Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1947, máy bay Hughes – chiếc máy bay lớn nhất từng được chế tạo – đã được điều khiển bởi nhà thiết kế Howard Hughes trên chuyến bay đầu tiên và duy nhất của nó. Được chế tạo từ gỗ dán bạch dương và vân sam, chiếc máy bay bằng gỗ đồ sộ có sải cánh dài hơn một sân bóng đá và được thiết kế để chở theo hơn 700 người ra mặt trận.
Howard Hughes là một nhà sản xuất phim Hollywood thành công khi ông thành lập Công ty Máy bay Hughes vào năm 1932. Ông đích thân kiểm tra chiếc máy bay tiên tiến do chính ông thiết kế và năm 1937 đã phá kỷ lục thời gian bay xuyên lục địa. Năm 1938, ông bay vòng quanh thế giới trong một khoảng thời gian kỷ lục là ba ngày, 19 giờ và 14 phút.
Sau khi Mỹ tham gia vào Thế chiến II năm 1941, chính phủ Hoa Kỳ đã ủy thác cho Công ty Máy bay Hughes chế tạo một chiếc tàu bay lớn có khả năng chở quân lính và vật liệu trên một quãng đường dài. Ý tưởng về cỗ máy mà sau đó trở thành “Spruce Goose” ban đầu được hình thành bởi nhà công nghiệp Henry Kaiser, nhưng Kaiser đã sớm rời khỏi dự án, để Hughes và nhóm nhỏ của ông biến H-4 trở thành hiện thực. Do hạn chế về thép trong thời chiến, Hughes quyết định chế tạo chiếc máy bay từ gỗ được ép với nhựa và phủ bằng vải. Mặc dù được chế tạo chủ yếu từ gỗ bạch dương, việc sử dụng gỗ vân sam (cùng với màu xám trắng của nó) sau này sẽ mang lại biệt danh Spruce Goose (Ngỗng Vân Sam) cho chiếc máy bay. Nó có sải cánh dài 320 feet (97,5m) và được trang bị tám động cơ cánh quạt khổng lồ.
Việc chế tạo Spruce Goose tiêu tốn một khoản tiền đáng kể là 23 triệu USD và mất nhiều thời gian đến nỗi chiến tranh đã kết thúc vào thời điểm nó được hoàn thành vào năm 1946. Chiếc máy bay bị nhiều người gièm pha, và Quốc hội yêu cầu Hughes chứng minh khả năng bay của chiếc máy bay này. Vào ngày 02 tháng 11 năm 1947, Hughes buộc phải đưa nguyên mẫu chiếc H-4 tới Cảng Long Beach, California cho một chuyến bay thử không được thông báo trước. Hàng ngàn người đã đến xem chiếc máy bay trượt trên mặt nước và đã rất ngạc nhiên khi Hughes nâng cỗ máy khổng lồ bằng gỗ của mình lên cao hơn 70 feet (21m) so với mặt nước và bay một dặm trước khi hạ cánh.
Mặc dù chuyến bay đầu tiên đã thành công, Spruce Goose không bao giờ được đưa vào sản xuất, chủ yếu là do các nhà phê bình cho rằng khung gỗ không đủ để hỗ trợ trọng lượng của nó trong các chuyến bay dài. Tuy nhiên, Howard Hughes, người ngày càng trở nên lập dị và rút lui sau năm 1950, đã từ chối bỏ bê điều mà ông cho là thành tựu lớn nhất của mình trong lĩnh vực hàng không. Từ năm 1947 cho đến khi ông qua đời vào năm 1976, ông giữ nguyên mẫu chiếc Spruce Goose sẵn sàng để bay trong một nhà chứa máy bay lớn, được kiểm soát khí hậu với chi phí 1 triệu USD mỗi năm. Ngày nay, Spruce Goose được đặt tại Bảo tàng Hàng không Evergreen ở McMinnville, Oregon.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét