Phạm Chí Dũng - Cali Today
6 tháng sau khi được Tổng bí thư Trọng bổ nhiệm làm “thành viên thường trực Ban bí thư” – một chức vụ không có trong điều lệ đảng, ông Trần Quốc Vượng đã chính thức trở thành Thường trực Ban Bí thư để “thay ông Đinh Thế Huynh đang tiếp tục chữa bệnh dài hạn” – theo một quyết định và diễn giải của Bộ Chính trị vào ngày 2/3/2018.
Quyết định trên không đề cập việc ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương – chức vụ mà ông Vượng nắm từ lúc được bầu vào Bộ Chính trị tại đại hồi 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Với cả hai chức vụ song hành vừa Thường trực Ban bí thư vừa Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Trần Quốc Vượng đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ “số 2 trong đảng” mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy “đảng và nhà nước ta”, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể xem trường hợp Trần Quốc Vượng là một ngoại lệ chính trị từ trước đến nay. Nếu trong thời gian tới ông Vượng vẫn giữ nguyên chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, có thể nhìn rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy Trần Quốc Vượng trở thành “Vương Kỳ Sơn Việt Nam”.
Vương Kỳ Sơn là ủy viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư vào năm 2012 và chủ tịch nước vào năm 2013, Vương Kỳ Sơn đã chính thức trở thành cánh tay mặt của Tập trên mặt trận “đả hổ diệt ruồi”, trở thành nỗi sợ hãi đến mất ngủ của rất nhiều quan chức tham nhũng. Trong thực tế, Vương Kỳ Sơn được đánh giá là nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, chỉ sau Tập Cận Bình. Nhưng Vương Kỳ Sơn còn qua mặt Tập bằng vào kỷ lục số lần bị ám sát hụt.
Ở Việt Nam, chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng chỉ mới thực sự khởi động từ tháng Mười Một năm 2017 với “con hổ” đầu tiên là cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Cũng chưa nghe nói đến một âm mưu ám sát nào nhắm đến Nguyễn Phú Trọng và “Vương Kỳ Sơn Việt Nam”.
Việc chính thức bổ nhiệm Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban Bí thư là nước cờ đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng sau tết âm lịch năm 2018.
Số phận của người vừa được chính thức thôi chức Thường trực Ban Bí thư, dù trong thực tế đã “bị thôi việc” từ cả năm qua – Đinh Thế Huynh – cũng bởi thế đã chính thức an bài.
Nhưng cho tới nay, nguồn cơn vì sao lại có sự chấm dứt có vẻ quá đột ngột đối với sự nghiệp chính trị của ông Huynh vẫn là một bí mật triều chính và cũng là một bí mật lịch sử chính trị đương đại Việt Nam.
Sau đại hội 12 và vào năm 2016, cựu tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh đã trở nên nổi bật trên chính trường khi được xem là “người Bắc, có lý luận” và ứng với vị trí kế thừa chức vụ tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng, dù rằng trong thực tế ông Huynh chưa từng được dư luận đánh giá dù ở mức độ trung bình về thành tích lãnh đạo chính trị, càng không khá trên phương diện điều hành kinh tế – xã hội.
Trên cương vị Thường trực Ban bí thư – vị trí số 5 sau “tứ trụ”, Đinh Thế Huynh hoạt động khá lặng lẽ trong năm 2016. Không có nhiều dấu hiệu chứng tỏ ông Huynh là người có thực quyền hoặc có nhiều ảnh hưởng đối với giới công an và quân đội.
Lần xuất hiện ấn tượng nhất nhưng cũng là lần cuối cùng xuất hiện của Đinh Thế Huynh là vào tháng Mười năm 2016, khi ông Huynh đột ngột có một chuyến công du đến Washington đến gặp Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó là John Kerry. Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến đi này chỉ mang tính thăm dò chủ yếu về Hiệp định TPP và cũng có thể “chúc mừng sớm” tổng thống tương lai của nước Mỹ là bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên, có vẻ chuyến đi Mỹ trên của ông Đinh Thế Huynh đã trở nên vô nghĩa khi Trump bất ngờ giành chiến thắng và trở thành tổng thống Mỹ.
Trở về Việt Nam sau đó, ông Huynh… biến mất.
Trong suốt một thời gian dài từ đầu năm 2017 đến tận Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017, người ta hầu như không nhận ra sự xuất hiện của Đinh Thế Huynh.
Đến tháng 5/2017, chợt có tin ông Huynh “bị bệnh nặng”. Nhiều tin tức không chính thức cho biết ông Huynh có thể đã bị một căn bệnh ung thư, đã phải đi nước ngoài điều trị, sau đó quay trở về Việt Nam và an dưỡng tại ngọc đảo Phú Quốc…
Cần nhắc lại, trước Đinh Thế Huynh, đã có một trường hợp ứng cử viên tổng bí thư bị cho “về vườn” một cách lặng lẽ: Phạm Quang Nghị.
Vào năm 2014, Phạm Quang Nghị – khi đó là Bí thư thành ủy Hà Nội và được dư luận bàn tàn xôn xao về việc “người Bắc, có lý luận” này đã trở thành “thái tử” của Nguyễn Phú Trọng. Tháng Bảy năm 2014, ông Nghị có một chuyến đi âm thầm đến Mỹ. Chẳng biết chuyến đi này có gặt hái được kết quả nào hay không, chỉ biết rằng sau chuyến đi đó, Phạm Quang Nghị đột nhiên mất tăm trên chính trường, cũng chẳng còn ai nói đến “ứng cử viên số một” cho chức vụ tổng bí thư của ông, để cho đến đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Nghị đã chính thức giã từ sân khấu chính trị và được xem là “hạ cánh an toàn”.
Quyết định bổ nhiệm Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban Bí thư còn có thể mang một hàm ý khác rất quan trọng: ông Trần Quốc Vượng được xem là chính thức trở thành ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư đảng, với điều kiện ông Nguyễn Phú Trọng không có ý định sửa Hiến pháp để “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi” như Tập Cận Bình ở Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét