“Đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có câu nhấn như gửi gắm một thông điệp trong phần trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan hôm 2-11. (Hoặc có thể đây chỉ là sự tình cờ ‘cố ý’ của bộ phận biên soạn văn kiện cho việc trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP).
Chấm dứt ‘cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp’
Sau phần nghi thức mang tính thủ tục đó, ông Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ thuyết minh thêm về việc tham gia CPTPP. Rất khôn khéo, Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dạo đầu bằng ngôn ngữ thuần tuyên giáo đảng (trích): “Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau (…).
Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế”.
Ảnh minh họa. |
Hàng loạt các nội dung tiếp theo mang tính chuyên môn hẹp của các vấn đề liên quan công pháp quốc tế, về chính sách thuế khóa, chính sách lao động, cán cân mậu dịch… Các đại biểu quay về thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Dưới góc độ pháp lý, việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình CPTPP trước ‘bá quan văn võ’ ở Quốc hội là bất ngờ vì điều đó ít nhiều mâu thuẫn với định hướng lâu nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp” [Nguồn: http://bit.ly/2yKMx7y].
Nếu kỳ họp này Quốc hội phê chuẩn CPTPP thì xem ra Quốc hội sẽ rất bận rộn cho hàng loạt việc xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với những cam kết CPTPP. Trong đó, Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất cho mọi điều chỉnh.
Tác động của địa chính trị?
Các giao ước ở CPTPP được thực hiện giữa các chính phủ mà không có sự can thiệp của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Đây cũng chính là điều mà Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rất khôn ngoan khi sử dụng cách nói: “Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” (nguồn đã dẫn)
Thể chế chính trị mà ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại nghị trường nằm ở Điều 2, Hiến pháp 2013: Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Lâu nay, đảng cộng sản Việt Nam căn cứ vào Điều 4.1 của Hiến pháp để mặc định cho quyền lực “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong lúc đó, Điều 4.3, Hiến pháp lại giới hạn “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Thế nhưng đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có luật về các đảng phái chính trị. Bởi như lời nhận xét của giáo sư Chu Hảo trong bản thông báo rời bỏ đảng cộng sản ở tuần cuối tháng 10 vừa rồi, “đảng không có chính danh để lãnh đạo”.
Như vậy sắp tới đây nếu Quốc hội phê chuẩn CPTPP, thì tư cách là Chủ tịch nước – đồng thời cũng là Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương (đây là cơ quan giữ vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị), ông Nguyễn Phú Trọng phải trả lời được ít nhất một câu hỏi, là tại sao một ngân sách công vốn cần được dùng cho các chính sách cộng đồng, lại phải gánh chịu chi phí hoạt động và lương bổng cho cả một hệ thống chính trị từ Đảng, Hội, Đoàn được xem là cánh tay nối dài của đảng, chứ không phải là những tổ chức xã hội – dân sự thuần túy như cách hiểu chung của CPTPP?
11 quốc gia thành viên CPTPP gồm có Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tính đến thời điểm này, có nhiều kỳ vọng tiếp tục đặt ra từ tác động về địa chính trị trong CPTPP, vì chỉ có duy nhất Việt Nam là quốc gia theo thể chế độc đảng toàn trị và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam không có tính độc lập, mà buộc phải chịu sự phụ thuộc vào các tổ chức của đảng, mặt trận tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét