BIÊN DỊCH: NGUYỄN THỊ KIM
PHỤNG
Vào ngày này năm 1991, sau sáu tuần không kích dữ dội vào Iraq và lực lượng vũ trang của nước này, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đã phát động một cuộc đổ bộ lên Kuwait và Iraq. Ngày 02/08/1990, Iraq đã xâm lược Kuwait, nước láng giềng nhỏ bé nhưng rất giàu dầu mỏ, và chỉ trong vài giờ, họ đã chiếm được hầu hết các vị trí chiến lược. Một tuần sau, Chiến dịch Lá chắn (Operation Shield) – nhằm bảo vệ Ả Rập Saudi, bắt đầu khi các lực lượng của Mỹ tập trung ở Vịnh Ba Tư. Ba tháng sau, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống lại Iraq nếu quân đội nước này không rút khỏi Kuwait trước ngày 15/1/1991.
Lúc 4:30 chiều ngày 16/01/1991, Chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm), cuộc tấn công lớn của Mỹ chống lại Iraq, được khởi động khi đợt máy bay tiêm kích đầu tiên cất cánh từ Ả Rập Saudi và ngoài khơi các tàu sân bay của Mỹ và Anh ở Vịnh Ba Tư. Suốt buổi tối, máy bay của liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đã tấn công liên tiếp vào các mục tiêu trong và xung quanh Baghdad trong khi thế giới theo dõi sự kiện qua truyền hình trực tiếp qua vệ tinh từ Baghdad và các nơi khác.
Chiến dịch Bão táp Sa mạc được tiến hành bởi một liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy của vị tướng người Mỹ Norman Schwarzkopf, cùng các lực lượng từ 32 quốc gia, bao gồm Anh, Ai Cập, Pháp, Ả Rập Saudi và Kuwait. Trong sáu tuần tiếp theo, liên minh đã tổ chức một cuộc không kích lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Iraq và chỉ vấp phải sự kháng cự kém cỏi từ không quân Iraq. Lực lượng mặt đất của Iraq cũng bất lực trong giai đoạn này của cuộc chiến, và biện pháp trả đũa duy nhất có tác dụng của nhà lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein, là phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud chống lại Israel và Ả Rập Saudi. Saddam hy vọng rằng tấn công tên lửa sẽ kích động Israel và các quốc gia Ả Rập khác tham gia vào cuộc xung đột; tuy nhiên, theo yêu cầu của Mỹ, Israel vẫn đứng ngoài cuộc chiến.
Ngày 24/02, cuộc tấn công mặt đất lớn của liên minh đã bắt đầu và lực lượng vũ trang lỗi thời, trang bị kém của Iraq đã nhanh chóng bị áp đảo. Đến cuối ngày, quân đội Iraq gần như bị tóm gọn, 10.000 lính bị bắt làm tù binh và một căn cứ không quân của Mỹ đã được thiết lập sâu bên trong Iraq. Sau chưa đầy bốn ngày, Kuwait đã được giải phóng và phần lớn lực lượng vũ trang của Iraq đã bị tiêu diệt, hoặc đầu hàng, hoặc rút lui về Iraq. Ngày 28/02, Tổng thống George Bush tuyên bố ngừng bắn và Iraq cam kết ủng hộ các điều khoản hòa bình trong tương lai của liên minh và Liên Hợp Quốc. 125 lính Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh vùng Vịnh, và 21 người khác mất tích trong chiến dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét