Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

13025 - Bản sắc dân tộc



Một người dân Pháp bàng hoàng nhìn ngọn lửa tàn phá Nhà Thờ Đức Bà Paris, một trong những biểu tượng lâu đời của Paris, của nước Pháp hôm 15/4/2019. Ảnh: Geoffroy van der Hasselt/AFP/Getty Images


Khi “trái tim Paris” Notre Dame bốc cháy, bạn thấy gì?

Những người dân Pháp quỳ xuống bên bờ sông Seine cầu nguyện, rất nhiều nước mắt đã rơi. Biểu tượng 850 năm đầy tự hào về văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, hội họa, nghệ thuật… mà người Pháp đã xây dựng đang chìm trong khói lửa như lời tiên tri định mệnh của Victor Hugo. Những người yêu Paris hoa lệ, những người mộ đạo, những người yêu thích văn hóa nghệ thuật xót xa, đau đớn. Có ai đó thoảng thốt kêu lên “linh hồn nước Pháp đã ra đi, chẳng còn chốn trở về”
Ngôi thánh đường uy nghi, lộng lẫy soi bóng bên sông Seine thơ mộng, chứng kiến bao dâu bể lịch sử, những triều đại đi qua, chiến tranh và hòa bình, những vị vua được phong thánh, những lễ cưới hoàng gia xa hoa và cả mối tình câm lặng, bi thảm của chàng gù Quasimodo… đều diễn ra dưới mái nhà thánh đường này. Tưởng như kiệt tác vô song của sự sáng tạo và lòng sùng kính Chúa sẽ trường tồn. Vậy mà, vào kỳ lễ Thánh, di sản vô giá của nhân loại và nước Pháp đã bị hủy hoại.
Thế mới biết, chẳng có gì là mãi mãi. Chẳng phải một Babylon, một Constantinople hùng vĩ, nguy nga – biểu tượng của những nền văn minh cổ đại cũng đã chịu những số phận bi thảm đó sao? Đền đài có to đẹp tới đâu nhưng thiên tai, nhân họa đều có thể xảy ra bất kỳ và chẳng gì muôn năm với thời gian.
Nhưng, có huy hoàng nào hôm nay mà lại chẳng tái sinh từ tro tàn hôm qua? Thánh đường có thể sụp đổ nhưng Đức tin vào Tình Yêu Thiên Chúa còn, sẽ lại có những Notre Dame khác. Người Pháp khóc và cầu nguyện. Những tỷ phú sẵn lòng cung hiến hàng tỷ USD để xây dựng lại nhà thờ mà chưa cần đến lời kêu gọi nào từ chính quyền.
Rồi người ta sẽ thấy những mái tháp cao vút của ngôi thánh đường đã trở thành huyền thoại nước Pháp lại vươn lên bầu trời Paris xanh ngắt, như chưa từng có thảm họa. Khi Notre Dame của Paris sụp đổ, tôi thấy những tượng đài tráng lệ trong tâm khảm người dân được dựng lên, Tình Yêu Thiên Chúa đã gắn kết một xã hội Pháp đang chia rẽ, rã rời, Ngọn lửa có thể đốt cháy tòa tháp nhưng không đốt cháy được Đức Tin.

Phát biểu trước đông đảo phóng viên và dân chúng sau khi ngọn lửa đã được khống chế, Tổng thống Pháp Macron gọi vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris vừa xảy ra là một "thảm kịch khủng khiếp". Ảnh: Global News
Phát biểu trước đông đảo phóng viên và dân chúng sau khi ngọn lửa đã được khống chế, Tổng thống Pháp Macron gọi vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris vừa xảy ra là một “thảm kịch khủng khiếp”. Ảnh: Global News

Tôi tin rằng, một sớm mai ngày Chúa nhật không xa, tiếng chuông mà Quasimodo gióng lên trên tháp chuông của Notre Dame lại ngân vang khắp nơi, nhắc nhớ mọi người những tuần lễ Thánh, về câu chuyện tình bất hủ, đau khổ, trong sáng của anh. “Trái tim của Paris”, linh hồn của nước Pháp đâu phải trú ngụ ở thánh đường lộng lẫy mà nó hằng nhịp đập trong tâm khảm người dân, trong dòng chảy văn hóa đẹp đẽ, lãng mạn, đầy tự hào như dòng Seine của dân tộc Gaulois – linh hồn đó bất tử.

Khi tòa tháp đôi World Trade Center của Mỹ bị tấn công ngày 9/11, bạn thấy gì?

Ngày 11 Tháng Chín, 2001 là một ngày đau thương lịch sử của nước Mỹ. Cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay dân sự của nhóm khủng bố Al Qaeda đã giết chết 2996 người và làm bị thương 6000 người, tổn thất hạ tầng 10 tỷ USD và thiệt hại tổng cộng 3000 tỷ USD. Sự kiện này đã làm thay đổi nước Mỹ và thế giới sâu sắc. Không xét về phương diện chính trị, ngoại giao, quân sự… mà ở đây chúng ta nhìn nhận về phản ứng của người dân Mỹ trong hoàn cảnh khi xảy thảm họa đó. Bởi vì, con người cũng như xã hội khi đứng trước một thảm họa to lớn, nguy hiểm đến sự sinh tồn và quyền lợi của bản thân luôn thể hiện được rõ nhất bản tính và khả năng duy lý của con người.
Lưu Á Châu – một tướng của quân đội Trung Quốc, cũng đồng thời là một nhà văn, một nhà nghiên cứu cấp cao có ảnh hưởng lớn đến chiến lược “cải tổ” quân đội Trung Quốc, trong một bài phát biểu 3 tiếng đồng hồ ở quân khu Côn Minh đã kể lại sự kiện 11/9 và những nhìn nhận của ông ta như sau:
“Sau khi toà nhà Thương Mại Thế Giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy ùng ùng. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm. Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau. Khi thấy có phụ nữ, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước.
Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy .
Hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị đập phá, một số thương nhân người A Rập bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.
Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.”
Khi nói về hành động dũng cảm chống trả đến cùng với bọn khủng bố trên chiếc máy bay 767 rơi ở Pennsylvania, một điểm đáng lưu ý là những người đàn ông ở trên chuyến bay đã bỏ phiếu biểu quyết trước khi hành động. Lưu Á Châu đã biểu lộ sự khâm phục thực sự, ông ta nói:
“Dân chủ là gì? đây là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.”
Nước Mỹ sau 11/9 hay cũng như sau Trân Châu Cảng không hề gục ngã, sợ hãi mà lại trở nên hùng mạnh hơn, cũng “đáng sợ” hơn bao giờ hết. Đó chính là bản sắc của quốc gia, dân tộc lớn. Nó được tạo lên bởi từng công dân đã được giáo dục và hun đúc một tinh thần dũng cảm, thượng tôn pháp luật và dân chủ đến mức trở thành cốt tủy; những công dân vừa nhân văn, vừa duy lý ở mức phi thường.

Còn bản sắc Việt Nam có gì?

Người dân Việt Nam luôn được giáo dục từ tấm bé mình là “Con rồng, cháu tiên”, đất nước ngàn năm văn hiến, dân tộc anh dũng, đất nước “rừng vàng, biển bạc”… chúng ta lớn lên với quá nhiều niềm tự hào bởi những “niềm tin” như thế. Nhưng giờ đây, mỗi ngày, hàng chục ngàn người Việt đang cố gắng bỏ xứ ra đi để tìm miếng cơm manh áo ở xứ người.
Người dân Việt Nam cầm tấm hộ chiếu CHXHCNVN ra thế giới bị khinh rẻ và kỳ thị. Không phải vô lý khi đã quá nhiều người Việt ra nước ngoài để ăn cắp, bán thân, vi phạm pháp luật khiến cho chính quyền và người dân các nước có sự ác cảm những hậu duệ “con Rồng, cháu Tiên” đang lũ lượt di cư sang đất nước họ. Chúng ta có gì đáng để tự hào? Bằng bóng đá? Bằng lịch sử đánh đuổi Mỹ, Pháp, Nhật? Và để bây giờ, đảng và nhà nước cố gắng “xuất khẩu” càng nhiều càng tốt lao động với giá rẻ mạt sang các quốc gia “đế quốc, thực dân” năm xưa để mong được “bị bóc lột”. Những hậu duệ “con Rồng, cháu Tiên” chưa bao giờ bị khinh rẻ đến thế.
Mới đây, khi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ 2 diễn ra ở Hà Nội, chính quyền CSVN bỏ nhiều công của để trang hoàng thành phố và những tuyến đường mà quan khách quốc tế sẽ đi qua. Hàng trăm ngàn chậu hoa được trưng bày ở dọc các tuyến phố rất đẹp mắt. Ngay sau khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump rời đi, một cảnh tượng khó thể tin nổi đã diễn ra, những “công dân thủ đô” trông rất sạch sẽ, tươm tất đã thản nhiên bứng những chậu hoa trang trí trên đường phố để mang về nhà một cách tự nhiên như không.
Nhiều kẻ đi ô tô sang trọng cũng dừng lại giữa đường và ghé vào “nhặt” vài chậu hoa, chất đầy cốp xe. Không hề có một biểu hiện gì ngại ngùng, suy nghĩ về việc làm của mình đúng hay không? Một xã hội mà việc ăn cắp đã trở thành bình thường, đã nghiễm nhiên được chấp nhận bởi đại đa số dân chúng. Đó là một xã hội hoàn toàn băng hoại.
Xã hội Việt Nam hôm nay đang đứng trước một thảm họa thầm lặng là trở thành một dân tộc vong nô ngay trên chính quê hương của mình. Một thảm họa hàng ngày là hơn 350 người Việt bị chết vì ung thư do môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại, khoảng hơn 40 người chết vì tai nạn giao thông… Đời sống đa phần người dân ngày một cùng cực bởi thuế phí tàn bạo bởi một chính quyền vô nhân, tham nhũng và bất tài mà chẳng mấy ai quan tâm, lên tiếng đấu tranh quyền lợi cho chính bản thân mình. Nhưng “đám đông” đó sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để tranh giành một xuất ăn buffet miễn phí. Đó là một xã hội vừa mất cả nhận thức, vừa mất cả nhân phẩm. Vậy, Định Mệnh sẽ dành cho bầy “con Rồng, cháu Tiên” tương lai như thế nào nếu một ngày không xa những thảm họa thực sự sẽ giáng xuống?
Hôm 16/4, đọc một bài báo trên mấy tờ lá cải của đảng và nhà nước CSVN “Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Sao Việt bàng hoàng mất ngủ, khóc giữa đêm trước hung tin”, người viết bài này đã thực sự “bàng hoàng” trước mức độ đê mạt của những kẻ cầm bút ở xứ cộng sản. Đừng khóc cho Paris, đừng khóc cho Notre Dame, hãy khóc cho chính chúng ta và tương lai vô định, tối tăm của dân tộc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét