11779 - Nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng mới ra tù đã bị công an sách nhiễu
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau khi mãn án 9 năm tù vì tranh đấu cho quyền lợi của công nhân, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, thành viên và đồng sáng lập Phong Trào Lao Động Việt, trở về nhà tại phường Cầu Kho, quận 1, Sài Gòn, hôm 24 Tháng Hai. Kể từ thời điểm đó, gia đình ông liên tục bị công an đến sách nhiễu.
Ông Hùng, năm nay 38 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù 9 năm khi cùng hai bạn khác, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh, “rải truyền đơn” kêu gọi công nhân công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công hồi năm 2010. Trong vụ này, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Đoàn Huy Chương cùng bị 7 năm tù giam. Ông Hùng là người cuối cùng trong nhóm ba người nói trên ra khỏi nhà tù, trong lúc ông Chương sau khi mãn án tù hồi Tháng Hai, 2017, nay đang lẩn tránh ở nước ngoài chờ xin Cao Ủy Tị Nạn giúp đỡ cho đi định cư ở nước thứ ba.
Ngay trong hôm 24 Tháng Hai, trong lúc gia đình ông Hùng vừa dọn bữa cơm thân mật mừng ngày đoàn tụ với sự tham dự của một số bạn bè thân hữu, một nhóm an ninh viên mặc thường phục, sắc phục ập vào quay phim, chụp hình và cưỡng chế một vị khách về đồn.
Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương cho biết trên trang cá nhân hôm 28 Tháng Hai rằng nhân lúc ông Hùng không có ở nhà, công an kéo đến lập biên bản “vi phạm hành chính” với lý do ông ra tù mà không lên trình diện chính quyền địa phương.
Được biết giấy ra tù của ông Hùng ghi: “Sau khi ra tù quá 15 ngày mà đương sự không trình diện thì có thể bị mất một số quyền lợi cá nhân.”
Trước đó, Luật Sư Lê Công Định kể trên trang cá nhân rằng hôm 25 Tháng Hai, ông đến nhà thăm ông Hùng và thấy “vòng vây của cảnh sát khu vực, công an phường và an ninh thành phố trước ngõ, trong ngõ và trước nhà.”
Cũng vì đến thăm ông Hùng hôm đó mà nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, cựu tù nhân chính trị đang còn chịu án quản chế, bị Ủy Ban Nhân Dân phường 9, quận 3, gửi giấy triệu tập và ra quyết định xử phạt tội “Vi phạm lệnh quản chế” với số tiền 3 triệu đồng ($129).
Trong clip trả lời phỏng vấn trang Tin Mừng Cho Người Nghèo phát trên mạng xã hội hôm 26 Tháng Hai, ông Hùng nói: “Tôi thấy công nhân thấp cổ bé họng, không ai bênh vực, kể cả công đoàn nhà nước, nên tôi quyết định giúp họ với tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi nghĩ những gì mình làm đúng với lý lẽ và tập tục giúp người yếu thế của dân tộc Việt Nam. Tôi thấy bản án dành cho mình thật bất công, nhưng những gì tôi làm là đúng.”
Hiện chế độ Hà Nội đang bị sức ép quốc tế, đòi hỏi phải trả lại quyền tự do nghiệp đoàn cho giới công nhân tại Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện mà CSVN phải thỏa thuận để tham gia Hiệp Ðịnh Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), tên khác: TPP11, tức là một hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét