Đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam đang phải đối diện với sức ép công khai hóa nói chung và công khai hóa trong vụ việc về tình hình sức khỏe của ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. Sức ép công khai hóa có những lý do và phương diện sau.
- Một là, sự phát triển của mạng Internet và nhất là mạng xã hội đã và đang nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dân quan tâm nhiều hơn tới tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Người dân cũng ngày càng ý thức được về các quyền con người của mình. Quyền được biết thông tin về sức khỏe lãnh đạo quốc gia là một trong những quyền đương nhiên. Nó cũng phù hợp với khẩu hiệu mà đảng cộng sản tuyên truyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc kéo dài tình trạng bưng bít thông tin càng làm cho người dân hoang mang và mất lòng tin vào nhà cầm quyền.
- Hai là, khi không có các thông tin chính thống được công bố, nhiều cá nhân và tổ chức có thể đưa ra các giả thuyết của mình. Điều này dẫn tới tình trạng hỗn loạn thông tin, hoàn toàn không có lợi cho việc giữ ổn định của nhà cầm quyền. Trong khi người dân lại vẫn biết được thông tin (sát với thực tế) thông qua các kênh, con đường khác. Như vậy, nhà nước đã tự buông vai trò thông tin và định hướng thông tin. Điều này gây sức ép không nhỏ đối với nhà cầm quyền.
- Ba là, ngay trong nội bộ đảng, những đảng viên còn lòng tin và ủng hộ công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng rất sốt ruột và hoang mang khi không có được những thông tin xác thực về tình trạng sức khỏe của ông Tổng bí thư. Mặc dù kỷ luật đảng không cho phép họ có những phản ứng tiêu cực, nhưng sự nghi ngờ và chán nản sẽ khiến họ không còn lòng tin vào những điều tốt đẹp được tuyên truyền.
- Bốn là, sức ép từ phía quốc tế, từ các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. Các chính phủ có quan hệ giao thương với Việt Nam đã đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng. Các doanh nghiệp nước ngoài, những người hiểu rõ sự thay đổi lãnh đạo ở các quốc gia cộng sản thường dẫn tới sự thay đổi trong giao thương và kinh doanh cũng hoang mang khi không có được câu trả lời về tình trạng sức khỏe của ông Chủ tịch nước.
Sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội và dư luận gần đây đã làm thay đổi nhiều về cách ứng xử của nhà cầm quyền nói chung và các quan chức cộng sản nói riêng. Ví dụ, vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng, khi thông tin được mạng xã hội lan truyền. Chỉ ngày hôm sau, Bộ trưởng Giáo dục và đoàn công tác đã tới thăm gia đình và cháu học sinh bị đánh nhập viện. Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cũng đã có những quyết định (chưa bàn quyết định đúng sai, hay dở) cho vụ việc ngay lập tức. Ngoài vụ việc này còn có nhiều vụ việc khác tương tự. Gần đây nhất, dưới sức ép, sự phản đối của dư luận, nhà cầm quyền đã phải khởi tố vụ án (ngày 21/4) tên cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh ấu dâm cháu bé trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, Sài Gòn. Như vậy, sức ép của dư luận và cộng đồng mạng xã hội đã có tác dụng nhất định trong việc thông tin và hành xử của các cơ quan chức năng và quan chức.
Tuy vậy, đối với những thông tin nhạy cảm như vụ đột quỵ và sức khỏe của ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, đang còn có luật về bí mật thông tin làm bình phong, rào chắn. Dư luận cũng chưa thể ngay lập tức phá vỡ sự bưng bít trong những vụ việc này. Nhưng theo thời gian, sức ép công khai hóa sẽ ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả. Đến một lúc nào đó, không còn điều gì có thể ngăn cản những quyền được thông tin của người dân, đó là lúc các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được thực thi đầy đủ./.
(hết)
Hà Nội, ngày 25/4/2019
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét