Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

10671 - ĐCSVN bắt đầu tái lập cơ chế: 'nắm kẻ có tóc'?



Sau sự kiện trừng phạt GS. Chu Hảo vì 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' liên quan đến việc tiến hành xuất bản những đầu sách mà ĐCSVN mặc định là ‘sự nhạy cảm’, hoặc phản ánh không chân thực về chế độ XHCN.

Tiếp đó, trong một động thái có liên quan, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh bị đề nghị xóa tên Đảng viên, vì ông Vinh bỏ sinh hoạt đảng trong nhiều năm. Liên quan đến vấn đề này, trả lời RFA, ông Vinh cho biết, 'chuyện đó bình thường', bởi ông bỏ sinh hoạt từ năm 2014 (ra khỏi đảng) vì ông thấy lý tưởng không còn phù hợp nữa. Cả GS Chu Hảo và ông Huỳnh Tấn Vinh đều đưa ĐCSVN rơi vào một thế khó, hoặc họ lặng lẽ rời Đảng, hoặc họ tuyên bố rời đảng, và phải mất một thời gian sau nữa thì phía cấp ủy đảng mới làm công tác: khai trừ đảng. Và thủ tục này được đánh giá là mang tính hình thức.

Có vẻ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ được nội bộ cấp cao ĐCSVN coi như một nguy cơ lớn nhất trong việc tiến hành chỉnh đốn đảng, thậm chí có lúc nó còn vượt lên cả nguy cơ tham nhũng trong đảng – vốn bị đánh giá là làm suy giảm khả năng chiến đấu của đảng và chế độ đứng trước nguy cơ biến mất. Sự tuyên bố rời đảng cộng sản Việt Nam dù chưa hình thành một trào lưu, tuy nhiên, nó tạo một lỗ hổng dù rất nhỏ - nhưng sẽ là nguy cơ hình thành một xu hướng rời đảng ngày một lớn.

Muốn là lãnh đạo ngay cả trong tổ chức hoạt động nghề nghiệp, thì phải là đảng viên. Ảnh: baophapluat
Thay vì chuyển đổi để thích nghi với sự hội nhập quốc tế, và trên hết là mở rộng dân chủ trong đảng, tiến hành các hoạt động chống tham nhũng dưới sự cởi mở về quyền dân sự - chính trị, thì ĐCSVN lại tiến hành chống tham nhũng bằng quy định của đảng, và thực hiện chỉnh đốn đảng bằng cách tập trung vun vén quyền lực tuyệt đối của đảng. Nói cách khác, các hiện trạng ban hành luật liên quan đến quyền dân sự - chính trị vừa qua như Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, hay việc tiến hành loại bỏ xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc khỏi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa qua. Hoặc những phát ngôn mang tính bất lực, thậm chí là có xu hướng ‘bất lực trước tham nhũng’ từ những cán bộ cấp cao như, ‘có ông 14-15 sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết’ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) hay ‘cán bộ cấp cao không được để vợ con sống xa hoa, phô trương, lãng phí’ (Trưởng ban tổ chức T.Ư Phạm Bình Minh) gây bàng hoàng dư luận.

Nhưng gia tăng quyền lực của ĐCSVN là xu hướng chủ đạo, trọng tâm thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng, và mới đây, trong một thông tin được Facebooker Nguyen Viet Thang chia sẻ trên mạng xã hội cho hay, ĐCSVN sẽ tiến hành hoạt động cho thôi chức với cấp phòng nếu không phải là đảng viên, điều này được cho là nhằm tuyệt đối hóa sự lãnh đạo của ĐCSVN ở từ cấp cơ sở. Cũng theo nguồn tin này, chỉ tính riêng báo Thanh Niên, Tiền Phong đã có 13 suất bị buộc phải rời đi khỏi vị trí lãnh đạo. Sự can thiệp sâu này cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng ôm mộng quay trở lại thời huy hoàng của ĐCSVN vào thập niên 60-70 của thế kỷ XX, với khẩu ngôn ‘hồng hơn chuyên’.
13 nhà báo của báo Thanh niên vừa bị thôi chức vì không phải đảng viên

Sáng nay, 23.11.2018, báo Thanh niên đã họp và công bố sự thay đổi trong hầu như tất cả các phòng ban. Có 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/phó phòng đã được “thôi chức” vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam:

Ban Chính trị - Xã hội: Thanh Tùng - Phó ban Ban Văn Nghệ: Thu Nga - Trưởng ban; Bích Hạnh và Đỗ Tuấn - Phó ban Ban Giáo dục: Thùy Ngân - Phó ban Ban Thể thao: Quang Huy - Phó ban Ban Công tác Bạn đọc: Trần Thanh Bình - Phó ban Ban Mạng Xã hội: Kim Trí - Trưởng ban (Kim Trí trước là Trưởng ban Chính trị- Xã hội); Thu Thủy - Phó ban Tòa soạn tiếng Anh: Thế Vinh - Thư ký tòa soạn Ban Phóng viên Báo Điện tử: Thành Trung - Phó ban Phòng Tài vụ: Nguyễn Tuấn - Phó phòng Phòng Quảng cáo: Quỳnh Na - Phó phòng.

Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã “tự cho thôi chức” một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình vì không phải Đảng viên.

Nguồn: FB Khanh Nguyen
Sẽ thật khó để đáng trước ĐCSVN sẽ chống tham nhũng như thế nào, hoặc ngăn chặn sự hủ hóa trong đảng ra sao. Nhưng với phương châm ‘phổ cập đảng viên trong nhóm lãnh đạo’ nó càng làm gia tăng sự vào đảng gắn liền với lợi ích hơn là lý tưởng, và càng tạo ra lằn ranh lựa chọn giữa giới trí thức và trí ngủ,… Đến một lúc nào đó, năng lực sẽ đứng sau luồn cúi, và đội ngũ lãnh đạo ‘hồng hơn chuyên’ sẽ gián tiếp phá nát những thứ còn lại bên trong ĐCSVN?.

Ngày 4.11, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại trụ sở Trung ương ĐCSVN: 'Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái' trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 2021 – 2026. Và cán bộ cấp chiến lược sẽ là ‘hồng hơn chuyên’? Nếu như thế, mầm mống của lạm quyền – tham nhũng sẽ được ươm mầm sau 1 thời gian ngắn bị trấn áp tạm thời.  

Ghi chú: 'Hồng' là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản. 'Chuyên' là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét