Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

11658 - Vì sao ông Trump háo hức muốn gặp lại ông Kim?



Cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội là lần thứ hai hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau


Tổng thống Mỹ Donald Trump nóng lòng muốn ghi thêm thắng lợi ngoại giao để hướng đến một giải Nobel Hòa bình với sự tin tưởng rằng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của ông với ông Kim Jong Un sẽ giúp ông đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên – đó là lý do ông Trump muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, theo nhận định các chuyên gia.
Tuy nhiên, việc ông Trump quá nôn nóng có thể dẫn đến những kết quả bất lợi cho phía Mỹ trong khi bị lọt vào bẫy của nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên, các chuyên gia cảnh báo.
Quan hệ cá nhân tốt đẹp?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang háo hức trông đợi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ca ngợi mối quan hệ ‘thật sự có ý nghĩa’ giữa ông với ông Kim và khẳng định rằng ông Kim đã sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của ông.
Tuy nhiên, ở Washington, gần như ông Trump là người duy nhất có suy nghĩ như vậy.
Nhiều quan chức trong chính quyền Trump, bao gồm những cố vấn hàng đầu của ông Trump, thì ít hào hứng hơn. Một vài người trong số họ đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc gặp ở Hà Nội lần này sẽ không đem lại kết quả gì lớn lao. Họ cũng lo lắng rằng một khi ông Trump nôn nóng có được thắng lợi nào đó trên trường quốc tế, ông ấy sẽ đưa ra những nhượng bộ lớn để đổi lại những lời hứa rỗng tuếch về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tờ Politico dẫn lời các quan chức trước đây và đương nhiệm của Nhà Trắng cho biết nỗ lực tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhì gần như hoàn toàn xuất phát từ bản thân ông Trump. Ông Trump đã không tiếc lời ca ngợi những ‘lá thư tuyệt vời’ mà ông nhận được từ ông Kim cũng như ‘mối quan hệ tốt đẹp’ mà ông đã xây dựng với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ thậm chí còn khoe khoang với người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc điện đàm hôm 19/2 rằng ông ‘là người duy nhất có thể đem lại tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên’ và than phiền về những bản tin không tốt đẹp trên báo chí về nỗ lực này của ông, theo một nguồn tin được tóm tắt về nội dung cuộc điện đàm này.
Nội bộ chính quyền ông Trump cũng có những quan ngại về Thượng đỉnh Hà Nội lần này, không chỉ đến từ những người hoài nghi chẳng hạn như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn lâu nay vẫn phản đối việc tiếp cận ngoại giao với Bình Nhưỡng mà còn đến từ những nhân vật không ngờ chẳng hạn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, người phụ trách lãnh đạo các cuộc đàm phán của phía Mỹ. Ông Pompeo đã bày tỏ sự bực bội với các đồng minh về những tiến triển chậm chạp trong quá trình đàm phán và lên tiếng quan ngại rằng tổng thống của ông sẽ bị nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên ‘chơi gác’.
“Trong nội bộ chính quyền không hề có sự lạc quan,” ông Ian Bremmer, nhà sáng lập và chủ tịch của Eurasia Group, một viện nghiên cứu chiến lược, nhận định. “Ông Pompeo tỏ ra hết sức hoài nghi rằng chúng ta có thể đạt được cái gì đó thực chất về phi hạt nhân hóa từ phía Kim Jong Un, và Pompeo tin rằng Bắc Triều Tiên chỉ đang chơi trò câu giờ.”
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Bolton đã tuyên bố thẳng thừng rằng Bắc Triều Tiên không hề tôn trọng thậm chí là lời cam kết mơ hồ của họ là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên’ mà họ đưa ra trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái. Kể từ đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xây dựng một số căn cứ tên lửa bí ẩn mà họ chưa bao giờ thừa nhận là có tồn tại.
Những hoạt động tiếp diễn của Bắc Triều Tiên ở những cơ sở hạt nhân bí mật được tiết lộ trong một bản báo cáo chi tiết do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố. Ông Victor Cha, vốn từng là một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia và là người phụ trách bản báo cáo này, nói rằng ông và các đồng sự của ông đã đưa vào bản báo cáo này rất nhiều hình ảnh chi tiết với hy vọng nó sẽ khiến cho Tổng thống Trump, vốn có tiếng là không thích đọc, chú ý. Nó cũng đã được ông Trump chú ý đến khi ông lên Twitter mạt sát về một bài báo trên tờ New York Times tóm tắt bản báo cáo: “Bài báo trên New York Times về việc Bắc Triều Tiên xây dựng căn cứ tên lửa là không chính xác,” ông Trump viết. “Chúng tôi hoàn toàn biết về những căn cứ được nêu tên – không có gì mới mẻ cả - và không có gì bất thường xảy ra cả. Chỉ là một tin giả nữa được tung ra. Tôi sẽ là người đầu tiên cho quý vị biết nếu mọi việc trở nên tồi tệ.”
Giảm kỳ vọng
Chính quyền Trump cũng giảm nhẹ những trông đợi cho cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới. Hôm 21/2, các quan chức Mỹ cao cấp nói với các phóng viên rằng mặc dù Bình Nhưỡng đưa ra cam kết giải trừ hạt nhân hồi tháng Sáu năm ngoái, hai phía vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa và liệu ông Kim có cam kết thực hiện nó hay không. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh lần này, theo lời một quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ, một phần sẽ tập trung vào việc ‘xây dựng hiểu biết chung về thế nào là phi hạt nhân hóa’.
“Tôi không biết liệu Bắc Triên Tiên đã quyết định phi hạt nhân hóa hay chưa,” vị quan chức này cho biết. Ông Trump đã nói hồi đầu tuần rằng mặc dù ông không khẩn trương đạt được thỏa thuận về vấn đề này, ông tin rằng rốt cuộc thì Bình Nhưỡng cũng sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân.
Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn trên đài NBC hôm 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã không đặt hy vọng cao lắm cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. “Tin tốt là họ đã không tiến hành thử hỏa tiễn hay thử hạt nhân trong vòng hơn một năm do đó chúng ta đang ở tình huống tốt hơn so với khi chính quyền Trump lên nắm quyền, nhưng như tổng thống đã nói hôm qua và cũng như chính quyền lâu nay vẫn nói thì đây là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn,” ông trần tình.
Tuy nhiên, các quan chức khác trong chính quyền đã công khai nói ngược lại với lập trường lạc quan của ông Trump về ý định của ông Kim. Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats và Giám đốc CIA Gina Haspel phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện hồi tháng trước rằng ‘không có khả năng Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ’. “Chế độ này kiên quyết phát triển tên lửa tầm xa có mang đầu đạn hạt nhân vốn sẽ đặt ra mối đe dọa trực tiếp với Hoa Kỳ,” bà Haspel nói.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tỏ vẻ miễn cưỡng nói chuyện với bất cứ quan chức Mỹ nào ngoại trừ với chính ông Trump. Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông Stephen Biegun, đã rất vất vả thuyết phục Bình Nhưỡng làm việc trực tiếp với ông mãi cho đến cuối tháng 12 năm ngoái.
“Nếu các quan chức ở cấp độ làm việc đạt được những gì họ muốn thì tôi cũng cảm thấy thật sự phấn khởi nhưng Bắc Triều Tiên biết rằng họ có thể có được thỏa thuận tốt hơn từ Tổng thống Trump, do đó họ muốn nói chuyện với ông ấy hơn,” ông Cha nhận định.
“Bắc Triều Tiên về cơ bản không nói chuyện với ai ngoài ông Trump. Họ không chịu làm việc với ông Biegun, họ không chịu làm việc với ông Pompeo, cho nên nếu có bất kỳ chuyển động nào, thì nó chỉ xảy ra ở cấp độ đó mà thôi,” một cựu quan chức chính quyền Mỹ được Politico dẫn lời nói. “Thượng đỉnh Hà Nội có khả năng đem lại kết quả tốt bởi vì nó có thể phá vỡ thế bế tắc. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump sẽ muốn tuyên bố thắng lợi và tất cả những người khác sẽ cảm thấy nản vì không có gì thật sự thay đổi cả.”
Các nhà lập pháp ở Điện Capitol cũng không hề lạc quan hơn các quan chức chính quyền. Một số vị dân biểu của cả hai đảng hồi cuối tháng 1 đã đưa ra dự luật ‘Hậu thuẫn Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc’ vốn cấm Lầu Năm Góc giảm quân số đồn trú ở Hàn Quốc xuống dưới 22.000 trừ phi Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận trước Quốc hội rằng việc này không hề tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Sự đồn trú của gần 30.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc đã là vấn đề khiến ông Trump lưu tâm. Chính ông đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc soạn thảo kế hoạch giảm quân số trên bán đảo Triều Tiên chỉ vài tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore với lập luận rằng Hoa Kỳ phải gánh chịu phí tổn quá nhiều trong việc bảo vệ Hàn Quốc. Các chuyên gia và các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng Tổng thống Trump sẽ có những thỏa thuận với ông Kim mà không hề tham khảo các cố vấn.
Hành động này cũng đe dọa sẽ gây chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc vốn đã dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh trong hàng chục năm qua.
Tại cuộc gặp ở Singapore, ộng Trump đã bốc đồng đồng ý ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc – một hành động được xem là hết sức có lợi cho Bắc Triều Tiên và Trung Quốc – điều mà Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là ông John Kelly đã miễn cưỡng thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Jim Mattis.
Mặc dù các quan chức trong chính quyền Trump đã nói rằng việc rút quân không là vấn đề được đưa ra trong nghị trình, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra.
“Hai ngày là khoảng thời gian rất dài để ngồi tại đó, và tôi lo rằng ông Trump, không bị ai kiểm soát, sẽ nói với ông Kim rằng việc rút quân nằm trong số các vấn đề được đưa ra bàn bạc,” bà Sue Mi Terry, một chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại CSIS, nói.
Hiệp định hòa bình?
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này ở Hà Nội, các cố vấn của ông Trump hy vọng rằng họ sẽ đưa ra được một lộ trình giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Trump dường như tỏ ra hứng thú hơn với việc tuyên bố chấm dứt bảy thập niên chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, tờ New York Times nhận định trong bài báo có tiêu đề ‘Hiệp định Hòa bình và Giải Nobel Hòa bình dường như là những điều cám dỗ ông Trump’.
Mặc dù hai mục tiêu này không mâu thuẫn nhau nhưng chúng có thể dẫn đến một cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được đưa lên những dòng tít báo mang tính lịch sử nhưng không có tác dụng thúc đẩy mục tiêu then chốt của Mỹ là loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tờ New York Times cho biết.
Mặc dù các quan chức Mỹ hôm 20/2 nhấn mạnh rằng giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là ‘mục tiêu bao trùm’ của ông Trump nhưng bản thân ông Trump mới đây đã nói rằng ‘ông không vội buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ.’ Trong số các kết quả khả dĩ của cuộc gặp ở Hà Nội là một thỏa thuận trao đổi hiệp định hòa bình đổi lấy cam kết của Bình Nhưỡng mở cửa và tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân và tên lửa của họ.
Chính thức chấm dứt chiến tranh là một mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn theo đuổi vì nó sẽ giúp giảm sự cô lập của họ và làm gia tăng sức ép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào họ. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra một số vấn đề rắc rối cho phía Mỹ, trong đó có việc liệu nó có đẩy nhanh quá trình Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc hay không – một viễn cảnh mà ông Trump rất thích.
"Điều mà tôi lo lắng là tổng thống sẽ muốn có hòa bình hơn hết – hơn cả mục tiêu phi hạt nhân hóa,” ông Scott A. Snyder, một chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.
Chính quyền Trump vẫn chưa bàn bạc với Bình Nhưỡng về việc rút khoảng 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc về nước, tờ New York Times dẫn lời hai quan chức cấp cao cho biết, vào các cố vấn hàng đầu của ông Trump đồng lòng phản đối việc này. Trong tháng này, ông Trump nói ông không có kế hoạch làm điều đó mặc dù ông lưu ý rằng chi phí để duy trì quân đội là quá tốn kém. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: “Có lẽ một ngày nào đó, ai mà biết được?”
Vào lúc ông Trump chuẩn bị gặp lại ông Kim, vai trò của ông Trump như là người kiến tạo hòa bình rõ ràng đang đè nặng trong đầu ông.
Tổng thống Mỹ đã không hề giấu diếm ông tin rằng ông đáng nhận giải Nobel Hòa bình nhờ nỗ lực tiếp cận ngoại giao với ông Kim. Ông nói ông đã có công chấm dứt các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong hơn một năm qua.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore mà Tổng thống Trump đã tuyên bố mạnh miệng là ‘có tiến bộ lớn’ nhưng không hề có bằng chứng gì về phi hạt nhân hóa, chính quyền Trump đã nhấn mạnh rằng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao của ông.
“Ở Tổng thống Trump, nước Mỹ có một nhà lãnh đạo mà có cam kết sâu sắc và mang tính cá nhân hơn bất kỳ tổng thống nào trước đây về việc chấm dứt một lần và vĩnh viễn cuộc chiến và sự thù địch kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên,” ông Stephen E. Biegun, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, phát biểu hồi tháng trước tại Đại học Stanford.
Hiệp định ngưng chiến vào năm 1953 có sự ký kết của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và một tướng Mỹ đại diện cho Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc. Tất cả các bên này đều phải ký kết hiệp định hòa bình. Trung Quốc ủng hộ hiệp định hòa bình vì nó sẽ tạo điều kiện để Mỹ giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á.
Tuy nhiên, vấn đề đối với ông Trump là ông sẽ nhận được gì từ phía Bắc Nhưỡng nếu đồng ý ký hòa ước?
Các nhà phân tích được New York Times dẫn lời nói Bắc Triều Tiên có thể cam kết chấm dứt thử và chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng điều đó về cơ bản bào toàn năng lực hạt nhân của họ.
Họ cũng có thể đồng ý mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên và tháo dỡ một số cơ sở này. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đi rất nhỏ giọt mà còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
“Nếu anh không muốn đàm phán thất bại thì anh phải hạ bớt tiêu chuẩn xuống,” ông Victor Cha tại CSIS nói.
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa cung cấp cho Washington danh mục các cơ sở hạt nhân của họ - một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ kế hoạch giải giáp nào. Các chuyên gia cho rằng họ nghi ngờ ông Kim sẽ đưa ra một danh sách như thế ở Hà Nội.
“Hoàn toàn không có bất cứ chỉ dấu gì – không có gì – cho thấy Bắc Triều Tiên có ý định trở thành một nước khác với họ trước giờ: một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân,” ông Michael J. Green, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại CSIS, nhận định.
Ông Snyder thì lo ngại rằng Tổng thống Trump sẽ đánh đổi mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cho cơ hội giành được giải Nobel Hòa bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét