VŨ
HIỀN (GIỚI THIỆU)
Ngày 11/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có mặt tại Hungary, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 5 nước châu Âu. Sự kiện này cũng đánh dấu lễ kỷ niệm 30 năm kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở “châu Âu mới” – bao gồm các quốc gia Trung Âu, nơi mà chủ nghĩa tư bản, nền văn minh phương Tây và sự ủng hộ dành cho Mỹ đã thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của công chúng. Pompeo đã trích dẫn những đấu tranh mang tính lịch sử và đôi khi tốn kém của người dân Hungary nhằm chống lại nạn áp bức vào năm 1848, 1956, và 1989.
Mối quan hệ nồng ấm và đang được cải thiện này trái ngược với tình trạng tụt dốc và chống lại các quyền lực từ Mỹ của “châu Âu cũ”, vốn bảo thủ và đầy thành kiến, đặc biệt khi phương tiện “bám víu” quan trọng nhất của họ chính là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Háo hức muốn bảo vệ một liên minh mà tư cách thành viên của Mỹ đang suy yếu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây đã tuyên bố rằng các thành viên NATO sẽ chi thêm 100 tỷ USD cho quốc phòng trong vòng 2 năm. Tuyên bố này nhằm mục đích làm vừa lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump vì những sức ép mà ông đã tạo ra cho các thành viên NATO khi buộc họ phải chi tiêu nhiều hơn nữa cho quốc phòng, và cũng để ngăn cản ông Trump tiếp tục xem xét việc đơn phương rút khỏi liên minh.
Chỉ có một vấn đề phát sinh trong tuyên bố của Stoltenberg – điều này không phải sự thật. Chắc chắn việc các thành viên NATO chi thêm 100 tỷ USD là điều rất hấp dẫn. Dù vậy, Mỹ mới là quốc gia chi tiêu cho quốc phòng châu Âu nhiều hơn tất cả các nước NATO khác cộng lại. Đức, Pháp, và phần còn lại của châu Âu cũ lại dành ít hơn mức 2% tổng sản lượng quốc nội (GDP) mà họ cam kết chi tiêu cho quốc phòng. Ngoài Mỹ, chỉ có Anh, Ba Lan, và một số ít các quốc gia nhỏ khác đáp ứng được yêu cầu này.
Như Stoltenberg từng nói, phải chăng các thành viên NATO đang ngày càng thể hiện một sự thay đổi rõ ràng? Có phải họ đã hiểu thấu sự không công bằng cơ bản từ việc Mỹ tài trợ cho nền quốc phòng của họ khi họ tiến hành lợi dụng Mỹ về thương mại, và nếu các cuộc thăm dò là đáng tin, hãy xem cách họ đối xử với Mỹ khi chỉ có 34% người Pháp và 30% người Đức nói rằng họ có quan điểm tán thành Mỹ?
Rõ ràng là không. Có rất ít bằng chứng từ tuyên bố của Stoltenberg cho thấy các thành viên NATO bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình một cách nghiêm túc.
Hãy xem xét các nền kinh tế và quân sự lớn nhất trong NATO. Mặc dù có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, song ngân sách quốc phòng của Đức chỉ đạt dưới 50 tỷ USD (trong khi Mỹ vượt hơn 700 tỷ USD). Gần đây, Bộ Tài chính Đức đã nghi ngờ khả năng quốc gia này có thể đáp ứng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng dần dần lên 1,5% GDP vào năm 2024.
Anh đang làm tốt hơn một chút với kế hoạch tăng 0,5% chi tiêu quốc phòng vào năm 2020. Tuy nhiên, nguồn tài chính mới trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, và có những nghi ngờ rằng liệu việc tăng chi tiêu cho quốc phòng có thể duy trì được trong bối cảnh hỗn loạn chính trị hiện tại ở Anh hay không.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu là Pháp. Tháng 7/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng thêm 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, do nền kinh tế đang chậm lại và trong bối cảnh các cuộc biểu tình dân túy dẫn đến khủng hoảng tại Pháp gia tăng, việc duy trì mức tăng khiêm tốn này cũng là một điều đáng nghi ngờ.
Còn Italy đã cam kết sẽ cắt giảm 500 triệu USD ngân sách quốc phòng trong năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ là một ngoại lệ, họ có lực lượng quân đội lớn nhất ở NATO ngoại trừ Mỹ. Nước này đã tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là để đối phó với cuộc chiến kéo dài ở Syria. Tuy nhiên, khả năng tăng chi tiêu quốc phòng trong tương lai của quốc gia này gần như là không thể.
Vì vậy, 100 tỷ USD mà Stoltenberg đề cập đến ở đâu mà có, đặc biệt là nếu các nhân vật tầm cỡ của NATO chỉ có khả năng tăng vài tỷ USD? Ai sẽ “chi” tiền? Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp? Có vẻ như tuyên bố này chỉ đơn thuần là việc tính toán hoang tưởng.
Chưa dừng lại ở đó, ông Stoltenberg cũng có hành động đi ngược với Mỹ trong tháng 2 này liên quan đến Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ, vốn đang bị chính quyền Trump từ bỏ một cách khôn ngoan thông qua các báo cáo dài hạn đáng tin cậy về sự không tuân thủ của Nga. Theo đó, Stoltenberg cam kết với Moskva rằng các thành viên NATO sẽ gắn bó với hiệp ước này. Đây quả là một sự đoàn kết và phòng thủ chung nực cười.
Trong khi đó, sẽ thật bất ngờ khi biết rằng Hy Lạp đã không còn phản đối để Macedonia trở thành một thành viên mới của NATO, vốn coi đây là một việc đã rồi. Do vậy, Mỹ sẽ có nghĩa vụ phải bảo đảm quốc phòng cho một quốc gia nữa mà đại đa số chúng ta không thể tìm thấy trên bản đồ, và việc này chẳng cung cấp thêm thứ gì cho quốc phòng Mỹ, nhưng sự bổ sung đó sẽ gia tăng tính đa nghi của Nga.
Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Stoltenberg không làm thay đổi thực tế ngày càng rõ ràng rằng NATO không còn là một cơ chế để châu Âu cũ lợi dụng Mỹ nữa. Lục địa giàu có với một nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD này – nhiều gấp 10 lần so với Nga – không cần sự bảo vệ quốc phòng của Mỹ. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia ở châu Âu cũ đã chọn chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa đa văn hóa. Vậy chính xác thì Mỹ đang bảo vệ cái gì?
Mỹ nên hợp tác với NATO với tư cách không phải là thành viên của tổ chức này, giống như Thụy Điển, và tập trung vào các nguồn lực hữu hạn mà Mỹ có thể đạt được, từ những cuộc cạnh tranh quan trọng mà Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc ở Thái Bình Dương đến những quốc gia ở châu Âu mới vẫn có ý chí chiến đấu, và vẫn mang theo ngọn đuốc của nền văn minh phương Tây.
Tác giả Christian Whiton là cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao dưới chính quyền Donald Trump và George W. Bush. Bài viết đăng trên trang “National interest”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét