Bé Trần Lê Thanh Hà (phải) và mẹ, chị Lê Thị Khanh, cùng em gái. Hình: fb Thích Ngộ Chánh
Ngày 15/10/2018, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an TP. HCM gửi giấy triệu tập (Lần 1) cho bé Trần Lê Thanh Hà, 13 tuổi, đến với lý do nêu ra nhằm hỏi về việc có liên quan đến người cha, ông Trần Thanh Phương.
Bà Lê Thị Khanh, thân mẫu của bé Trần Lê Thanh Hà, cho biết ông Trần Thanh Phương bị công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bắt giữ hôm 1/9/2018 do tham gia biểu tình phản đối Dự luật đặc khu hôm 10/6/2018 tại khu vực trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Bà cho biết con gái của bà bị an ninh triệu tập là vì một video clip được tải trên mạng:
Tối ngày 1/9/2018, bé Trần Lê Thanh Hà có quay một clip bằng điện thoại di động trước phường do lo sợ ba bị tra tấn ở phường, đồng thời trong điện thoại của bé cũng có hình công an đến nhà buổi sáng. Do đó công an phường tịch thu điện thoại của bé và nói rằng công an mới đến nhà buổi sáng mà có hình trên mạng rồi.
Luật sư Hà Huy Sơn, vị luật sư thường nhận bào chữa cho các nhân vật bất đồng chính kiến, từng tham gia bào chữa cho một số vụ án chính trị lớn ở Việt Nam cho biết về trường hợp bé Thanh Hà:
Việc đó thì phải có người bảo hộ, tức bố mẹ, người nhà hoặc thầy cô giáo đi giám sát cùng. Phải từ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. 14 tuổi tính cho đến ngày có hành vi bị cho là phạm tội.
Bé Thanh Hà sinh tháng 3/2015, tức chỉ mới 13 tuổi.
Trao đổi với Luật Sư Đặng Đình Mạnh về trường hợp trẻ 13 tuổi mà nhận giấy triệu tập có xảy ra nhiều hay không, ông nói "Rất tiếc về vấn đề bạn hỏi thì tôi không có con số thống kê để trả lời được. Nhưng tôi nghĩ không nhiều đâu. Vì trẻ 13 tuổi mà phạm pháp thì cũng hiếm hoi lắm."
Không dám đưa con lên công an
Trò chuyện với RFA qua điện thoại vào tối ngày 2/11/2018, bà Khanh cho biết đã mất niềm tin khi công an nói chỉ triệu tập người chồng lên làm việc một lúc rồi về, nhưng giam luôn mà không gửi bất cứ một giấy thông báo nào. Rồi khi thu điện thoại của cháu Thanh Hà cũng hẹn ngày hôm sau trả mà rồi cũng giữ luôn.
Bà Khanh nói rõ nay không dám cho con đến cơ quan công an làm việc vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bé. Bà cho biết Công an đến nhà hăm dọa là nếu để gửi giấy triệu tập lần hai, lần ba mà không lên thì sẽ bị cưỡng chế; khiến bà rất phân vân.
Bản thân bà cũng được biết tình trạng người dân chết trong đồn công an một cách bất minh. Vào năm 2015, Bộ Công an từng có báo cáo thừa nhận trong 3 năm, từ 2011 đến 2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại trạm giam, với lý do được công an đưa ra là do bệnh lý, do tự sát. Từ năm 2015 đến nay chưa có số liệu chính thức được công bố, nhưng một số nguồn thống kê không chính thức cho biết năm 2017 đã xảy ra 13 vụ người dân chết khi bị giam giữ tại đồn công an.
RFA liên lạc với Cơ quan Điều tra trên giấy mời nhiều lần nhưng không ai trả lời điện thoại.
Về ông Trần Thanh Phương được biết ông là thành viên của nhóm hoạt động có tên ‘Hiến Pháp’. Tôn chỉ của nhóm này được nói giúp nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền cũng như các quyền chính trị và dân sự.
Tổ chức có tên Human Rights Defenders vào ngày 29 tháng tư dẫn phát biểu của một thành viên trong nhóm Hiến Pháp rằng họ có kế hoạch biểu tình ôn hòa vào ngày 4/9/2018 để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tham nhũng có hệ thống, sự nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc cũng như nạn ô nhiễm môi trường khắp nơi trên cả nước.
Tuy nhiên khi kế hoạch chưa được thực hiện thì lực lượng chức năng ratay bắt giữ 9 thành viên vào ngày 1/9/2018. Đến nay, đã có ba thành viên của nhóm ‘Hiến Pháp’ bị khởi tố.
Đó là ông Huỳnh Trương Ca bị Công an tỉnh Đồng Tháp khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hôm 14/9 với cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước VN”.
Hai người khác gồm ông Ngô Văn Dũng và Hồ Văn Cương bị truy tố về tội “phá rối an ninh”. Tuy nhiên người nhà của ông Ngô Văn Dũng bác bỏ nói ông này không phải thành viên của nhóm Hiến Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét