Đoàn tầu bọc thép chở lãnh đạo Bắc Triều Tiên
Kim Jong Il sang thăm Nga, ngày 20/08/2011.REUTERS/Yuri Maltsev
Nếu tổng thống Mỹ có Air Force One và « quái thú » the Beast, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có xe lửa bọc thép. Kim Jong Un có thể sẽ vượt qua 4.100 km bằng tầu hỏa từ Bình Nhưỡng, qua Bắc Kinh để đến Đồng Đăng - biên giới Việt-Trung - rồi chuyển sang đường bộ để đến Hà Nội, nơi diễn thượng đỉnh Trump-Kim lần hai (27-28/02/2019).
Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim Jong Un công du nước ngoài bằng xe lửa, nhưng đây sẽ là hành trình dài nhất, mất khoảng 2 ngày rưỡi.
Bề ngoài đoàn tầu đặc biệt của gia đình nhà Kim trông rất bình thường, được sơn xanh đậm, có sọc vàng chạy dọc thành toa. Nhưng con tầu gây ấn tượng về số toa - khoảng 20 đến 25 - tất cả đều được bọc thép, cửa sổ được lắp kính sậm, có hai đầu máy kéo và lừng lững tiến với tốc độ không quá 60 km/giờ vì lớp bọc thép quá nặng. Konstantin Pulikovsky, cựu đại diện toàn quyền của tổng thống Putin ở vùng Viễn Đông, cho rằng con tầu là do Nga sản xuất, còn theo giới quan sát Hàn Quốc, các toa tầu đã được tân trang hiện đại ở Nhật Bản.
Tiện nghi Tây phương trong con tầu Xã hội Chủ nghĩa
Khác với vẻ ngoài đơn giản, bên trong con tầu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một thế giới xa hoa, được trang bị tối tân và không thiếu bất kỳ thứ gì của phương Tây. Trong tấm ảnh chụp bên trong con tầu nhân một chuyến thăm Bắc Kinh của Kim Jong Un, người ta có thể thấy bộ ghế sofa mầu hồng, được lắp dọc toa tầu nơi đón tiếp báo giới.
Tiện nghi và thoải mái đến mức Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, đã rong ruổi trên con tầu trên tuyến đường sắt Xuyên Siberi trong suốt 24 ngày vào mùa hè 2001 để đến thăm Matxcơva và sau đó trở về Bình Nhưỡng.
Trong cuốn Express orient (Phương Đông tốc hành : Đi xuyên nước Nga với Kim Jong Il), ông Konstantin Pulikovsky, cựu quân nhân Nga và là đại diện toàn quyền của tổng thống Putin ở Viễn Đông vào thời điểm đó, tháp tùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hành trình trên, kể lại những bữa tiệc tối kéo dài nhiều giờ, đầy rượu vang Bordeaux và ca hát rộn ràng với những nữ nhân viên trẻ đẹp trên tầu.
Ngoài ra, con tầu còn được trang bị một trung tâm phát điện diesel và đồ điện tử hiện đại. Trên tầu, lãnh đạo Bắc Triều Triên sử dụng điện thoại vệ tinh, truy cập internet và máy tính đời mới kết nối với mạng nội bộ để vẫn có thể kiểm soát đất nước khi ông vắng mặt. Trong toa xe văn phòng của nhà lãnh đạo, có hai màn hình lớn : một màn hình thường xuyên chiếu phim và các cuộc diễu binh mà vị chỉ huy quân đội ưa thích, còn trên màn hình thứ hai luôn hiển thị bản đồ điện tử chỉ rõ vị trí đoàn tầu, cùng với thông số dự báo thời tiết và tình hình kinh tế ở các vùng mà tầu chạy qua. Còn theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, trên tầu có rất nhiều phòng họp báo, phòng ngủ và màn hình phẳng.
Vẫn theo tác giả cuốn Express orient, « Kim Jong Il là người sành ăn. Ở trên tầu, hoàn toàn có thể yêu cầu bất kỳ món ăn nào, như của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hoặc là Pháp ». Đi kèm với ẩm thực là những két rượu Bordeaux, Bourgogne...
Thậm chí, Kim Jong Il sử dụng máy tính MacBookPro, theo thông tín viên của Les Echos ở Nhật Bản. Toa tầu và toàn bộ vật dụng nơi Kim Jong Il qua đời được giữ nguyên và trưng bày tại khu lưu niệm trong Cung điện Mặt Trời Kumsusan (nơi yên nghỉ lãnh đạo gia đình nhà Kim) ở Bình Nhưỡng. Người ta có thể thấy dưới bàn làm việc của Kim Jong Il là chiếc máy mát-xa chân. Gần những chiếc ghế bằng da sáng mầu là dàn hi-fi của Nhật. Trong một góc toa tầu là đôi giầy cao cổ mầu đen, đế giầy được nâng cao một chút và chiếc áo khoác cũ mầu kem mà Kim Jong Il mặc vào hôm qua đời 17/12/2011.
Gia đình họ Kim có sáu đoàn tầu sang trọng và tối tân như vậy để thay thế. Ngoài ra, theo Chosun Ilbo, trích nguồn tin tình báo Hàn Quốc, 19 nhà ga được thiết kế riêng cho « Tuyếnđường nhà Kim » để các lãnh đạo đi thị sát đời sống người dân, thăm các đơn vị quân đội và nhà máy, « ngắm nhìn đất nước qua ô cửa sổ » - thực tế hơn và gần gũi hơn là đi máy bay, theo giải thích của cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Ưu tiên tầu hỏa : Đam mê cha truyền con nối của nhà Kim
Thực ra, cha của Kim Jong Un sợ đi máy bay. Tầu hỏa là phương tiện an toàn và chắc chắn hơn. Chứng sợ máy bay của Kim Jong Il có lẽ xuất phát từ sự kiện, vào năm 2004, một đoàn tầu chở dầu và hóa chất phát nổ tại Ryongchon, gần biên giới với Trung Quốc, khiến khoảng 160 người chết và 1.300 người bị thương.
Do vụ nổ xảy ra chỉ ba giờ sau khi một trong số các đoàn tầu của Kim Jong Il chạy qua khu vực, nên có những đồn đoán rằng đây là một âm mưu ám sát. Vì vậy, các biện pháp đảm bảo an ninh lại càng được tăng cường hơn.
Tờ Chosun Ilbo nhắc lại là mỗi chuyến công du của lãnh đạo Bắc Triều Tiên không chỉ có một đoàn tầu, mà gồm ba đoàn. Đoàn tầu thứ nhất chở khoảng 100 quân nhân làm công tác tiền trạm, kiểm tra an ninh, tránh mọi sự cố kỹ thuật trên hành trình. Đoàn tầu sang trọng ở giữa chở lãnh đạo Bắc Triều Tiên, người thân, quan chức cao cấp và cận vệ, thường cách chuyến thứ nhất từ 20 phút đến khoảng 1 giờ. Đoàn thứ ba đảm bảo an ninh phía sau và chở nhân viên an ninh bổ sung, thực phẩm và phương tiện truyền thông. Mỗi khi chuyến đi được lên kế hoạch, khu vực dọc hành trình sẽ bị phong tỏa 24 giờ trước khi ba đoàn tầu chạy qua.
Nhưng có lẽ niềm tin và niềm đam mê tầu hỏa của dòng họ Kim bắt nguồn từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bị rơi vào tình thế khó khăn trên chiến trường, Kim Nhật Thành đã về được đại bản doanh nhờ tầu hỏa và ông tiếp tục sử dụng phương tiện này sau khi đình chiến. Kể từ đó, xe lửa đồng nghĩa với an toàn cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, không sợ đi máy bay, nhưng vẫn chuộng di chuyển bằng xe lửa. Bốn lần đến thăm Bắc Kinh (2018, 2019), Kim Jong Un đều đi xe lửa. Tại sao lại chọn xe lửa, trong khi Kim Jong Un có thể đi máy bay ?
Giáo sư Gueorgui Toloraia, đứng đầu Trung tâm vì chiến lược Nga ở châu Á, thuộc Viện Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giải thích với Sputnik (2018) : « Việc này hoàn toàn mang tính biểu tượng. Ngược lại với cha mình, Kim Jong Un không hề sợ bay. Đi xe lửa sang Trung Quốc, đó là muốn thể hiện sự tiếp nối và khẳng định ông Kim Jong Un vẫn theo dấu vết cha ông ».
Thêm vào đó, « Kim Jong Un tương tác khá nhiều với báo chí bằng công nghệ quan hệ công chúng. Máy bay hạ cạnh và không ai nhận ra điều đó, nhưng với xe lửa, tất cả mọi người cầm máy quay chạy theo khi tầu tới cũng như khi tầu đi. Đây là một chiến thuật tốt ».
Nếu đến Đồng Đăng (Việt Nam) bằng xe lửa trong hành trình dài khoảng 60 giờ, Kim Jong Un vẫn chưa đánh bại được kỉ lục của người cha Kim Jong Il, đến Matxcơva (2001) bằng xe lửa trong 24 ngày.
***
(Tổng hợp France 24, BFM TV, Les Echos, Sputnik, AP, Chosun Ilbo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét