Tâm Don (VNTB)
Ảnh minh họa. |
Mỗi ngày, trên đất nước Việt Nam có hàng trăm chuyện buồn hiện diện. Câu chuyện buồn nhất diễn ra gần đây là cô giáo bắt cả lớp quỳ, và đáp lại, phụ huynh lại bắt ép cô giáo quỳ trả lễ 40 phút. Có lẽ nào quỳ lạy đã trở thành thuộc tính của cả một dân tộc?
Cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước đang hết sức phẫn nộ và buồn bã về sự kiện quỳ ở Bến Lức- Long An. Và sự kiện này cũng đã gây ra tranh cãi kịch liệt về việc ai đúng ai sai, mức độ sai đúng thế nào, nó cũng đã gây ra cơn bão đánh giá về hiện trạng buồn của xã hội Việt Nam nếu không muốn nói là thảm trạng xã hội.
Tất cả mọi người đều cho rằng, phụ huynh sai trái và vô luân, nhưng cũng có một số người không thừa nhận rằng cô giáo bắt học sinh quỳ cũng là một hành xử sai trái phản giáo dục.
Tâm tính hay thuộc tính?
Theo nhà phê bình nghệ thuật Đoàn Nam Sinh, quỳ thể hiện sự tuân phục, yếu thế trước quyền lực của thần linh, vua chúa, tổ tông..., nhưng có khi lại là cách tỏ rõ sự khuất phục trước kẻ dữ, ma quỷ. Buộc ai đó phải quỳ trước mình hoặc là cách thể hiện quyền uy, sức mạnh, hoặc thâm ý, mưu đồ. Phải quỳ thì đã tỏ rõ sự quỵ lụy, mất tư thế, mất tự do,..., mất tất cả. Người dân phải quỳ trước vua quan, thậm chí là chức dịch làng xã là lề thói phong kiến. Địa chủ phải quỳ trước bần cố nông và các ông đội cải cách.
Ông đau đớn đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu trí thức đã quỳ ? Có bao nhiêu thầy cô từ trên chí dưới, từ học viện đến lớp vỡ lòng, mẫu giáo phải quỳ ?”, rồi ông đớn đau tự khẳng định: “Muốn tồn tại trong thể chế quái dị này thì phải quỳ”. Cảm xúc nghệ thuật và cảm xúc nhân bản của ông đã thể hiện một nhận định thuần túy lí trí: xã hội Việt Nam hiện tại là một xã hội dị dạng.
Từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân có góc nhìn tỉnh táo và đa diện hơn khi cho rằng :”Cô giáo bị bắt quỳ gối thì mọi người phẫn nộ lên án, nhưng chính một đứa trẻ cũng bị bắt quỳ gối thì mọi người làm lơ và cho là không đáng nói. Vậy một người trưởng thành bị bắt quỳ vì làm một điều sai với một đứa trẻ còn chưa đủ thành niên bị bắt quỳ gối để trừng phạt vì học chưa tốt hoặc làm việc gì đó chưa hợp lý thì ai mới đáng phải được bảo vệ và hành vi nào đáng phải lên án hơn?”
Từ góc độ luật pháo, luật sư Lê Văn Luân khẳng định: “Không một nhà nước hay xã hội văn minh nào mà lại coi hành vi bắt trẻ em, học sinh quỳ gối là chấp nhận được, còn người lớn (nhân danh giáo dục và đào tạo, đầy đủ quyền hành) bị bắt quỳ thì lại là nghiêm trọng hơn. Trong hoạn nạn hoặc trong chính sách phúc lợi thì đứa trẻ được đặt lên đầu tiên, sau đó đến người tàn tật, người già và cuối cùng là mới là phụ nữ. Và trong luật pháp người ta đặt mọi chế độ bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, nên chỉ có luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em chứ không có luật phụ nữ”.
Trượt dốc cán đích mạt vận
Có nhiều người cho rằng, họ không bất ngờ trước sự việc quỳ vừa diễn ra ở Long An, bởi từ lâu họ nhận thức được những điều lạ lùng, quái đản đang diễn ra ở xã hội Việt Nam nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng.
Từ Hà Nội, võ sư – kỹ sư- nhà văn- nhà báo Đoàn Bảo Châu cho rằng, ngày xưa thầy còn đánh vào tay trò và việc phổ biến là bắt trò quỳ lên gai mít nhưngmang cách ứng xử của quá khứ ra để bảo vệ hành vi của cô giáo, điều ấy sẽ dẫn đến sai lầm, bởi mỗi thời đại một khác. Nhìn từ góc độ giáo dục hiện đại, thầy cũng cần tôn trọng trò.
Ông cay đắng nói: “Cô giáo trẻ đã hành động non tay. Nhưng cũng không thể hoàn toàn trách cô giáo bởi trước đấy mấy năm cô này cũng là một học sinh không học hành chu đáo và có tư duy đúng đắn về giáo dục. Mà cũng có thể cô này là học sinh xuất sắc của mái trường XHCN nên chỉ có thế thôi.
Hơn nữa, khi phụ huynh bắt quỳ, cô không nhất thiết phải quỳ. Một lần nữa cô đã hành động quá mức cần thiết”.
Võ sư Đoàn Bảo Châu phán xét về đồng nghiệp của cô giáo bị bắt quỳ: “Đứng đấy mà để đồng nghiệp của mình phải quỳ, không lên tiếng can thiệp, ấy là dạng đồng nghiệp có cũng như không, có mắt như mù, có tai như điếc. Một dạng người vô dụng rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Hãy nhớ không phải là 1 phút mà là 40 phút. Mù và điếc rất lâu đấy chứ”. Ông cũng phán xét về người hiệu trưởng của cô giáo quỳ: “Hiệu trưởng ra chỉ thị "cô không được quỳ" rồi bỏ buông. Có suy nghĩ đúng từ đầu nhưng không chu đáo đến cùng”.
Người võ sư lừng danh Việt Nam đã giành hết sự phẫn nộ cho người phụ huynh bắt cô giáo quỳ: “Còn phụ huynh, là một lũ mất dạy, ngạo mạn, nhất là thằng luật sư đểu còn đắc chí xưng tao. Dạng này văn hoá thấp, hành động bản năng, tưởng là hay nhưng thực ra là một dạng vô văn hoá, thấp kém. Phụ huynh như thằng luật sư này sẽ chỉ dạy con thành lưu manh mà không thể thành một người văn minh. Mà theo logic, những thằng thích đè nén, hạ nhục người khác thì thường hay nâng bi, bưng bô người khác. Chúng làm thế để bù đắp lại lúc phải xoa chân, xoa tay, vẫy đuôi khúm núm thấp hèn với cấp trên”.
Từ Hà Nội, cô giáo Lã Minh Luận cho rằng, cô giáo trẻ dù có giỏi mà liên tiếp hành xử thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết như trên thì không thể nói là giỏi. “Tôi thấy rớm lệ, nhói tim về cách hành xử của cô”, cô giáo Luận nói.
Ngày 07-3, cô giáo Lã Minh Luận khắc khoải viết trên trang Facebook cá nhân của mình: “Về phía nhóm phụ huynh mà đại diện là Thuận, tôi cũng không bàn về sự lộng hành, vô đức, vô pháp của hắn mà tôi nhìn thấy từ hắn hình non thế nước đang trượt dốc cán đích mạt vận... Biết rằng trên đời này, cái gì cũng có thể xảy ra nhưng cách hành xử cực đoan, chửi bới, xỉ nhục, chà đạp lên luân thường đạo lí đối với ngành giáo dục ở Việt Nam đã và đang thành trào lưu phổ biến. Chẳng biết những kiểu dạng phụ huynh như nhóm người của Thuận trong xã hội, họ đang nghĩ họ là ai? Và họ đang xây dựng đất nước hay đang góp phần đẩy đất nước và nền giáo dục nhanh tới bờ vực thảm thương của cái gọi là đạo lí và triết lí giáo dục?
Về phía đại diện nhà trường, vị lãnh đạo cao nhất ấy đã đủ tài đức, bản lĩnh để làm lãnh đạo chưa? Trong mắt tôi thì chưa, không ai hành xử nửa vời và thiếu trách nhiệm với viên chức của mình và lớn hơn là danh dự của trường, của ngành như thế. Dự giờ chỉ là cái cớ để chạy trốn một cách hèn nhát và xuẩn ngốc”.
Sự kiện QUỲ ở Long An là một sự kiện đau xót được thể hiện ở nhiều khía cạnh và góc độ: nỗi đau bị nhục mạ và hắt hủi của các em học sinh, hành xử vô lý và nỗi đau quỳ lạy của cô giáo trẻ, thái độ bàng quan và vô trách nhiệm của tập thể giáo viên nhà trường có học sinh và cô giáo quỳ, sự vô luân và nhẫn tâm của phụ huynh. Đây là một sự đa diện cay đắng, không phải sự đa diện của nhiều chiều cảm xúc.
Sự kiện QUỲ ở Long An sẽ khiến ta đặt ra câu hỏi: Xã hội Việt Nam hiện có đạo đức hay không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần phải biết đến bài tiểu luận Trong Chủ Nghĩa Xã Hội, Đạo Đức Còn Khan Hiếm Hơn Cả Bánh Mỳ của Marian L. Tupy-nhà phân tích chính sách cao cấp tại Center for Global Liberty and Prosperity. Bài tiểu luận này, sau khi chứng minh các sai lầm của chủ thuyết cộng sản, đã kết thúc với nhận định: “Chủ nghĩa xã hội không chỉ được chống đỡ bằng bạo lực, nó còn làm cho người ta thoái hóa về mặt đạo đức. Nói dối, ăn cắp và chỉ điểm là hiện tượng phổ biến và niềm tin giữa người với người đã không còn. Không những không khuyến khích tình huynh đệ giữa người với người, chủ nghĩa xã hội làm cho mọi người đều trở thành đáng ngờ và đầy sân hận.
Tôi đã khẳng định từ lâu rằng, thiệt hại lớn nhất mà chủ nghĩa xã hội gây ra không phải là kinh tế. Mà là tinh thần”.
Đạo đức chỉ nảy sinh và phát triển trong những môi trường luật pháp tiến bộ và nhân văn. Trong những môi trường luật pháp méo mó và phản nhận văn, đạo đức không thể đâm chồi và nảy lộc, còn nhân tính sẽ bị bào mòn. Việt Nam có đạo đức không, câu trả lời thuộc về các bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét