Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

10157 - Đạo đức xuống cấp xuất phát từ kinh tế?



Những căn nhà vách tôn dọc bờ kênh, phía xa là những tòa nhà cao tầng. Ảnh chụp tại Sài Gòn. Những căn nhà vách tôn dọc bờ kênh, phía xa là những tòa nhà cao tầng. Ảnh chụp tại Sài Gòn. AFP


Khi bị chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sáng 30/10/2018 về vấn đề đạo đức xuống cấp, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ cái gốc, đó là kinh tế.
Phát biểu này của ông Nguyễn Ngọc Thiện gây nhiều tranh luận ngay sau đó và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét đây là vấn đề thú vị để tranh luận, xem kinh tế đi trước hay đạo đức, văn hoá cần chú trọng đầu tiên.
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói rằng bà cũng có nghe ông Bộ trưởng nói câu đó và theo bà thì “có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức lắm, kinh tế chỉ là một phần thôi. Chẳng hạn như không có điều kiện ăn học thì ảnh hưởng đến nhận thức, giáo dục và đạo đức.”
“Đạo đức” là một từ dùng nói lên tính cách và giá trị của một con người với các quy tắc ứng xử phù hợp trong gia đình và xã hội, hợp với đạo lý và phong tục của cộng đồng. Những thành ngữ như “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” hay “Phú quý sinh lễ nghĩa” liệu có nói lên sự liên hệ giữa kinh tế và đạo đức hay không?
Giáo dục đóng vai trò quyết định
Theo một giảng viên tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM thì lễ nghĩa ở đây không phải là đạo đức. Đạo đức xuống cấp không phải vì kinh tế, nếu có thì chỉ chiếm một phần rất nhỏ vì ngày xưa nghèo đói vẫn lễ nghĩa hơn bây giờ rất nhiều.
Ông nhận định “Kinh tế chỉ đóng một phần rất nhỏ. Ngày xưa còn nghèo đói hơn bây giờ rất nhiều nhưng người ta vẫn kính trên nhường dưới. Ra đường có va quẹt xe cũng nhường nhịn nhau chứ có đâu như bây giờ. Theo tôi nghĩ thì đạo đức xuống cấp như bây giờ thì điều đầu tiên là do giáo dục. Không giáo dục được cho con người có bản lĩnh để giữ vững bản thân trước những cám dỗ, ảnh hưởng bên ngoài và cách hành xử trong xã hội. Thứ hai là do các chính sách, cách thi hành luật pháp không nghiêm minh.”
Cô Trần Thanh Mai, sinh viên trường Đại học Sư Phạm TP. HCM thì đưa ra nhận định rằng một đất nước có nền kinh tế mạnh không có nghĩa đạo đức xã hội ở mức cao. Cô dẫn chứng Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng đạo đức xã hội ở Trung Quốc lại có rất nhiều vấn đề. Cô giải thích thêm:
“Vì nền giáo dục của Trung Quốc trọng kiến thức mà không trọng dạy kỹ năng sống, và đạo đức cho học sinh. Thế mới thấy giáo dục mới chính là yếu tố quyết định đạo đức con người. Song, yếu tố kinh tế vẫn có vai trò nhất định trong việc hình thành đạo đức con người, rộng hơn là đạo đức xã hội.”
Đề nghị của Bộ trưởng Văn Hóa
Khi ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng đạo đức xã hội xuống cấp xuất phát từ cái gốc kinh tế, ông cũng không quên nói thêm rằng “Nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ lĩnh vực kinh tế sang một bên thì không được. Gốc rễ là do kinh tế, tồn tại xã hội cũng là do cái gốc là kinh tế".
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thật sự không hiểu ý ông Bộ trưởng khi ông đề cập đến kinh tế khi giải quyết vấn đề trên, bởi nếu ông Thiện là Bộ trưởng về mảng kinh tế hay mảng luật pháp thì có thể hiểu được ông muốn điều chỉnh cách quản lý về kinh tế hay những luật liên quan đến kinh tế. Nhưng đằng này ông Nguyễn Ngọc Thiện lại là Bộ trưởng về văn hóa thì định làm gì bên kinh tế?
“Tôi nghĩ ông Bộ trưởng thừa hiểu câu chuyện nó là thế nào, chắc ý ông ấy muốn nói về việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Khi mở cửa hơn về kinh tế thì kéo theo những hành xử, hành vi của con người cũng cởi mở hơn. Cái xấu cái tốt dễ dàng bộc lộ” - Bà nói thêm.
Với cái nhìn của một sinh viên ngành sư phạm về hiện thực xã hội, cô Trần Thanh Mai lấy ví dụ nền kinh tế bao cấp của miền Bắc Việt Nam trước đây nằm ở mức kém phát triển, kéo theo đó là đời sống nhân dân khổ cực, nảy sinh ra nhiều tệ nạn.
Với thực tế xã hội hiện nay, cô Thanh Mai nhận xét rằng: “Rất nhiều lãnh đạo hiện nay đang nhìn vấn đề một cách phiến diện dẫn đến những quyết sách sai lầm. Thực tiễn lịch sử, đã cho thấy thời gian qua, nhiều lãnh đạo chú tâm làm kinh tế, giáo dục về kinh tế mà bỏ quên giáo dục về đạo đức con người. Làm kinh tế cũng chẳng tới đâu, để rồi cái mà chúng ta đang thấy là một xã hội kém về kinh tế yếu về đạo đức.”
Không phải đến bây giờ vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng mới được đặt ra. Năm 2014, trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết số 33 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Với câu nói của Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện rằng sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ cái gốc, đó là kinh tế, vị giảng viên trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM nhấn mạnh: “Có nhiều lý do nhưng rõ ràng không phải xuất phát từ kinh tế như ông Bộ trưởng nói. Một Bộ trưởng mà phát biểu như vậy thì rõ ràng là không đủ tầm để làm Bộ trưởng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét