trị nào đó trong đảng, cái bí mật mà nếu Trương Duy Nhất tung ra công khai thì có thể giết chết tươi một số quan chức nào đó…
Và suy cho cùng, đó phải là một bí mật mang tính sinh tử khiến cho nhóm quan chức này phải một lần nữa, bất chấp vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã gây ra cơn địa chấn an ninh – tình báo và kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng từ Đức sang Slovakia và cả một phần khối Liên Minh Châu Âu, “liều mình như chẳng có” để tổ chức thêm một vụ bắt cóc nữa, lần này trên đất Thái.
Cần nhắc lại, lệnh truy nã đầu tiên của Bộ Công An đối với Vũ “Nhôm” vào cuối Tháng Mười Hai, 2017 không phải là tội danh kinh tế, mà “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.”
Vậy cái bí mật ghê gớm mà Trương Duy Nhất nắm, nếu có, là gì?
“Thông tin gây hại cho Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng?”
Ít ngày trước buổi họp báo quý I/2019 diễn ra chiều 25 Tháng Ba, 2019, lúc mà Trung Tướng Trần Văn Vệ, chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An lần đầu tiên đã “can đảm” nêu tên Trương Duy Nhất. Song ông Vệ chỉ nói về mối liên đới của ông Nhất với vụ “Vũ “Nhôm” chứ hoàn toàn không dám đề cập đến câu chuyện mà dư luận xôn xao là Trương Duy Nhất đã bị một cơ quan nào đó bắt hoặc ở Thái Lan, hoặc ở Lào, hoặc bắt ở Thái Lan rồi sau đó “vận chuyển” qua Lào về Việt Nam và “bàn giao” cho Bộ Công An…
Đài RFA Việt ngữ đã đăng bài “Chính quyền đang đau đầu hợp thức hóa vụ Trương Duy Nhất?,” phỏng vấn Bạch Hồng Quyền, người đã giúp blogger Trương Duy Nhất khi ông Nhất trốn sang Thái Lan. Nội dung “đắt” nhất trong bài phỏng vấn này có lẽ là:
“Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền nói với đài RFA rằng, blogger (Trương Duy Nhất) tâm sự ông sẽ công bố các thông tin quan trọng có thể có hại cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng một khi ông được định cư ở nước thứ ba. Ông cũng cho biết ông lo ngại mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở lại Việt Nam.”
Rất có thể, tiết lộ của Bạch Hồng Quyền đã giải mã phần lớn, nếu không nói là toàn bộ, cho những ẩn số liên quan đến cuộc chạy trốn bắt buộc ra nước ngoài của Trương Duy Nhất.
Nếu tiết lộ trên là có cơ sở, người ta có thể hiểu rằng Trương Duy Nhất phải bị truy bắt đến tận những biên giới mà người truy bắt có khả năng với tay đến, chẳng hạn như Thái Lan – nơi đang tồn tại một chế độ mang tính quân phiệt với đường lối độc tài gần giống như chính thể độc đảng ở Việt Nam. Đây cũng là nơi mà giới ngoại giao và mật vụ Việt Nam có thể dễ dàng đạt được một “thỏa thuận ngầm” hơn hẳn ở Châu Âu mà đã bị cả châu lục này lên án về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Đó cũng là nguồn cơn vì sao số phận của Trương Duy Nhất có thể khác hẳn những quan chức Lê Chung Dũng và Vũ Đình Duy – những “bạn chiến đấu” của Trịnh Xuân Thanh thời còn làm vương tướng trong “họ” dầu khí, nhưng chỉ bị tố giác tham nhũng chứ không có dấu hiệu nào cho thấy những người này nắm giữ bí mật ghê gớm nào của giới chóp bu Việt Nam. Cho tới nay cả Lê Chung Dũng và Vũ Đình Duy vẫn ung dung phơi phới ở nơi nào đó thuộc Lục Địa Già mà không hề bị cơ quan Interpol Việt Nam sờ gáy.
Nhưng với trường hợp Trương Duy Nhất, bức tranh một vụ án dùng Nhất để “truy bắt gián điệp nội bộ” đang dần hiện hình trên bình diện “an ninh quốc gia” trong nội tình đảng CSVN…
Không phải chỉ vào lúc này mà trước đây nhiều tháng, hẳn phe “bảo vệ đảng” đã rất muốn truy xét một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: nguồn tin. Hay còn mang một khái niệm khác: gián điệp.
“Quốc tế hóa” và tương lai khó lường
Nếu tiết lộ của Bạch Hồng Quyền về việc Trương Duy Nhất nắm giữ những thông tin quan trọng mà nếu tung ra có thể gây hại cho Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng là có cơ sở, bất kỳ ai và cơ quan nào cũng sẽ đặt dấu hỏi: đó là những tin tức gì? Tài sản cá nhân, sân sau và những cú phốt chính trị? Làm thế nào Trương Duy Nhất có được những tin tức quá thâm dày nội bộ đó? Ai hay tổ chức nào cung cấp tin? Liệu có yếu tố “phe cánh chính trị” và xung đột nội bộ trong động cơ của những người cung cấp tin?
Vụ Trương Duy Nhất cũng vì thế đã không còn mang phạm vi cá nhân của blogger này mà đang trở nên “quốc tế hóa” – theo nghĩa đen và theo cả nghĩa bóng, tức đang lôi kéo sự tham gia và xung đột của ít nhất hai phe phái trong nội bộ đảng, chẳng khác gì hậu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Tương lai của Trương Duy Nhất là thật khó lường. Nếu không có được một may mắn bất ngờ nào đó, Trương Duy Nhất rất có thể sẽ rơi vào kịch bản mà Trịnh Xuân Thanh đã lọt thỏm trong đó: hai phiên tòa “xử tham nhũng” nhưng không có bằng chứng thuyết phục – hai án chung thân, nhưng lại quá nhiều người hiểu rõ rằng bởi Thanh ra mặt thách thức và làm bẽ mặt “bác Cả” nên phải chịu mức án quá trầm luân như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét