Cả xấp tiền bolivar chỉ
mua được một khúc xương. Ảnh chụp tại một hàng thịt ở Maracaibo, Venezuela ngày
26/07/2018. REUTERS/Marco Bello
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy
thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến
cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ giảm
đi 18% trong năm 2018.
Thay đế giày mất bốn
tháng lương
Khi biết rằng phải trả đến bốn tháng lương để sửa lại đôi
giày cũ, ông José Ibarra, giáo sư đại học ở Venezuela nổi giận. Ông kể lại chuyện
này trên Twitter. Người thầy 41 tuổi viết : « Tôi không xấu hổ khi phải nói ra
điều này : chính với đôi giày này mà tôi đi đến trường đại học trung ương
Venezuela (UCV) để dạy học. Lương giáo sư đại học của tôi không đủ để thay đế
giày ». Kèm theo dòng chữ là tấm hình một đôi giày mocassin màu đen, đế đã bị bong
ra.
Tin Twitter này đã được chia sẻ 10.000 lần, được 5.400 «
like » và khoảng 1.000 bình luận.
Dù đôi giầy đã mòn vẹt, giáo sư José Ibarra không có cách
nào khác là phải mang để đi đến trường đại học chính của đất nước, giảng dạy
cho những người làm công tác xã hội tương lai. Có bằng tiến sĩ về y tế cộng đồng,
giáo sư Ibarra lãnh lương 5,9 triệu bolivar một tháng, tương đương…1,7 đô la
trên thị trường chợ đen. Số tiền này chỉ vừa đủ để mua một ký lô thịt, tại đất
nước mà sức mua tan nhanh như bọt nước do tình trạng siêu lạm phát.
Người thợ sửa giày đòi tiền công 20 triệu bolivar, một số tiền
gấp ba, bốn lần lương tháng giảng viên. Anh thợ Lluvia Habibi giải thích, giá
cao như vậy vì các nhà cung cấp nguyên liệu liên tục tăng giá. Anh nói : « Người
ta có thể dùng keo dán giày đi tạm, nhưng không ai mua nổi một cặp đế giày cả,
vì giá lên tới 20 đến 30 triệu bolivar ».
Từ lúc đăng những dòng chữ ngắn ngủi trên Twitter, giáo sư
Ibarra đã được những người hảo tâm tặng cho những đôi giày, cũ có mới có, quần
áo, tiền bạc và hàng trăm tin nhắn ủng hộ. Ông bèn thành lập một phong trào
mang tên « Những đôi giày của nhân phẩm » để hỗ trợ các đồng nghiệp.
Người giảng viên đại học thổ lộ với AFP : « Tin Twittter tôi
viết là một sự bùng nổ phẫn nộ. Tôi cứ ngỡ rằng vì ít có người theo dõi nên chẳng
ai đọc, nhưng rốt cuộc tôi lại nhận được 12 đôi giày, kể cả tiền mặt và một số
áo quần. Tôi lập ra phong trào này vì quà tặng vẫn tiếp tục được gởi tới ».
Giáo sư Ibarra giữ lại hai đôi giày để dùng, còn lại ông
mang tặng các đồng nghiệp. Số tiền được các mạnh thường quân gởi cho, ông sẽ
chia sẻ cho các giáo sư khác đang rất cần để mua thực phẩm. Ông cho biết : «
Nhiều đồng nghiệp thường bị ngất xỉu vì đói ăn ».
Từ ba tuần qua, các giảng viên đại học luân phiên đình công
để đòi tăng lương. Công nhân viên ngành y tế, điện lực, người về hưu…cũng đòi
tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Siêu lạm phát 1 triệu
phần trăm
Sở dĩ giày của giáo sư José Ibarra mau hư vì không có xe
buýt, thầy cô phải đi bộ một quãng đường xa đến trường. Khoảng 90% phương tiện
chuyên chở công cộng ở Venezuela đã bị tê liệt, do giá phụ tùng thay thế quá
cao, không thể nào mua nổi. Những người có trách nhiệm về giao thông giải thích
như vậy, nhưng chính phủ lại quy cho họ là « phá hoại ».
Thực phẩm, thuốc men và rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thông dụng
khác từ lâu đã trở nên hiếm hoi, và nếu có cũng ngoài tầm tay với. Một cặp kính
giá 1 tỉ bolivar (300 đô la theo giá chợ đen), một ký tỏi 32 triệu bolivar (10
đô la), trong khi lương tối thiểu chỉ có 1,5 đô la/tháng.
Theo báo cáo của các trường đại học Venezuela, hiện nay có đến
87% dân số sống trong tình trạng nghèo khó. Hàng triệu người đã phải di cư sang
nước khác kiếm sống, trong đó có nhiều giáo viên. Một trong những người may mắn
hiếm hoi mà AFP gặp được, Marcos Salazar, giáo viên 31 tuổi cho biết anh sống
sót nhờ làm đến ba việc khác nhau và có người thân ở nước ngoài gởi tiền về
cho.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy
thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến
cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ
giảm đi 18% trong năm 2018, tệ hơn dự kiến hồi tháng Tư là giảm 15%.
Ông Alejandro Werner, một trong những người có trách nhiệm của
định chế đặt tại Washington cho biết : « Với tỉ lệ lạm phát lên đến 1.000.000%,
tình hình Venezuela tương tự với đế chế Đức năm 1923, hoặc Zimbabwe vào cuối những
năm 2000 ». Được biết trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1923, đồng mark Đức từ
4,2 mark đổi được 1 đô la, do siêu lạm phát, 1 triệu mark mới đổi được 1 đô la
và đến cuối năm thì 1 đô la = 4,2 triệu mark !
Ông Werner kết luận : « Venezuela đang lún sâu vào một cuộc
khủng hoảng sâu sắc về kinh tế và xã hội ». Trong năm 2018, quốc gia dầu lửa
này sẽ bị suy thoái ở mức hai con số, và như vậy đã thụt lùi suốt ba năm liền.
Năm 2017, tỉ lệ suy thoái là -16,5%, nhưng năm nay còn trầm trọng hơn.
Có đến 96% thu nhập ngân sách của Venezuela là từ dầu thô.
Tuy nhiên trong vòng một năm rưỡi qua, sản lượng dầu đã giảm ít nhất phân nửa,
do không có tiền mặt để tu sửa, hiện đại hóa các giếng dầu. Tổ chức các nước xuất
khẩu dầu lửa mới đây tiết lộ, sản lượng dầu của Venezuela hiện nay khoảng 1,5
triệu thùng dầu một ngày, thấp nhất kể từ 30 năm qua.
Bỏ 5 số không trên giấy
bạc mệnh giá mới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tố cáo việc đưa một lượng lớn tiền
vào lưu thông, làm lạm phát càng thêm phi mã. Tuy nhiên mức độ chính xác của dự
báo đến đâu chưa rõ, vì định chế gồm 189 thành viên không thể gởi phái đoàn đến
Venezuela thẩm định từ năm 2004, mà chỉ nhận được những dữ liệu rời rạc. IMF từ
đầu tháng Năm đã yêu cầu Caracas phải cung cấp những dữ liệu kinh tế chính xác,
nếu không có thể bị khai trừ.
Cũng theo Alejandro Werner, dù tỉ lệ lạm phát 1,2 triệu phần
trăm hay 800.000 phần trăm cũng không làm thay đổi gì đối với « cuộc khủng hoảng
nhân đạo khổng lồ » của một đất nước thiếu thốn mọi thứ, người dân có nguy cơ
làm mồi cho những chứng bệnh dễ lây nhiễm.
Hôm 25/07/2018, tổng thống Nicolas Maduro loan báo đến ngày
20/8 sẽ đổi sang đơn vị tiền tệ mới, bỏ đi 5 số 0 trên tờ giấy bạc. Henkel
Garcia, giám đốc công ty tư vấn Econometrica cho biết ban đầu chính quyền
Venezuela chỉ định bỏ đi 3 số 0 trên đồng bolivar mà thôi. Nhưng nay khi tuyên
bố bỏ đi 5 số 0, Caracas đã mặc nhiên nhìn nhận tình trạng siêu lạm phát.
Quyết định này sẽ giúp các giao dịch hàng ngày trở nên tiện
lợi hơn. Hệ thống vi tính đang bị quá tải : nhiều siêu thị đề nghị khách hàng
chi trả làm nhiều lần vì giới hạn một lần giao dịch chỉ được tối đa 20 triệu
bolivar. Còn nếu trả bằng tiền mặt thì vô cùng bất tiện. Không có máy rút tiền
nào hoạt động, phải xếp hàng rất lâu để rút được 100.000 bolivar. Mua một cặp
kính phải mất đến 10.000 tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất hiện nay là 100.000
bolivar. Hồi đầu năm 2017, một tờ giấy bạc này mua được 5 ký gạo, còn nay chưa
mua nổi một điếu thuốc lá.
Tuy nhiên ông Henkel Garcia cảnh báo, nếu không cải tổ bề
sâu, thì những tờ giấy bạc mới có ít số 0 hơn cũng sẽ không thọ quá sáu tháng !
Cần phải cứu vãn nền kỹ nghệ Venezuela, hiện nay chỉ hoạt động có 30% công suất,
chấm dứt việc Nhà nước độc quyền giao dịch ngoại hối và giá cả. Bên cạnh đó còn
cần phải tìm được các nguồn tài chính khác, vì tập đoàn dầu khí quốc doanh
PDVSA đang bị Mỹ trừng phạt. Econometrica ước tính mỗi năm phải bơm vào 20 đến
30 triệu đô la, trong vòng hai hoặc ba năm.
Vẫn « kiên định xã hội
chủ nghĩa »
Nhưng một công ty tư vấn khác là Ecoanalitica nhận định,
chính quyền Venezuela sẽ không thay đổi chính sách kinh tế. Những xung đột xã hội
trong những tuần lễ gần đây chỉ là những hoạt động rời rạc, và phe đối lập thì
không có khuôn mặt nào nổi bật – nhiều nhà lãnh đạo đối lập đã phải lưu vong hoặc
đang bị cầm tù.
Chính quyền Caracas nói rằng khủng hoảng kinh tế và siêu lạm
phát là hậu quả của « chiến tranh kinh tế » do cánh hữu Venezuela và Hoa Kỳ tiến
hành để lật đổ ông Maduro.
Tình hình Venezuela làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng.
Chính quyền Colombia vào giữa tháng Sáu ước lượng đã có trên một triệu người
dân Venezuela di cư sang Colombia trong 16 tháng qua. Còn Brazil ước tính mỗi
ngày có 500 đến 1.200 người Venezuela vượt qua biên giới. Trong khi tại châu Mỹ
la-tinh, ngoài Chilê và Pêru, dự báo tăng trưởng đều giảm, khó thể cưu mang
thêm người tị nạn.
Đặc biệt tại quốc gia cộng sản là Cuba, sau bốn thập niên
kiên định với nền kinh tế quốc doanh, Chủ nhật tuần rồi Quốc Hội nước này đã nhất
trí thông qua dự thảo Hiến Pháp mới, công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tân Hiến
Pháp sẽ được đưa ra tranh luận trong dân từ ngày 13/8 đến 15/11 và sau đó sẽ tiến
hành trưng cầu dân ý để trở thành chính thức.
Tuy bản dự thảo gồm 224 điều vẫn khẳng định « tính chất xã hội
chủ nghĩa » của hệ thống chính trị Cuba, nhưng cụm từ « xã hội cộng sản » đã biến
mất. Nguồn dầu lửa rẻ như cho của người láng giềng hào hiệp Venezuela đang cạn
dần, chừng như các nhà lãnh đạo Cuba đã trở nên thực tế hơn.
Còn Venezuela thì tuyên bố, vẫn « kiên định xã hội chủ nghĩa
» !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét