Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

11734 - Cách để ASEAN vượt qua "mùa gió chướng" kinh tế



Các nền kinh tế Đông Nam Á có thể phải đối mặt với những cơn gió ngược lớn về kinh tế vào năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng và Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Để giúp vượt qua những tác động, các thành viên của ASEAN nên dành ưu tiên cho việc đạt được những tiến bộ trong các sáng kiến khu vực.

20727315_images1381952_asean.jpg
Một số nhà quan sát cho rằng thỏa thuận ngừng chiến thương mại kéo dài 90 ngày giữa Washington và Bắc Kinh có thể tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, họ có thể đánh giá quá cao khả năng của Trung Quốc trong việc đưa ra những nhượng bộ đáp ứng những gì mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn. Mua nhiều sản phẩm của Mỹ là chuyện dễ dàng, song thực hiện các biện pháp để giải quyết các hoạt động thương mại “không công bằng” ở mức độ có thể làm hài lòng Mỹ lại là việc khó đạt được trong vòng 90 ngày. Thậm chí, nhiều vòng leo thang thuế quan hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác cũng có thể sẽ được đưa ra.
Trong lĩnh vực tài chính, vào tháng 12/2018, Fed đã tăng lãi suất từ 2,25 lên 2,50% và dự báo khả năng con số này sẽ tăng thêm vào năm 2019. Fed làm như vậy để đảm bảo họ sẽ có cơ hội sử dụng chính sách tiền tệ và giảm tỷ lệ lãi suất để chống lại cuộc suy thoái tiếp theo của Mỹ. Việc tăng thêm lãi suất có thể thúc đẩy các nước Đông Nam Á rút vốn trong bối cảnh các nhà đầu tư muốn chuyển tiền để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở Mỹ. Nếu không được quản lý tốt, những dòng vốn như vậy có thể thúc đẩy sự bất ổn tài chính ở khu vực ASEAN.
Các nền kinh tế khu vực phải tự chuẩn bị cho sự hỗn loạn kinh tế và tài chính trong tương lai. Mặc dù khó có thể tránh được những cơn gió ngược như vậy, song các thành viên ASEAN vẫn có thể làm suy yếu tác động thông qua các sáng kiến khu vực, bao gồm: Sáng kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025, Hiệp định thương mại và đầu tư tự do ASEAN-Hong Kong (AHKFTA và AHKIA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Sáng kiến đa phương Chiang Mai (CMIM).
Các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên thực hiện hoàn chỉnh AEC 2025. Đây là dự án hội nhập kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN được thiết kế để đạt được 5 mục tiêu: Một nền kinh tế hội nhập và gắn kết cao; Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; Tăng cường kết nối và hợp tác ngành; Một ASEAN kiên cường, toàn diện, hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm; và Một ASEAN toàn cầu. Việc thúc đẩy AEC 2025 sẽ cho phép các doanh nghiệp khai thác tốt hơn vào thị trường hội nhập với hơn 600 triệu người, khiến các nền kinh tế trong khu vực trở nên kiên cường hơn trước những cơn gió ngược sắp tới.
Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng nên thông qua AHKFTA và AHKIA từng được ký kết hồi tháng 11/2017 để các hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2019 như mong đợi. Các thỏa thuận sẽ đẩy mạnh dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư xuyên biên giới giữa ASEAN và Hong Kong. Hai thỏa thuận này sẽ không chỉ cho phép các công ty được tiếp cận nhiều hơn với các thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng như bảo vệ đầu tư tốt hơn, mà còn cho phép các quốc gia ASEAN thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại-đầu tư với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ giúp các nền kinh tế Đông Nam Á phục hồi sau bất kỳ thiệt hại nào mà những mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung có thể gây ra cho họ.
Nhà chức trách ASEAN cũng nên tập trung vào việc hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP. Nếu được thông qua, khối thương mại tư do gồm 16 nền kinh tế này sẽ bao phủ một thị trường 3,6 tỷ người, đóng góp 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. RCEP cũng sẽ chiếm 29% thương mại toàn cầu và 26% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới. Việc kết thúc đàm phán sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh chuỗi cung ứng và cung cấp cho các nền kinh tế thuộc RCEP các phương tiện khác để đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và ngăn chặn các tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong tương lai.
Cuối cùng, các quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) nên thúc đẩy CMIM, một mạng lưới an toàn tài chính khu vực theo khuôn khổ ASEAN+3. Ra mắt vào năm 2010, chương trình này cung cấp sự hỗ trợ tài chính thông qua một mạng lưới hoán đổi tiền tệ để giúp các quốc gia ASEAN+3 vượt qua khó khăn về cán cân thanh toán. Do việc tăng lãi suất của Fed trong tương lai có thể khiến nhà đầu tư hoảng loạn dẫn đến bất ổn tài chính và tháo chạy vốn ở một số nền kinh tế khu vực, CMIM có thể cung cấp những hỗ trợ tài chính để giảm nhẹ các vấn đề như vậy.
Phải thừa nhận rằng các sáng kiến này đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trở ngại lớn trong việc thực hiện AEC 2025 là thiếu sự phối hợp giữa các bộ ban ngành và cơ quan trong nước. Các quốc gia ASEAN riêng lẻ phải dàn xếp cách để củng cố sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Đồng thời, cần xóa bỏ một số rào cản trong nước để phê chuẩn thành công các hiệp định ASEAN-Hong Kong.
Các cuộc bầu cử sắp tới tại Úc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan vào năm 2019 có thể trì hoãn việc kết thúc đàm phán RCEP trong nửa đầu năm 2019. Các chính trị gia ở các quốc gia này có thể ưu tiên các vấn đề quốc tế trong chiến dịch vận động bầu cử của họ. Và nếu động lực từ các cuộc đàm phán RCEP diễn ra trong nửa cuối năm 2019, quan điểm và sự ưu tiên khác biệt của các bên vẫn cần phải được điều tiết để tiến tới thông qua thỏa thuận.
Liên quan đến CMIM, mặc dù các bên đã ký kết một thỏa thuận đáng khen ngợi vào tháng 12/2018 để tạo những điều kiện thuận lợi hơn, cho phép mạng lưới an toàn tài chính khu vực có thể hỗ trợ tốt hơn trong một cuộc khủng hoảng, song những nỗ lực thúc đẩy các khía cạnh khác của CMIM vẫn luôn mờ nhạt trong những năm gần đây. Quy mô của sáng kiến này vẫn giữ nguyên ở mức 240 tỷ USD kể từ năm 2012. Với số tiền này, sáng kiến chỉ có thể cung cấp sự hỗ trợ cho vay đồng thời một cách tốt nhất tới một vài nền kinh tế vừa và nhỏ nếu họ gặp khủng hoảng. Do đó, những bên tham gia phải thúc đẩy mở rộng quy mô của CMIM.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Fed tăng lãi suất có thể tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn cho các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm nay. Bất chấp những thách thức cản bước các sáng kiến trên, các nước ASEAN phải cùng nhau theo đuổi chúng để vượt qua những cơn gió ngược sắp tới. Thời gian không còn nhiều và các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng hành động.
Tác giả Kaewkamol Pitakdumrongkit là Phó Giáo sư và Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa phương, Trường RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên trang  “East asia forum”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét