Khi Tổng Thống Donald Trump ngồi xuống nói chuyện hòa bình với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un vào tuần tới, một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, Nhật sẽ theo dõi một cách lo ngại. Cũng như lần trước khi hai ông gặp nhau, Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật thấy mình đứng ngoài nhìn vào.
Cuộc họp vào hai ngày 27 và 28 ở Hà Nội mang theo cả hứa hẹn có một Bắc Hàn ít nguy hiểm hơn và tiềm năng một thỏa thuận yếu ớt vốn để cho Nhật vẫn phải lo về vũ khí của Bắc Hàn mà không có gì giúp Tokyo giảm bớt thù nghịch với Bình Nhưỡng.
Đại Sứ Motoji Yabunaka, vốn đóng vai đặc sứ cho Nhật trong hòa đàm sáu bên cách đây một thập niên, nói Nhật lo sợ “một thỏa thuận nửa vời, lừa phỉnh, vốn cho chính phủ Trump có thể mềm dẻo hơn với Bắc Hàn qua hủy cấm vận kinh tế” mà không dẫn đến tiến bộ nghiêm chỉnh về giải trừ vũ khí. Đó theo ông đại sứ là “một kịch bản ác mộng.”
Trong khi cả Nhật lẫn Hoa Kỳ đều muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí, quyền lợi của họ phân chia khi thương thảo tiến bộ. Những hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung của ông Kim là mối nguy tức thời cho Nhật, chứ không phải những hỏa tiễn liên lục địa mà nay đang đe dọa lục địa Hoa Kỳ.
Hơn thế, quyết định đơn phương của ông Trump, đồng ý với yêu cầu của ông Kim ngưng các cuộc tập trận chung với Nam Hàn trong hội nghị thượng đỉnh của họ lần trước, đã tạo lo ngại về những tiềm năng Hoa Kỳ nhượng bộ thêm nữa trong lần họp thượng đỉnh thứ nhì. Sự hiện diện của 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ ở bán đảo Triều Tiên cung cấp cho Nhật một trái độn vô giá chống lại một Trung Cộng đang thăng tiến, cũng như Bắc Hàn. Một trong những điều mà ông Kim có thể đòi và ông Trump có thể dễ dàng nhượng bộ là giảm số binh sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn.
Một nhà cựu ngoại giao nay là một dân biểu của đảng Dân Chủ Tự Do của Thủ Tướng Abe giải thích: “Chúng tôi muốn lực lượng Hoa Kỳ hãy ở lại Nam Hàn càng lâu càng tốt. Nhật phải luôn luôn nhắc nhở Hoa Kỳ về những gì Nhật cần cho thỏa thuận Hoa Kỳ-Bắc Hàn.”
Bắc Hàn đã bắn hai hỏa tiễn bay qua đầu Nhật và thử những loại hỏa tiễn khác vốn đã rơi xuống trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật khi căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng gia tăng vào năm 2017. Nhưng Tokyo nói chung đã bị loại ra ngoài trong giai đoạn bớt băng giá sau đó, trong khi truyền thông Bắc Hàn tiếp tục tung ra những lời tuyên bố lên án người Nhật là “những dân hải đảo mọi rợ, kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Triều Tiên,” và những lời nhục mạ khác.
Trong khi đó cố gắng của ông Abe để tạo một tình thân với Tổng Thống Trump – ngay cả đến đề nghị Giải Nobel Hòa Bình theo lời tổng thống – cho thấy chỉ có hiệu lực giới hạn. Tổng thống đã chỉ trích Nhật là không đóng góp đủ cho lực lượng Hoa Kỳ đóng quân ở Nhật, ông đã rút ra khỏi thỏa thuận Mậu Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, vốn nhằm tạo một vùng ảnh hưởng Mỹ-Nhật để chống lại Trung Cộng, và áp đặt thuế quan lên xuất cảng kim loại của Nhật viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
Nhật cũng đã bị ép buộc phải tham gia vào các cuộc thương thảo mậu dịch song phương mà Nhật không muốn sau khi ông Trump đe dọa thuế quan lên ngành kỹ nghệ sản xuất xe hơi tối quan trọng của Nhật. Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hôm tuần rồi nói họ đã trao bản phúc trình về xe hơi nhập cảng cho tổng thống, mà không cho biết chi tiết về những gì họ đã tìm ra.
Một cựu phụ tá cho các vị dân biểu đối lập trong đảng Dân Chủ về quốc phòng, ông Motohiro Ono giải thích: “Lợi thế của chúng tôi cho đến nay vẫn là liên hệ mạnh mẽ giữa hai lãnh tụ.” Nhưng nay thì theo ông: “Có vẻ như chúng tôi không sử dụng nó được vào lúc này.”
Cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia lẫn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều không hồi âm cho những câu hỏi của hãng tin Bloomberg về yêu cầu bình luận.
Trong khi đó, theo website của Bộ Ngoại Giao Nhật thì không có cuộc điện đàm hay gặp gỡ nào giữa Tổng Thống Trump và Thủ Tướng Abe từ 30 Tháng Mười Một năm ngoái. Ngược lại, họ gặp nhau hai lần và nói chuyện điện thoại năm lần trong ba tháng dẫn đến cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất giữa ông Kim và ông Trump vào Tháng Sáu, 2018, kể cả những cú điện thoại ngày trước và ngày sau cuộc họp.
Nhật đã mời tổng thống đến Nhật vào Tháng Năm để ông có thể là quốc trưởng đầu tiên gặp gỡ tân Nhật Hoàng, nhật báo Sankei loan tin. Theo tờ báo, chuyến viếng thăm sẽ bao gồm điều mà ngoại giao Đông Á gọi là cuộc đánh golf chính trị, một trong những yếu tố thường xuyên của các cuộc gặp gỡ giữa các lãnh tụ Đông Á. Một trận chơi golf giữa các lãnh tụ là một trong những điều lúc nào cũng có cho mỗi hội nghị thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á và các đối tác quốc tế. Sân golf, theo các lãnh tụ Đông Á, là nơi họ có thể nói chuyện thoải mãi trong bầu không khí thân mật.
Ở Quốc Hội hôm đầu tuần trước, ông Abe ca tụng ông Trump đã ‘hành động một cách quyết liệt để giải quyết vấn đề hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn,” trong khi từ chối không nói là có phải ông đã đề cử lãnh tụ Hoa Kỳ cho Giải Nobel Hòa Bình năm nay. Đầu tháng này, ông Abe nói với các vị dân cử là ông muốn nói chuyện với ông Trump trước hội nghị thượng đỉnh. Theo tờ Sankei, ông Abe nói: “Tôi muốn phối hợp các chính sách của chúng ta và Hoa Kỳ về hạt nhân, hỏa tiễn và – quan trọng hơn cả cho đất nước chúng ta – vấn đề bắt cóc.”
Nhật lâu nay đã tìm sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho việc hồi hương của khoảng trên một chục công dân của họ vốn được tin là bị bắt cóc và đưa sang Bắc Hàn vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Tuy cả tổng thống lẫn Ngoại Trưởng Michael Pompeo đã hứa giúp đỡ, vấn đề cho đến nay không được mấy đả động tới trong các cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.
Ông Abe đã yêu cầu ông Trump hãy duy trì một lập trường cứng rắn về cấm vận quốc tế chống lại Bắc Hàn, kể cả kiểm soát và chặn những vụ tình nghi chuyển nhiên liệu cho các con tàu của Bắc Hàn trên biển cả, và thúc đẩy cho một thỏa thuận trong đó bao gồm các loại hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn. Nhiều hỏa tiễn tầm ngắn của Bắc Hàn có khả năng chở vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, nhưng các chuyên gia không chắc là loại đầu đạn nào mà quốc gia bí ẩn này sẽ lắp lên các hỏa tiễn của họ.
Đặc sứ Nam Hàn trong các cuộc điều đình hạt nhân lần trước, ông Chun Yung-woo, một trong số rất ít người đã giúp dàn xếp một thỏa thuận vốn trong một thời gian đã lật ngược lại được chương trình hạt nhân của Bắc Hàn – nói là Nhật và nước ông chia sẻ một quyền lợi chung là bảo đảm chế độ miền Bắc từ bỏ tất cả các khả năng hạt nhân của họ.
Đại Sứ Chun nói: “Chỉ hủy các hỏa tiễn liên lục địa có thể được coi như là chính sách ‘America first’ bất chấp quyền lợi của Nhật và Đại Hàn Dân Quốc. Việc đó sẽ rất tệ hại. Nhật phải bảo đảm là việc phi hạt nhân hóa không kết thúc ở đó” (Đại Hàn Dân Quốc là tên chính thức của Nam Hàn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét