Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

13082 - Chạy giặc




Đầu tháng 3-1975, chị hai của tôi ẳm đứa con mới sinh được 2 tháng chạy giặc từ Buôn Mê Thuột về Sài Gòn. Anh hai thì đang cầm súng ở chiến trường nào đó để đánh giặc. “Giặc” là từ mà gia đình tôi hay dùng để nói về những người lính cộng sản Bắc Việt; còn với những người thuộc Mặt trận Dân tộc thì bà ngoại của tôi lại dùng từ ‘đàng mình’. Tôi cũng chẳng thắc mắc, chỉ biết trận giặc hồi năm Mậu Thân 1968, nhiều gia đình bà con bên ngoại của tôi từ Hạnh Thông Tây ‘chạy giặc’ về ở nhà của bà ngoại tôi vui lắm.

Vui vì tự nhiên anh em, họ hàng lại được dịp xum vầy. Cứ mỗi lần nghe tiếng pháo kích của giặc dội về là mọi người lại hè nhau chạy ra sau vườn để chui xuống căn hầm rất lớn, có bậc thang và cả bóng đèn điện trong đó. Gia đình tôi ở trong cuộc đất của ông bà ngoại. Đến năm 1969, ông ngoại mất và căn hầm tiếp tục được gia cố vì tình hình chiến sự ác liệt được mấy ông cậu của tôi đang ‘đi lính đánh giặc’ thư về kể cho bà ngoại biết như vậy. Năm 1973, người cậu thứ 9 là lính hải quân bị thương về nằm Quân Y Viện Cộng Hòa cả năm trời, sau đó cậu giải ngủ luôn. 

Nếu như gia đình bên ngoại có nhiều cậu đi ‘đánh giặc’, thì bên nội của tôi trong ngày 30 tháng tư, 1975 tôi nhớ là mọi người nôn nao chờ đợi người thân sẽ theo đoàn quân chiến thắng từ Bắc về lại Sài Gòn. Tôi gọi người đó là ông tám, cậu ruột của ba tôi nhưng tuổi thì thua tuổi của ba tôi nhiều. 

Bi kịch bắt đầu từ sau cái ngày mà lá cờ của ‘đàng mình’ được những ông bà hàng xóm nhân danh là ‘người của cách mạng’ đã xông vào nhà của bà ngoại để treo, kèm theo hăm he sẽ tịch thu nhà đất của ‘bà chủ’ về tội bóc lột. Họ vẫn quen miệng gọi ngoại là ‘bà chủ’, vì lúc đó ngoại có 2 hãng dệt và dãy phố 14 căn cho họ mướn.

Hồi đó nơi gia đình tôi ở còn thuộc xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định. Nhờ ‘giải phóng’ nên đến năm 1976 hay 1977 gì đó được ‘lên đời’ là quận Bình Hòa, thành phố Hồ Chí Minh. Tên Gia Định biến mất đầy tiếc rẻ, tôi nghĩ như vậy. 

Nhà của ngoại ở bốn mươi bốn năm về trước rất rộng, có cả ao cá phía sau và vườn hoa kiểng bề thế phía trước dãy nhà ngói. Chính quyền đã dùng nhà ngoại để làm nơi họp tổ dân phố và ‘tổ đổi tiền’ hồi tháng 05-1978. Tôi nhớ có một lần họp tổ gọi là đấu tố. Những người gọi ngoại là ‘bà chủ’ đã lên tố bà ngoại đủ mọi điều. Ông Khôi, một người ‘trốn quân dịch’ mà tôi nhớ là hồi đó lâu lâu cảnh sát hay quân cảnh gì đó ập vào khu nhà cạnh xưởng dệt của ngoại để săn lùng ông Khôi cùng nhóm thanh niên trốn lính. Ngoại từng che chở ông Khôi và nhiều người khác nữa trong chuyện ‘khỏi đi đánh giặc’. Thế mà lên đấu tố dữ dội nhất, tôi nghe dì tôi kể lại, ‘chính là thằng Khôi, một thằng cách mạng ba mươi’.

Sau tháng tư, 1975, ngoại bị những người cách mạng tịch thu 2 hãng dệt và chiếm luôn dãy nhà 14 căn. Họ còn buộc ngoại phải đi kinh tế mới. Đến lúc này thì ông cậu, em của bà ngoại, cũng là một chủ lớn trong ngành dệt đã bung tiền ra để ‘tham gia cách mạng’, bằng việc thành lập tổ hợp sản xuất… Họ bắt đầu dãn ra chuyện hăm he. Tôi mang máng đoán chừng ‘giặc’ cũng mê tiền và cũng có thể dùng tiền để mua cả ‘giặc’.

Nếu như bên ngoại có nhiều người là ‘ngụy’, thì bên nội ở thời điểm từ tháng 6 năm 1975 trở đi là chuỗi ngày mà không ít họ hàng đã ‘lên mặt’ khi kể về một cán bộ cỡ lớn sẽ từ Hà Nội trở về. Đó là ông tám mà tôi có nhắc ở đầu bài viết.

Tôi còn nhớ, cứ mỗi chiều, ba lại chở tôi trên chiếc xe Honda 67 đến một địa điểm nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (giờ là Phạm Văn Hai) của quận Phú Nhuận, gần sân banh quân đội (giờ là sân bóng Quân khu 7). Chính quyền thông báo các gia đình có thân nhân đi B, đến đây để chờ đón người thân trở về. Nhiều buổi chiều đi qua và rồi ông tám cũng xuất hiện. Đó là người đàn ông trung niên, hói đầu nói giọng Bắc và thái độ kẻ cả.

Bà con bên nội xúm xít và cả xun xoe quanh ông cán bộ đó. Ông ba, người mà tôi gọi là ông nội (ông bà không có con cái), có nhà trên đường Tự Đức, quận 1, Sài Gòn (đây là nơi tôi trọ học hồi trước 1975) đã đón người em út của mình từ Bắc về ở đây. Lúc đó, tôi ngạc nhiên khi thấy ông tám treo trên tường nhà ông nội (tức ông ba) rất nhiều tờ giấy gọi là huân chương kháng chiến (gọi là ngạc nhiên vì bên ngoại của tôi cũng lính tráng đầy, cả hàm tá nữa của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng hồi đó có thấy ai treo khoe vậy đâu nè!?). Các vật dụng cá nhân, tiền bạc đã được ông bà nội của tôi cho ông tám rất nhiều như muốn bù đắp cho năm tháng ông đã cực khổ đi theo cách mạng.

Rồi ông tám đưa toàn bộ vợ con ngoài Bắc vào. Ông được nhà nước cấp một căn nhà phố nằm gần rạp hát Lạc Xuân, Gò Vấp. Ông vẫn tiếp tục ở nhà ngoài Tự Đức. Không rõ vì sao chỉ trong thời gian ngắn, bà nội của tôi bỏ Sài Gòn để về quê Phan Thiết. Nhà nội ở Phan Thiết thời đó là hàm hộ (hàm hộ: nhà làm nước mắm) giàu có. Ông nội mắc bệnh tiểu đường từ trước 1975 nên cũng mất sau đó, khi bà tôi đã về lại Phan Thiết. Nhà cửa cùng tài sản trên đường Tự Đức đã lọt vào tay ông tám…

Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, tôi bước vào nghề báo. Cứ mỗi tháng tư về, tôi lại nhớ đến chuyện của chính gia đình mình ngày ấy. Ông tám được nhà nước cho làm giám đốc một công ty liên quan hóa chất có trụ sở đặt tại quận Tân Bình. Ông cũng đưa con cháu vào làm như một ơn mưa móc của ví von ‘một người làm quan…’. Nghe đâu chỉ ngồi ghế giám đốc được 3 năm thì ông đi tù vì thâm lạm công quỹ. Vài đứa cháu cũng vạ lây vướng vòng lao lý.

Khi ông ra tù thì cũng là lúc tôi ít nhiều quen biết trong ngành nội chính. Ông đã tìm đến gặp ba của tôi để đánh tiếng nhờ tôi giúp kiện thưa tranh giành tài sản thừa kế đất đai bên nội của tôi ở khu chợ Cây Quéo, quận Bình Thạnh. 

Nhớ đến chuyện gia đình ông bà nội ở Tự Đức ly tan vì sự tham lam của ông tám, tôi đã thẳng thừng từ chối. Ác cảm những người cộng sản miền Bắc có trong tôi, ít nhiều đến từ chuyện tham lam và nghèo nàn nhân tín của ông tám.

Thế cuộc xoay dần. Những người mà tôi gọi là ông, bà giờ không ai còn nữa. Nếu như gia đình ông bà nội của tôi bị mất nhà cửa, tài sản vì ‘người em cộng sản’, thì bên nhà ngoại, ông cậu đã khéo léo dùng tiền để ‘xin’ lại cả 2 hãng dệt đã bị nhà nước tịch thu hồi tháng tư, 1975. Dãy nhà phố thì đành chịu mất.

Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Những người cộng sản cũng vậy. Nhưng không hiểu sao tự thâm tâm, tôi vẫn luôn cho rằng họ là giặc, và ‘đàng mình’ đã bị giặc lừa nên nói như hồi bà ngoại còn sống, ‘thôi bây, trách cứ nhau làm gì, cũng bà con mình’…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét