Mùa đông năm 1956, sinh viên nước Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên Ho Un Pei, nhà thơ, đảng viên cộng sản, trong cuộc họp bất thường của chi bộ mà anh là bí thư đã lên tiếng đòi Đảng Lao động Triều Tiên phải nghiêm khắc kiểm điểm chủ tịch Kim Nhật Thành về những hiện tượng phi dân chủ, sùng bái cá nhân.
Trước khi sang Liên Xô học, Ho Un Pei là sĩ quan tình báo, hoạt động tại Hán Thành, nhiều lần bị thương, từng bị bắt. Sau khi anh gửi bản kiến nghị của chi bộ lên sứ quán, các nhân viên mật vụ Triều Tiên đội lốt cán bộ ngoại giao lập tức đến trường mời anh tới gặp đại sứ. Sẵn sàng để tranh luận, anh đến, nhưng vừa bước vào trong sứ quán thì lũ mật vụ đã lập tức xô tới, xúm vào đánh anh, giam anh lại trong một phòng của sứ quán.
Ho Un Pei đã dùng mẹo nhà nghề lừa được bọn mật vụ. Anh năn nỉ xin chúng cho đi tắm rồi đập cửa sổ phòng tắm chui ra, nhảy từ tầng lầu thứ tư xuống, vùng thoát ra ngoài. Tuyết gom thành đống dưới chân tường đã giảm nhẹ cú rơi từ độ cao hơn hai chục thước. May cho anh, người lính Liên Xô gác cửa sứ quán đã không ngăn anh chạy ra.
– Chúng nó định thủ tiêu cậu? Ngay trong sứ quán?
Được tin anh thoát hiểm, chúng tôi kéo đến hỏi thăm.
– Không, chúng nó nói sẽ áp giải mình về nước – anh kể về cuộc đào thoát, cánh tay bị sái treo trước ngực – Mình đề nghị chúng nó cho gặp vợ mình trước khi về (anh có vợ, cũng người Triều Tiên, học tại trường y Moskva), đề nghị cho mình quay lại ký túc xá lấy quần áo thì chúng nó cười đểu: “Về đến Triều Tiên mày không cần vợ nữa đâu, quần áo thì một bộ đã thừa đủ”.
Nước mắt ròng ròng, Ho Un Pei đọc cho tôi nghe những bức thư anh gửi Trung ương Đảng, chính phủ, quốc hội, gửi chủ tịch Kim Nhật Thành: “Tôi tuyên bố từ bỏ Đảng đã phản bội nhân dân Triều Tiên anh hùng và đau khổ… Tôi đau lòng từ bỏ quốc tịch Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên, vì nó không xứng đáng với tôi, vì nó không phải là quốc tịch của tôi mà là dấu ấn đóng trên trán tên nô lệ… Trong mình tôi mãi mãi chảy dòng máu của tổ tiên và tôi mãi mãi mang trong tôi niềm tự hào là người Triều Tiên... ”
Tôi gai người khi nghe Ho Un Pei đọc những dòng chua xót.
Người của Kim Nhật Thành thất bại trong vụ bắt cóc Ho Un Pei.
Liên Xô sau Đại hội XX đã là Liên Xô khác. Nhưng cũng chưa khác lắm. Trường Đại học Điện ảnh Liên Xô đã làm một việc đáng xấu hổ. Người ta công bố lệnh đuổi học đối với sinh viên Ho Un Pei mà không nêu lý do.
Ho Un Pei bỏ đi Tashkent, ở đó rồi sau anh được nhận làm giảng viên văn học Triều Tiên. Sau Đại hội XX, Liên Xô không còn là Liên Xô cũ nhưng cũng không hoàn toàn là một Liên Xô mới.
Sau việc xảy ra với Ho Un Pei, tôi kinh tởm Kim Nhật Thành và cái nhà nước của ông ta. Viên cựu trung úy Hồng quân Liên Xô đã biến Bắc Triều Tiên thành một trại lính, trong đó dân chúng bị cai trị theo cách lính tẩy.
Phản ứng của Mao Trạch Đông đối với những kết luận của Đại hội XX mạnh mẽ hơn cả so với mọi lãnh tụ cộng sản khác. Mao không thể tha thứ cho Khrushov tội dám tấn công vào trật tự đã được thiết lập một lần cho mãi mãi tại cái quốc gia cho đến lúc ấy còn đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, mà phản ứng dây chuyền của nó chắc chắn sẽ làm lung lay ngai vàng của Mao.
Cuộc đấu tranh chống sùng bái cá nhân ở Liên Xô rõ ràng ảnh hưởng tới vị trí độc tôn của Mao. Để đối phó với tình hình mới, khi những tiếng nói đòi dân chủ và tự do vang lên ngay bên trong “bức màn tre” Trung Quốc, Mao nham hiểm gài bẫy “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng) cho “cỏ dại”, “tiếng lạ” lộ hình để trừ diệt. Một mưu kế thật hiểm độc.
Cuộc vận động này được Mao Trạch Đông phát động từ tháng 5-1956, được đặc biệt đẩy mạnh sau Đại hội VIII ĐCSTQ, kỳ I (từ 15. 9-27. 9 năm 1956). Nó mở đầu cho cuộc tấn công nhằm vào những người muốn thay đổi trật tự xã hội Trung Quốc, gọi bất cứ ai không ưa Mao và không được Mao ưa là “phần tử hữu khuynh chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”.
Những lời bài bác Liên Xô vốn có sẵn trong đầu Mao nay được nhấn mạnh thêm. Sự rạn nứt trong khối xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế bắt đầu.
Cuộc họp mặt các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới năm 1957 và đặc biệt Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới tại Moskva vào tháng 11 năm 1960, bốn năm sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, với bản Tuyên bố chung gượng gạo, chỉ là những thỏa hiệp bất đắc dĩ. Bị lôi kéo vào cuộc chiến ý thức hệ không những chỉ có những đảng cầm quyền ở một số nước xã hội chủ nghĩa, mà còn một loạt các đảng cộng sản và công nhân. Tình trạng phân liệt xảy ra trong hầu hết các đảng, có những nước có tới hai ba đảng, đảng nào cũng xưng mình là mác-xít-lê-nin-nít chân chính.
Trong cuộc chiến ý thức hệ, Mao hy vọng rồi đây Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Mao sẽ trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế. Báo chí Trung Quốc khua chiêng gõ mõ về một thời đại mới – thời đại “gió Đông thổi bạt gió Tây”, trung tâm cách mạng chuyển về châu Á.
Đến lượt mình, Khrushov lại phạm vào sai lầm tổ tông truyền của chủ nghĩa nước lớn: Liên Xô đơn phương cắt viện trợ cho Trung Quốc, rút toàn bộ chuyên gia giỏi về nước. Nếu căn cứ vào những nguồn tin Trung Quốc thời kỳ đó thì tháng 7-1960 Khrushov đã xóa bỏ 600 hiệp định và hợp đồng, rút toàn bộ chuyên gia đang làm việc tại Trung Quốc, làm tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Một số tài liệu Liên Xô thì lại nói rằng chính Trung Quốc đã yêu cầu Liên Xô cho rút chuyên gia về. Khó có thể biết trong hai nguồn tin trên, cái nào là thật.
Lập tức các phương tiện truyền thông của cái quốc gia một tỷ dân được huy động toàn lực để vạch mặt cái gọi là những tên “phản bội chủ nghĩa Marx-Lênin”, vạch mặt “chủ nghĩa xét lại hiện đại và bọn xét lại hiện đại”. Những người dân Trung Quốc hiền lành chẳng biết gì đến các thứ chủ nghĩa xét lại hay không xét lại, liền bị huy động xuống đường đánh trống đánh phèng, ngớ ngẩn hô theo những khẩu hiệu được chế tạo từ Trung Nam Hải. Phố xá loè loẹt khẩu hiệu viết bằng chữ lớn tố cáo, phản đối “bọn xét lại Liên Xô”.
Cuộc tấn công bằng nước bọt và mực in diễn ra theo đúng bài bản mà người Việt Nam đã hân hạnh được biết trong Cải cách ruộng đất: bắt đầu bằng đấu lưng (vạch tội kẻ bị đấu ngồi quay lưng lại), sau mới đấu mặt (đấu trực diện, chỉ tận mặt, gọi đích tên ra mà đấu).
Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cãi vã giữa hai nước đàn anh, ông Hồ Chí Minh, nhạc trưởng của cái dàn nhạc khôn lỏi, chỉ biết chơi có một bài tủ “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, liền cho cử nhạc lên, nhưng lần này tiếng kèn yếu ớt của ông bị tiếng trống của hai bên xung đột đang say máu ăn thua dập tắt.
Do học thức kém, các văn kiện lý thuyết của Liên Xô làm các nhà lãnh đạo đảng Việt Nam thất đảm bởi giọng văn hàn lâm cao đạo, trong khi cách lý giải theo lô gích tam đoạn luận rất bình dân của các lý thuyết gia Bắc Kinh lại hợp với tầm kiến thức của họ, làm cho họ thấy cái gì Trung Quốc nói cũng phải. Ấy là chưa kể giữa hai nước cộng sản châu Á trước nay vẫn có một mẫu số chung là gốc rễ phong kiến, trong lòng mỗi người dân có một ông quan.
Trong tâm trạng hoang mang trước một tương lai bỗng dưng trở thành không xác định của phong trào cộng sản, các nhà lãnh đạo Việt Nam, mặc dầu đã ngả theo Trung Quốc, vẫn kiên trì chủ trương đường lối khôn ngoan của nhà nghèo – gửi tiền vào hai ngân hàng cùng một lúc. Cho nó chắc ăn. Ít nhất thì đó cũng là lập trường của ông Hồ Chí Minh. Ông Cụ lừng khừng vì ông ấy lúng túng trong những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh lý thuyết – cha tôi giải thích lập trường trung dung của ông Hồ trong cuộc cãi vã quốc tế – Ông Cụ vốn không rành lý thuyết. Ông ấy chỉ thích những cái đơn giản. Cái vụ ông chọn Đệ tam quốc tế chứ không chọn Đệ nhị quốc tế ở Đại hội Tours là một thí dụ. Quốc tế tốt là Quốc tế ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.
Ông Hồ thuộc sử nước nhà lắm. Đánh nhau với thiên triều, thắng thì thắng đấy, mà vẫn phải sai sứ sang cầu hòa, xin được làm chư hầu. Noi gương các cụ, ông nhũn nhặn với bất kể Trung Quốc nào, Trung Quốc Tưởng hay Trung Quốc Mao. Đường đường là chủ tịch một nước độc lập, năm 1945 ông Hồ vẫn hạ mình thân đến chào các tướng Tiêu Văn và Lư Hán vào ngày họ tới Hà Nội. Ông căn dặn cha tôi phải lo đầy đủ thuốc phiện cho Long Vân con “Kẻo nó giận thì lôi thôi lắm, thằng nhóc ấy có thể ảnh hưởng xấu đến mối bang giao của ta với họ”.
Khi La Quý Ba , đại sứ đầu tiên của Trung Quốc Mao tới Việt Bắc, ông sai cha tôi phải chọn địa điểm cho đẹp, dựng nhà cho đẹp để họ La ở: “Mình thế nào cũng xong, chứ với người ta thì phải chu đáo. Thiên triều mà, họ xét nét lắm đó!”. Ông nhớ lần ông bị bắt ở Hồng Kông, ngày một ngày hai sẽ bị chính quyền Anh trao cho chính quyền thuộc địa Pháp, nhưng các đồng chí Trung Quốc thân thiết của ông thì lờ tịt, mặc cho ông tự xoay sở. Ông cũng không quên lần ông tới Bắc Kinh để đi tiếp Moskva, năm 1950, bị Mao bắt chầu chực chán chê ở nhà khách rồi mới cho tiếp kiến. Ông nhớ, và ông để bụng.
Biết ông viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu đang điên tiết vì bức ảnh đăng trên Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh với dòng chú thích: “Đồng chí Trần Huy Liệu, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã được hân hạnh Mao chủ tịch cho bắt tay”, nhân một forum Bắc Kinh bàn về hình thái xã hội chủ nghĩa được tổ chức vào năm 1965, ông Hồ Chí Minh an ủi ông Liệu: “Thôi, người ta bao giờ chả rứa, thiên triều mà!” Chuyện này tôi được nghe chính ông Liệu kể lại.
Một hôm tôi đến thăm ông Liệu, thấy bức ảnh Mao Trạch Đông vẫn thường treo trong nhà không còn ở chỗ cũ, tôi hỏi thì ông Liệu kể cho nghe chuyện xảy ra với ông ở Bắc Kinh, chuyện ông Hồ an ủi ông. Ông nói: “Tao cũng như Bác Hồ, tao ỉa vào thiên triều, tao là thằng dân tộc chủ nghĩa”.
Thái độ lừng khừng ngô không ra ngô, khoai không ra khoai, trong giai đoạn này của Hồ Chí Minh làm cho lớp đàn em đang hăng máu chống Liên Xô coi thường ông. Mặt ngoài họ làm ra vẻ kiên trì đường lối đứng giữa, trên thực tế họ đã sà vào chiếu bạc rồi, đã xỉa tiền vào cửa Trung Quốc rồi.
Phóng viên Klaus Pommerening của hãng thông tấn ADN (Cộng hoà Dân chủ Đức) thường trú tại Hà Nội vào thập niên 60, nhận định rằng, từ năm 1960 đã thấy có một sự chuyển hướng rõ rệt của ban lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam về phía lập trường của Trung Quốc. Bằng chứng là việc đẩy mạnh chiến tranh chống Cộng hoà Việt Nam, cùng với việc thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam – dấu hiệu chống lại đường lối cùng tồn tại trong hoà bình giữa các chế độ khác nhau.
Đến hội nghị trung ương 9 (tháng 12. 1963) thì lập trường cách mạng bạo lực của Bắc Kinh hoàn toàn chiếm lĩnh con tim và khối óc của nhà cầm quyền Hà Nội. Cũng từ đó, những đảng viên tán thành đường lối cách mạng phi bạo lực và cùng tồn tại trong hoà bình bị dán cho cái nhãn “phần tử xét lại”, bị đối xử xấu, rồi bị trấn áp.
Khởi đầu “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” ở Việt Nam là như vậy, theo cách nhìn của Pommerening. Trong nhận định ấy nó được miêu tả trong diện mạo một cuộc thánh chiến vì lý tưởng mác-xít. Nhìn từ bên trong thì càng về sau, nó càng lộ ra tính chất đời thường với những tham vọng thế tục của mấy cá nhân nắm quyền lãnh đạo đảng, cũng là quyền cai trị cả nước.
Chính trị cởi bỏ áo quần thì nó là đời thường, như tôi thấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét