Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

11735 - Roma và những phim nói tiếng nước ngoài làm nên lịch sử ở giải Oscar


LÂM LÊ   

RomaBản quyền hình ảnhCARLOS SOMONTE/NETFLIX
Image captionPhim Roma của Alfonso Cuaron được giới phê bình ca ngợi trong năm 2018

Mặc dù đoạt 3 giải Oscar quan trọng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Đạo diễn và Quay phim xuất sắc, nhưng bộ phim Roma của điện ảnh Mexico không thể làm nên lịch sử khi thua cuộc Green Book ở giải thưởng quan trọng: Phim hay nhất.
Như vậy, trong lịch sử 91 lần trao giải của Oscar, chưa có bất cứ bộ phim nói tiếng nước ngoài nào (ngoài tiếng Anh) chiến thắng ở hạng mục cao nhất.
Khác với các LHP quốc tế như Cannes, Venice hay Berlin - Oscar là giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ nên hầu hết trao giải cho những bộ phim nói tiếng Anh và do Mỹ sản xuất. Chỉ duy nhất một hạng mục là Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất dành cho những bộ phim nói các ngôn ngữ khác.
Tuy nhiên, trong lịch sử 91 năm của giải Oscar, nhiều bộ phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc đã phá vỡ thông lệ này của Oscar khi được đề cử thêm các hạng mục khác, thậm chí cả giải Phim hay nhất hay Đạo diễn xuất sắc nhất.
Tại mùa giải Oscar năm 2019, Roma đại diện cho Mexico và Cold War của Ba Lan là hai bộ phim như vậy khi dành được 10 đề cử và 3 đề cử tương ứng cho mỗi phim. Đạo diễn Mexico Alfonso Cuaron và đạo diễn Anh gốc Ba Lan Pawel Pawlikowski cũng có tên trong hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.
Cùng điểm lại những bộ phim nói tiếng nước ngoài từng làm nên hiện tượng tại các mùa giải Oscar trong quá khứ.

GRAND ILLUSION (1938)

Bộ phim chiến tranh kinh điển Grand Illusion của đạo diễn Pháp Jean Renoir, với hai diễn viên chính Jean Gabin và Dita Parlo vào vai hai người lính Pháp bị Đức bắt làm tù binh trong Thế chiến thứ nhất là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên phá vỡ thông lệ của Oscar khi được đề cử ở hạng mục quan trọng: Phim xuất sắc nhất của năm. Tại mùa giải Oscar lần thứ 11 (năm 1939) Grand Illusion thua cuộc trước bộ phim Mỹ You Can't Take It with You của đạo diễn Frank Capra. Tuy nhiên, kiệt tác của Jean Renoir vẫn được nhắc tới nhiều sau này như một bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới.

NEVER ON SUNDAY (1960)

Mãi tới mùa giải Oscar năm 1961, mới có một bộ nói tiếng nước ngoài khác là Never on Sunday của đạo diễn Hy Lạp Jules Dassin dành được 5 đề cử Oscar bao gồm Đạo diễn và Kịch bản gốc xuất sắc cho Dassin, Nữ chính cho Melina Mercouri, Ca khúc chủ đề và Thiết kế trang phục.
Never on Sunday là bộ phim hài lãng mạn kể về mối quan hệ kỳ lạ giữa một học giả người Mỹ bị ám ảnh bởi văn hóa Hy Lạp và một cô gái điếm người bản địa có tinh thần tự do phóng khoáng.
Bộ phim chỉ dành được một giải Oscar cho Ca khúc chủ đề xuất sắc nhất và đây cũng là lần hiếm hoi giải Ca khúc được trao cho một bài hát không phải tiếng Anh.

LA DOLCE VITA (1961)

Thập niên 60 của thế kỷ 20 là giai đoạn mà Viện Hàn lâm Mỹ "mở cửa" đón nhận những bộ phim xuất sắc nói các ngôn ngữ khác và dành cho chúng hơn một đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuấ sắc.
Sau khi giành được giải Cành cọ vàng tại Cannes, bộ phim La Dolce Vita của đạo diễn kiệt xuất người Ý Federico Fellini tiếp tục có thêm 4 đề cử tại Oscar năm 1962, trong đó có hạng mục Đạo diễn xuất sắc cho Fellini. Phim chỉ thắng một giải Oscar cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất.



La Dolce VitaBản quyền hình ảnhAFP / GETTY
Image captionLa Dolce Vita

DIVORCE ITALIAN STYLE (1962)

Một năm sau, một bộ phim Ý khác là Divorce Italian Style của đạo diễn Pietro Germi giành được 2 đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất (Germi) và Nam diễn viên chính xuất sắc cho ngôi sao Marcello Mastroianni. Tác phẩm hài hước này cuối cùng thua cuộc trước Lawrence of Arabia của đạo diễn David Lean, còn Marcello thua cuộc trước Gregory Peck trong Giết con chim nhại. Bộ phim được an ủi với giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

8½ (1963)

Điện ảnh Ý tiếp tục được Viện Hàn lâm Mỹ đón nhận khi kiệt tác 8½ của Federico Fellini giúp ông lần thứ 2 được đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất.
Không chỉ vậy, tại mùa giải Oscar năm 1964, bộ phim được 5 đề cử Oscar và đoạt giải cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp nhất.

WOMAN OF THE DUNES (1965)

Điện ảnh Nhật lần đầu tiên được đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất nhờ công của Hiroshi Teshigahara, tác giả của bộ phim xuất sắc Woman of the Dunes. Bộ phim cũng được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Tuy nhiên mùa giải năm đó, đạo diễn người Nhật thua cuộc trước Robert Wise với bộ phim The Sound of Music.

A MAN AND A WOMAN (1966)

Mùa giải Oscar năm 1967, bộ phim chính kịch A Man and A Woman của đạo diễn người Pháp Claude Lelouch đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Nhưng không chỉ thế, bộ phim lãng mạn kể về mối quan hệ giữa một người phụ nữ góa chồng (Anouk Aimée đóng) và một người đàn ông góa vợ (Jean-Louis Trintignant) còn được đề cử thêm 3 giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc (Lelouch), Nữ diễn viên chính xuất sắc (Anouk Aimée).

THE BATTLE OF ALGIERS (1968)

Một bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh của điện ảnh Ý - Algerie là The Battle of Algiers của đạo diễn Gillo Pontecorvo được đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc bên cạnh hai hạng mục khác là Phim nói tiếng nước ngoài và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Tại mùa giải Oscar lần thứ 41 (năm 1969), ở hạng mục đạo diễn, Gillo Pontecorvo được đề cử cùng với huyền thoại Stanley Kubrick với kiệt tác 2001: A Space Odyssey, nhưng cả hai đều thua cuộc trước đạo diễn Carol Reed với bộ phim Oliver!

Z (1969)

Z - bộ phim hình sự mang màu sắc chính trị của đạo diễn Costa-Gavras kể về cuộc ám sát một chính trị gia đảng dân chủ Hy Lạp được Oscar ghi nhận với 5 hạng mục tại mùa giải Oscar năm 1970, trong đó có Phim hay nhất, Phim nói tiếng nước ngoài và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Costa-Gavras . Bộ phim thắng 2 giải Phim nói tiếng nước ngoài và dựng phim xuất sắc nhất, tuy nhiên vị đạo diễn người Pháp gốc Algerian thua cuộc trước bộ phim Mỹ là Midnight Cowboy của đạo diễn John Schlesinger.

FELLINI SATYRICON (1969)

Fellini Satyricon trở thành bộ phim thứ 3 giúp Federico Fellini được đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, mặc dù bộ phim bị loại ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại mùa giải lần thứ 42 (1970).

THE EMIGRANTS (1972)

Năm 1973, điện ảnh Thụy Điển làm nên chuyện lớn khi bộ phim The Emigrants của đạo diễn Jan Troell giành được 5 đề cử Oscar quan trọng, bao gồm các hạng mục như Phim hay nhất, Phim nói tiếng nước ngoài, Đạo diễn, Kịch bản xuất sắc cho Jan Troell và Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Liv Ullmann.
Tác phẩm chính kịch xuất sắc này kể về một nhóm người Thụy Điển nghèo khó nhập cư vào Minnesota vào giữa thế kỷ 19 và vật lộn với cuộc sống mới trong điều kiện khắc nghiệt. Dù được khen ngợi nhưng bộ phim Thụy Điển không thể chiến thắng khi đối mặt với một đối thủ quá mạnh là The Godfather của Francis Ford Coppola.

CRIES AND WHISPERS (1973)

Điện ảnh Thụy Điển tiếp tục làm nên chuyện khi bộ phim Cries and Whispers của huyền thoại Ingmar Bergman giúp ông được Viện Hàn lâm Mỹ ghi nhận với đề cử Đạo diễn xuất sắc và Biên kịch xuất sắc bên cạnh các hạng mục như Phim xuất sắc, Quay phim và Thiết kế bối cảnh. Bộ phim có 5 đề cử Oscar nhưng thua cuộc trước The Sting của đạo diễn George Roy Hill.

DAY FOR NIGHT (1974)

Day For Night, bộ phim kể về quá trình làm phim của đạo diễn tiêu biểu của Làn sóng mới của Pháp François Truffaut cuối cùng cũng giúp ông có một đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất bên cạnh 3 hạng mục khác tại mùa giải lần thứ 47 (năm 1975). Bộ phim sau đó thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, nhưng François Truffaut thua cuộc trước Francis Ford Coppola ở hạng mục Đạo diễn với bộ phim The Godfather II.

AMARCORD (1975)

Federico Fellini trở thành đạo diễn Ý nhận nhiều đề cử Oscar nhất khi ông có đề cử Đạo diễn lần thứ 4 với bộ phim Amarcord. Tác phẩm mang tính tự truyện kể về một chàng thanh niên trẻ trưởng thành tại ngôi làng nhỏ trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa phát xít những năm 1930s. Bộ phim có 3 đề cử Oscar và đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Federico Fellini cũng lập kỷ lục chưa ai phá vỡ khi có đến 4 bộ phim do ông đạo diễn đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

FACE TO FACE (1976)

Cùng với Fellini, huyền thoại đến từ Thụy Điển là Ingmar Bergman cũng rất được Viện hàn lâm Mỹ trân trọng tài năng. Với bộ phim Face to Face, bộ phim chính kịch tâm lý nặng nề với diễn xuất của Liv Ullmann giành được 2 đề cử Oscar cho Đạo diễn và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Tuy nhiên, bộ phim đều thua cuộc ở cả hai hạng mục.

SEVEN BEAUTIES (1976)

Tại mùa giải Oscar lần thứ 49 (1977), điện ảnh Ý lại ghi điểm khi bộ phim Seven Beauties có được được 4 đề cử Oscar, bao gồm Phim nói tiếng nước ngoài, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc và Nam diễn viên chính xuất sắc cho Giancarlo Giannini.
Điều đặc biệt, Lina Wertmüller đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ đạo diễn đầu tiên được đề cử Oscar và bà tiếp tục giữ kỷ lục cho đến năm 1993 khi nữ đạo diễn người New Zealand Jane Campion được đề cử lần thứ 2 với bộ phim The Piano.

LA CAGE AUX FOLLES (1979)

La Cage aux Folles, bộ phim của đạo diễn Pháp Édouard Molinaro được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Jean giành được 3 đề cử Oscar tại mùa giải lần thứ 52, bao gồm Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản chuyển thể và Trang phục đẹp nhất. Đạo diễn Milinaro thua cuộc trước Robert Benton với bộ phim tâm lý gia đình xuất sắc Kramer vs. Kramer.

DAS BOOT (1982)

Bộ phim về chiến tranh Das Boot của đạo diễn người Đức Wolfgang Petersen trượt mất đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, tuy nhiên tác phẩm của ông giành tới 6 đề cử Oscar tại mùa giải lần thứ 55 (1983), trong đó có hạng mục Đạo diễn và Kịch bản cho Peterson. Tại giải Oscar năm đó, hai đối thủ của Peterson là Steven Spielberg với phim giả tưởng E.T và Sydney Pollack với phim hài Tootsie. Tuy nhiên, tất cả họ đều thua cuộc trước đạo diễn người Anh Richard Attenborough với bộ phim tiểu sử Gandhi.
Dù không chiến thắng bất cứ hạng mục nào, nhưng Das Boot đưa tên tuổi của Wolfgang Peterson trở thành một nhà làm phim quốc tế với nhiều bom tấn được thực hiện sau đó cho Hollywood như Air Force One, The Perfect Storm, Troy và Poseidon.

FANNY AND ALEXANDER (1983)

Fanny and Alexander giúp đạo diễn người Thụy Điển Ingmar Bergman có thêm đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất lần thứ 3. Không chỉ vậy, bộ phim này có tên trong 6 hạng mục và đoạt 4 giải, bao gồm Phim nói tiếng nước ngoài, Quay phim, Thiết kế trang phục, Bối cảnh. Tuy nhiên một lần nữa Ingmar Bergman lại thua cuộc giải Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất trước James L. Brooks với bộ phim Terms of Endearment.

RAN (1985)

Huyền thoại điện ảnh Nhật Bản Akira Kurosawa chỉ được đề cử Oscar giải Đạo diễn xuất sắc nhất một lần duy nhất với bộ phim Ran. Bộ phim lịch sử này của Kurosawa còn có tên ở 3 hạng mục khác tại mùa giải năm 1986 nhưng lần lượt thua cuộc trước Prizzi's Honor của đạo diễn John Huston và Out of Africa của Sydney Pollack.

MY LIFE AS A DOG (1987)

Đạo diễn người Thụy Điển Lasse Hallström là người tiếp nối các đồng hương nổi tiếng của ông có được 2 đề cử Oscar cho Đạo diễn và Kịch bản chuyển thể với bộ phim chính kịch về tuổi mới lớn có tên My Life as a Dog. Bộ phim không thắng giải nhưng Lasse Hallström sau đó cũng được Hollywood chào đón với các bộ phim thành công như What's Eating Gilbert Grape và The Cider House Rules.

THREE COLOURS: RED (1994)

Đạo diễn người Ba Lan Krzysztof Kieślowski thực hiện một bộ ba kinh điển có tên là Three Colours, nhưng ông chỉ được đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất với phần cuối trong bộ ba là Red. Phim này cũng có thêm hai đề cử khác cho Kịch bản và Quay phim xuất sắc nhất lần thứ 67 (1995).

IL POSTINO: THE POSTMAN (1995)

Il Postino: The Postman - bộ phim nói tiếng Ý xuất sắc của đạo diễn Michael Radford và Massimo Troisi giành 5 đề cử Oscar năm 1996, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn , Kịch bản và Nam chính cho Massimo Troisi. Đây là tác phẩm hư cấu kể về mối quan hệ đặc biệt giữa nhà thơ Chile Pablo Neruda và một người đưa thư rất yêu thơ.
Tuy nhiên, bộ phim thua cuộc trước đối thủ Braveheart của Mel Gibson ở hầu hết các hạng mục quan trọng, bao gồm Phim và Đạo diễn xuất sắc nhất tại mùa giải Oscar lần thứ 68.



Michelle YeohBản quyền hình ảnhREX FEATURES
Image captionNgọa hổ tàng long - bộ phim kiếp hiệp nói tiếng Hoa của đạo diễn người Đài Loan Lý An

LIFE IS BEAUTIFUL (1998)

Ý là một trong hai nước (cùng với Pháp) có nhiều đề cử và chiến thắng Oscar nhất ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
Năm 1999, tại mùa giải Oscar lần thứ 71, tác phẩm về chủ đề diệt chủng Do Thái Life is Beautiful của đạo diễn, diễn viên Roberto Benigni được khán giả khắp thế giới yêu thích và Oscar cũng không ngoại lệ. Bộ phim giành được 7 đề cử Oscar bao gồm Phim hay nhất và Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, và thắng 3 giải cho Phim nói tiếng nước ngoài, Nam chính xuất sắc cho Roberto Benigni và Nhạc nền xuất sắc nhất.

CROUCHING TIGER, HIDDEN DRAGON (2000)

Ngọa hổ tàng long - bộ phim kiếp hiệp nói tiếng Hoa của đạo diễn người Đài Loan Lý An lập kỷ lục khi có được 10 đề cử Oscar tại mùa giải lần thứ 73 (2001). Bộ phim chiến thắng 4 giải, bao gồm Phim nói tiếng nước ngoài, Quay phim, Nhạc nền và Thiết kế bối cảnh.
Lý An lần đầu tiên được đề cử Oscar hạng mục Đạo diễn nhưng thua cuộc trước Steven Soderbergh với bộ phim Traffic và thua Gladiator giải Phim hay nhất. Tuy nhiên, sau đó Lý An 2 lần chiến thắng Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với Brokeback Mountain và Life of Pi.

TALK TO HER ( 2002)

Dù đã vài lần được đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trước đó, nhưng mãi đến Talk to Her - bộ phim tâm lý kỳ lạ của đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodóvar giúp ông có 2 đề cử Oscar cho Đạo diễn và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Almodóvar sau đó thua cuộc trước Roman Polanski với giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim The Pianist, nhưng ông cũng được an ủi phần nào với giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc.

CITY OF GOD (2003)

Bộ phim về tội phạm đường phố của đạo diễn người Brazil Fernando Meirelles được xem là một kiệt tác của điện ảnh hiện đại. Bộ phim này giành được 4 đề cử Oscar lần thứ 76, bao gồm Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể, Quay phim và Dựng phim xuất sắc nhất. Tuy nhiên, hầu hết các hạng mục của của City of God đều thua cuộc trước The Lord of the Rings: The Return of the King của Peter Jackson.



Scene from the film City of God, Leandro Firmino can be seen second from rightBản quyền hình ảnhREX FEATURES
Image captionThành phố của Chúa ra mắt năm 2002

THE DIVING BELL AND THE BUTTERFLY (2007)

Bộ phim nói tiếng Pháp của đạo diễn Julian Schnabel - The Diving Bell and the Butterfly với diễn viên Mathieu Amalric vào vai nhà báo, nhà văn có thật Jean-Dominique Bauby, người phải ngồi trên xe lăn sau một cú đột quỵ và bị liệt toàn thân đã gây tiếng vang tại mùa giải Oscar năm 2008 khi có 4 đề cử cho Đạo diễn, Quay phim, Kịch bản chuyển thể và Dựng phim xuất sắc nhất. Cả bốn hạng mục này đều thua cuộc trước hai đối thủ quá mạnh là No Country for Old Man của anh em nhà Coen và There Will Be Blood của Paul Thomas Anderson.

AMOUR (2012)

Bộ phim dành 5 đề cử Oscar quan trọng bao gồm Phim hay nhất, Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Đạo diễn và Kịch bản cho Michael Haneke và Nữ chính xuất sắc nhất cho Emmanuelle Riva.
Cuối cùng, kiệt tác về tình yêu tuổi già của Michael Haneke thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, nhưng thua Argo của Ben Affleck ở giải Phim hay nhất và thua Lý An (phim Life of Pi) ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.
Kể từ Amour, chưa có bộ phim nói tiếng nước ngoài nào được đề cử giải Phim hay nhất, cho đến khi Roma của Alfonso Cuaron xuất hiện tại mùa giải năm nay.
Tuy nhiên, Roma cũng bỏ lỡ cơ hội làm nên lịch sử tại giải Oscar vừa công bố vào tối 24/2 (sáng 25/2 giờ Việt Nam.)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét