Nhạc phẩm Con Đường Xưa Em Đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương.
Sau 30 tháng Tư cả nước rơi vào tình trạng khó thể tả trong vài trang viết. Sụp đổ, tan tác, vui mừng, trốn chạy, tuyệt vọng, sợ hãi, hận thù, ngạo nghễ, nước mắt, sum họp và chia lìa….Bên cạnh những cách nói xa lạ từ Bắc tràn vào, người miền Nam được nghe những ca khúc lạ lẫm trên đài Tiếng Nói Việt Nam phát từ những chiếc loa phường hàng ngày rồi quen dần, chai dần với những khó chịu ban đầu.
Giai điệu chiến tranh vẫn đầy dẫy trong các nhạc phẩm ca ngợi hòa bình, ca ngợi chiến thắng. Những ca từ mang sắc tố đỏ chói làm cho không ít người gục đầu nuối tiếc một thời chữ nghĩa của miền Nam. Cái thời mà người ta yêu nhau không dám đặt mạnh chân trên con đường hò hẹn vì sợ nó đau dưới gót chân mình. Người ta gọi đó là lãng mạn, có người xem đó là văn chương, nhưng đông hơn cả là sự cảm nhận với cách diễn đạt nỗi niềm đầy tính người trong ngôn ngữ.
Miền Bắc có dòng nhạc chiến đấu trong khi đó mặc dù thời kỳ chiến tranh nhưng miền Nam thiếu vắng những bước chân rầm rập, những ngọn lưỡi lê căm thù chĩa vào đối phương, những tiếng hô xung phong đầy máu lửa. Thay vì phanh thây uống máu quân thù thì miền Nam lại: “Anh! Anh! Nhớ anh trời làm cơn bão / Anh! Anh! Tiếc anh chiều rừng thay áo / Ôi! Vết đau nào đưa anh đến / Ngàn đời của nhớ thương / Hỡi bức chân dung trên công viên buồn” trong nhạc phẩm Người ở lại Charlie, kể lại câu chuyện của Đại tá Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù tử trận năm 1972 trên đồi Charlie. Mặc dù cả miền Nam lúc ấy ngưỡng mộ sự hy sinh của ông nhưng câu chữ viết về sự hy sinh ấy chỉ gói gọn trong hai chữ “tiếc thương” và “buồn”, rồi thôi.
Mặc dù ai cũng dễ dàng chấp nhận “anh nằm xuống cho hàng ngàn người đứng lên” là phải đạo, hợp lý, nhưng hầu hết tác giả miền nam lại từ chối sự hợp lý ấy và chọn cho mình niềm thương tiếc, vốn khó thể chấp nhận trong hoàn cảnh chiến tranh. Thay vì trả thù, người ta lại ca tụng sự hy sinh. Thay vì miêu tả sự hy sinh lẫm liệt đến tàn khốc của ông thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lại hình ảnh sự hy sinh ấy bằng chiều rừng thay áo, bằng vết đau, bằng nhớ thương của người ở lại và cuối cùng là bức chân dung trên công viên buồn!
Yếu đuối và tang thương quá.
Nhưng chính cái yếu đuối mang dấu ấn tang thương ấy đã làm cho nhạc phẩm tranh sống với thời gian. Nó lay động sự tỉnh thức của con người rằng không gì quý bằng sinh mạng chính nó. Một cái chết không thể đánh đổi bằng hàng chục cái chết khác để trả lại món nợ chiến tranh. Chân lý này khó thể biện minh trong khi chiến tranh xảy ra vì nó phản lại với sức chiến đấu, thế nhưng nó vĩnh cữu. Chiến tranh dù lớn cách nào cũng phải kết thúc và thời gian qua đi người ta có khuynh hướng tìm về với bản ngã và quay lưng với những lời lẽ tuyên truyền sắt máu.
Người miền Nam không gọi nhạc bên này vĩ tuyến là “nhạc vàng” như người miền Bắc. Hai chữ “nhạc vàng” có lẽ chỉ xuất hiện sau năm 1968 tại Hà Nội khi vụ án của ông Nguyễn Văn Lộc và nhóm bạn của ông vì đam mê các nhạc phẩm tiền chiến cả trong Nam ngoài lẫn Bắc trước năm 1954 đã lén lút hát với nhau và bị bắt, bị kết án tù nặng nề như những tội phạm chính trị nguy hiểm. Ông Lộc hát “nhạc vàng” nên thành danh với cái tên Lộc Vàng từ đó.
Không riêng ông Lộc vàng hát trong các buổi sinh hoạt bạn bè, hàng ngàn người dân miền Bắc đã biết âm thầm nghe và hát dòng nhạc này trong khi họ sống và chiến đấu với dòng nhạc đỏ kế cận. Từ trong chiến tranh, những chiếc radio nho nhỏ mang theo tiếng hát trữ tình từ miền Nam phát ra đã chinh phục một số không nhỏ người miền Bắc. Rồi chiến tranh kết thúc, người bộ đội vào Nam mang về những tiện nghi cần thiết trong đó không thiếu những bản nhạc còn sót lại của miền Nam trước ngày giải phóng.
Những bản nhạc ấy từ đó sống cùng với đồng bào miền Bắc. Sống và chia sẻ với đồng bào của mình những gì đã xảy ra qua các ca khúc vượt thời gian, vượt ngôn ngữ vùng miền và nhất là vượt cả ý thức hệ một thời họ từng mang nặng.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhạc vàng tuy ít có bài mới, hay và gắn bó người nghe như thời kỳ trước năm 75 nhưng bù lại, thời gian giống như một trợ thủ cho dòng nhạc này vì khả năng thẩm thấu của giai điệu, rung động của ca từ đã làm nó tái sinh trong lòng người nghe. Nó như người bạn chân tình vuốt ve cảm nhận người thưởng thức nó đến tận cùng của sự rung cảm. Giống như Lộc vàng trước đây, người ta nghe Gửi gió cho mây ngàn bay hoặc Tà áo xanh của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong. Biệt ly của Doãn Mẫn. Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương. Cô láng giềng của Hoàng Quý. Buồn tàn thu hay Bến Xuân của Văn Cao hoặc Bên cầu biên giới của Phạm Duy hay Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng….
Nhưng chưa đủ nếu không nhắc tới một thể loại khác trong dòng nhạc vàng của miền Nam: Bolero
Nửa bình dân, nửa trau chuốt, Bolero xuất hiện giữa Sài gòn kéo theo cơn sốt hát và nghe trên mọi hệ thống truyền thông của nhà nước. Những cuộc thi hát Bolero được tổ chức rầm rộ trên đài truyền hình quốc gia. Ca sĩ hát nhạc Bolero từ hải ngoại về có giá cát xê ngất ngưỡng làm các ca sĩ “cách mạng” cũng chạy theo thị trường âm nhạc bất ngờ này.
Câu chuyện Bolero hot đến nỗi Báo Nhân Dân phải có bài viết về nó. Bài “Ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Bolero” có đoạn: “Từ khi Bolero trở thành một trào lưu trong đời sống âm nhạc nước nhà, nhiều giọng ca từng định danh và tạo dựng dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng với đa dạng phong cách (từ thính phòng, dân ca, cách mạng đến đương đại, nhạc trẻ...) đều đã lần lượt chọn ngã rẽ “nhạc trữ tình”, như một cách làm mới bản thân. Dù đánh giá dưới góc độ nào thì cũng phải ghi nhận một điều, họ đều rất bản lĩnh, khi chọn chinh phục khán giả bằng dòng nhạc vốn được coi là “sở đoản”.”
Người dân cả nước không cần “bản lĩnh” như các ca sĩ mà báo Nhân Dân nhắc tới. Họ chỉ cần có “tâm trạng” là Bolero lập tức đáp ứng, chia sẻ.
Rất nhiều bài viết phân tích hiện tượng Bolero trong những năm qua trên báo chí nhà nước, trong đó cho rằng sở dĩ nó nổi tiếng vì tính chất kể chuyện dễ làm người nghe rung động, tính chất tự sự và đơn giản trong cách diễn tả đã khiến Bolero chinh phục gần như mọi giai cấp xã hội.
Nhưng có một điều báo chí không nhắc tới đó là yếu tố chiến tranh và kỷ niệm của người miền Nam đã làm cho dòng nhạc này sống dai dẳng trong lòng người nghe đến vậy.
Chiến tranh tất có chia lìa, đau thương và nhất là chết chóc. Nhiều ca khúc trong thời kỳ chiến tranh được viết trên căn bản của ba nguồn cảm hứng này, tuy nhiên Bolero là thể loại được nhiều nhạc sĩ miền Nam dùng để chuyên chở ý tưởng của mình và sự sáng tạo của họ thành công khi luôn luôn xem trọng yếu tố tình yêu đôi lứa trên từng nốt nhạc.
Trong bài Con đường xưa em đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương ca từ thật mộc mạc và đơn giản nhưng phía sau những con chữ ấy chứa đựng tâm sự của một lớp trai thời chinh chiến. Bản phác họa đơn giản ấy có thể đại diện cho một thời kỳ chiến tranh tuy khốc liệt ngoài mặt trận nhưng hậu phương vẫn lãng mạn trong lúc chia lìa: “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê / Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi / Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về / Chiến trường anh bước đi / Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Hỏi còn ai cố tri?”
Cũng có những cuộc chia ly nhưng không tan vỡ. Họ là những đôi tình nhân, thậm chí là vợ chồng trong thời chiến vợ tiễn chồng lên đường ra chiến trường với hình ảnh tuyệt đẹp của một đêm không trăng sao. Tạ từ trong đêm là một ca khúc có ý nghĩa ấy: “Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về / Mang lời thề lên miền sơn khê / từng đêm địa đầu hun hút gió sâu / Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm / Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông / Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?
Vô số chuyện tình với đủ sắc màu được dòng nhạc Bolero chuyển tải để lại cho người nghe những cảm xúc đặc biệt mà trước đó họ không tìm thấy được trong dòng nhạc cách mạng. Sau năm 75 có nhiều gia đình mất tất cả. Miền Bắc mất chồng mất con, miền Nam mất con người, của cải lẫn tương lai…những cái mất ấy được đền bù phần nào trong dòng nhạc vàng mà trước đó hàng ngàn người đã sáng tạo, bồi đắp bằng kinh nghiệm, nỗi đau, mất mát của chính họ với một nhãn quan nhân bản lấy cảm xúc thật làm gốc cho tác phẩm của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét