Quy định “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất ở Việt Nam ký ban hành ngày 25/10/2018.
Quy định gồm 4 Điều và 19 nội dung là văn bản được coi để lấy lại niềm tin trong nhân dân qua xây dựng và chỉnh đốn hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của đảng, gọi văn hoa là cấp “chiến lược” từ trung ương đến địa phương.Nhưng văn kiện cứu đảng khỏi tan quan trọng đầu tiên của ông Trọng trong vai trò Chủ tịch nước, sau khi ông được Quốc hội bỏ phiếu bầu ngày 23/10/2018, lại “đầu voi đuôi chuột” không đi đôi giữa nói và làm của chính ông.Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 ngày 02/10/2018, ông Trọng nói: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Vậy ông có ý cứu đảng ra sao, ông Trọng đưa ra sáng kiến: “Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này . Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”.
Nói thì mạnh đáo để nhưng khi Quy định ban hành thì cả 2 nội dung, mỗi phần chỉ còn lại 8, tổng cộng là 16 “nội dung”, thay vì 18 như tuyên bố của ông Trọng.
Ba (03) nội dung còn lại ở phần cuối chỉ tập trung vào “tổ chức thực hiện” của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Mặt trận Tổ quốc; Ban Tổ chức Trung ương.
TRUNG THÀNH VỚI XÁC CHẾT
Trách nhiệm phải gương mẫu tiên quyết, theo khoản 1 là phải: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”.
Nói cách khác, phải sống chết với chủ nghĩa phá sản Cộng sản và phải bảo vệ tư tưởng của Mác-Lênin và Hồ Chí Minh là những con người từng sống và hưởng thụ trên xác chết của hàng triệu người dân vô tội, kể cả người Việt Nam.
Sau đó, trong khoản 2, mọi người phải cam kết trước tiên “Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng” rồi sau mới đến “đất nước và nhân dân”. Điều này đích thực đã đặt quyền lợi đảng CSVN trên quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân.
Sau đó, đến khoản 7 thì phải: “Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
Tòan là những chữ sáo rỗng mà mọi người sống trong chế độ CSVN đã phải nghe đi nghe lại từ khi ông Hồ Chí Minh còn sống mà có thấy cán bộ giảm tham ô đâu. Nếu tính từ thời ông Hồ dạy cán bộ ở thập niên 50 thì bây giờ cũng đã gần 70 năm mà tham nhũng thì lúc nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng” thì ai cần, ai không kiệm?
PHÊ BÌNH VÀ TỪ CHỨC
Đến khoản 8 thì Quy định đòi phải: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Đọc qua có lẽ nhiều người có kinh nghiệm “tự phê bình và phê bình” trong các cuộc họp đảng từ chi bộ trở lên phải tủm tỉm cười vào mũi ông Tổng Trọng. Bởi vì chuyện bày ra chỉ toàn làm cho có lệ, hình thức để báo cáo cho đẹp lòng nhau thôi. Những “nể nang”, “chín bỏ làm mười” hay “nay người mai ta”, hoặc “cùng là đồng chí, đồng hội mà hại nhau thì còn mặt mũi nào mà nhìn mặt nhau” v.v… vẫn nở rộ, lan rộng và ăn sâu, mọc rễ trong đảng chả bao giờ thay đổi được. Không tin cứ đến hỏi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng để xin tài liệu “lười học nghị quyết” về mà đọc.
Còn cuyện bảo “các quan” nên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” thì có đi ngược đầu cũng chưa xẩy ra, trừ khi những người ấy là Thánh.
Hãy lấy chuyện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị phiếu tín nhiệm thấp nhất của Quốc hội làm tỷ dụ.
Theo kết quả được công bố ngày 25/10/2018, trong 48 chức danh được lấy phiếu, ông Nhạ đã bị 137 phiếu “tín nhiệm thấp”, hạng bét trong số người được Quốc hội phán xét.
Nếu ở các nước có truyền thống bảo vệ nhân cách và trọng danh dự thì người như ông Nhạ đã cúi đầu, khoanh tay xin lỗi nhân dân trước Quốc hội và tuyên bố xin từ chức.
Ngược lại, ông Nhạ còn vênh váo nói với báo chỉ ở Hà Nội rằng: “Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.
“Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo” (theo VnExpress, ngày 25/10/2018).
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng từng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”. (VOV, ngày 06/07/2018).
Ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nghe rõ chưa mà còn ngây thơ cụ bảo kẻ dưới quyền hãy “chủ động xin từ chức”!
CHỐNG AI-CHỐNG GÌ?
Bây giờ xin bàn tiếp đến Điều 3, cũng chỉ có 8 “nội dung” thay vì 9 như ông Trọng hứa trước Hội nghị Trung ương 8.
Nội dung trong Điều 3 buộc các “Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:
1) Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
2) Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
3) Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
4) Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.
5) Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.
6) Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.
7) Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.
8) Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
ĐẦU TO – ĐÍT BÉ
Như vậy là tuyệt nhiên trong phần cam kết chống sống còn này của đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo gồm các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương không thấy giống những gì báo đài đảng đã viết khi Quy định còn trong vòng lấy ý kiến.
Những nhóm chữ quan trọng và được chú ý nhiều trong dân đã biến mất trong Quy định chính thức như: “Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập”, “tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; “Không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài”;
Hay: “Chống lợi dụng Doanh nghiệp hoặc để Doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập “sân sau ”, “lợi lch nhóm”; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với Doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ…”. (Theo Zing và VietNamNet).
Những thay đổi quan trọng này liệu có trùng hợp với việc kê khai tài sản rồi giữ lại nơi cán bộ làm việc hay tổ chức, đảng bộ và nhất định không phổ biến cho dân kiểm soát thì có trơ trẽn và lố bịch không?
Đến Dự Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước đang thảo luận tại Quốc hội còn nhiêu khê kịch cỡm với chủ đích che giấu cho Lãnh đạo và những việc đáng lẽ phải công khai cho dân biết.
Nguyên văn trong Chương II: PHẠM VI, PHÂN LOẠI, DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC, Điều 10 quy định “Phạm vi bí mật nhà nước” đã viết:
1. Trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo;
b) Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
c) Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
d) Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội.
Toàn là chuyện bí mật láo lếu. Nếu không để che đậy, giấu dân và làm cản trở quyền làm chủ đất nước của dân và trốn tránh bổn phận là “đầy tớ của dân” của cán bộ, đảng viên thì viết như vậy với mục đích gì?
Thậm chí “thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước” cũng phải giấu như mèo giấu phân thì ai làm gương cho ai soi, hay đưa ra Quy định làm gương để làm gì?
Hay là ông Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn làm trò cười cho thiên hạ mà không hay, hoặc cái đầu ông thật sự “có vấn đề”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét